Trần Quốc Toàn ra mắt “Phố hàng thương hàng nhớ”

Ngày đăng: 27/06/2024 09:33:32 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Vốn là một nhà thơ quen biết của thiếu nhi từ nhiều năm qua, Trần Quốc Toàn (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) năm nay tiếp tục tự làm mới mình dù tuổi không còn trẻ nữa với tập truyện, ký “Phố hàng thương hàng nhớ”. Nếu ai đã biết anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội thì không hề ngạc nhiên khi cầm cuốn sách viết về thủ đô với tình yêu nặng lòng.


Nhà văn Trn Quc Toàn ra mt “Ph hàng thương hàng nh

Khi lắng nghe Trần Quốc Toàn tự bạch: “Sinh ở Hàng Ngang, lớn lên ở Hàng Trống, đón sự kiện tiếp quản thủ đô ở ngã tư Hàng Bông – Hàng Gai, Hàng Hòm, Hàng Trống, rồi xa Hà Nội từ phố Hàng Thùng… Bây giờ nhìn về nơi ấy thấy đâu đâu cũng là hàng nhớ, hàng thương! Nhớ quá thì tìm người Hà Nội đang xa Hà Nội mà hàn huyên” thì độc giả cũng đã hiểu cuộc đời anh trải dài từ con phố này đến ngõ nhỏ khác của một Thăng Long ngàn năm văn vật.

Mỗi câu chuyện trong sách đều là một vùng ký ức từ thuở thiếu thời đến khi về già của chính tác giả trong phần ký và các nhân vật hiện hữu trong phần truyện. Nếu viết cho thiếu nhi với văn phong hồn nhiên, dí dỏm, nhiều sáng tạo thì ở đây anh lại hiện ra với một bút pháp chiêm nghiệm, hành văn khúc chiết có chiều sâu về lịch sử và văn hóa. Những gam màu vui tươi đã nhường chỗ cho những trang viết đẫm mồ hôi của người thợ, người thầy nên nét buồn cứ phảng phất trong mỗi con chữ trang văn.

Như một bạn đọc đã nhận xét: “Trong “Phố hàng thương hàng nhớ”, độc giả có thể thấy đó là bóng hình, là đất, là người, có khi lẩn khuất, khi hiển lộ, làm nên một miền hoài nhớ. Một xứ sở có thể là quê hương chung của muôn triệu con người, nhưng đồng thời là một mảnh tình riêng, biến hóa theo ký ức của mỗi cá nhân”. Chắc hẳn độc giả Hà Nội có thêm sự đồng điệu lẫn tự hào khi đọc sách của anh. Nhưng những bạn đọc khác cũng thấy quê hương mình trong đó, thấy nhịp sống 36 phố phường khi đã một lần đặt chân lên mảnh đất Hà thành.

Vốn là một nhà giáo nên “Phố hàng thương hàng nhớ” có rất nhiều câu chuyện liên quan đến nghề gõ đầu trẻ thời xưa và nay. Mỗi câu chuyện là một số phận không chỉ có vui có buồn mà còn có cả niềm đau, sự mất mát về tinh thần lẫn danh dự của con người trong vòng xoáy bể trầm luân. Đáng quý là tất cả đã biết vươn lên để giữ được giá trị 2 chữ con người. Nếu ai đã từng là học sinh và nhất là đứng trên bục giảng thì càng có sự đồng điệu về tâm hồn mỗi khi gấp lại trang sách cuối.

“Phố hàng thương hàng nhớ” là tuyển tập gồm 10 truyện ngắn và 9 bút ký nằm trong gia tài sáng tác lên đến 38 đầu sách của Trần Quốc Toàn, bao gồm cả sáng tác, nhận định và phê bình văn học. Sách do NXB Dân Trí ấn hành năm 2024 gọn gàng, có bìa đẹp từ bức tranh họa sĩ Thành Chương thể hiện sự nâng niu đứa con tinh thần của tác giả ở lần ra mắt này.

Hương Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác