“Đường về quán văn” -Những cuộc lữ hành của Lương Minh
Lương Minh sinh năm 1952 tại tỉnh Vĩnh Long, là phóng viên Thời báo tài chính Việt Nam, biên tập viên báo Tài chính Thị trường; Thị trường Bất động sản; Thị trường Chủ nhật.
Anh tâm sự: “Tôi chuyên viết về chứng khoán, ngân hàng là để mưu sinh, vì ở mảng nầy có nhiều báo cần mình viết. Còn sở thích của mình thì thích viết về du lịch, chợ búa. Đến giờ nầy, mỗi khi đi đến đâu tôi cũng liền đi thăm chợ. Đi du lịch nhưng không tả cảnh đẹp thế nào, núi non hùng vĩ ra sao, mà thích viết về món ngon vật lạ, đời sống con người, phong tục tập quán ở đó. Nếu viết cho báo kinh tế, mình có thể chỉ cho độc giả là doanh nhân biết nơi đó có hàng hóa gì dư thừa để có thể đến đó khai thác, hàng hóa nào thiếu để mở rộng thị phần”.
Tập sách chia làm 6 phần: Phần I – Nghề báo và tôi; Phần II – Nhân vật; Phần III – Câu chuyện về chợ; Phần IV – Du lịch; Phần V – Đi chùa; Phần VI – Chơi cũng kiếm ra tiền và Phần phụ lục – Cuộc đời lăn lộn thương trường.
Tôi thích nhất là Câu chuyện về chợ, Du lịch và Đi chùa. Hãy thử cùng anh vòng quanh thành phố; về Thủ Đức hoài niệm cảnh vật, thú vui xưa; qua quận 7 thăm khu đô thị quốc gia; đến Bình Chánh vui thú miền quê; cuối tuần đi ăn ở quận 2 (Vòng quanh thành phố Hồ Chí Minh). Thú thật tôi sống ở đây hơn nửa thế kỷ nhưng chưa bao giờ nhìn thấu suốt ra vẻ đẹp thành phố, những thú vui thanh nhã như thế ở vùng đất nầy. Còn “Sài Gòn trước 1975 có bao nhiêu cái chợ, chưa có thống kê nhưng nhắc đến những chợ mà người Sài Gòn ai cũng biết cũng là một cái thú” (Câu chuyện về chợ). Nói về đi thăm viếng các chùa anh viết: “Tâm lý người già khác trẻ, cũng cùng đi du lịch, nhưng người già lại thích đi chùa. Miền Bắc thì có nhiều chùa cổ và kiến trúc đẹp hơn chùa miền Nam nên mọi người đua nhau đi viếng chùa, ngành du lịch tâm linh xuất phát từ đó” (Đi thăm chùa Tiêu). Giọng anh nhẩn nha, quyến rũ lôi cuốn người đọc theo suốt cuộc hành trình dài đây đó, đầy lý thú. Còn phần Nhân vật, anh dành nhiều tình cảm cho nhà văn Sơn Nam, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hiến Lê coi như là những người thầy mình, phát hiện nhiều điều lý thú ẩn khuất, sâu kín về chuyện nghề, đời sống của các bạn văn nghệ như Phạm Công Luận, Lâm Chiêu Đồng, Nguyễn Bạch Dương…Phần Nghề báo và tôi là những trải nghiệm nhọc nhằn, kỷ niệm đáng nhớ đời của một nhà báo doanh nghiệp.
Ts Nguyễn Thị Tịnh Thy có nhận xét tinh tế về tập sách: “…Là cuốn sách của nhà báo, Đường về quán văn cho người đọc vô số những thông tin và tư liệu, đặc biệt là về văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Lịch sử, con người, cảnh quan, đời sống, phong tục, dân tình hiện lên sinh động qua ngòi bút giản dị và tấm lòng hồn hậu, chân chất của tác giả Lương Minh”.
Tác giả khiêm tốn bảo đây chỉ là những ghi chép dọc đường đi của người làm báo nhưng bạn đọc tìm thấy nơi tập sách nầy đầy ắp những tư liệu sống động, duyên dáng về đời sống, kinh tế, chính trị của những năm nhiều biến động của đất nước. Anh viết theo lối kể chuyện tâm tình hồn hậu, tự nhiên, lôi cuốn khiến khi xem xong tập sách bạn đọc thòm thèm muốn xốc ba lô lên, làm chuyến “trôi nổi giữa chợ đời”, hành hương về những nơi chốn thân quen của quê hương.
TRẦN HỮU DŨNG
Nhà thơTrần Hữu Dũng