Đọc  “Cầu Ngựa” của Thái Sơn Ngọc

Ngày đăng: 30/09/2022 10:42:28 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tình cờ vào trang fb của Thái Sơn Ngọc, người em đồng hương Phan Thiết, Bình Thuận. Tôi chợt rung động thật sự, dù chỉ đọc qua một lần bài thơ “Cầu Ngựa” của nhà thơ Thái Sơn Ngọc đăng trên báo Bình Thuận ngày 23/4/2021.Vì lẽ đó, khiến tôi không cầm lòng được nên xin trải lòng bày tỏ qua một vài suy nghĩ về bài thơ đầy cảm xúc này.

Bài thơ “Cầu Ngựa” vỏn vẹn chỉ có 12 câu thơ 5 chữ chia làm 3 khổ, mỗi khổ 4 câu. Nhưng đã thể hiện đầy đủ về bố cục, vẽ lên hình ảnh chiếc cầu ở vùng đất Ma Lâm Hàm Thuận Bắc cách Phan Thiết non 16 cây số, mối tình quê mộc mạc thời trai trẻ và nỗi nhớ nhung sâu lắng đọng mãi đến giờ. Ngày xưa, tỉnh Bình Thuận nói chung và nhất là các vùng ven nông thôn thường xây cầu lát bằng gỗ ván chủ yếu dành cho người đi bộ và các phương tiện vận chuyển thô sơ, trong đó phương tiện chuyên chở thông dụng của người dân là xe ngựa còn gọi là xe thổ mộ. Mỗi hừng sáng, tiếng xe lóc cóc quen thuộc vang trên ngõ xóm đường làng chở đầy quang gánh hàng rau quả qua cầu ra chợ tỉnh bán. Chiều chiều, những người xà ích chăn dắt ngựa ra sông tắm rửa sau một ngày lao động mệt nhọc. Có lẽ vì lẽ đó nên người ta đặt tên cầu là Cầu Ngựa chăng?

Chỉ với 4 câu thơ đầu thôi, đọc và thấy lòng thổn thức, đồng cảm với nhà thơ mỗi khi đi ngang qua chiếc cầu quen thuộc. Với tâm trạng bồi hồi tiếc nhớ về mối tình thời trẻ mà nay chỉ còn là sương khói lãng đãng trong ký ức xa xăm. Mùi hương tóc và những buổi hẹn hò ngày mưa còn đọng lại trong trong nỗi nhớ, vương vấn theo cả thời gian và không gian:

Ta về ngang Cầu Ngựa

Thấp thoáng tóc hương xưa

Nhớ chuyện tình đôi lứa

Hò hẹn những chiều mưa”

Sau bao năm rời xa cố xứ, đôi lần nhà thơ có ghé về thăm chốn cũ với mong mỏi tìm gặp lại bóng người xưa. Nhưng vô vọng ngậm ngùi nhìn cây cầu đứng chơ vơ hiu quạnh, nhân chứng cho cuộc tình dang dỡ và tự hỏi giờ em lưu lạc phương nào? Nỗi buồn cứ mãi vương vấn về cảnh cũ nhưng vắng người xưa!

“Nửa đời ta xa xứ

Mấy độ ghé về thăm

Cầu Ngựa xưa còn đó!

Em cuối trời xa xăm”

Về rồi đi, đi rồi về! Nhưng chỉ còn lại kỷ niệm nhuộm tím cả dòng sông chiều quê, trải buồn quanh chiếc cầu dĩ vãng, đầy ắp ân tình của tác giả về vùng đất Ma Lâm thân yêu. Nơi đã in sâu nỗi nhớ đậm đà da diết, cũng như man mác nỗi buồn của người còn ở lại. Lan tỏa đến cho người đọc sự đồng cảm sâu sắc qua 4 câu thơ cuối:

“Ta gửi lại Ma Lâm

Tình yêu em, kỷ niệm

Dòng sông quê chiều tím

In bóng một cây cầu ‘

Đọc xuyên suốt cả bài thơ, khổ thơ nào tác giả cũng nhắc đến cây cầu, Cầu Ngựa. Hình như hình ảnh đó đã gắn bó hằn sâu vào tâm trí của mình. Nỗi ám ảnh đó có phải là chất men làm nên bài thơ đầy cảm xúc này chăng?

Giờ Ma Lâm đã thay đổi rất nhiều. Cây cầu Ngựa được xây mới bề thế hoành tráng nối liền Phan Thiết- Ma Lâm- Bảo lộc. Dù vẫn giữ tên cũ nhưng hình ảnh cây Cầu Ngựa ngày xưa vẫn không làm tác giả nguôi quên, nhất là đối với nhà thơ còn nặng tình với những kỷ niệm quê nhà.

Người làm thơ, theo tôi chỉ cần vài câu thơ hay hoặc một bài thơ hay là hạnh phúc lắm rồi. Và nhà thơ Thái Sơn Ngọc là một trong những người có được diễm phúc như thế!

Cám ơn nhà thơ với bài thơ “ Cầu Ngựa” làm xao xuyến người thưởng thức thơ, cũng là người đã và đang làm thơ!

TRẦN VĂN NGHĨA

———————————————-

CẦU NGỰA

Ta về ngang Cầu Ngựa

Thấp thoáng tóc hương xưa.

Nhớ chuyện tình đôi lứa

Hò hẹn những chiều mưa. 

 

Nửa đời ta xa xứ

Mấy độ ghé về thăm.

Cầu Ngựa xưa còn đó

Em cuối trời xa xăm.

 

Ta gởi lại Ma Lâm

Tình yêu em, kỷ niệm.

Dòng sông quê chiều tím

In bóng một cây cầu!

Thái Sơn Ngọc 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác