TRỊ BỆNH ĐÊM GIAO THỪA
Năm 2013, bà con xôn xao nhiều về các nhà ngoại cảm, đồng bóng, các nhà thơ thần nổi tiếng, trong một đêm thần Phật nhập xác sáng tác hơn trăm bài thơ, mang thơ đi dự giải Nobel văn chương…, khiến Trịnh Kim Thuấn nhớ về một câu chuyện Đêm xuân thày Pháp chữa bệnh. Nay xin kể lại ngõ hầu bà con. Hy vọng năm mới 2020 các vụ việc như thế nầy sẽ bớt đi. (Chuyện xảy ra vào khoãng năm 1950 thế kỷ trước, theo lời kể của chú Hai Thảo, thợ hớt tóc cùng quê.)
Cậu Hai Sắc là con một của Bá hộ Tửu, được cha cho đi học tận Sài Gòn. Năm ấy, cậu bị bệnh nên về nhà sớm. Về đến nhà nằm miết trong phòng, rên rĩ, cơm nước chả buồn ăn… Ông Bá hộ rước các thầy thuốc hay trong vùng, cho người chèo ghe qua tận chợ Long Xuyên … nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Hết cách !
Có người phán: Hay là cậu Hai bị bệnh tà, đụng chạm đến thần thánh nào chăng, mới bị quở trách? Mặc dù theo Tây học, việc nầy là mê tín dị đoan, ông Bá hộ không tin và không thích, nhưng hoàn cảnh nầy biết làm sao hơn? “Có bệnh thì vái tứ phương”, biết đâu phước chủ may thầy? Ông cho người đi rước thầy Tư Tánh, một pháp sư nổi tiếng trong vùng, đã ba đời làm thầy pháp.
Thầy Tư Tánh đến, sau khi nghe ông chủ trình bầy, thầy đi quanh vòng nhà, ra cả khu mộ tổ tiên của ông Bá hộ , rồi quay về nhà nhìn trên, nhìn dưới, sau cùng phán rằng: Cậu Hai bị Bà Cố định bắt về cõi trên để làm người hầu bên cạnh.Ông Bá hộ: Vậy giờ phải làm sao? Thầy Tư: Oai lực của Bà Cô nầy lớn lắm, phép thuật của tôi chưa chắc hơn được, nhưng vì sinh mệnh của cậu Hai tôi cố hết sức, nhưng cần điều kiện, liệu ông Bá Hộ có đáp ứng được không? Ông Bá hộ: Điều kiện chi xin thầy Tư cứ nói. Thầy Tư: Phải lập đàn tràng vuông vức một công đất, chung quanh bao lại bằng vải điều, cách khoảng ba mét có một cây phướng, giửa đàn tràng cất cái nhà tạm để mỗi tối mang cậu Hai đến đó tôi chữa bệnh, đồng thời tôi lập bàn hương án… Nội vụ chiều mai phải xong.
Đúng 8 giờ tối là tôi chửa bệnh. Bệnh nầy không để lâu được. Tất nhiên, các điều kiện nầy đối với ông Bá Tửu chả khó gì. Ông Bá hộ: Được! trăm sự nhờ Thầy Tư. Kế tiếp là tiền nong, hai bên thỏa thuận: Cậu Hai hết bệnh, tiền công là 100 giạ lúa. (Ngày ấy chưa biết làm Hợp đồng kinh tế). Thầy Tư nói thêm: Cuộc chiến nầy ác liệt lắm, nếu thua thì tôi cũng chết theo cậu Hai, nhưng thương ông Bá hộ chỉ có mụn con trai nên tôi mới nhận.
Ông Bá hộ nhờ ngay 20 tá điền thân tín đến giúp. Người đi chợ mua vải đỏ, mua thêm một số vải xanh, vải vàng để may cờ phướng, một số ra vườn đốn tre làm trụ, làm cột cờ và cất cái nhà tạm. Nội việc đúng năm giờ chiều ngày 30 tết hoàn tất.
Tin tức lan truyền rất nhanh, trưa ngày 29 tháng chạp năm ấy, đến chiều thì cả làng, cả ùng đều biết. Đêm giao thừa, Pháp sư Tư Tánh đấu chiến với Bà Cô để trị bệnh cho cậu Hai Sắc, con của ông Bá hộ Tửu.
Dân chúng cả vùng háo hức đến xem. Từ trước đã có xem thầy pháp chửa bệnh cũng nhiều, nhưng đâu có như lần nầy: quy mô hoành tráng quá.Buổi tối người nhà võng cậu Hai Sắc ra cái nhà tạm, đặt cậu trên bộ ván ngựa. Thầy Tư chuẩn bị hoa quả, nhang đèn, gươm trận, bùa chú …
Đúng 8 giờ tối, hằng trăm người kéo đến xem như đi Hội chợ mùa xuân! Thầy Tư nói:
Thưa bà con, trận đấu chiến đêm nay vô cùng quyết liệt, thắng thua chưa biết về ai. Bà con cứ xem thoải mái, nhưng đến lúc tôi Hô giáng, hào quang bắn lên, xẹt qua, xẹt lại …thì bà con lùi lại cách đàn tràng khoản 50 thước, để tránh đạn lạc, tên bay, không khéo thương vong đấy! Những người sợ ma, nghe Thầy Tư nói vừa sởn da gà.
Nhưng sự hiếu kỳ lấn áp nỗi sợ, nên ở lại xem, bụng bảo dạ: lùi xa 50 thước có sao
đâu. Cũng có ít người yếu bóng vía ra về sớm …Thầy pháp đọc thần chú, nhập xác đồng, đối thoại với Bà Cô, xin xỏ, nài nĩ Bà Cô tha cho thằng nam (con bệnh). Nhưng Bà Cô không đồng ý .Thầy Tư cầu khẩn sư phụ Quỷ Cốc, Tề Thiên đại thánh, Lê Sơn thánh mẫu sư mẫu của mình (ở bên kia thế giới), thỉnh thiên binh, thần tướng tiếp tay…
Đến khoảng 10 giờ đêm, thầy Tư hô to: Hô Giáng! Quả thật khắp đàn tràng hào quang bắn lên trời, xẹt qua , xẹt lại sáng chói cả một vùng, khán giả túa chạy ra xa .Rất may không có dẫm đạp lẫn nhau. Bấy giờ Thầy Tư bước vào nhà tạm gặp cậu Hai. Thầy nói: Bây giờ cậu phải cho tôi biết, thiệt tình cậu bị bệnh gì thì tôi mới có cách cứu cậu, còn cậu làm thinh hoài thì tôi bó tay! Cậu Hai: Tôi nói ra Thầy Tư giữ kín giúp tôi, chứ ông già biết được, ổng đập tôi chết. Thầy Tư: Tôi hứa. Cậu Hai: Tôi bị bệnh tiêm la (bệnh lậu). Tại tôi nghe lời mấy thằng bạn không lo học hành, lại đi chơi bời, xui xẻo quá dính chấu, về nhà làm sao dám nói thật hở Thầy Tư? Thầy Tư: Cậu yên lòng, tôi lo cho cậu hết bệnh, nhưng cậu cũng phải giữ kín việc tôi chữa bệnh cho cậu nhé!
Thế là sáng hôm sau, Thầy Tư ra tiệm thuốc bắc chợ Cái Tàu Thượng, ông chủ tiệm là người Hoa, cũng là nơi quen biết, hốt ngay 3 thang thuốc trị bệnh lậu gia truyền (mà Thầy Tư đã từng mắc phải). Về nhà, đến chiều đích thân xuống bếp sắc thưốc 3 chén còn lại 8 phân, buổi tối mang đến đàn tràng chữa bệnh…
Màn trình diễn chữa bệnh giống như đêm trước, khán giả đông gấp 3 lần đêm rồi. Họ kháo với nhau: Trận đấu phép dữ dội quá hào quang đẹp tuyệt còn hơn xem đốt pháo bông. Khi hào quang sáng rực lên, khán giả dạt ra xa, thì Thầy Tư bưng chén thuốc bắc đưa cho cậu hai uống. Đêm nào cũng chữa bệnh như thế. Bắt trúng bệnh lại gặp thuốc hay, sức khỏe của cậu hai hồi phục nhanh chóng.
Đến đêm thứ tư. Thầy Tư nói, thôi, ngày mai tôi cho dẹp cái đàn tràng nầy, để về nhà cúng Tết, đi mừng tuổi ông bà, thăm bạn bè . Còn cậu thì mỗi buổi chiều giả bộ đi chơi, ghé qua nhà tôi, tôi cho cậu uống thêm chừng 3 – 4 thang nữa là hết bệnh, bảo đảm dứt nọc luôn, nhưng cậu phải sửa mình lại, ráng lo học hành, đừng chơi bời nữa …nếu xãy ra lần nữa, thì khó cứu lắm đa! Cậu Hai nói, một lần tôi tởn tới già, làm sao mà dám tái phạm. Tôi xin đội ơn Thầy Tư. Ngày hôm sau: dẹp đàn tràng vi Thầy Tư đã thắng Bà Cô, cùng ông Bá hộ quyết toán ài chính.
– Vải tây đỏ tặng hết cho thầy Tư. (144 mét chứ ít sao!)
– Cờ phướng tặng luôn.
– Tiền công 100 giạ lúa, thưởng thêm 100 giạ lúa nữa.
Vải tây đỏ, thầy Tư mang về nhà chừa lại một ít để may quần áo cho mình và các đệ tử đi chữa bệnh, phần còn lại mang ra tiệm nhuộm vải ở chợ nhuộm màu tím, đen, xanh cho cả nhà dùng dần. Mỗi chiều Cậu Hai đi tản bộ, da dẽ hồng hào, ghé nhà Thầy Tư nói chơi dăm ba câu chuyện rồi uống thuốc ra về. Chú Thảo nói: Sau nầy, khi “rửa tay gác kiếm rồi” thì thầy Tư mới tiết lộ bí mật nhà nghề cho tao hay. Rằng, chuyện ma quỷ, thần thánh hễ ai tin thì có, không tin thì không có? Cách ba mét, ở mỗi cột phướng, Thầy để 1 ống tre cắm một bó nhang. Ống tre nầy phia dưới là cát, phía trên là thuốc pháo. Nhang được làm dấu, cắm nhang phải cắm lút xuống khỏi chân nhang, đến ngay chổ mình làm dấu. Khi trị bệnh, con mắt phải canh chừng, nhang cháy vừa đến mức, thì tao la Hô Giáng. Thuốc pháo gặp lửa thì hào quang phải bắn, phải xẹt chứ sao! cả mấy thằng lính của tao nó cũng dạt luôn thì tao mới vào hỏi chuyện với cậu hai. Làm không khéo là bể mánh như chơi!
TRỊNH KIM THUẤN.
H
Ảnh: Internet