HOA HOÀNG LAN VÀ CHỊ ĐỨC TÍNH

Ngày đăng: 9/12/2021 09:15:12 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Năm 1972, một con bé lớ ngớ của lớp 6, đệ nhứt cấp, lúc nào cũng “kính nhi viễn chi” mấy anh chị đệ nhị cấp. Ấn tượng sâu đậm nhất là cái phù hiệu Tống Phước Hiệp trên ve áo, với hai mầu khác nhau. Đỏ – đệ nhị cấp, Xanh – đệ nhất cấp. Cứ ao ước: Chà chà, không biết bao giờ mình mới được đổi…mầu? Tôi, con bé lớp 6, văn dở, toán dốt, chỉ nghe tên tuổi mấy anh chị trong ban bệ nhà trường. Thích nhất cái tên của chị Trưởng ban Báo Chí, Nguyễn Thị Đức Tính. Thêm vào đó phong trào làm báo trường rất sôi động.

Phải nói tôi thán phục các anh chị “phù hiệu đỏ” lắm lắm. Rồi ngày tháng qua, chị Đức Tính và tôi cũng rời trường, bỏ lớp. Sau 75, tôi bận rộn cơm áo gạo tiền, cũng quên khuấy đi mất, cái thời, chị Đức Tính và tôi có cùng kỷ niệm đẹp ở ngôi trường Tống Phước Hiệp. Hơn thế nữa, những cảm nhận tuyệt vời về cây cổ thụ hoàng lan ở dốc cầu Lộ. Rồi tôi trở thành người xa xứ từn năm 1989.

Như một tình cờ hay định mệnh? Chúng tôi gặp lại nhau. Chị với nick Như Thường, trở nên thân thiết với tôi hơn bao giờ hết. Đó cũng là lần đầu tiên, đọc đoản văn “Thương Nhớ Hoàng Lan” của chị. Qua đó chị đề cập tới Dưới Bóng Hoàng Lan – Thạch Lam, Để Tưởng Nhớ Mùi Hương – Mai Thảo. Tôi cũng đọc qua hai tác phẩm nổi tiếng nầy. Tuy nhiên, với tôi Hoàng Lan -Đức Tính thật là gần gũi. Chị liên kết mùi hoa nhờ gió thoảng qua từ mé sông cầu Lộ với những tình cảm đầm thấm, chỉ có người-xứ-Vãng mới cảm nhận được.

Cám ơn chị , đã chấp nhận đứa em phương xa trong vòng thân thương bạn bè của chị. Để có thể cười xoà vì “hắn” hay chọc ghẹo chị của hắn. Tuy rắn mắt, tinh nghịch, nhưng chị thân yêu, em đọc bài thơ “Hát Trong Lần Trở Lại”, thấy cay cay khoé mắt. Vì cùng tâm trạng, em cũng trở về… Vĩnh Long Mưa. Khi về trên đoạn phố xưa/ Thấy cây vàng lá hay vừa sang thu/ Hứng tay chẻ sợi mưa mù/ Như chia hồn khóc một mùa khuất xa

Phương Nga

Có 1 bình luận về HOA HOÀNG LAN VÀ CHỊ ĐỨC TÍNH

  1. Vô cùng cảm động với những dòng viết của cô em Phương Nga thương quý về chị cùng những kỷ niệm êm đềm của thời đi học khó quên nơi ngôi trường Tống Phước Hiệp thân yêu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác