CĂN NHÀ GỐM SỨ CỔ  Ở VĨNH PHÚC

Ngày đăng: 13/07/2024 05:40:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Mấy hôm nay, căn nhà của nhà sưu tập Nguyễn Văn Trường lại trở thành tâm điểm sau khi ông vừa mất ở tuổi 63, trước đó, báo chí đã phỏng vấn ông vào năm 2020. Về thăm xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, ai cũng biết căn nhà của ông Nguyễn Văn Trường. Trong nhiều năm, ông là thành viên của Hội Cổ vật tỉnh Vĩnh Phúc và đã không ít lần hiến tặng cổ vật cho bảo tàng tỉnh để bảo tồn và gìn giữ. Căn nhà của hai vợ chồng nổi bật giữa làng bởi hàng nghìn chiếc bát đĩa được đắp nổi khắp xung quanh, từ cổng, cầu thang, bờ tường cho tới các phòng.

Đồ cổ được phủ kín từ những mảng tường lớn bên trong nhà cho đến những chiếc cột nhà, từ phòng khách cho đến nhà bếp, nơi nào cũng xuất hiện những đồ vật nhuốm màu thời gian. Thậm chí, ngay phía bậc thềm bước lên nhà cũng được gắn dày đặc các đồng xu cổ. Nổi bật nhất là khoảng không gian phía trước nhà, cũng là nơi ông Trường đặt bàn uống nước mỗi khi tiếp khách. Theo chia sẻ, những cổ vật “đắt giá” nhất sẽ được trưng bày tại phòng khách. Đó là những chum nước, bình hoa có niên đại nhiều đời cho đến bát đĩa, đồng xu từ xa xưa. Tất cả được ông gắn chặt lại với nhau thành một khối cấu trúc vô cùng lạ mắt. “Trên mảng tường này, có cả những cổ vật từ thời Lý, Trần, Lê… với giá trị rất cao thế nhưng tôi không bán mà để dành ở đây để trưng bày”, ông Trường kể.

Trước đây, ông làm nghề sơn bàn ghế nên có cơ hội được đi đến nhiều gia đình ở nhiều nơi. Trong lần đến nhà một cụ ông, tò mò khi thấy trong tủ có trưng bày nhiều bát đĩa đẹp từ thời xưa, ông Trường đã lần đầu tiên được biết thế nào là đồ cổ. Kể từ đấy, bao nhiêu vốn liếng dành dụm được, ông dành hết vào việc sưu tầm cổ vật ở khắp mọi nơi. “Tôi đi nhiều bắt đầu từ những năm đầu thập niên 80, từ Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu… thậm chí cả trong miền Trung, miền Nam. Cứ dành dụm được ít tiền là tôi lại lên đường đi tìm kiếm và thu mua cổ vật. Ban đầu tôi đi cùng một người bạn, về sau quen rồi nên một mình tôi với cái xe đạp đi khắp nơi. Lúc đấy trên đầu xe đạp lúc nào cũng có tấm biển giấy ghi: Chuyên thu gom bát đĩa cổ”, ông Trường tâm sự.

“Vào khoảng những năm 94, 95, trong một lần đến vùng Na Hang thu mua đồ cổ, vì trời tối mà tôi đâm xe vào đống rơm làm toàn bộ đồ cổ trong cả chuyến đi ấy vỡ hết. Lúc đấy vừa tiếc công, vừa xót tiền, tôi phải nhặt nhạnh lại hết các mảnh vỡ đem về. Trong đầu tôi lúc nào cũng nhen nhóm ý tưởng về một ngôi nhà chứa đầy đồ cổ để khi về giá ngắm nhìn mỗi ngày cho thỏa đam mê. Rồi sau này còn cháu mình có thể thưởng thức những giá trị văn hóa vô cùng ý nghĩa này”, ông Trường kể thêm.

XÂY CĂN NHÀ

Để hoàn thiện được ngôi nhà gắn đầy cổ vật sau 40 năm, ông Trường không chỉ vất cả trong quá trình thực hiện mà luôn phải đối diện với những lời đàm tiếu, dị nghị. Trong suốt 17 năm trời từ khi bắt tay vào công đoạn gắn lên từng mảnh gốm, từng chiếc đĩa, chiếc bát cổ lên nhà, ông không nhận được sự đồng tình, hỗ trợ nào từ vợ con. Ai cũng cho rằng việc làm này là gàn dở, chẳng giống người thường. Chính ông Trường cũng phải tự tìm tòi cách thức làm sao gắn những cổ vật lên trông cho có bố cục, lại đẹp mắt trong khi ông chưa từng học gì liên quan đến kiến trúc hay thiết kế. Để gắn được những cổ vật lên tường với độ chắc chắn như vậy, ông đã phải kì công ngay trong cách trộn vữa. Vữa phải theo tỉ lệ 4 xi măng – 1 cát. Trong đó, cát được chọn phải là loại cát nhỏ, được đãi hết nước đục và đãi liên tục nhiều lần để đảm bảo trường tồn qua năm tháng.

“Mỗi cổ vật đều có một tâm linh, bởi vậy mà luôn cần bảo vệ, lưu giữ chúng để cho con cháu mai sau. Việc xây dựng ngôi nhà với toàn bộ cổ vật sưu tầm suốt gần 40 năm không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê của riêng tôi mà còn để góp một phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Dần dà, vợ con tôi cũng hiểu và đồng tình với việc làm tôi”, ông Trường giãi bày.

DI SẢN

Vợ ông, bà Nga từng nhiều lần trách ông Trường gàn dở lúc còn sống, thậm chí căn nhà còn chưa hoàn thành khi ông mất gần đây. “Đến lúc ông ra đi, tôi vẫn hối tiếc, đáng nhẽ ông sống thêm 1-2 năm nữa để hưởng thụ. Tôi nghĩ thương ông. Đến bây giờ tôi thấy xúc động thành quả chồng tôi tạo ra, nhiều người có tiền cũng không làm được”, bà Nga tự hào.

Căn nhà của ông Trường có tổng diện tích 114 m2, gồm 4 phòng ngủ và một phòng khách. Hiện tại, ngôi nhà được bao phủ trong gần 10.000 đĩa sứ, bát và bình. Rất nhiều hình ảnh độc đáo của căn nhà đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Kể từ ngày ông ra đi, bà Nga là người lau chùi gìn giữ “gia tài” để lại. Hiện chỉ còn mình bà sống trong căn nhà rộng, con cái đều đã lập gia đình, thi thoảng về chơi. Xung quanh căn nhà đều gắn với kỷ niệm, hình bóng của ông ngày còn sống, đối với bà Nga.

“Có người trả 5 tỷ tôi cũng không bán, kể cả chục tỷ cũng không. Tôi muốn hoàn thành tâm nguyện của ông, lưu giữ căn nhà lại cho con cháu sau này”, bà Nga khẳng định.

 

Trích nguồn: Gia Đình và Xã Hội, Độc Lạ Bình Dương

H6

N7

H8

H9

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác