THƠ TUỆ SỸ – TIẾNG GỌI CỦA NHỮNG ĐÊM DÀI HEO HÚT!
Đây là bút ký của thầy Thích Phước An viết về ngài Tuệ Sỹ, mà thầy vừa mới gởi cho tôi chiều qua.
Tôi đã từng, hơn một lần, đọc lại những bài viết hay, viết về ngài Tuệ Sỹ, lúc ngài viên tịch hôm 24.11.2023 vừa qua tại chùa Phật Ân, trong đó có bài này của thầy Thích Phước An – Thơ Tuệ Sỹ, Tiếng Gọi Của Những Đêm Dài Heo Hút. Văn hay thì đọc lại bao lần cũng hay. Đó là chưa kể, đây là một áng văn rất thơ của một nhà sư, viết về một nhà sư.
Thầy Thích Phước An và ngài Tuệ Sỹ, vốn là huynh đệ, gắn bó cùng nhau đã từ lâu lắm trên bước đường tu hành. Thân thiết với ngài Tuệ Sỹ, có lẽ chẳng ai bằng thiền sư Lê Mạnh Thát, cùng các huynh đệ của ngài, trong đó, có một người luôn kề cận, từ lúc còn gian khó của gần năm mươi năm về trước, cho đến khi ngài mất, đó là thầy Thích Phước An. Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. ( PHẠM HIỀN MÂY)
I/ KHỞI ĐẦU CỦA CUỘC LỮ
Lúc ấy là cuối hè 1976, tôi đưa anh Tuệ Sỹ đi Vạn Giã, để anh khởi sự một cuộc đời mới. Anh đi tìm rừng để làm rẫy, dù từ Nha Trang đi Vạn Giã, đường quốc lộ rất bằng phẳng, lại chỉ khoảng chừng sáu mươi cây số, nhưng tôi có linh cảm rõ rệt rằng, đây là chuyến đi gian nan và nguy hiểm nhất của đời anh.
Khi ngồi trên chiếc xe đò cũ kỹ, chậm chạp, tôi cứ nhớ đến bốn câu thơ của Đông Pha, một thi hào đời Tống bên Trung Quốc, mà Tuệ Sỹ đã trích dịch và bình giảng trong tác phẩm Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng của anh:
Hai thứ tóc người đi ngoài bảy ngàn dặm
Một thân côi thác đổ xuống mười tám ghềnh
Nhớ núi Hỉ Hoan đọa đầy viễn mộng
Đất tên Hoàng Khủng lệ khấp cô thần
(Thất thiên lý ngoại nhị mao nhân
Thập bát than đầu nhất diệp thân
Xơ ức Hỉ Hoan lao viễn mộng
Địa danh Hoàng Khủng lệ khấp cô thần)
Theo Tuệ Sỹ, Tô Đông Pha làm bài thơ trên, năm ông năm mươi chín tuổi, trong lúc đang giữ chức Đoan Minh Điện kiêm Thị Độc Học Sĩ, ngoại nhiệm ở Định Châu thì bị giáng chức và đầy đi đến tận đảo Hải Nam. Muốn đến Hải Nam thì phải đi qua đất Cống Châu và sông Cống chảy qua mười tám ghềnh thác đổ. Khi bắt đầu vào Cống Châu thì có một thác nước, được gọi là thác Hoàng Khủng. Tuệ Sỹ giải thích cái thác có tên kỳ lạ ấy: Cái tên đó cũng đủ thấy cái thế tuôn trào xuống của nó. Trong cái kinh hoàng nơi khách địa đó, thơ ông vọng về cố quận khơi vơi.
Trong cách giải thích đó của Tuệ Sỹ, thì ta có thể thấy được rằng, sự hiểm nguy và gian khổ đã bắt đầu quyến rũ anh mất rồi, nhưng đâu phải chỉ có riêng Tuệ Sỹ, mà dường như hầu hết những con người nghệ sĩ tài hoa, cũng đều bị quyến rũ như vậy.
Tôi nhớ có một nhà văn tây phương đã nói một câu bất hủ rằng: Chỉ khi nào đời sống của chúng ta bắt đầu lâm nguy, thì lúc đó chúng ta mới thực sự biết sống. Đúng vậy. Vì phố Hỉ Hoan vẫn có từ bao đời rồi, vậy mà tại sao phải đợi đến lúc đối mặt với thác Hoàng Khủng, có nghĩa là đối mặt với giây phút hiểm nguy nhất thì phố Hỉ Hoan bỗng trở thành nỗi nhớ Tô Đông Pha da diết trong lòng thi nhân? Vì sao?
Tuệ Sỹ giải thích Hỉ Hoan và Hoàng Khủng, tình trong một, mà cảnh tượng đôi bờ. Bên này là những nét kiêu hùng man dại của đất khách. Bên kia là tình nồng đượm của quê hương. Chỗ đó ông gọi là Lao Viễn Mộng. Tất nhiên hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Vì con đường từ Nha Trang đi Vạn Giã, không hề có sông Cống chảy qua mười tám ghềnh thác đổ, nên cũng chẳng có thác Hoàng Khủng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu có thì chỉ có cái thác Hoàng Khủng, đang tuôn chảy bên trong mỗi con người chúng ta mà thôi. Và xét cho cùng thì, cái thác đang tuôn chảy ào ạt bên trong, mới đáng sợ hơn là cái thác Hoàng Khủng bên ngoài, mà Tô Đông Pha đã từng đối diện. Và những năm tháng dài đằng đẵng ấy, tôi nghĩ rằng, bất cứ người Việt Nam nào, ít nhiều, cũng đã từng nghe thác ấy tuôn chảy trong lòng mình.
Tuệ Sỹ cũng vậy. Tôi đoán, thác của anh đổ xuống khốc liệt hơn nhiều. Và tôi cũng biết chắc rằng, anh đã chuẩn bị tinh thần để đối diện với nó từ rất lâu rồi, dù anh biết là phải trải qua nhiều đọa đày: “đọa đày viễn mộng”, bốn chữ ấy vừa kiêu sa vừa cô quạnh, mùa thu và tóc trắng hiện ra những nét vừa khốc liệt vừa man mác.
Có lẽ cũng vì bốn chữ “đọa đầy viễn mộng” ấy mà Tuệ Sỹ đã từ bỏ chức giáo sư cũng như tổng thư ký tạp chí Tư tưởng, cơ quan luận thuyết của Viện Đại Học Vạn Hạnh mà ra đi. Tuệ Sỹ ra đi trong lúc đang được sinh viên Vạn Hạnh cùng báo chí, đều coi Tuệ Sỹ và Phạm Công Thiện, là hai cây bút trẻ lỗi lạc nhất (lúc đó cả hai đều dưới ba mươi) của văn học Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ.
Tuệ Sỹ được xem là quảng bác về Phật học và tư tưởng Đông phương, còn Phạm Công Thiện thì lỗi lạc về triết lý Tây phương. Chính những bài viết của Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ (cả Ngô Trọng Anh nữa), trên tạp chí Tư Tưởng, mới đủ sức thuyết phục một số nhà trí thức trẻ tuổi, trở về với Phật giáo qua Viện Đại Học Vạn Hạnh. Trong số đó, đáng kể nhất là trường hợp cố giáo sư, linh mục Lê Tôn Nghiêm. Lê Tôn Nghiêm là giáo sư triết Tây của các đại học Việt Nam, như Văn Khoa Sài Gòn, Huế và Đà Lạt, và được xem như là người giỏi triết Tây nhất trong các nhà khoa bảng Thiên Chúa Giáo của Việt Nam. Cứ xem những bài viết trên tạp chí Tư Tưởng của Lê Tôn Nghiêm, ai cũng có thể đoán ngay được rằng, thế nào thì ông cũng sẽ từ bỏ Thiên Chúa Giáo trong một ngày không xa. Và lời tiên đoán ấy rất đúng, vào những ngày cuối đời, sống tại Sài Gòn, Lê Tôn Nghiêm đã thờ Phật, ngồi thiền và ăn chay như một Phật tử thuần thành.
Cuối năm 1970, Phạm Công Thiện rời Việt Nam đi Pháp và không trở về nữa. Tuệ Sỹ thay Phạm Công Thiện coi sóc tạp chí Tư Tưởng, nhưng đến năm 1973, thì Tuệ Sỹ cũng ra đi. Từ đó, tờ Tư Tưởng không còn là tờ Tư Tưởng như lúc khởi đầu nữa, mà chỉ toàn là những bài viết, có tính cách giáo khoa, mất hết không khí sáng tạo, giống hệt như các tập cours, dành cho sinh viên học thuộc lòng để cuối năm thi tốt nghiệp vậy.
Tuệ Sỹ viết Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng, vào năm 1970. Nếu nhìn theo cách nhìn của đa số người đời, thì có thể nói, đó là những năm, anh đã có địa vị tri thức lớn trong xã hội, nhưng anh vẫn không hề thỏa mãn với vị trí mà mình có được. Tuệ Sỹ vẫn ray rứt, vẫn đau khổ, vẫn đặt thân phận của mình trong nỗi đau khổ của quê hương đất nước. Trong lời tựa, có đoạn Tuệ Sỹ viết: Những thảm họa lịch sử, và những thảm họa cuồng dại si ngốc của con người, càng lúc càng đổ dồn lên cuộc lữ. Thi đã đổi cách điệu, trở thành âm vang thống thiết của ly tao kinh, cuộc lữ đã trở thành cuộc đầy ải.
Và đúng như Tuệ sĩ đã viết, thì anh đã bỏ hẳn Vạn Hạnh, rời Sài Gòn về nằm hiu hắt trên đồi cao lộng gió của chùa Hải Đức ở Nha Trang. Nhưng chưa đầy hai năm, thì xảy ra biến cố lịch sử 1975. Sau đó, giới trí thức, đều lần lượt ra đi, =====
Tuệ Sỹ cũng vậy, nghĩa là cũng ra đi, nhưng anh có cách đi riêng của anh. Không phải đi đến chân trời góc bể xa xôi nào, mà chính là tại nơi đây, nơi mảnh đất đang quằn quại trong đau khổ này. Anh đã lên đường tìm kiếm chân trời viễn mộng:
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều Đông Hải vẫn thì thầm cùng cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở của Trường Sơn
Tất nhiên có nhiều cách để mỗi người chúng ta bày tỏ và chia sẻ nỗi đau khổ của quê hương, nhưng với tôi, cách lựa chọn của Tuệ Sỹ vẫn là cách lựa chọn đầy can đảm.
Chiều hôm ấy, chuyến xe đò mệt nhọc đưa anh và tôi đến Vạn Giã. Nắng chiều ở những thị trấn nhỏ xa xôi, vốn đã buồn và hiu hắt, nhưng buổi chiều hôm ấy tôi thấy nó lê thê và hiu hắt hơn. Cái nắng chết người cũng đốt cháy tâm hồn Tuệ Sỹ: trên bước đường ngược gió của lữ khách đó, nắng hiu hắt trỗi màu trầm tư tịch mặc, giữa những tàn lụi, hoang phế và băng hoại, là sự chung cục của tất cả trong sự hủy diệt nồng nàn.
Đêm ấy hai anh em nghỉ tại chùa Linh Sơn, một ngôi chùa xưa tịch mịch, nằm sát thị trấn Vạn Giã. Nửa đêm nghe chuyến tàu lửa chạy băng qua sau chùa, lòng tôi vốn đã hoang mang, lại càng hoang mang hơn, khi nghĩ đến con đường dài, mà ngày mai tôi và anh phải lê bước, đen tối và ảm đạm làm sao. Nhưng tôi phải luôn luôn tự tìm lý lẽ, để trấn an lòng mình ngay rằng, gian nan và hiểm trở luôn luôn là điểm hẹn tuyệt vời của những kẻ tài hoa, vì nếu không có gian nan và hiểm trở thì tinh hoa của họ làm sao phát tiết được? Chẳng phải Tuệ Sỹ đã từng viết về một người tài hoa, nhưng phải gánh chịu nhiều bất công oan nghiệt, như thế này hay sao: Đó là đoạn đường gian nan hiểm trở. Trên đoạn đường đó, thơ ông vang lên những tiếng dội lạ lùng, khổ đau cùng cực, trộn lẫn với hào khí ngất trời, nhưng lại đượm những chân tình hoài vọng quê hương.
Và phải chăng cái hào khí ngất trời đó, lại được tiếp nối tại Việt Nam, bởi một con người cũng nhiều đau khổ, nhiều bất hạnh như Tô Đông Pha chăng?
THICH PHUOC AN