ĐOÀN KẾT BẠN THI NHÂN

Ngày đăng: 4/04/2023 07:54:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Đây là tác phẩm tập hợp các bài thơ Đường luật, câu đối, xướng họa cùng thi hữu của cụ TỒN TÂM NGUYỄN NHƯ KHUÊ, nội tổ của người bạn học thân thiết NGUYỄN NGỌC KHIÊM. Tôi vinh dự được bạn trao cho nhiệm vụ viết lới tựa cho tác phẩm nội tổ của bạn. Bằng tấm lòng thành kính của kẻ hậu sinh xin được viết đôi dòng dâng lên bậc tiền nhân như người xưa đã từng “TRƯỚC ĐÈN KỂ CHUYỆN” vậy.

 

                          DƯỚI ĐÈN KỂ CHUYỆN

1- Từng nghe bạn kể ngày thơ ấu được cụ Tồn Tâm, nội của mình nhờ cậy, đọc cho nghe viết lại những bài thơ Đường mà cụ sáng tác, những bài thơ xướng họa cùng bằng hữu, những câu đối bất chợt ghi vội vào tập giấy học trò lưu giữ cho khỏi quên hay đánh mất vì lúc đó mắt cụ bị mờ sớm, bạn còn nhỏ nên không biết cái hay, cái tinh túy trong những bài thơ được cụ gởi gấm như thế nào, chỉ biết ghi chép cho cụ vui và cứ thế tập sách dày thêm lên lúc nào không biết. Cụ mất, tập sách đó một thời gian dài bị lãng quên phủ bụi và bắt đầu hư hỏng. Đến khi tuổi bạn xế chiều, chợt nhớ đem ra đọc, nhiều trang giấy cũ mềm mục nát, nét mực mờ nhòe nhiều chỗ không còn thấy chữ đành vận dụng trí nhớ viết lại dựa vào nội dung câu chữ để điền khuyết và bổ sung theo ngữ cảnh bài thơ, đôi khi ngòi bút lại ngần ngại ngập ngừng không biết sự điền khuyết ấy đúng sai có chính xác không mà sợ có lỗi với tiền nhân. Lòng chỉ mong in lại chừng trăm quyển tặng cho mỗi gia đình trong tộc họ để mọi người ghi nhớ nội tổ từng là nhà nho ưu thời mẫn thế viết được những bài thơ chuẩn mực của đạo làm người.

 

2-  Chúng ta đều biết nhiều thế kỷ trước nền Hán học còn thịnh hành, người đi học rất chuộng thể thơ Đường để sáng tác, ngâm vịnh những khi trà dư tửu hậu, ngắm hoa thưởng nguyệt, xướng họa cùng nhau lúc đàn phách xênh xang thì không có gì thú nào bằng, thơ Đường đã có thời kỳ phát triển rực rỡ như thế trong văn học nước nhà, sức sống mãnh liệt,trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hưng vong, đổi chủ vẫn không làm suy mờ tâm thức của kẻ hậu sinh, những bài thơ Đường của các bậc túc nho như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Tản Đà, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan… được nhiều thế hệ học sinh chúng tôi còn thuộc đến bây giờ không phải sao?

 

Tuy nhiên muốn làm một bài thơ Đường luật hay không phải là điều dễ. Ngoài niêm luật bằng trắc đối niêm luôn luôn chặt chẽ, người làm thơ Đường phải nắm được nghệ thuật tinh tế, diệu xảo, phải biết chọn lựa những chi tiết đặc sắc, giàu hình ảnh, sự tưởng tượng có tính khái quát cao, các biện pháp tu từ, điển cố phải biết vận dụng khéo léo, vi diệu không gượng ép sao cho “ngôn hữu hạn, ý vô cùng”. Chẳng những thế thơ Đường rất chú trọng đến việc sử dụng ngôn ngữ, Ngôn ngữ phải tinh luyện và chính xác, cô đọng và hàm súc, sử dụng thuần thục phép tĩnh lược và đảo trang. Tất cả tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật của sự tinh tế, điêu luyện từ đó tạo nên hồn của của bài thơ một cách tốt nhất.

3- Thơ cụ Tồn Tâm để lại không nhiều nhưng khá và đa dạng: Từ những thơ vịnh cảnh, đề tài quen thuộc mà ta thường bắt gặp như: Chim én thơ, Chiếc thuyền buôn, Cá sấu thơ, Con tôm thi, Con ếch thi, Thi sĩ thơ, Trung thu thôn dã, Đóng đáy, Thuyền chài… ta thấy cụ khi tả cảnh có những nhận xét khá tinh tế, đến những bài thơ tả tình thấm đượm tinh thần nhân nghĩa của người xưa một cách nhẹ nhàng sâu lắng: Khuyên bạn bớt sầu, Khóc chồng, Thơ đáp từ ông thầy giáo, Thi tiễn bạn từ trần, Con thờ cha, Tấm Lòng tri kỷ…  thơ cụ còn có những bài thơ viết về thế sự bằng tấm lòng của một người dân đối với đất nước, tệ nạn xã hội: Thế sự đổi thay, Anh hùng liệt sĩ, chẳng hạn như bài Á phiên:

Ma túy cần sa giống chẳng hiền

Hút chơi á phiện lỡ mang ghiền

Mâm đèn bất nghĩa thiêu dây ruộng

Nồi ống phi nhân nuốt tủ tiền

Thiếu thốn lâu ngày cô bác giận

Mượn vay chầy tháng chị em ghiền

Bước đường trụy lạc đời hư hỏng

Ai muốn nên nhà phải cử kiêng

Đặc biệt còn có những bài thơ liên hoàn viết đến 10 bài như bài “Khóc phu thập thủ liên hườn” làm người đọc cảm nhận được tâm hồn đa cảm, thương xót của cụ về hoàn cảnh khổ đau của người phụ nữ mất chồng.

Trong tập sách, chúng ta còn thấy ngoài những bài thơ Đường do chính cụ Tồn Tâm sáng tác, còn có nhiều bài thơ xướng họa của cụ cùng bằng hữu. Một bài thơ hay khi xướng lên thì nhất hô bá ứng, các cụ cứ thế mà tung tẩy ngòi bút văn chương của mình cho thỏa thích:“Đoàn kết bạn thi nhân”, người xướng là Tồn Tâm, người họa: Kim Bạch, Võ Trọng Viễn, Kiều Việt, Nguyễn Tấn Phát, Lê Năng Y, Trần Văn Tiêu, Dương Tương… tôi đã cố thử hình dung cái sảng khoái của các cụ ngày xưa nó như thế nào nhưng không hình dung nỗi nhưng chắc chắc một điều các cụ rất hỉ hả vì có được bạn tri âm cùng xướng họa thơ ca với mình. Cụ còn sưu tầm những bài thơ hay của bạn hữu đưa vào tập sách, tấm lòng liên tài đó làm sao ai không hiểu được.

4- Xuất bản tác phẩm của cụ Tồn Tâm để lại, từ lâu là tâm nguyện khát khao của bạn, xuất phát từ tấm lòng kính trọng và yêu thương nội tổ của mình, tôi ủng hộ tấm chân tình và mong muốn bạn sẽ thực hiện được ước vọng đó. Chỉ có một bài thơ dành tặng bạn thân vậy:

 

              Trước đèn cánh hạc đã về chưa?

              Mây trắng đâu còn để dạ thưa

              Một bóng trăng mờ thương chuyện cũ

              Đôi bờ sóng cuộn nhớ ngày xưa

             Trà thơm thoang thoảng hầu hôm sớm

             Rượu quí khề khà kệ gió mưa

             Một nén tâm hương dâng nội tổ

            Ngày sau xin để mặc đò đưa.

                                                     

        *Sài Gòn, bên bờ Kênh Tẻ, 18/05/2022

NGUYỄN AN BÌNH

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác