CẢM NHẬN “Em đừng rủ nhớ đi xa”
Một tập thơ ra đời, tác giả mong được nhiều người đọc. Tập EM ĐỪNG RỦ NHỚ ĐI XA của Phạm Đức Mạnh mới xuất bản được công chúng thơ đón nhận và vui mừng hơn được giới phê bình chú ý. Nếu như hôm trước bạn đọc được xem bài của Nguyễn Liên Châu nhận xét, thì nay tập thơ này được nhà thơ Dung Thị Vân phân tích, và không phải đây là người cuối cùng nhìn tập thơ này (LM)
Có lẽ trong tình yêu người ta luôn lo sợ một điều không hay xảy ra cho chính mình hoặc chính người. SỢ trong tập thơ EM ĐỪNG RỦ NHỚ ĐI XA vừa mới xuất bản quý III năm 2020 của nhà thơ Phạm Đức Mạnh được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp giấp phép cũng đã thể hiện điều đó. Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu. Nhưng chung quy vẫn là nỗi lo sợ về tình yêu. Anh sợ tình yêu rồi sẽ chia cắt đôi mình. Mà trong khổ thơ đầu nhà thơ đã dặn dò tình yêu: Đừng nghiêng chiều em nhé/ Hoàng hôn buồn thất tình/ Váng hồn rơi chảy máu /Chia cắt hai chúng mình (Sợ)
“Đừng nghiêng chiều em nhé” Nghiêng là đổ. Đổ là sẽ rơi mất. Rơi mất là không còn. Không còn…Khi tình yêu đã không còn là chấm hết. Là chỉ còn thú thương đau. Là chỉ còn những ngày âm thầm đau khổ. Dù tình còn đó. Yêu thương còn đó. Nhưng có lẽ vì tác giả khéo lo xa nên cứ phải dặn dò. Thực ra trong tình yêu suy cho cùng. Ta chẳng phải dặn dò. Khi hết duyên ắt tình sẽ hết. Tình hết với muôn ngàn vạn lý do. Mà không có điều gì lỗi lầm của kẻ muốn dứt áo ra đi. Thôi thì biết thế. Nhưng vẫn cứ phải dặn dò. Nhà thơ Phạm Đức Mạnh đã khéo léo dùng từ để thổn thức cùng tình. Chỉ một chữ NGHIÊNG thôi là cũng đủ gói muôn vạn điều muốn nói cùng em.
Đại thi hào Nguyễn Du đã có câu trong truyện Kiều:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Nhà thơ Phạm Đức Mạnh cũng thế. Hoàng hôn trên thế gian mỗi ngày cứ thế mà lập đi lập lại. Hoàng hôn chỉ cho con người ta thấy vẻ đẹp buổi xế chiều. Lòng vui thì nhìn màu sắc vui tươi. Còn lòng buồn thì nhìn màu sắc u buồn. Đôi khi nước mắt rơi mà không hiểu tại sao?
“Hoàng hôn buồn thất tình” .
Trong vũ trụ hoàng hôn có bao giờ biết khóc, biết buồn, biết thất tình. Thế nhưng thi ngôn của nhà thơ Phạm Đức Mạnh đã biến thành một hoàng hôn buồn. Một hoàng hôn thất tình. Đúng là ngôn từ của thi nhân vô cùng mãnh liệt. Nó thiết tha nó kêu gào không bút lực nào tả xiết.
“Váng hồn rơi chảy máu
Chia cắt hai chúng mình”
Hồn là nơi sâu thẳm tận đáy lòng tận con tim mà người ta chỉ cảm nhận ở mỗi khi thấy con tim mình thổn thức. Cõi linh tâm này mà nhà thơ thấy máu chảy thì quả thật mối lo sợ đã vạn vạn tỷ buồn. Đã nghìn mối lo âu. Có lẽ tôi cũng không còn biết phải nói sao cho vừa nỗi đau thương ray rứt cho câu thơ đứt ruột như thế này của nhà thơ. Mà chỉ biết lòng rưng rức theo thơ…
Câu thơ “Chia cắt hai chúng mình”. Tôi hiểu vì lẽ đó mà con tim anh đã chảy máu. Đó chỉ là suy nghĩ của hai câu thơ trên mà khiến nhà thơ Phạm Đức Mạnh suy tư trăn trở để thấy con tim mình chảy máu luôn chứ không còn rỉ máu. Như câu thơ tôi đã thuộc mà quên mất tên tác giả (Xin thứ lỗi)
“Tim tôi rỉ máu vì yêu đấy
Sao chẳng yêu tôi chẳng nói gì”
Có lẽ tâm sự của những người đang yêu là cùng đau đớn cùng thiết tha như vậy.
DUNG THỊ VÂN
Saigon, 05/8/ 2020
H