LƯƠNG TÍN ĐỨC, NGƯỜI CÓ HOA TAY

Ngày đăng: 29/11/2021 11:34:01 Sáng/ ý kiến phản hồi (3)

1.Năm 2006, tôi về dạy học tại trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm Vĩnh Long. Trong danh sách học sinh trúng tuyển vào trường năm học 2007 – 2008, tôi đọc thấy tên Lương Thùy Khê, cái tên rất đẹp. Rồi nghĩ: chắc cha mẹ em ấy thích lãnh vực nghệ thuật. Tìm hiểu sâu hơn, thì ra cha em là người học cùng cấp với tôi thời trung học: bạn Lương Tín Đức. Đến năm học 2008 – 2009, anh Hồng, một thương nhân đồng thời là cha một học sinh trong trường, có nhã ý tài trợ cho xây một hòn giả sơn, cân đối với tượng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sẳn có trong sân trường, tôi nghĩ ngay đến Tín Đức, lúc đó rất nổi tiếng trên lãnh vực âm nhạc và hội họa.

Lúc đầu, tôi nghĩ Đức sẽ không nhận lời vì công trình có vẻ nhỏ so với khả năng bạn ấy, nhưng, có lẽ vì cũng là phụ huynh học sinh của trường nên bạn đã nhận lời. Giờ, khu vườn tượng cụ với ngọn giả sơn bên cạnh là biểu tượng mang tính tâm linh với các thế hệ học sinh, năm nào trước các kỳ thi quan trọng các em cũng đến đây niệm bái mong cầu.

Khi còn học ở Trung học Tống Phước Hiệp, tôi và Tín Đức học cùng cấp nhưng khác lớp. Niên khóa 1970 – 1971, có một “sự kiện” khá thú vị: Trưởng ban báo chí toàn trường là Đức Tính còn trưởng ban văn nghệ là Tín Đức! Hai “chức vụ” hoạt động nổi bật lại do hai bạn có tên đọc ngược nhau. Hồi đó, ban chấp hành học sinh toàn trường là do học sinh bầu lên, các bạn đã bầu đúng hai “nhân vật” có năng khiếu đặc biệt trong lãnh vực mình phụ trách: người làm thơ, viết văn hay thì làm báo chí, còn người đàn giỏi, có năng lực biểu diễn thì làm văn nghệ. Ngoài các hoạt động ở trường, Đức còn đàn trong ban nhạc trong quán bar tại Bungalo Vĩnh Long ( Cà phê Hoa Nắng bây giờ). Ngoài đàn, Đức còn sớm bộc lộ năng khiếu hội họa ngay từ thời đi học. Tìm lại tờ giai phẩm xuân Tống Phước Hiệp năm 1974, nổi bật lên cái tên Tín Đức vẽ bìa. Rồi khi bạn Chiêu Hằng phụ trách đặc san Tống Phước Hiệp ở hải ngoại, tôi thấy người trình bày bìa vẫn là Tín Đức. Tôi rất thích hình ảnh những nữ sinh áo dài trắng tha thướt, “yểu điệu thục nữ” trong tranh bạn ấy.

Suốt cuộc đời Tín Đức đã gắn chặt với âm nhạc và hội họa. Năm 1972, rời trường Tống Phước Hiệp, Đức lên Sài gòn để trau dồi con đường học thuật của mình. Năm đó, Đức thọ giáo nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi và Dương Thiệu Tước, học sáng tác nhạc và điều khiển hợp ca. Năm 1976 trở về Vĩnh Long làm việc ở phòng Văn hóa Thông tin, phụ trách âm nhạc và mỹ thuật. Đến năm 1982, được giấy gọi nhập học ở cả hai lãnh vực: Đại học Âm nhạc và đại học Mỹ Thuật. Nhận thấy vốn liếng âm nhạc mình đã khá nên Đức chọn Mỹ thuật để nâng cao tay nghề. Tốt nghiệp, Tín Đức trở về làm việc trong hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tập trung vào sáng tác ca khúc và vẽ tranh. Đức đã viết trên 100 ca khúc và 10 bài viết cho độc tấu guitar – piano, đạt được nhiều huy chương, giải thưởng âm nhạc toàn quốc. Về mỹ thuật, anh ấy sáng tác trên 300 bức tranh, thường xuyên tham gia triễn lãm tại Hà Nội, Sài Gòn cũng như khắp các tỉnh. Tín Đức cũng được mời tham gia triễn lãm tại Pháp, Singapor… và đạt giải thưởng tại triễn lãm quốc tế 9 nước lưu vực sông Mekong tại Thái Lan. Ngoài ra, Đức cũng tận dụng thế mạnh của mình từ hồi trung học, đó là vẽ tranh bìa sách văn học cho hàng chục cuốn.

Với những cống hiến của mình, Đức đã được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Giờ, tuổi đã gần “cổ lai hy”, nghỉ hưu nhưng Tín Đức vẫn miệt mài bên giá vẽ với cây đàn. Và, tiếp tục nuôi nấng mầm nghệ thuật cho các thế hệ mai sau bằng các lớp dạy đàn, hội họa cho các học sinh muốn thi vào các trường năng khiếu. Như con bạn ấy, Thùy Khê, giờ đã trở thành một kiến trúc sư trẻ, thiết kế những công trình nhà ở chẳng những trong nước mà còn ở nước ngoài, nhờ thừa hưởng dòng máu của người cha. Ngẫm lại, Đức là một nghệ sĩ, một người thầy thành công, nhờ những cố gắng của bạn ấy, và nhờ có hoa tay…

      BÙI CHÍ HIẾU

 

Tin Đức với anh em họ Lương trường TPH

Có 3 bình luận về LƯƠNG TÍN ĐỨC, NGƯỜI CÓ HOA TAY

  1. Han nói:

    Họa sĩ dạy vẽ ở đâu vậy ạ ?

  2. Nguyen Khanh Ly nói:

    Họa sĩ dạy vẽ ở đâu vậy ạ?

  3. Hòa nói:

    Có quí vị nào có tin tức của Thầy Tín Đức không ạ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác