TÔI LÀ NGƯỜI NƯỚC NÀO ?

Ngày đăng: 1/04/2022 08:49:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Mấy năm nay, bạn đọc trang nhà đã đọc rất nhiều bài của nhà nghiên cứu Hán học Đỗ Chiêu Đức, nhưng chưa biết về ông. Đây là bài viết tâm sự của ông, qua đó biết được đời tư của một học giả miền Nam , giỏi Hán học (LM)

Đỗ Chiêu Đức và phu nhân

Dĩ nhiên, tôi là Đỗ Chiêu Đức, được sanh ra ở xã Thường Thạnh và lớn lên ở xã Thường Thạnh Đông, chợ vườn chồm hổm ở Cái Chanh, 5 giờ sáng nhóm đến khoảng 9-10 giờ sáng thì tan chợ. Cái Chanh cách Thị Trấn Cái Răng khoảng 5 cây số đường đất với cầu ván đóng đinh cũng có, mà cầu tre lắt lẻo cũng nhiều, như câu hát ru em mà tôi thường nghe :

Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi….

Nên mặc dù là người Việt gốc Hoa (Tri Châu), tôi chỉ biết gọi Cha Mẹ Anh Chị bằng Pá Má Hia Chế và các từ thông dụng như Ăn cơm, ăn cháo là ” Chìa bừng, chìa múi…” ra, thì toàn bộ sinh hoạt gia đình đều bằng tiếng Việt của Nam kỳ Lục Tỉnh. 7 tuổi vào trường làng học lớp Đồng Ấu, học đánh vần với quyển Con Gà Con Chó, với các thành ngữ sau khi đã qua vần ngược là :

* Dùi đánh đục, đục đánh săng.

* Ách giữa đàng , mang vào cổ.

* Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày.

* Đặng buồng nầy, xây buồng nọ.

* Ăn thì có, ó thì không…

Tôi lại nổi tiếng đánh Cờ Nhào giỏi nhất đám con nít ở Cái Chanh. Một hôm, có Bác Ba ở xóm Ông Cò Nhỏ nghe tiếng tôi tìm đến đánh thử, Bác ghìm với tôi chừng nửa tiếng đồng hồ, rồi cũng bị tôi lừa thế nhào đôi một cái, bác chỉ còn có 8 con cờ, đang tìm cách gở gạt, đi lầm một nước, tôi lại được dịp nhào ba, còn có 5 con cờ thua là cái chắc. Bác Ba xô bàn cờ đứng dậy, xoa đầu tôi và khen : ” Con Tùa Hia thông minh thiệt !”. Tôi nổi tiếng ” thông minh” từ đó ! 10 tuổi ( 1958) ra chợ Cái Răng học chữ Hoa, cậu tôi mới dạy cho tôi đánh cờ Tướng, và câu chuyện bắt đầu từ đây…

Trước 10 tuổi, lớn lên và học chữ Việt ở xã Thường Thạnh Đông, chợ Cái Chanh. Tôi là một đứa bé nông thôn nhà quê Việt Nam thuần túy. Khi ra đến Thị Trấn Cái Răng học chữ Hoa ở Trường Tiểu học Tân Triều của người Hoa sáng lập, tôi mới thấy được chiếc xe hơi Traction chạy đưa khách từ Cái Răng đi Cần Thơ, phố xá nhà lầu hai ba từng, và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là một hôm đang trên đường đi tới trường, thì có mấy đứa nhỏ cũng đi học ở một trường Việt gần đó, chỉ trỏ và nói rằng : Mấy đứa “Ba Tàu” giàu hơn mình, đi học phải mang giày, còn mình thì đi chân không thôi ! Tôi không biết “Ba Tàu” là gì, nhưng rồi cũng phải biết, vì 2 tiếng “Ba Tàu” nầy theo tôi suốt thời gian niên thiếu, như khi chuyển sang học luyện thi bằng Tiểu Học ba tháng, lớp tôi 11 đứa đậu được 10 đứa, thì các bạn ở trường Việt lại khen : Mấy đứa “Ba Tàu” nầy giỏi thiệt. Một tháng sau, tôi đậu luôn vào Đệ Thất của trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, thì lại nghe : Cái thằng “Ba Tàu” đó giỏi quá ! Hai năm sau (1964), tôi đi thi ẩu … và đậu luôn bằng Trung Học Đệ Nhấp Cấp. Mấy anh học Đệ Tứ thi rớt lại mỉa mai một cách thán phục : Cái thằng “Ba Tàu” đó mới học Đệ Lục mà, sao mà đậu bằng Trung Học được ?!

16 tuổi (1964), Tôi và ông bạn Liêu Chương Cầu lên Chợ Lớn làm lao công trong trường Phước Đức ở số 226 đường Khổng Tử (nay là trường Trần Bội Cơ). Chợ Lớn là nơi kinh doanh buôn bán của người Quảng Đông, cả người Việt vào Chợ Lớn buôn bán cũng biết nói tiếng Quảng Đông. Tôi là người Tiều Châu, tiếng Tiều còn nói không rành, làm sao biết tiếng Quảng Đông mà nói. Tôi và ông bạn Cầu chỉ lõm bõm được vài câu Quan Thoại cà trật cà vuột, nên nhiều khi văn phòng hoặc thầy cô giáo sai biểu hoặc nhờ cậy điều gì, phải nói tới nói lui mấy lần hoặc phải ra dấu thì mới hiểu được, nên các thầy bà đó gọi chúng tôi là “Ón Nàm Chẩy 安南仔” (tiếng Quảng Đông có nghĩa là “Thằng An Nam”). Và không chỉ ở trong trường, đi mua đồ, hay đi ăn cơm ở các sạp cơm bình dân, vì đang tập nói tiếng Quảng Đông nên phát âm không chuẩn, họ vẫn gọi chúng tôi là “Ón Nàm Chẩy” như thường.

50 tuổi (1998), định cư ở Mỹ, rồi phải chạy theo cuộc sống ở đây, đâu có thời giờ để mà đi học tiếng Anh. 56 tuổi (2004) nhập quốc tịch Mỹ, nhưng nói chuyện với Mỹ vẫn “mỏi tay” như thường ! Và mấy người Mỹ làm chung ở trường học vẫn gọi tôi bằng Vietnamese mặc dù tôi đã là công dân Hoa Kỳ rồi, nghĩ có tức không ?! Nhưng nếu nói mình là người Mỹ, thì mình có nói rành tiếng Mỹ đâu mà câu mâu !? Nhưng, đây cũng là một điều bất công rất tự nhiên trên nước Mỹ : Người Đức, Người Ý, Người Pháp, người Anh… nói chung là người da trắng, khi nhập tịch Mỹ là thành ngay Mỹ Trắng. Người Châu Phi bất kể nước nào, nhập tịch Mỹ, thì thành Mỹ Đen. Nhưng người “da vàng mũi tẹt” nhập tịch Mỹ, không có ai gọi là “Mỹ Vàng” cả ! Ngay cả người da vàng với nhau, gặp nhau cũng hỏi : where do you come from ?( Bạn từ đâu đến đây ?) Ý muốn hỏi, bạn là người đến từ Đài Loan, Nhựt Bổn, Việt Nam, Đại Hàn, Phi Luật Tân…

Dưới 10 tuổi ở Cái Chanh, tôi là em bé quê Việt Nam, khi ra đến chợ Cái Răng thì thành “Ba Tàu”, lên đến Chợ Lớn thì lại thành “Ón Nàm Chẩy”. Qua đến Mỹ, mặc dù đã nhập tịch rồi vẫn bị gọi là Vietnamese !!! Việt Nam chê, gọi tôi là “Ba Tàu”, nhưng họ chưa chắc đã giỏi tiếng Việt bằng tôi. Cũng như Tàu chê tôi, gọi tôi là “Thằng An Nam”, nhưng họ cũng đâu có giỏi tiếng Tàu bằng tôi đâu ! Chỉ có Mỹ chê, gọi tôi là Vietnamese thì tôi chịu, vì tôi nói tiếng Mỹ rất ” mõi tay”. Rốt cuộc, Đỗ Chiêu Đức là người gì đây ?!

Nhờ các tiền bối, thân hữu “xử” dùm xem, Đỗ Chiêu Đức là người nước nào ?

(Chinese, Vietnamese or American?) Nay kính,

ĐỖ CHIÊU ĐỨC.

—————————————————————————————–

TB: Hỏi chơi thôi ! Chớ tôi là người Việt Nam chính hiệu mà ! Sanh ra và lớn lên ở VN, nơi chôn nhau cắt rún là VN, mồ mả ông bà tổ tiên ở VN, cha mẹ còn ở VN, anh em con cháu còn ở VN … Chỉ có cái “gốc Hoa” mà thôi ! Mà đã là “gốc” thì mình đâu có chọn lựa được ! Qua Mỹ 20 năm (1998-2018) tôi không có về thăm “gốc” lần nào cả, vì có biết ai bên đó đâu mà “thăm”, có thăm thì cũng có ai biết mình là ai đâu mà “viếng”! Nhưng, tôi lại về VN đến 10 lần, cứ chắc mót 2 năm đủ tiền mua vé máy bay là vợ chồng tôi lại bay về VN thăm Cha Mẹ, em út, con cháu và bà con cô bác …. Đặc biệt năm 2013 về VN đến 2 lần vì Ba tôi mất …

Không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả người Việt gốc Hoa đều như thế cả ! Về thăm Trung Quốc chỉ là để du lịch khi dư dả, còn về thăm thân nhân ở VN mới là chánh …Người Hoa ở VN cho con cái học tiếng Hoa vì sợ mất gốc, cũng giống như người Việt Nam chúng ta hiện nay ở Mỹ cho con cái học tiếng Việt Nam cũng chỉ vì sợ mất gốc mà thôi !

Hỡi ôi ! Buồn thay cho “Cái thứ Ba Tàu !”

 

Có 1 bình luận về TÔI LÀ NGƯỜI NƯỚC NÀO ?

  1. Huỳnh Hữu Đức nói:

    Đỗ Chiêu Đức là người nước nào?
    Câu hỏi thật đơn giản nhưng lại thật sâu sắc. Có nhiều người: Ông Bà là người Việt, sinh ra lớn lên tại Việt Nam, có Giấy chứng minh nhân dân, căn cước Viêt Nam. Nhưng mỉa mai thay lại không là người Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác