NHỚ THẦY GIÁC NHIÊN
Tâm nguyện một đời phụng sự cho đạo pháp của Thầy Giác Nhiên không chỉ thể hiện trong gần ba thập niên hoằng hóa tại Việt Nam, mà khi ra đến hải ngoại, trong suốt hơn 36 năm qua, Thầy chính là ngọn hải đăng chẳng những soi đường dẫn lối cho hai chúng Tăng Ni, mà thầy còn là ngọn đuốc soi đường cho những đệ tử tại gia chúng con trong những lúc mưa dồn sóng vỗ nơi đất khách quê người nầy. Dù thời gian có qua đi, hay dù không gian có đổi thay, sự hiến thân cho công cuộc hoằng hoá và công ơn dạy dỗ của Thầy đối với chúng con sẽ còn là ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ kế tiếp nữa.
Hòa thương Thích Giác Nhiên
Kính Bạch Ân Sư! Thầy đã yên lành thị tịch để đi về cõi Niết Bàn Vĩnh Hằng, thời gian ngừng lại từ đây, thiên thu khoảnh khắc giờ nầy trăm năm, không còn đâu nữa những ngày Thầy nhóm họp chúng con lại để dạy bảo, không còn đâu nữa nụ cười lúc nào cũng chợt nở trên khuôn mặt nhân hậu của Thầy. Bóng Thầy chẳng những đã tỏa khắp trong chúng con , mà nó sẽ còn tỏa khắp cho nhiều thế hệ nữa.
Giờ phút nầy chúng con biết nói gì đây khi nỗi buồn dâng tràn khôn tả vì “Ơn dạy dỗ một đời nên sự nghiệp, nghĩa tình Thầy muôn thuở khó đáp đền”. Làm sao chúng con có thể quên được hình bóng của một người Thầy đạo đức khả kính, lúc nào cũng hết lòng vì đạo pháp và vì đàn hậu bối.
Dẫu biết “Vô thường sanh lão bệnh tử không chừa một ai,” nhưng sự ra đi của Thầy trong lúc nầy thật là một mất mát quá lớn, chẳng những đối với hai chúng Tăng Ni, mà cũng là một mất mát không gì có thể bù đắp được đối với chúng con, những người tại gia. Đây quả là nỗi đau và kích động lớn đối với chúng con vì kể từ đây chúng con sẽ không còn bóng mát của cây đại thụ mà một thuở chúng con đã cùng rủ nhau về tắm mát trong đó.
Bây giờ mỗi lần hội họp các đạo hữu đã từng được thầy nhóm họp để dạy dỗ năm xưa, trong phút mặc niệm để tưởng nhớ Thầy, dầu đã được Thầy dạy dỗ cũng lâu về chuyện “sinh ký tử quy,” nhưng làm sao chúng con tránh được cảm giác mất mát khi không còn đâu nữa những ngày Thầy nhóm họp chúng con lại để dạy bảo, không còn đâu nữa nụ cười lúc nào cũng chợt nở trên khuôn mặt nhân hậu của Thầy. Con không dám nói với ai rằng thầy là vị Phật, nhưng thật tình mà nói, với con thì Thầy là Phật. Có thể nói con là một Phật tử rất may mắn vì ngay từ khoảng những năm 1953 và 1954, khi còn là một cậu bé bảy tám tuổi, thì con đã có duyên may gặp được Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang (hồi đó bà ngoại thường kêu ngài bằng Đại Đức Minh Đăng Quang) vài lần trước khi Đức Ngài vắng bóng vào năm Giáp Ngọ 1954. Và rất nhiều lần được thấy Đức Tôn Sư dẫn đoàn chư Tăng đi khất thực ngang qua nhà (ngay góc đường Trương Vĩnh Ký và Lý Thường Kiệt, tỉnh lỵ Vĩnh Long) cũng như rất nhiều lần được nghe chính Đức Tôn Sư thuyết giảng tại khu chòm mã Xóm Chày và Xóm Búng, tỉnh lỵ Vĩnh Long, sau này trở thành Tịnh Xá Ngọc Viên.
Còn một kỷ niệm thật đẹp nữa mà đệ tử luôn trân quý suốt đời, đó là những trái chuối và những cái bánh dừa mà chính tay Đức Tôn Sư đã trao cho. Đó chính là những duyên lành mà Đức Tôn Sư đã đưa vào hành trang vào đời của đệ tử về sau này. Rồi bẵng đi một thời gian, đến đầu năm 1960 khi Thầy và đoàn Du Tăng Khất Sĩ về Sân Vận Động Vĩnh Long thuyết giảng (sau này người ta xây Tòa Hành Chánh trên sân vận động này). Lúc này thì con đã được 12 tuổi, nhưng chính cái phong cách thuyết giảng bình dị mà xoáy sâu vào lòng người của Thầy đã làm cho con nhớ mãi. Con khẩn khoản xin bà ngoại tìm cách đưa con lên gần Pháp Tòa để nhìn cho rõ mặt Thầy, thật may mắn cho con, vừa nhìn thấy con là Thầy ngoắc lại vỗ đầu và ban Pháp danh Thiện Phúc. Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, chiến tranh ngày càng khốc liệt, và con cũng bị dòng xoáy ấy cuốn vào đời, và quên mất sư phụ Giác Nhiên cho đến một ngày đầu năm 1985, con may mắn gặp lại Thầy và kể từ đó con luôn cạnh kề Thầy để được thầy dạy dỗ và dẫn dắt. Cơ duyên gặp lại thầy lần này quả là một đại duyên chẳng những cho con, cho gia đình con, mà còn cho bà con bằng hữu của con.
Kể từ đầu năm 1985 đến tháng 8/ 2015, con đã có biết bao nhiêu kỷ niệm thật trân quý với thầy. Con còn nhớ ngày đó sau khi bà Năm Diệu Túc qua đời thì ở Tổ đình Minh Đăng Quang (góc Magnolia và Westminster) không có người chăm sóc về mặt giấy tờ cho thầy, nên Thầy giao cho con. Hồi đó, mỗi khi Thầy đi hoằng hóa phương xa như Canada, Úc, Hạ Uy Di . . ., thì thầy bảo Thiện Phúc xin phép nghỉ làm để đi theo Thầy, còn ông Tám An Thiện thì ngủ lại để trông nom công việc của chùa và tụng những thời kinh khi vắng mặt Thầy. Nhờ đi theo thầy trong những lần hoằng hóa ấy mà con lại có cơ duyên gặp được những bậc tôn túc khác như Hòa thượng Tâm Châu, Hòa thượng Thắng Hoan, Hòa thượng Thanh Cát, Hòa thượng Huyền Vi, Hòa thượng Đức Niệm, thầy Tâm Quang ở chùa Tam Bảo (Fresno),…. Thật tình mà nói, nếu con không được gặp lại thầy nơi đất khách quê người, để rồi được thầy dẫn dắt và dạy dỗ cho đến ngày hôm nay, có lẽ sẽ không có một đệ tử Thiện Phúc biết thương mình và thương người với một cuộc sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc. Có một điều, từ ngày gặp lại thầy và nhờ sống tu với cái câu mà Thầy thường nói: “Hổng Sao Đâu Con!” con luôn sống một đời sống biết “chia xẻ” và “buông xả”.
Phải thật tình mà nói thời gian suốt hơn 30 năm được sống bên thầy và được đi theo Thầy đến nhiều nơi là khoảng thời gian an lạc, tỉnh thức, và hạnh phúc nhất đời con. Thầy ơi! Con không muốn lặp lại theo kiểu “Mẹ hát con khen” của thói thường, nhưng con không thể nào không kể lại cho các đạo hữu cũng như đàn hậu bối của con những đức tánh nơi một người thầy mà con hằng kính yêu. Thầy quả là một bậc thầy tuyệt vời với hạnh chia sẻ.
Con còn nhớ khoảng đầu thập niên 1990s, lúc đó con đang phụ giúp thầy bên Tổ đình Minh Đăng Quang và cũng giúp thầy Minh Mẫn trong việc biên soạn những bài học giáo khoa cho trung tâm Việt ngữ Huệ Quang. Vì cần con giúp toàn thời gian trong việc tổ chức Bông Hồng Cài Áo ở Anaheim Convention Center để gây quỹ xây dựng ngôi Tam Bảo Huệ Quang, nên thầy Minh Mẫn đã sang bạch với thầy cho con qua phụ, thầy rất hoan hỷ đồng ý ngay. Thầy nói: “Nếu Thiện Phúc giúp được gì cho Huệ Quang thì thầy rất hoan hỷ, khi nào xong việc bên đó thì con trở về giúp thầy.” Đó, lòng của Thầy con bao la như thế ấy!
Cuộc đời tu hành của Thầy đã trải qua biết bao thăng trầm thị phi như thế ấy, biết bao sóng gió như thế ấy, biết bao được mất nên hư, và thành bại như thế ấy, và biết bao phen thầy phải ngậm đắng nuốt cay, nhưng Thầy vẫn luôn vững như kiềng ba chân.
Bước chân hoằng hóa của Thầy đã từng đạp lên cả cát nóng vùng sa mạc Nevada cũng như tuyết lạnh của các vùng Bắc Canada và Bắc Âu để đem Diệu Pháp đến ban rãi cho quần sanh, và ân đức ấy đã và đang tỏa khắp nhân gian. Vì hạnh nguyện mà Thầy đã không từ nan bất cứ khó khăn nào, bất cứ thị phi hiềm khích nào, thầy cũng bỏ ngoài tai để đi đến bất kỳ chân trời góc bể nào của địa cầu này, nhưng khi Phật sự đã xong thì Thầy lại lui về ngôi Tịnh Xá nhỏ, rất nhỏ, tọa lạc ngay gần góc đường Westminster và Magnolia, thuộc thành phố Westminster, vì nơi đây có thể nói là ngôi Tổ Đình đã gắn bó với Thầy gần như trong suốt khoảng thời gian thầy hoằng hóa tại hải ngoại. Mà thật vậy, đây cũng chính là mái ấm của không biết bao nhiêu cánh chim tan tác tụ về, trong đó có con nữa! Sự ra đi của thầy là sự rũ bỏ huyễn thân tứ đại, nhưng món quà vô giá mà thầy đã hiến tặng cho quần sanh vẫn mãi còn đây với biết bao trước tác , thi thơ, kinh điển. Những vần thơ Đạo của thầy sẽ còn tiếp tục được lưu truyền cho nhiều thế hệ kế tiếp nữa. Những giáo pháp mà thầy đã ân cần chỉ dạy cho con, con xin hứa là sẽ luôn được tuôn ra cho đến ngày cuối cùng con còn ở cõi Ta Bà này.
Còn về mặt thuyết giảng thì chắc con khỏi phải nói nhiều vì thầy là một bậc “Biện Tài Vô Ngại.” Thầy tuyên thuyết giáo lý thâm sâu huyền diệu của nhà Phật bằng một phong cách hết sức bình dị và dễ hiểu với những vần thơ đạo. Phải nói một khi Thầy xuất khẩu là thành thơ Đạo. Thi thơ thầy viết thì rất nhiều, ở đây con chỉ kể lên một số đã được chúng con in thành tập như Pháp Môn Tọa Thiền, Tứ Kệ Tỉnh Tâm, Ánh Nhiên Đăng, Thương Nhớ Mẹ Hiền, Tiếng Lòng Người Hiếu Tử, Tư Tưởng Siêu Nhân, Diệu Lý Đông Phương, Diệu Lý Nhiên Đăng, Diệu Lý Pháp Đăng, Diệu Lý Bảo Đăng, Diệu Lý Bát Nhã, Diệu Lý Chân Như, Diệu Lý Minh Quang, Diệu Lý Tâm Kinh, Diệu Lý Thậm Thâm, Diệu Lý Tĩnh Tâm, Diệu Lý Tu Thiền Định, Diệu Lý Tuệ Đăng. Có một điều rất ư là đặc biệt nơi Thầy mà con ít thấy một vị Pháp Chủ nào làm, rất nhiều lần Phật tử gọi đến muốn nói chuyện với thầy, thì dầu cho có bận rộn mấy thầy vẫn tiếp chuyện, rồi Thầy giảng giải về đạo pháp qua điện thoại, ngay cả việc xin Pháp danh qua điện thoại vẫn được thầy hoan hỷ. Có nhiều lần con bạch với Thầy, xin hẹn đến làm lễ ban pháp danh rồi hẳn ban pháp danh và cho quy-y một lượt. Thầy nói: “Việc khiến cho người khác biết tu là phải làm liền chứ chờ đợi gì con?” Sống bên cạnh thầy lâu rồi mới thấy thầy là một bậc thầy khác người. Thầy luôn kêu gọi người khá giả hay giàu có cúng dường Tam Bảo. Con tự hỏi: “Thầy đâu cần phải làm vậy!” Nhưng rồi rất nhiều lần, có nhiều vị Phật tử, nhất là một số vị đi theo diện H.O., đến cúng dường cho thầy, sau khi nói chuyện xong, biết được hoàn cảnh của từng người, Thầy sai Thiện Phúc lấy gạo lấy tiền cúng dường ngược lại cho họ. Chừng đó con mới hiểu ra là với thầy, tiền của đàn na tín thí thì phải trả lại cho đàn na tín thí khi họ cần, còn việc việc xây chùa tạo tượng để tính sau.
Từ năm 1985 đến 1995, nghĩa là từ khi con gặp lại Thầy (và rất nhiều hồ sơ mà Thầy đã bảo lãnh từ năm 1980 đến 1985, nhưng lúc đó thì con chưa gặp Thầy nên không dám nói), Thầy đã bảo trợ cho hàng ngàn gia đình từ các trại tỵ nạn Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân và Hồng Kông. Và khi họ tới nơi, đích thân con là người chở thầy ra phi trường rước họ về Tổ Đình, rồi thầy lo chỗ ăn, chỗ ở, và ngay cả một ít tiền bạc cho họ xoay sở lúc ban đầu. Thầy nói: “Tiền chùa là tiền của đàn na tín thí thì phải bỏ ra lo cho đàn na tín thí.” Tấm lòng của thầy từ bi như thế ấy! Nhiều lần con cũng tâm sự với thầy rằng, nếu thầy dễ dãi quá thì chắc hẳn sẽ bị người ta lợi dụng, thì thầy liền nói ngay: “Giúp đỡ thì mình cứ giúp đỡ, nhưng nếu ai đó không biết mà lợi dụng tiền của đàn na tín thí thì mình phân giải cho họ rõ rằng tiền của Tam Bảo chớ nên khinh vì, khi rõ rồi mà họ vẫn lợi dụng thì họ tội.”
Còn nói về việc giúp đỡ Tăng Ni sinh ở Ấn Độ, chính con đã thấy thầy để dành riêng qua một bên từng khoản tiền thu được trong chùa cho đến khi có dịp đi Ấn Độ. Thầy cũng không ngần ngại kêu gọi sự đóng góp của đàn na tín thí cho việc này. Thầy thường nói với chúng con: “Việc đào tạo Tăng Tài phải được xếp lên hàng đầu, mình có thể bớt đi những chi phí khác, chứ không thể bớt đi chi phí trong việc đào tạo Tăng Tài.” Thật tình mà nói, rất nhiều lần chính con đã thấy thầy khóc sướt mướt khi hay tin có nhiều người chết trong thiên tai bão lụt nơi quê nhà. Vào những lúc như vậy, thầy đã thổn thức rất nhiều đến nỗi cơ khổ của người dân lâm nạn, nên dầu có lời dị nghị thế nào, đích thân thầy đứng ra kêu gọi cứu trợ mong góp phần xoa dịu niềm đau nỗi khổ của đồng bào quốc nội. Những việc thầy làm, những lời kêu gọi của Thầy nó xuất phát tự trái tim vì tha nhân của thầy đã ăn thật sâu vào lòng con. Vì để giúp đở tha nhân mà thầy sẵn sàng làm bất cứ điều gì dầu có phải mang lấy lời dị nghị; nhưng với chính bản thân Thầy, trong suốt hơn 30 năm , ngoài rau luộc, dưa muối và tương chao, con chưa từng thấy thầy thọ dụng bất cứ món ăn xa xỉ nào. Khi còn khỏe, mỗi khi dùng bữa xong, thầy tự tay dọn dẹp, ít khi nào sai Phật tử làm. Dầu ở cương vị Pháp Chủ của Thầy, nếu thầy sai một tiếng thì quý thầy trong Tịnh Xá phải làm những việc vặt vảnh cho thầy. Hoặc lắm khi con nói với Thầy: “Khi nào có con ở đây, cần gì thì thầy cứ sai con làm.” Nhưng không như vậy, việc gì làm được là tự thầy làm. Con mãi mãi tự hào về thầy, một người thầy với tấm lòng từ bi vô lượng, một người thầy cả đời vì đạo pháp, vì lý tưởng của người Khất Sĩ.
Từ ngày con gặp lại thầy vào năm 1985 cho đến khi Thầy thị tịch, thầy vẫn ngủ trên cái giường đơn sơ op ẹp. Về phương tiện di chuyển, ở Việt Nam và ở Mỹ trước năm 1985 thì con không biết, nhưng từ sau 1985, thầy vẫn đi chiếc xe Toyota Cressida đời 1970, rồi sau đó đến năm 2000, Thầy nhường nó lại cho Sư Minh Đạt để mua chiếc Ford Continental. Thấy phương tiện di chuyển của thầy eo hẹp và không mấy tiện nghi, nên mỗi khi Thầy có đi hoằng hóa ở vùng Nam California, thì Phật tử Thiện Đức (anh Thanh) có đem xe Mercedes của mình đưa thầy đi. Thầy thường nói: “Hồi Sư Tổ đâu có phương tiện như bây giờ, nên hễ có phương tiện để đi nhanh đến chỗ thuyết giảng là dùng cho đỡ mất thì giờ của Phật tử đang chờ nghe Pháp.”
Nếu nói về lịch sử Phật giáo Việt Nam tại Mỹ quốc và phương Tây thì không thể nào không nói đến những bước chân hoằng hóa của thầy. Nhất là sự phát triển của Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam nơi hải ngoại, Thầy chính là người đã thực hành châm ngôn “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp” của Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang. Những khu phố Bolsa, Orange County, California; Tampa, Florida, London, Canada, Paris, Pháp quốc, Sydney, Úc Châu, vân vân, đâu đâu cũng có dấu chân của người Khất Sĩ. Dầu thầy đã ra đi, nhưng những dấu chân ấy sẽ còn đó mãi mãi. Với con và những người hậu bối chân chính trong Phật giáo luôn biết ơn Thầy, và con luôn cảm thấy rất hãnh diện là được làm đệ tử thầy, dầu chỉ là một đệ tử tại gia. Lúc sinh thời, thầy đã nhiều lần dạy con xuất gia, Thầy bảo: “Thiện Phúc, việc nhà coi như đã xong, Thầy cần có một người xuất gia như con thì việc hành đạo của thầy sẽ dễ dàng hơn.” Nhưng nhìn đi, nhìn lại số Phật tử tại gia luôn ở bên cạnh Thầy để giúp Thầy những việc hành chánh mà người xuất gia khó có thể xông xáo được thì không có nhiều, nên con đã bạch với thầy: “Xuất gia là một đại duyên, đời này con không có đại duyên ấy, xin thầy cứ để cho con làm đệ tử tại gia để con còn có thể chạy đây, chạy đó giúp Thầy những chuyện khó khăn về mặt hành chánh tại một quốc gia mà đa số dân chúng đều theo đạo Tin Lành.”
Về những kỷ niệm với Thầy thì con có quá nhiều. Nhớ những lúc con đang biên soạn những bộ Từ Điển Phật Học và Phật Pháp Căn Bản, nghĩa là từ khoảng giữa năm 1985 đến 2005, có nhiều lần con tìm kiếm tài liệu tham khảo bằng Anh ngữ, nhưng không cách nào tìm được vì những tài liệu ấy không còn được in ấn từ lâu lắm rồi. Lý do con không hề bộc bạch cho thầy biết là vì trong tâm con nghĩ tiếng Anh của thầy rất hạn chế, chỉ nói một số câu xã giao thông thường thôi. Nhưng rất nhiều lần, sau các chuyến hoằng hóa trở về, thầy đã trao cho con đúng cái quyển sách mà con đã tìm kiếm 7 tháng trời trong vô vọng. Thầy đi từ trên cái gác nhỏ xuống cầu thang, trên tay cầm quyển sách và nói: “Thiện Phúc, lại đây thầy cho con cái này, Thầy nghĩ nó có thể giúp ích cho con đó!” Lần nào cũng như lần nào, hễ mỗi lần thầy kêu con lại Thầy cho cái nầy là y như rằng đó chính là quyển sách mà con đã cố công tìm kiếm trong vô vọng. Thầy ơi! Nếu chuyện này chỉ xảy ra một vài lần thì con còn cho đó là chuyện ngẫu nhiên, nhưng nó xảy ra trên dưới cả chục lần nên con nghĩ với thầy, khi động khi tịnh, tâm thể thầy luôn ngời sáng minh nhiên, và thầy còn cần chi nữa cái gọi là “Tha Tâm Thông.” Rồi đến khi hoàn tất bộ sách năm 2003, trong khi con đang quan ngại về tài chánh để in ấn, nên con đã bộc bạch với thầy là định bán bản quyền cho nhà xuất bản Prentice Hall khi họ đưa ra lời đề nghị 200 ngàn Mỹ Kim để lấy tiền cúng dường cho thầy, lúc thầy đang lo tạo ngôi tự viện bên Texas. Tuy nhiên, NXB đưa ra điều kiện là mình không được quyền in ra một bộ nào, sau khi họ in xong thì mình có quyền mua lại của họ 100 bộ với giá vốn của họ. Thầy nói vậy hổng được đâu con, nên thầy đã cho phép con vận động tài chánh, và sau 6 tháng vận động cộng với số tiền một năm lương của con cũng đã đủ để in bộ sách tại Đài Loan. Khi in xong, con đã cúng dường toàn bộ 5.000 bộ “Từ Điển Phật Học Việt Anh-Anh Việt” cho Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, con chỉ xin thầy 3 điều kiện, một là gửi 1/3 về Việt Nam, hai là mỗi khi chư Tăng Ni bất cứ hệ phái nào đến thỉnh chỉ xin thầy hoan hỷ cúng dường cho họ, ba là Phật tử tại gia nếu họ đến thỉnh dầu họ cúng dường bao nhiêu thì mình cũng hoan hỷ, và thầy đã hoan hỷ đồng ý. Nhiều khi con tự hỏi, cuộc đời con kể từ sau năm 1985 đến nay, nếu không gặp được thầy thì con sẽ ra sao? Thầy ơi! Đối với con thầy là một vị Bổn Sư, một vị ân sư, mà thầy còn chính là người đã khai sáng Đạo Tâm cho con để con biết đường biết lối mà lần về nẻo Bồ Đề.
Thật tình mà nói, con chẳng bao giờ tin dị đoan, nhưng chuyện mới xảy ra đây thôi tại nhà con, khoảng vài tuần trước đây vào cái hôm con tôn trí lại bàn thờ của thầy, thì chạng vạng ngày hôm đó, một quả cầu sáng ngời xuất hiện ngay gốc cây tứ quí trước nhà con, nơi mà lúc sinh tiền mỗi khi thầy đến nhà con, Thầy hay đứng ngay đó để gõ cửa và nói “Thiện Phúc, thầy đây, con mau thay đồ để đi công chuyện với thầy .” Rồi ngay buổi tối hôm đó, khi con đang nghĩ cách nào để tách bộ sách mà con sắp in ra, vì bản PDF mà con đưa cho nhà in dầy quá (tám cuốn và mỗi cuốn khoảng 900 trang) nên họ không đóng bìa được. Lúc đó mệt quá nên con nằm gục xuống và thiêm thiếp ngủ trên bàn viết, thì rõ ràng con thấy con đang trò chuyện với thầy như khi thầy vẫn còn tại thế. Vẫn theo lối nói bình dị của ngày nào, vẫn với nụ cười nhân hậu, Thầy bảo con: “Mắc gì mà con phải ép mình với bộ sách 8 cuốn với 900 trang mỗi cuốn. Bây giờ nghe thầy nè! Chẻ nó ra làm 12 cuốn, có cuốn dầy cuốn mỏng, thây kệ nó, miễn sao truyền bá được là tốt rồi! Còn về Bộ Chư Thiền Đức, thầy biết là con cũng đang phân vân không biết phải chia chẻ nó ra như thế nào, phải hôn? Được rồi, nghe Thầy nè, con đem chư Thiền Đức thời sơ kỳ ở Ấn Độ và chư Thiền Đức ở Trung Hoa trước thời có tông phái nhập vào làm một quyển. Chư Thiền Đức sau thời các tông phái Lâm Tế và Tào Động cho đến thời cận đại ở Trung Hoa làm một quyển. Chư Thiền Đức Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, các xứ theo Phật giáo Nguyên Thủy và Tây Tạng làm một quyển. Như vậy vừa hợp lý, mà cũng vừa không dầy quá mức nhà in vẫn có thể đóng bìa được.” Thầy ơi! Nghĩa tình thầy làm sao con nói và viết cho hết được bằng ngôn ngữ hạn hẹp của con người. Con biết với công đức cao tựa Thái Sơn của thầy, thì chuyện cao đăng Phật Quốc của thầy là chuyện không thể nghĩ bàn. Nhưng nếu thầy vẫn nguyện trở lại cõi Ta Bà để tiếp tục hoằng hóa độ sanh, thì con đây cũng xin nguyện được theo làm một đệ tử nhỏ của thầy để được phục vụ thầy trên bước đường đi hoằng hóa. Thầy ơi! Dầu Thầy có cao đăng Phật Quốc hay nguyện trở lại Ta Bà, thì tinh thần sống tu với hạnh nguyện từ bi khoan nhẫn của thầy sẽ sống mãi với con.
Thầy chẳng những lo lắng cho sự an cư lạc nghiệp của những người đang sống, mà Thầy còn nghĩ đến những vong linh đang vất vưỡng trên Biển Đông. Vào thập niên 1990s, Thầy đã sai Thiện Phúc đứng ra xin phép Thành phố Westminster tổ chức “Đàn Tràng Siêu Độ” phía sau khu chợ “99” mà bây giờ là chợ Á Đông, chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử đã tụng kinh cầu nguyện ba ngày ba đêm. Rồi sau đó vào ngày 19 tháng 3 năm 2005, con đã theo Thầy đi đến miền duyên hải các nước Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông, Nam Dương, Phi Luật Tân và Cam Bốt để làm lễ “Vớt Vong” cho những nạn nhân xấu số trong khi đi biển. Thầy đã kêu gọi được trên 30 chư Tăng Ni Phật giáo trong đó có Hòa thượng Thích Quảng Ba ở Úc, phối hợp cùng với các tôn giáo Tin Lành, Thiên Chúa do linh mục Nguyễn Hữu Quảng ở Úc Châu. Con còn nhớ như in, một trường hợp ngẫu nhiên đến lạnh toát mồ hôi.
Số là sau nạn Sóng Thần (Sunami) ở Mã Lai, con nước lên xuống rất thất thường, không ai biết được. Ngày 20/ 3 năm 2005, đoàn dự trù đáp tàu ra hải phận quốc tế để cầu nguyện lúc 10 giờ sáng, vì theo người dân địa phương kể lại thường thì 10 giờ sáng hải triều đã lên đầy. Nhưng sau vụ sóng thần thì khó đoán được. Đoàn ra chờ, tới 10 giờ, tại cửa biển nước vẫn còn cạn khô, đến 11 giờ nước vẫn chưa lên, mọi người đều nóng lòng, nên thầy đề nghị với Linh mục Quảng nên kêu gọi mọi người ra cầu nguyện, ai theo tôn giáo nào thì cầu nguyện theo nghi thức của tôn giáo ấy. Theo lời yêu cầu của Linh mục Quảng, Thầy đứng ra làm chủ trì cuộc cầu nguyện. Lạ lùng thay, sau chừng 15 phút cầu nguyện thì hải triều dần dần dâng lên, 2 con tàu từ từ ra khơi và sau 4 tiếng đồng hồ thì ra đến hải phận quốc tế, và đoàn bắt đầu “Nghi Thức Cầu Siêu Vớt Vong.” Khi đoàn tàu “Vớt Vong” khởi hành thì sóng yên gió lặng, và hải hành được gần hai tiếng đồng hồ thì sóng vẫn yên và gió vẫn lặng; nhưng khi thầy và Hoà Thượng Quảng Ba (Úc Châu) lên tiếng là đoàn bắt đầu cầu nguyện “Vớt Vong” thì bỗng nhiên sóng gió nổi lên ầm ầm, tàu bè nghiêng ngã. Đích thân thầy phải đứng ra mũi tàu trấn an những vong linh trên biển, và con còn nhớ như in những lời khấn nguyện của thầy: “Xin quý ngài hãy yên tâm, chúng tôi đến đây là để giúp cầu nguyện mang vong linh của quí ngài về tu tập tại Tổ Đình Minh Đăng Quang. Rồi đây tất cả quý ngài, đều sẽ được về với Phật hay với Chúa, tùy theo tôn giáo mà quý ngài đã tin khi còn sinh tiền.” Chưa hết, khi đoàn “Vớt Vong” về lại khu nghỉ dưỡng Taranganu vào buổi chiều, thì thầy kêu gọi mọi người ra bờ biển để cầu nguyện trước khi về chỗ nghỉ ngơi. Chuyện xảy ra cũng giống như lúc đoàn cầu nguyện trên Vịnh Thái Lan. Khi cả đoàn tụ họp ra bãi biển thì sóng yên gió lặng, nhưng khi bắt đầu cầu nguyện thì sóng gió lại nổi lên đùng đùng, cho mãi đến khi đích thân Thầy phải đứng ra khấn nguyện thì ngay lập tức, con phải nói là ngay lập tức, vì ngay sau lời nguyện của Thầy, thì bãi biển trở nên yên lặng một cách lạ thường. Con nghĩ có lẽ những vong linh này vì mừng quá nên nổi lên sóng gió để chào mừng đoàn “Vớt Vong” vậy thôi. Thầy ơi! Có mấy ai nghĩ đến chuyện đưa hết những vong linh nạn nhân của cuộc đi biển về Tổ Đình Minh Đăng Quang để quy-y Tam Bảo. Thầy kính yêu của con đã làm được việc đó.
Thầy ơi! Tâm nguyện một đời phụng sự cho đạo pháp của thầy với gần 70 năm hoằng hóa đã là quá sức đối với một vị Tăng. Con vẫn biết đời là vô thường, là sinh ký tử quy, là cõi tạm đi về, nhưng con không thể nào tránh được sự ngậm ngùi thương tiếc khi không còn thầy cạnh kề dạy dỗ, nhưng như con đã nói ở trên vì thầy chính là ngọn hải đăng chẳng những soi đường dẫn lối cho hai chúng Tăng Ni, mà thầy còn là ngọn đuốc soi đường cho những đệ tử tại gia chúng con trong những lúc mưa dồn sóng vỗ nơi đất khách quê người. Dù thời gian có qua đi, con luôn nguyện sẽ giữ gìn và phát huy tất cả những gì cao đẹp nhất mà thầy đã truyền trao cho chúng con. Con nguyện luôn sống tu y theo những lời chỉ dạy của thầy, và nhất là “Những Đóa Vô Ưu” mà Thầy đã vun bón năm xưa sẽ tiếp tục nở mãi giữa vườn Đời, để cho thế gian biết rằng, ngày tháng xa xưa, nơi này đã từng có một bậc thầy Khất Sĩ, với lòng từ bi vô lượng, mượn thân huyễn giả hành Phật sự, đem đuốc tuệ soi sáng nhân gian, hoằng hóa độ sanh không ngừng nghỉ, không thối chuyển.
Thiện Phúc