LÊ TRIỀU ĐIỂN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA CỰU GS TỐNG PHƯỚC HIỆP

Ngày đăng: 27/04/2020 05:49:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi quen với Lê Triều Điển hồi anh có cơ sở đường Hùng Vương, Vĩnh Long, sau này khi sống ở Sài Gòn, tôi và anh thường uống cà phê với nhau ở đường Cây Trâm , Gò Vấp. Anh cũng thường tham gia những buổi ra mắt sách của Quán Văn do đó tôi được gặp anh và biết thêm về những hoạt động trong giới hội họa mà anh đã tham gia. Mặc dù đã hơn bảy mươi, nhưng sức sáng tác anh rất khỏe, có nhiều tranh triển lãm trong nước, ngoài nước, lệnh cách ly vừa qua mọi người phải ở nhà lại là điều kiện cho anh sáng tác nhiều thêm. Thầy Đoàn Xuân Kiên, Giáo sư quốc văn của trường trung học Tống Phước Hiệp (1970-1975) có một bài viết về những người mà ông quen biết, đăng ở trang nhà, trong đó có một đoạn nói về HS Lê Triều Điển ở những năm 70. Xin giới thiệu cùng bạn đọc (Lương Minh)


Cuối năm 1971, tôi (ĐXK) nhận điều khiển đoàn Du Ca. Nhiều buổi chiều tối, sau những buổi họp mặt tập ca hát, anh em kéo nhau lại Café Đỡ Buồn ở mé Cầu Công Xi đi ra. Quán là một địa điểm khá đặc biệt: những vách ngăn các ô chỗ ngồi đều là tranh của Lê Triều Điển. Nhiều khi tôi băn khoăn tự hỏi: sao lại có người xử tệ với nghệ thuật đến mức đem những bức tranh sơn dầu thật đẹp ra làm vách nhà như thế. Hỏi ra mới biết tác giả những tấm tranh lớn nhỏ kia là của con bà chủ quán vui tính. Tôi nhủ thâm rằng ông nghệ sĩ này thật là có hiếu, đem tranh của mình tô điểm cho quán văn nghệ của gia đình thì không còn gì quá hơn !

Khi đoàn Du Ca tổ chức buổi trình diễn ra mắt tại Phòng Khánh Tiết trường Tống Phước Hiệp, Điển có đến dự, và chúng tôi thân quen ngay trong buổi gặp mặt đầu tiên ấy. Chàng hoạ sĩ lúc ấy đang là quân nhân ở Cần Thơ nhưng lại có mối quan hệ bạn bè rộng rãi với anh em văn nghệ miền Tây. Từ duyên gặp gỡ của du ca, tôi và Điển còn nhiều sinh hoạt văn nghệ từ đó và còn lâu về sau, khi tôi đi xa. Điển chính là người thực hiện bìa cho hai tập san Vượt Thoát (Cần Thơ, 1972) và Khai Nguyên (Vĩnh Long, 1973) do tôi chủ biên. Anh cũng tham gia phụ trách mĩ thuật bìa sách cho một loạt các ấn phẩm thơ, truyện của nhà xuất bản Con Đuông do các bạn văn nghệ miền tây thực hiện trong thời gian ba năm 1973-1975. Biết tôi đang sưu tập ca dao miệt vườn, anh tạo cơ hội cho tôi gặp mặt anh em bạn bè tại hội quán Góp Gió (Cần Thơ) để nói về công trình này. Điển cũng chính là người tạo cơ duyên cho tôi được gặp bác Tâm.

Đời lính trong thời gian ấy thật nhiều khó khăn mọi mặt, nhưng lúc nào Điển vẫn an nhiên, vẫn không thiếu nụ cười. Mấy năm sau 1975, cuộc sống nói chung còn khó khăn nhiều hơn so với trước kia. Nhưng cũng chính những năm khó khăn ấy lại giúp Điển tìm thấy niềm vui trong sách báo, vẽ tranh, và ngoài ra còn cả một lớp đào tạo một nhóm hoạ sĩ trẻ tại thị xã Vĩnh Long. Đây là những năm tháng thử thách lớn của người nghệ sĩ trong anh. Tôi có những ngày sinh hoạt với anh em Hội văn nghệ Cửu Long và Cổ Chiên thời gian ấy thật ấm cúng và tràn đầy hạnh phúc. Tôi nghĩ là có phần của nụ cười ấm áp và hồn hậu của Điển.

Bên cạnh những sinh hoạt sách báo, Điển còn có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực riêng của anh: hội hoạ. Sức sáng tạo của Điển thật phong phú, và thể hiện qua nhiều chất liệu tranh khác nhau, trong đó phải kể đến tranh sơn dầu trên lụa, và nhất là hai chất liệu không giống ai lúc đó là tranh mỏ hàn trên ván và trên các tấm foam trắng. Trong thời gian hai năm qua lại Cần Thơ sinh hoạt với các bạn, tôi được xem khá nhiều tranh sơn dầu trên lụa của Điển thật đặc sắc, tân kì, rất khác với tranh lụa truyền thống. Đây chỉ là một thử nghiệm mới có lẽ vì sẵn vật liệu trong tay chứ tranh sơn dầu vẫn là thể loại quen tay của anh trong thời gian này. Phong cách tranh luạ của Điển cách tân rất xa so với tranh lụa của Ngy Cao Uyên thuở ấy. Nét bút -dẫu là bút mỏ hàn- của Điển thường phóng túng, lạc phách, lắm khi bạo liệt như thể hắt ra những cảm xúc nóng và mạnh. Tranh của Điển làm tôi nhớ đến những nét cọ mãnh liệt của những lọn mây và sóng lúa trong tranh Van Gogh trước kia.

Sau 1975, trong ý hướng tìm tòi chất liệu cho tranh và tượng, anh có những thử nghiệm với chất liệu dân gian địa phương: đất sét Cổ Chiên. Phát hiện bất ngờ nhưng rất đúng lúc đã đem lại một lối thoát mới và có thể bền lâu cho hoạt động nghệ thuật tại miệt vườn. Điển sẽ ở lại rất lâu với chất liệu đất sét rất phong nhiêu của vùng đất Cổ Chiên. Sức sáng tạo của người nghệ sĩ ấy không hề cạn kiệt, dẫu là trong những lúc khó khăn khác nghiệt trong suốt thập niên 1970. Găp lại anh ở tuổi già, Điển vẫn nguyên vẹn nụ cười nhẹ thoảng, và tranh của anh vẫn mạnh mẽ, đặc biệt là những công trình gốm mĩ thuật của Điển là những bảo chứng đặc sắc cho phong cách mĩ thuật miệt vườn của một thời hiện đại. Tôi nghĩ tên tuổi của Lê Triều Điển và những công trình gốm mĩ thuật sẽ gắn kết với quê hương Cổ Chiên.
Đoàn Xuân Kiên

h3                                                     Với CHS trang nhà Tống Phước Hiệp

h4                                                       Triều Điển và nhà thơ Hồng Lĩnh (vợ)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác