Bài Thơ MẪN NÔNG Thứ Ba ?
Ngày đăng: 6/12/2023 02:40:03 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Nối tiếp theo những câu truyện nói lên “Hai Nhân Cách” của thi nhân Lý Thân là “Bài thơ Mẫn Nông thứ ba” của ông được tìm thấy trong “Đường Triều Tàn Quyển 唐朝残卷”, được khai quật gần đây trong hang động Đôn Hoàng của tỉnh Cam Túc, có ghi lại tích sau đây :
Mùa hạ năm đó Lý Thân 李紳 về Hào Châu để thăm lại thân bằng quyến thuộc, cũng cùng lúc với Giang Đông Tiết Độ Sứ Lý Phùng Cát 李逢吉 về triều trình tấu, đi ngang qua Hào Châu. Hai người trước đó là bạn đỗ cùng khoa, cùng bảng Tiến sĩ, lại cùng là bạn văn thơ với nhau, nên gặp nhau rất là tương đắc. Sau tiệc mừng gặp cố tri, ngày hôm sau hai bạn cùng nắm tay lên tận Quan Giá Đài (Đài dùng để quan sát, nhìn ngắm) của thành đông để ngắm cảnh núi sông, ruộng đồng non nước. Trước cảnh non sông ngàn dặm, Lý Phùng Cát cảm khái mà ngâm rằng :
何得千里朝野路, Hà đắc thiên lý triều dã lộ,
累年遷任如登台。 Lũy niên thiên nhậm như đăng đài !
Có nghĩa :
Sao được đường quan ngàn dặm đó,
Năm năm thay bậc tựa leo đài !
Cảm khái cũng không quên tiến thủ, ông ước mơ cho con đường làm quan ngàn dặm của mình, mỗi năm mỗi bậc thuyên chuyển lên cao mãi, suông sẻ như là các bậc thang leo lên trên đài cao nầy vậy. Còn Lý Thân ngắm cảnh trên cao với một góc độ khác, ông trông thấy cảnh giữa trưa nắng gắt như thế nầy mà các nông phu vẫn phải cày sâu cuốc bẫm ngoài đồng ruộng, mới buộc miệng ngâm rằng :
鋤禾日當午, Sừ hòa nhật đang ngọ,
汗滴禾下土。 Hạn trích hòa hạ thổ.
誰知盤中餐, Thùy tri bàn trung xan,
粒粒皆辛苦。 Lạp lạp giai tân khổ !
Có nghĩa :
Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,
Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.
Ai người biết cơm trong mâm,
Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay !
Lý Phùng Cát nghe xong khen lấy khen để, cứ luôn miệng nói là bài thơ thật tuyệt diệu : Mỗi hạt cơm hạt gạo chúng ta ăn đều do công sức và mồ hôi nước mắt của nông dân mới có được. Lý Thân ngửa mặt lên trời thở dài một tiếng ngâm tiếp bài thơ thứ 2 :
春種一粒粟, Xuân chủng nhất lạp túc,
秋收萬顆子。 Thu thâu vạn khỏa tử.
四海無閒田, Tứ hải vô nhàn điền,
農夫猶餓死。 Nông phu do ngạ tử !
Có nghĩa :
Mùa xuân một hạt gieo trồng,
Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.
Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,
Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi !
Lý Phùng Cát nghe xong, thầm nghĩ rằng : Đây chẳng phải là những lời chê trách triều đình vua quan chẳng quan tâm đến đời sống khốn khó của quần chúng nông dân hay sao ? Quả là đáng chết! Nên khi về đến thư phòng, Lý Phùng Cát mới nói với Lý Thân rằng :”Bạn có thể chép lại hai bài thơ khi nảy để tặng cho tôi không, để kỷ niệm và cũng để không uổng phí công sức vì chúng ta đã cùng đăng cao ngắm cảnh chung với nhau một chuyến”. Lý Thân trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói rằng :”Hai bài thơ chỉ có bốn mươi chữ, bạn nghe qua chắc đã cũng nhớ rõ trong lòng rồi, cần chi phải viết lại; Còn như muốn có bút tích của tôi thì tôi sẽ viết tặng bạn một bài thơ mới làm ngay bây giờ”. Lý Phùng Cát lở bộ đành phải nói xuôi theo:”Cũng được, thế lại càng qúy hoá lắm !” nhưng trong lòng rất thất vọng, vì bản thân y muốn có được bài thơ có ý “phản động” kia hơn. Lý Thân bèn chuẩn bị giấy mực, sáng tác và viết ngay lên giấy hoa tiên bài MẪN NÔNG thứ 3 như sau :
壟上扶犁兒, Lũng thượng phù lê nhi,
手種腹長飢。 Thủ chủng phúc trường ki (cơ).
窗下織梭女, Song hạ chức thoa nữ,
手織身無衣。 Thủ chức thân vô y.
我愿燕趙姝, Ngã nguyện Yên Triệu thù,
化为嫫女姿。 Hóa tác Mô Nữ ti (tư).
一笑不值錢, Nhất tiếu bất trị tiền,
自然家國肥。 Tự nhiên gia quốc phì !
Có nghĩa :
Những chàng trai đang ngã tay cày trên luống cày; Tay trồng lúa nhưng bụng lại đói dài dài. Các cô gái ngồi dệt dưới song cửa sổ; Tay dệt vải nhưng trên mình chẳng có được manh áo mới nào cả. Ta ước gì các cô gái đẹp của nước Yên nước Triệu đều hóa thành bà Mô Mẫu là bà phi thứ tư xấu như ma của vua Huỳnh Đế (nhưng lại rất đãm đang). Nụ cười của họ sẽ không đáng ngàn vàng nữa, nhưng tự nhiên nhà nước sẽ giàu thêm ra.
Diễn Nôm :
Nông phu trên luống cày,
Tay trồng bụng đói dài.
Dưới song cô gái dệt,
Tay dệt không áo may.
Ước gái đẹp Yên Triệu,
Như ma xấu hoài hoài.
Nụ cười không đáng giá,
Tự nhiên nước giàu ngay !
Lý Phùng Cát trông thấy bài thơ, chuyển thất vọng thành vui mừng. Lòng mừng khấp khởi vì thấy lời lẽ của bài thơ nầy chê trách vua quan và triều đình còn thậm tệ hơn là bài thơ trước nữa. Nhất là các câu cuối như có ý chê trách nhà vua chỉ quan tâm và phung phí tiền bạc trên mình các người đẹp mà không chăm lo đến đời sống của nông dân nghèo khổ. Ngoài mặt thì Lý Phùng Cát tỏ ra rất thân thiện và nể phục tài làm thơ của Lý Thân, nhưng trong bụng thì ngầm tính toán là sẽ mượn “cái bàn đạp Lý Thân” nầy để thăng quan tiến chức thêm một bậc nữa.
Hôm sau bèn giả biệt Lý Thân rời khỏi Hào Châu để về kinh thành. Sau khi diện kiến nhà vua để trình tấu mọi việc xong xuôi, thì lại tâu riêng với nhà vua rằng :”Hàn Lâm Học Sĩ Lý Thân đã làm thơ phản nghịch chê trách triều đình để hả giận trong lòng”. Đường Võ Tông hoàng đế lấy làm lạ hỏi rằng :”Khanh có gì làm bằng chứng không ?” Lý Phùng Cát bèn trình bài thơ Mẫn Nông Kỳ Tam do chính tay Lý Thân viết lên cho nhà vua xem. Vua xem xong trầm ngâm không nói gì cả.
Buổi thiết triều sáng hôm sau, vua Đường Võ Tông hạ chiếu triêu hồi Lý Thân về triều. Trước mặt bá qua văn võ, nhà vua cất tiếng phán rằng :”Trẫm ở trên ngôi cao lâu ngày, quên mất thăm hỏi về dân tình, may nhờ có Lý Phùng Cát tiến cử trình lên bài thơ Mẫn Nông của Hàn Lâm Học Sĩ Lý Thân nhắc nhở về dân tình. Nay trẫm thăng cho Lý Thân lên làm Thượng Thư Hữu Bộc Xạ (tương đương như chức Hữu Thừa Tướng) để giúp trẫm cùng bàn việc triều chính, trị quốc an dân”. Sau khi tạ ơn nhà vua, Lý Thân cũng đã đích thân đến phủ tạ ơn Lý Phùng Cát đã có lòng tiến cử cho mình, làm cho Lý Phùng Cát đâm ra thật ngỡ ngàng : Định hại người thành ra giúp người, định dìm người khác xuống để mình được thăng quan, không ngờ lại giúp cho người ta thăng quan tiến chức cao hơn mình nữa. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau nhà vua cũng biết được thâm ý sàm tấu của Lý Phùng Cát, nên Lý đã bị giáng chức và bị biếm đi đến vùng Vân Nam xa xôi làm Quan Sát Sứ.
Về bài thơ MẪN NÔNG thứ 3 của Lý Thân vì trình lên cho nhà vua nên được giữ lại trong cung; mãi cho đến gần đây khi khai quật thạch động Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc mới phát hiện trong “Đường Triều Tàn Quyển 唐朝残卷”. Nên bài thứ 3 nầy không được phổ biến rộng rãi như bài 1 và bài 2. Nhất là bài đầu (theo giai thoại nầy) gần như trong giới bình dân già trẻ gì đều biết cả. Ngay cả ca dao của Việt Nam ta cũng có bài nghi là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ nầy :
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!
Trở lại với Trương Hựu Tân 張又新, một đối thủ chính trị từng hại cho Lý Thân suýt chút nữa thì bị chém đầu. Nhưng khi Trương Hựu Tân bị bãi quan rồi lâm nạn, ghe chìm con chết, ngỏ lời tạ lỗi, thì chẳng những Lý Thân không trả oán, mà còn mời Trương Hựu Tân đến nhà để đãi đằng. Trong bửa tiệc Trương Hựu Tân tình cờ gặp lại cô ca Kỹ mà mình đã giao tình khi làm quan ở đất Quảng Lăng hồi 20 năm trước. Nên đã xúc động mà làm bài thơ tứ tuyệt TẶNG QUẢNG LĂNG KỸ 贈廣陵妓 (Tặng nàng ca kỹ đất Quảng Lăng) :
雲雨分飛二十年, Vân vũ phân phi nhị thập niên,
當時求夢不曾眠。 Đương thời cầu mộng bất tằng miên.
今來頭白重相見, Kim lai đầu bạch trùng tương kiến,
還上襄王玳瑁筵。 Hoàn thướng Tương Vương đại mạo diên !
Có nghĩa :
Mây mưa cách biệt hai mươi năm,
Chưa mộng hằng mơ thổn thức lòng.
Đầu bạc hôm nay còn gặp lại,
Tương Vương tiệc rượu hết còn mong !
Đầu bạc hôm nay còn gặp lại
Khi nàng ca kỹ ngâm nga và hát bài thơ trên theo lối Nhạc phủ, thì cả nàng và Trương Hưu Tân đều ngậm ngùi rơi lệ; và Lý Thân đã làm một cử chỉ thật đẹp là trả nàng ca kỹ năm xưa lại cho Trương Hựu Tân để hai người được đoàn tụ bên nhau. Nghĩa cử nầy của Lý Thân làm cho ta lại nhớ đến tích GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH giữa Từ Đức Ngôn và Lạc Xương Công Chúa của thời Nam Bắc Triều.
Còn về bài thơ của “Tô Châu Thứ Sử” Lưu Vũ Tích vì có tựa là “Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓”. Có nghĩa là “Bài thơ làm riêng tặng cho nàng ca kỹ của Lý Tư Không” Nên lại có thể hiểu như sau :
Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833), Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Có một nàng ca kỹ thật đẹp ăn mặc như các cung nữ trong cung vua và lại ca múa hát khúc “Đỗ Vi Nương” trong cung đình. Lưu Vũ Tích đã choáng ngợp trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy và bàng hoàng trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng ca kỹ, nên Ông đã xúc động mà viết bài thơ tứ tuyêt “Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓” (Tặng nàng ca kỹ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ ngưỡng mộ như sau :
高髻雲鬟宮樣妝, Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
春風一曲杜韋娘。 Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
司空見慣渾閒事, Tư Không kiến quán hồn nhàn sự,
斷盡蘇州刺史腸。 Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
Có nghĩa :
Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
“Đỗ Vi Nương” khúc hát chơi vơi.
Tư Không quen mắt không cho lạ,
Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi !
Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
Ông là quan lớn Tư Không, đã quen sống xa hoa và nhìn ngắm các giai nhân đẹp như tiên nga, hát hay múa giỏi như thế nầy quen rồi, nên cho là chuyện bình thường không có gì là lạ cả. Nhưng đối với chức quan nhỏ nhoi Thứ Sử Tô Châu như tôi, thì đối diện với bửa tiệc cao sang và nhất là đối diện với giai nhân tuyệt sắc như thế nầy, làm cho tôi xúc cảm rung động đến như đứt từng đoạn ruột ra hết vậy (Đoạn Tận 斷盡 là Đứt hết. Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường : là “Đứt hết ruột gan của Thứ Sử Tô Châu rồi!) Cho nên, sau buổi tiệc, Lý Thân cũng rất điệu nghệ và hào phóng cho kiệu hoa đưa nàng ca kỹ với “cung dạng trang”(là Trang điểm như là các cung nhân trong cung vua vậy) về với Thứ Sử Tô Châu Lưu Vũ Tích để cho ông khỏi phải đứt từng đoạn ruột nữa ! Câu thơ cuối của Lưu Vũ Tích lại làm cho ta nhớ đến một câu ca dao rất đa tình dễ thương của cô gái quê Nam bộ :
Đưa tay em bứt cọng ngò,
Thương anh Đứt Ruột, giả đò làm ngơ !
Qua hai câu chuyện trên, ta thấy Lý Thân qủa là một thi nhân hào sảng, hào hoa phóng khoáng, mặc dù có đời sống xa hoa phóng túng. Nhưng chính cái xa hoa phóng túng của ông nên mới lần lượt tặng cả hai nàng ca kỹ tài hoa đẹp đẽ của mình cho hai người bạn thơ một cách thật hào phóng !
Trở lại với “MẪN NÔNG KỲ TAM”…
Thực ra thì bài thơ “MẪN NÔNG thứ ba” nầy trước đây đã có tên là “KHỔ TÂN NGÂM 苦辛吟” (Khúc Ngâm Cay Đắng) của VU PHẦN 于濆, tự là TỬ Y 子漪, đậu Tiến sĩ năm Hàm Thông thứ hai đời vua Đường Ý Tông (861), là một thi nhân cũng ở thời vãn Đường. Nhưng khi khai quật hang động Mạc Cao 莫高窟 (Mạc Cao Quật) ở Đôn Hoàng thì tài liệu trong Đường Triều Tàn Quyển kể lại giai thoại trên, nên bài thơ lại trở thành của Lý Thân. Vấn đề còn đang tranh cải. Nhưng…
Hang động Mạc Cao Đôn Hoàng ở Cam Túc
Bài thơ trên dù là của tác giả nào đi nữa thì cũng nói lên được cái đời sống cơ cực của nông dân và nỗi lòng của các thi nhân ở buổi Tàn Đường đã quan tâm và cảm thông với đời sống của quần chúng nông dân trong xã hội loạn lạc nhiễu nhương của lúc bấy giờ.
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức