NGHỀ CHÀI CÁ Ở VÙNG CAO LÃNH
Do có đặc trưng về điều kiện tự nhiên, Đồng Tháp Mười nói chung và vùng Cao Lãnh nói riêng, từ thuở xưa có rất nhiều cá. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về chủng loại.
Ngay từ xưa, người ta đã biết tổ chức rất nhiều cách thức đánh bắt cá, tùy vào điều kiện địa hình mà có cách đánh bắt thích hợp.
Có thể tạm chia thành hai nhóm: đánh bắt trên sông và đánh bắt trên ruộng.
Đánh bắt trên ruộng: “đào đìa”, đìa được đào vào mùa khô, ở giữa ruộng lúa có thể chất thêm chà, làm ụ để giữ cá khi mùa nước lên, sau đó nước rút thì tát cạn nước trong đìa để bắt cá.
Cá bắt được ở đìa là cá đồng: cá lóc, cá bông, cá trê (vàng, trắng), cá rô, cá sặt rằn (lò tho), tôm, lươn, rùa… người ta thường bắt những con lớn, vì cá quá nhiều, có đìa thu hoạch đến vài tấn cá.
Đánh bắt trên sông: “đấp đập”, đây là cách thức hữu hiệu nhất để đánh bắt, nó không phụ thuộc nhiều vào tính may rủi như các cách thức khác. Khi xác định khúc sông có cá, người ta sẽ làm đập chặn lại, ngăn cá không thoát ra ngoài. Để có thể đánh bắt bất cứ thời điểm nào khi cần, không phụ thuộc vào thời gian.
Trong từng nhóm đánh bắt trên, tùy vào điều kiện và yêu cầu thực tế mà sử dụng nhiều loại ngư cụ khác nhau. Và những loại ngư cụ này không ngừng được cải tiến theo thời gian.
Ngư cụ đánh bắt trên sông phổ biến là chài.
Chài có thể đánh bắt cá ở những khúc sông có đập hoặc không có đập. Là một loại ngư cụ đánh bắt cá phổ biến trong thời gian dài là sinh kế của những hộ gia đình không có đất hoặc ít đất canh tác.
Chài có hình chóp, dài khoảng 5 đến 6 mét, mắt lưới khoảng 1-2 phân, tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà khoảng mắt lưới thay đổi.
Để một miệng chài đạt yêu cầu, người thợ tự gia công, chứ không mua, phần lớn những người biết chài đều biết đươn chài.
Nguyên liệu đươn chài là chỉ và công cụ là ghim, cự, xa quay chỉ. Chỉ có 2 loại: chỉ và gân, chài đươn bằng gân được sử dụng nhiều hơn, vì nó mau chìm, bén cá. Còn chài chỉ dùng nhiều trong những lúc ụ gốc, chà… do nó ít bị rách.
Con cự là một dụng cụ bằng tre dài khoảng 5 tấc, dùng để định dạng kích thước của mắt chài khi đươn hoặc vá.
Khi chài bị rách, người thợ trực tiếp vá, khi chài mới đươn người ta dằn chài cho xếp các mối đươn để tránh trường hợp các mối đươn bị mắc vào nhau khi vãi.
Chài có 2 cách: chài kiểu và chài ba mớ
Chài ba mớ: người ta chia chài thành ba mớ để vãi, cách gọi có tính “mỉa mai” là “quăn cà ràng”. Tay phải phăng dây chài, đến gần đáy chài khoảng 1 thước, kéo một mí chài máng lên cùi chỏ tay mặt, tay trái nắm một mí ngay tận tùng chài, rồi lấy đà, tung mạnh chài về phía trước mũi xuồng.
Chài kiểu: cuốn dây dụi chài thành phanh tròn có đường kính khoảng vài tấc, phần thân chài thì gấp khúc, đoạn gấp khúc khoảng 3 tấc, đến chừng cao hơn đầu người vãi 1 chút thì gối đầu chài. Nắm 1 mí chài đặt lên gối đầu, tay nghịch giữ phần gối đầu, tay thuận đặt ở khoảng giữa phần thân chài còn lại, tại mí. Rồi từng ngón tay nắm từng phần chài khi nào đầy, chuyển sang ngón khác. Kinh nghiệm, để vãi chài ra tròn ổn định, ngón tay đầu nắm lượng chài ít, rồi tăng dần lên. Rồi lấy đà từ phía sau tung chài về phía trước.
Những người làm nghề chài cá thường sống ven sông ở Mỹ Trà, Mỹ Tân, Tân Nghĩa, Phương Trà…
Phương tiện hành nghề chính là xuồng Cần Thơ có cà-rèm, ban đêm thì dương cà-rèm ngủ, ban ngày khi chài thì xếp cà-rèm. Trong đó, người làm nghề chài đem theo bếp lò, nồi, gạo để nấu cơm.
Họ thường ra đi từ nhà vào lúc chiều hoặc đêm có khi họ đi riêng hoặc theo đoàn. Một xuồng, có 2 người có thể là vợ chồng, anh em, cha con. Họ đi đến các kinh ở sâu vào đất ruộng: kinh Thầy Thuốc, kinh Lô Số 7,… những kinh này ít dân cư sinh sống, còn hoang sơ, cá chưa bị khai thác nhiều. Họ đi trong vòng 2-3 ngày thì về. Cá chài được cũng rất phong phú từ cá sông: cá ngựa, rằm rừng, cá trèn, cá kết…; cá đồng cá lóc, cá rô…; tôm. Xuồng có khoan đục rộng cá.
Những chuyến chài nào nhiều cá lóc và tôm là xem như có “thu hoạch”. Cá thu hoạch được người ta đem bán ở chợ hoặc cân cho bạn hàng, cũng tại chợ.
Gặp những chuyến chài thất, người làm nghề cúng vái Bà Cậu… lễ vật cúng thông thường là bộ tam sên. Ở các xuồng chài, có thể do diện tích xuồng nhỏ nên không có lư hương hay trang thờ riêng Bà Cậu họ chỉ khấn vái khi cần. Do vậy nghề chài cá, còn được gọi là nghề “Bà Cậu”.
Thời gian dần trôi, khi nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt thì cách thức đánh bắt cá này cũng dần mất bóng theo thời gian.
Dương Văn Triêm