MẠN ĐÀM VỚI NHÀ THƠ NHƯ NGUYỆT

Ngày đăng: 3/06/2024 08:59:28 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Như Nguyệt hiện sống tại Hoa Kỳ, làm thơ viết văn rất bộc trực. Ngôn ngữ trong thơ và tuỳ bút của cô không chải chuốt, gạn lọc, nhưng là những tâm sự, nhận xét và ghi nhận rất đời thường. Dường như cô làm thơ như đang hít thở khí trời.  Mời quý độc giả  tham dự vào mạn đàm với Như Nguyệt của tôi với nữ thi sĩ này.

Như Nguyệt là ai ?

 

Sau tháng Tư/ 1975, nhà thơ Như Nguyệt đến Hoa Kỳ và bây giờ cô nhắc lại một chuyện tình thuở còn ngây thơ ở Indiantown Gap. Dù bảo mình còn ngây thơ chưa muốn thật sự yêu ai, nhưng có lẽ cô đã ôm trong lòng nhiều mơ mộng về tình yêu.

Mười sáu tuổi, tuổi đời còn đẹp quá!
Em dại gì mà đi nói yêu thương?
(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em)

Và Như Nguyệt đã nhởn nhơ trong những liên hệ tình cảm một cách rất hồn nhiên.
Một phần đời của em ở Indiantown Gap
Được nhiều người tương tư, trong số đó có anh
(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em)

Như Nguyệt kể lại buổi tối trước ngày đám cưới của cô, một người bạn trai gọi cho cô. Người đó nói: “Chắc có nhiều người cuộn mình trong chăn vì Như Nguyệt.” Và người thanh niên ấy đã tỏ tình với cô ngay lúc đó. Quá trễ!

Dĩ nhiên là không phải chỉ phái nữ mới gặp trường hợp như Như Nguyệt, nhưng dù nam hay nữ khi được một người khác phái (hay cùng phái) tỏ tình trước ngày đám cưới đương nhiên là điều khó quên. Nhà thơ vẫn giữ kỷ niệm trong hồn và sau này khi nhớ lại người xưa ấy cô đã tâm sự:

Mai em lấy chồng lòng thấy phân vân
Em sắp sang sông bây giờ mới nói
Sao anh không nói thương em lâu rồi?
Để đến bây giờ muộn quá, buồn thôi!
(Mai Em Lấy Chồng)

Đọc thơ Như Nguyệt rồi nghe cô kể về chuyện chồng con tôi tự hỏi nếu cô lấy chồng trễ thì có làm được thơ như cô đang làm không? Nếu Như Nguyệt đã sống thời làm cô sinh viên độc thân thì thơ sẽ ra sao? Thật ra thì câu hỏi này không đáng hỏi vì ở bất cứ không gian hay thời điểm nào nhà thơ vẫn yêu và vẫn lao đầu vào trò chơi tình ái như là chuyện rất tự nhiên.

Lần đầu được hôn…
Nụ hôn ngọt ngào, thơm lừng mùi rượu
Ôi! ngất ngây, ngây ngất nụ hôn đầu

…………….

Những nụ hôn đầu đời
Không ngờ -tuyệt vời- vượt qua ngòai tưởng tượng
Ôi, những nụ hôn đầu đời!
Có sức mạnh làm thay đổi cả cuộc đời em
(Những Nụ Hôn Đầu)

Nếu viết hết về những bài thơ hay tuỳ bút của Như Nguyệt thì bài viết quá
dài. Bạn đọc hãy cùng tôi tham dự vào mạn đàm với nhà thơ.

TTM. Xin cô cho tôi và đọc giả biết cô bắt đầu sáng tác thơ, văn từ khi nào?

Như Nguyệt. ( N) thích đọc thơ từ năm lớp 7 (đệ Lục); thích thơ của các nhà thơ tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Đinh Hùng…v.v.. Tập tành làm thơ vào năm 13 tuổi.  N còn nhớ mình đứng sát cửa trong phòng có máy lạnh của mẹ N ở trên lầu, mơ mộng nhìn ra cửa sổ và làm bài thơ đầu tiên về mây bay, mây bay…

Về viết văn, N viết Nhật Ký từ năm 14 tuổi, viết Lưu Bút cho các bạn trước khi nghĩ hè, vậy mà cũng có nhiều bạn “ái mộ” cách viết văn của N..
Khi viết thật nhanh một bài viết để đọc cho bố trước khi di quan; ngồi trên xe, trên đường từ nhà đến nhà quàn khoảng 10 phút, N nghĩ rằng nên viết, cho dù viết vội còn hơn là không có; vì gia đình N, các anh chị em của N, N nghĩ chắc sẽ không có ai đứng lên đọc bài điếu văn cho bố N.

Khá lâu sau, nhờ bài viết đó; N mới “khám phá” ra là mình có khiếu viết văn vì thấy mình viết quá nhanh, quá dễ! Thương bố mà, nên N viết được khá nhiều trong một thời gian rất ngắn. Khi đọc, có nhiều đoạn N đã nghẹn ngào và có nhiều thân bằng quyến thuộc đã cảm động rơi nước mắt!

N có thơ được đăng trong Giai Phẩm Xuân Mê Linh của trường Trưng Vương. Tuổi mới lớn mơ mộng ngất trời!  Khi qua Mỹ, N viết thư, trả lời thư cho nhiều người (mấy anh thích đọc thư N ‘viết’ quá chời.  Thỉnh thoảng N có viết vớ vẩn, có làm thơ lai rai cho đến năm 2009; từ năm đó trở đi, N dùng computer để làm thơ, viết lách, mới bắt đầu “sáng tác” nhiều.

TTM. Theo cô, những gì thôi thúc cô sáng tác?

Như Nguyệt. Năm 2009, sau khi bị thua Stock đậm, buồn quá N mới lên mạng. N làm thơ bằng cách gỏ trên phím lóc cóc, nhìn trên screen, chữ nhìn rõ ràng, dễ bôi xóa để viết lại; giúp ý tưởng của N mạch lạc hơn! N nhận ra làm thơ bằng cách này -đánh máy trên keyboard, chữ hiện lên trên big screen- dễ hơn là viết tay nhiều, nhiều lắm! Từ đó N “mê” làm thơ, mê viết tự truyện, đến nay cũng được gần 11 năm (“nói chuyện” với nhà văn Trần Thu Miên năm 2022).

Mỗi lần buồn bã, thơ hay đến với N hơn thì phải nhưng không nhất thiết là như thế.  Rất tự nhiên, từ một chữ hoặc từ một câu, thơ hiện ra từng hàng, từng hàng trong đầu N.  Nhiều khi thơ đến khi N đang đi bộ, đang rửa chén, khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng, nửa đêm thức giấc .vv… hoặc khi N đang đi du lịch, thơ bất chợt đến không báo trước; N làm thơ trong đầu nhưng nếu lười không dùng viết để ghi ngay xuống giấy hoặc ra bàn computer ngồi gỏ keyboard ngay; N sẽ quên và xem như “mất”, không có bài thơ đó!!

TTM.  tính đến hôm nay cô đã có bao tác phẩm gồm những thể loại nào?

Như Nguyệt. (N) không đếm kỷ -cho đến bây giờ- mình đã làm tất cả bao nhiêu bài thơ, viết bao nhiêu bài viết ngắn… (có thể lên đến gần 2,000 bài).  Riêng năm 2010; N có ngồi đếm sơ sơ vì năm đó là một năm rất đặc biệt!  N đã làm đến gần 700 bài thơ.  Năm đó, không hiểu sao N mê thơ lắm!  Thơ đeo đuổi N ngày đêm! Thơ cứ đến tới tấp không cần biết lúc nào, đôi khi làm N bực mình nhưng hầu hết thì N rất vui, chấp nhận thơ!  Có những khi N ngồi gỏ đến 4, 5, 6 bài thơ một lúc trong gần 1 tiếng đồng hồ, mấy ngón tay nhức mỏi!  Nghĩ đến đâu đánh máy đến đó, may quá N không bị mần mò, có thể gỏ lóc cóc (typing) trên keyboard nhanh như gió!

Khi làm thơ, viết bài; N cứ làm, cứ viết thôi chứ cũng không biết là thơ, bài viết của mình thuộc vào thể loại nào?  N làm thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do, thơ lục bát.  N có thử làm thơ 2 chữ, 3 chữ nữa,
N không chú ý đến phần kỷ thuật, vần điệu cho lắm.  Nghĩ gì cứ viết ra, nhiều lúc còn không đọc lại trước khi gửi đi nữa.  Bây giờ thì N đọc lại 2 lần trước khi gửi đi hoặc cứ để ở Draft, từ từ gửi sau. N thích làm thơ hơn
vì một bài thơ làm không mất thì giờ nhiều, 5, 7, 15 phút; đôi khi lâu hơn nhưng vẫn nhanh hơn là viết văn xuôi.  Mỗi khi viết, N nghĩ gì viết đó, nhưng phải đọc lại mà bài viết thường dài hơn thơ nên mỗi lần đọc lại để sửa, xem lại lỗi chính tả, lỗi đánh máy…  mất rất nhiều thời gian.  Vài cô bạn Trưng Vương cho N biết là các cô thích đọc bài N viết (văn xuôi) hơn là thơ của N.

TTM.  Xin cô cho biết các tác phẩm của cô chuyển đạt những ý tưởng gì?

Như Nguyệt. nhớ về quá khứ, đến vài mối tình đã qua. N có biết thiền chút chút, có từng đọc nhiều bài giảng, nghe giảng về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Niệm, Cận Tử Nghiệp, biết chút chút về Phật Pháp nên thỉnh thoảng, N có làm thơ về đời sống, về cách xử thế, vô thường, vô ngã, tham sân si..v.v… để tự nhắc nhở mình. Đang buồn thật buồn, thơ làm giảm buồn, thơ giúp N vui.  Có nhiều bài thơ N làm, khúc đầu buồn bã, than vãn nhưng khúc sau tươi vui, “bất cần đời” trở lại. Cũng chẳng mong chuyển đạt ý tưởng gì đến cho ai.  Gửi đi là để chia sẻ, để mọi người có vài phút giải trí phù du.  Ngoài ra N chẳng có mong cầu gì khác cả.

TTM. Cô vừa bảo cô làm thơ cho cô, nhưng lại thích gửi đến bạn bè để chia sẻ. Khi ta muốn chia sẻ thì ta phải biết mình có gì để chia sẻ. Xin cô cho biết vài tác phẩm tiêu biểu của mình và cho hoàn cảnh hay lý do cho mình cảm hứng để sáng tác.

Như Nguyệt. Thơ là thơ tình, thơ về đời sống…vv… Văn là bài viết ngắn, tùy bút, những bài viết kể về những chuyến đi chơi. Nhiều người cũng thích những tấm hình N chụp… N cứ gửi đi chia sẻ, “hobby” của N mà, để “thiên hạ” nếu thích, họ đọc giải trí dăm ba phút cho vui. Có nhiều người đã viết cho N nói là N viết thay cho họ, nói lên được nỗi lòng của họ.  Có nhiều người đang thất tình, đọc thơ thất tình của N… chịu quá! Họ viết cho N biết…sao thấy giống tâm trạng của họ ghê. Những bài thơ như “Dẹp tan bản ngã”, “Vô thường sẽ đến”, “Hãy thức tỉnh”, “Nếu biết đời phù vân” .v.v… dù N không có ý “chuyển đạt” ý tưởng gì cả, nhưng nếu ai thích về đề tài này; N mong sẽ giúp người đọc ôn lại, biết thêm một chút về vô thường, sự chết, vô ngã, vô minh..

TTM. Cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ nhiều chi tiết rất thú vị về các sáng tác của mình và quan niệm về thi ca và nhân sinh. Hẹn cuộc gặp khác

Trần Thu Miên

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác