Đạo đức Phật giáo
Tìm hiểu Đạo đức Phật giáo (Buddhist Ethics) không những giúp chúng ta hiểu biết thêm về Tư tưởng Phật giáo (Buddhist thought) nhưng còn giúp chúng ta biết thêm về chính mình và khuynh hướng đạo đức để sống một cuộc đời tốt lành trong thế giới hiện hữu.
– * –
Trong bài Đạo đức Phật giáo này, chúng tôi sẽ trình bày:
I.- Dẫn nhập (Introduction)
II.-Tam Bảo (Three Jewels)
III.-Quy y Tam Bảo (Taking the refugee in the Three Jewels)
IV.-Giới luật của Phật giáo (The Precepts of Buddhism)
V.-Phật giáo và tình dục (Buddhism and Sex)
VI.- Tứ Vô Lượng Tâm (Four Immeasurable Minds)
VII.-Tam độc (Three Poisons)
VIII.-Bổn phận của cư sĩ đối với các người thân (The lay Buddhist’ s duties to his/her Associates)
Con người là một sinh vật có suy tư. Nhiệm vụ của con người là hướng về các sự việc ở phiá trước, về những mục đích cao siêu mà con người được khuyến khích và kêu gọi đi tới. Hành động hướng về phía trước của con người bị chi phối bởi cái lăng kính, cái nhìn về quá khứ. Nếu không có quá khứ cho một con người, thì cũng không thể có tương lai, và nếu phủ nhận tương lai lẫn phủ nhận quá khứ mà chỉ chìm đắm vào hiện tại, hưởng thụ danh lợi hiện tại …như tình trạng của loài vật thì đời sống của con người sẽ bị mai một, sẽ không còn gì trường tồn nơi đời sống con người. Do đó, tất cả những gì là đặc trưng cốt yếu của con người sẽ biến mất khỏi sự hiện hữu của con người.
Bởi thế nên, con người cần phải có một quan niệm sống tốt đẹp. Một quan niệm sống tốt đẹp không phải chỉ học được trực tiếp và ngay tức khắc bằng một khóa học, bằng một bài học, bằng đọc sách, hay bằng một thông tin trên Internet, hay Google. Quan niệm sống là sản phẩm của nhận thức cá nhân về chính mình, về khát vọng của chính mình. Một quan niệm sống của một người là một nguyên tắc sống, một tinh thần và một thái độ có khả năng giữ vững sự thống nhất và đồng nhất với chính mình trong mọi điều kiện xã hội phức tạp. Trước mọi thăng trầm, thịnh suy của cuộc đời, một con người vẫn giữ chính mình vượt qua những đổi thay của cuộc sống. Nhưng quan niệm sống cũng có khả năng thích ứng và biến hoá trước sự đổi thay của nhiều trường hợp do đời sống mang đến. Thiếu sự chuẩn bị này, đời sống cá nhân của một người như con thuyền không có bánh lái, như con ngựa chạy không có cương, như một mãnh gỗ mục nát trôi dạt theo dòng nước long bông tiến tới một nơi, một định mệnh không định hướng được. Một quan niệm sống không phải là một hiểu biết khách quan mà là một niềm tin chủ quan, là một định hướng cho đời sống của con người.
Con người tìm hiểu môi trường sống chung quanh, tự tra vấn, và phê bình có ý thức về những gì xảy ra ở chung quanh mình.
Như đã nói trên, một quan niệm sống của một người không thể có được bằng một bài học, bằng sách vở. Tuy nhiên, sự đọc sách, sự tìm tòi . . . có thể làm sáng tỏ hơn niềm tin của mình để rồi sau đó quan niệm sống này sẽ trở thành của mình qua một sự lựa chọn chân thành và tự nhiên.
Như đã nói trên, con người là một sinh vật có suy tư, hạnh phúc không thể chỉ là việc thỏa mãn những đòi hỏi nhất thời, những tình cảm mù quáng, những điều lợi ích trước mắt. Một hạnh phúc đắm chìm trong khoái lạc hiện tại, quên mất đi quá khứ và tương lai, một hạnh phúc không để ý đến những chân lý sâu xa hơn trong đời sống thì chỉ là một hạnh phúc viễn vong và nông cạn. Một cuộc sống không phải là một đời sống thực sự nếu không có hạnh phúc, và hạnh phúc cũng không phải là hạnh phúc nếu hạnh phúc không có một ý nghĩa chính đáng. Để có một hạnh phúc đích thực, hạnh phúc cần phải có một ý nghĩa đạo đức và một giá trị đạo đức.
Công việc tìm kiếm hạnh phúc cũng giống như mọi công việc tìm kiếm khác, con người có thể đối diện với một nguy cơ là sự có thể lầm lẫn: lầm lẫn vì mình bị quyến rũ, bị dụ dổ vào những con đường không đưa đến một mục đích tốt đẹp nào cả; lầm lẫn vì dừng lại ở sự thỏa mãn hời hợt và những niềm vui trống rổng. Chủ thể có thể tin mình đang hạnh phúc, chứng tỏ mình hạnh phúc và làm người khác nghĩ mình đang hạnh phúc nhưng thực tế là mình đang đắm chìm trong thống khổ. Như vậy, hạnh phúc nào là một hạnh phúc đích thực và lâu bền – Hạnh phúc chính là sức khỏe, công việc sáng tạo có kết quả tốt như vẽ tranh, viết lách, ăn ngon, mặc đẹp …, sống trong một môi trường dễ chịu, được khen ngợi không quá đáng, tụ họp bạn bè: uống trà, uống cà phê, uống rượu có giới hạn, tiệc tùng …; thưởng thức các vật đẹp, tranh ảnh đẹp, đọc sách, nghe nhạc, luyện tập thể dục và thể thao; mơ mộng điều tốt đẹp; thoát một nguy hiểm về thể xác: bịnh hoạn, tai nạn hiểm nghèo; vượt được cảnh nghèo khó …
Bản chất của hạnh phúc là sự tìm kiếm trong ý thức đạo đức. Ý thức đạo đức được các học thuyết triết học tôn giáo thiết lập thành nguyên tắc chung làm nền tảng cho đời sống đạo đức để giúp con người phán đoán các hành vi đạo đức, tiêu chuẩn, khuôn mẫu phải theo của học thuyết triết học và tôn giáo.
(Xem thêm: – Đạo đức học 12 ABCD của NVT, Saigon: Hiện Đại, 1972.
– Trắc nghiệm Triết 12 A của NVT và nhiều tác giả khác, Saigon: Yiễm Yiễm, 1975. Tái bản: USA: Lu Lu Press phát hành online, 2019.)
Trong bài viết này, chúng tôi giải thích các quan niệm đạo đức (ethical concepts) theo quan điểm của Phật giáo. Các quan niệm đạo đức này được chấp nhận bởi các tông phái của Phật giáo: Phật giáo Nguyên thủy, Thượng Tọa Bộ/ Theravada, Phật giáo Phát triển/ Phật giáo Đại thừa.
Tìm hiểu Đạo đức Phật giáo (Buddhist Ethics) không những giúp chúng ta hiểu biết thêm về Tư tưởng Phật giáo (Buddhist thought) nhưng còn giúp chúng ta biết thêm về chính mình và khuynh hướng đạo đức để sống một cuộc đời tốt lành trong thế giới hiện hữu.
Đạo đức là phần cốt yếu của Phật giáo (Ethics is the essence of Buddhism). Đây là những quan niệm đạo đức để giúp cho con người sống một đời sống hạnh phúc, an nhiên, tự tại.
Đạo đức quan tâm đến những việc làm sao cho con người sống trong một cuộc sống tốt đẹp, và cũng quan tâm đến hành động đối với người khác tức là đem đến lợi ích cho người khác. Đây là nền tảng đạo đức của tôn giáo. Tôn giáo được coi như là nguồn gốc của các lời răn dạy đạo đức cho các tín đồ. Nhiều tôn giáo tin rằng có một quyền năng siêu việt, và đạo đức là những quy luật đặc biệt được chấp nhận để tự đối xử với mình và đối xử với người khác. Nếu chúng ta nghĩ rằng Đạo Phật là một tôn giáo thì chúng ta chắc chắn sẽ mong đợi những người Phật tử nói về đạo đức. Vì đạo Phật không phải là một thần giáo (Atheist) nên người Phật tử không nghĩ rằng các điều luật đạo đức như là điều răn (divine commandment). Theo lời Đức Phật lịch sử dạy thì không có một Đấng Sáng Tạo, nên người Phật tử tin rằng đạo đức không đến từ tình thương của Thượng đế/ Đấng Tối Cao. Thí dụ: nếu một người ăn cắp một chiếc nhẩn hột xoàn bằng cách không để bị khám phá; vấn đề ở đây là không phải là sự bỏ qua đạo đức, vì chúng ta biết rằng ăn cắp là một sai lầm; vấn đề ở đây là động lực để ý thức đạo đức và tại sao phải ý thức đạo đức. Đối với người tin tưởng thần giáo thì họ dễ dàng trả lời rằng trong khi người này ăn cắp chiếc nhẫn thì không có người nào khác trông thấy, nhưng Thượng đế (God) sẽ thấy việc này và sẽ phạt người này vì tội ăn cắp. Như vừa trình bày, người Phật tử không thể nói như thế này, họ không thể nói con người phải sống đạo đức vì đạo đức đến từ tình thương của Thượng đế, người Phật tử không tin có sự hiện hữu của một hữu thể là Đấng Sáng Tạo/ Thượng đế. Như vậy, theo người Phật tử thì tại sao con người phải sống đạo đức? – Chúng ta thấy có 3 quan điểm làm nền tảng cho đạo đức Phật giáo là:
1.-Thuyết về nghiệp là nền tảng chính của đạo đức Phật giáo (The doctrine of karma is the main foundation of Buddhist Ethics): nhân quả báo ứng, sinh tử luân hồi:
“ Ở hiền gặp lành” (Tục ngữ)
“Ai ơi! Hãy ở cho lành,
Kiếp này chẳng được, để dành kiếp sau.” (Ca dao)
(Xem thêm bài Nghiệp và Luân hồi của NVT)
Chúng ta phải thực hành các quy luật đạo đức bởi vì các quy luật đạo đức là phản ánh của luật nhân quả. Thí dụ: Việc ăn cắp là một động lực do lòng tham, nó tạo nên cái nhân xấu, và hậu quả là tạo nên điều xấu ở kiếp này, hay là điều xấu ở kiếp sau.
2.-Đức Phật lịch sử dạy rằng tam độc: tham, sân và si (greed, hatred and delusion) là những yếu tố khiến con người gắn liền với luân hồi (samsara). Do đó cần phải diệt trừ tam độc để thoát khỏi luân hồi, để đạt được giải thoát, để đạt Niết-bàn (Nirvana).
(Xem thêm: Tam độc: Tham, Sân và Si trong bài này)
3.-Bổn phận của con người Phật tử là phải thực hành lòng nhân ái (benevolence), lòng nhân ái là linh hồn của đạo đức. Bất cứ lúc nào chúng ta có thể ngăn chận các điều làm đau khổ cho người khác thì chúng ta hãy làm ngay, đó là quy luật đạo đức phải theo. Thí dụ: ăn cắp là điều không có đạo đức, bởi vì kẻ ăn cắp thì có ý định đem lợi lộc cho mình trong khi đó lại gây đau khổ cho người khác, cho khổ chủ.
II.-Tam Bảo:
Tam Bảo (Three Jewels) là 3 viên ngọc quý báu, gồm có Phật (Buddha), Pháp (Srt. Dharma, Pa. Dhamma) và Tăng đoàn (Pa. Sangha, Srt. Samgha).
Người Phật tử phải kính trọng và nương tựa vào Phật quý báu (Buddha Jewel), Pháp quý báu (Dharma Jewel) và Tăng- đoàn quý báu ( Sangha Jewel) có nghĩa là thực hành theo lời dạy của Phật, Pháp và Tăng- đoàn (following the guidance of Buddha, Dharma and Sangha).
1.Phật:
Dĩ nhiên là Đức Thích-ca Mâu-ni Phật (Shakya Muni Buddha), là Đức Phật lịch sử (historical Buddha), là Bậc đã giác ngộ (Awakened One/ Enlightened One); nhưng Phật còn có một ý nghĩa thâm sâu hơn. Phật bao gồm cho tất cả mọi người đã nhìn thấy được bản tánh của mình. Ai ai cũng đều có Phật tính, ai ai cũng có thể thành Phật. Chúng ta có thể chưa nhận thức được Phật tánh ở nơi con người chúng ta, nhưng không ai có thể phủ nhận điều này.
(Xem thêm bài: “Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni” của NVT)
2.-Pháp:
Dharma (Pháp), tiếng Sanskrit, (Pa. Dhamma) có nhiều nghĩa. Ở đây chúng ta hiểu Dharma là lời dạy của Đức Phật, và các lời thuyết giảng về tư tưởng Phật giáo của các bậc Đại sư, bậc Trưởng Thượng và các bậc Luận sư uyên thâm giáo lý của Đức Phật.
Trong tiếng Sanskrit, Dharma có nghĩa là lời dạy của Đức Phật được viết chữ D hoa; còn chữ dharma có nghĩa là hiện tượng, được viết chữ d thường.
Phật giáo có Tam tạng kinh điển (Srt. Tripitaka, Av. Three baskets) là 3 kho chứa sách gồm có:
1.-Kinh tạng (Srt. Sutra Pitaka, Av. Basket of Discourses) chứa đựng tất cả các bài thuyết giảng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và các bài thuyết giảng của các học trò thân cận với Ngài.
2.-Luật tạng (Srt. Vinaya Pitaka, Av. Basket of Discipline) chứa đựng các giới luật do Đức Phật và các tông phái Phật giáo đặt ra để các Phật tử ở trong Tăng-đoàn thực hành theo.
3.-Luận tạng (Srt. Abhidharma Pitaka, Av. Basket of Ultimate things); có nơi dịch chữ Abhidharma là Vô Tỷ Pháp, có nơi dịch là Vi Diệu Pháp, có nơi dịch là Thắng Pháp. Vắn tắt dịch là Luận.
Luận tạng chứa đựng các bài giải thích lời Phật dạy với quan điểm của Luận sư.
Đức Phật đã dạy rằng: “Ai hiểu được Phật Pháp tức là hiểu ta, ai hiểu được ta tức là hiểu được Phật Pháp.” ( He who sees the Dharma sees Me; he who sees Me sees the Dharma).
3.-Tăng-đoàn
Sangha, tiếng Pali, (Srt. Samgha) có nhiều nghĩa; ở đây có nghĩa là bao gồm (Av. Comprising), cộng đồng (Community), hiệp hội (Assembly, Council). Sangha, trong thuật ngữ Phật giáo, có nghĩa là một cộng đồng
Phật giáo bao gồm Đức Phật và các tín đồ của Ngài. Tàu phiên âm là Tăng-già, Việt dịch là Tăng đoàn. Tăng-đoàn đầu tiên của Phật giáo gồm có Đức Phật và 5 người đệ tử đầu tiên của Ngài. Tiếp theo đó có rất nhiều người bình thường đã gia nhập vào Tăng- đoàn sau khi đã nghe lời thuyết pháp của Đức Phật với ước nguyện diệt trừ khổ đau để đạt được thân tâm an tịnh.
Ngày nay, Tăng-đoàn hay Cộng đồng Phật giáo bao gồm những người Cư sĩ/ những Phật tử bình thường tu tại gia [-Upsaka (phiên âm: ưu-bà-tắc), tiếng Sanskrit, có nghĩa là Nam cư sĩ;-Upasika (phiên âm: ưu-bà-di), tiếng Sanskrit, có nghĩa là Nữ cư sĩ]; các Nam tu/ Tăng/ Sư Thầy/ Tỳ-kheo (Pa. Bhikkhu, Srt.bhikṣu; Av. Monks), và các Nữ tu/ Ni cô (Pa. Bhikkhunis, Srt. bhikṣuṇī, Av. Nuns).
Dr. Radhakrishnan định nghĩa: “The Sangha contains both lay members and monks; while the lay member assents to the doctrine, the monk is the missionary”.
(Radhakrishnan, Indian Philosophy, London, 1923, Vol. I, tr. 437)
[Tăng-đoàn bao gồm các Cư sĩ và các Tăng sĩ; trong khi Cư sĩ chấp nhận học thuyết (Phật giáo) còn Tăng sĩ là các nhà truyền giáo]
Trong Tăng-đoàn, mỗi thành viên đều giúp đở lẫn nhau trong việc học hỏi và tu học giáo lý nhà Phật.
III.-Quy y Tam Bảo:
Để trở thành một người Phật tử thì người này phải quy y Tam Bảo (taking the refugee in the three Jewels): Phật, Pháp và Tăng-đoàn. Quy y Tam Bảo là một nghi lễ trọng thể của Phật giáo được cử hành tại Chùa. Đây là điểm khởi đầu của người Phật tử đã chấp nhận lời dạy của Đức Phật và thực hành theo lời dạy của Ngài.
Quy y Tam Bảo là đem đời mình quay về nương tựa nơi Phật, Pháp và Tăng–đoàn.
Trong buổi lễ quy y Tam Bảo (taking the refugee in the Three Jewels), người Phật tử phải đọc tụng ba điều:
Tôi quy y Phật. Tôi quy y Pháp. Tôi quy y Tăng.
Quy y tức là quay về nương tựa, trú ẩn (refugee) để được che chở bảo vệ khỏi sự khổ đau, khỏi sự sợ hải, vượt được bánh xe luân hồi.
1.-Tôi quy y Phật:
Dĩ nhiên Phật là Đức Phật lịch sử (historical Buddha) tức là Đức Thích-ca Mâu-ni Phật (Sakya Muni Buddha), là bậc đã giác ngộ.
Phật còn có ý nghĩa thâm sâu để chỉ Phật tánh (Buddha nature) nơi tất cả chúng ta; ai ai cũng có Phật tánh. Chúng ta chưa nhận ra Phật tánh cho đến khi chúng ta giác ngộ.
Người Phật tử quay về nương tựa vào Đức Phật bằng cách trú ẩn vào vòng tay che chở của Đức Phật, Đức Phật là bậc Thầy của chúng ta, để thấy những kinh nghiệm quý báu của Đức Phật lịch sử trên đường đi tới chỗ giác ngộ. Nhờ đó giúp chúng ta noi theo để tìm được Phật tánh nơi chúng ta, và để vượt qua những khổ đau mà tiến tới giác ngộ.
2.-Tôi quy y Pháp:
Dharma (Pháp) có nhiều nghĩa: – nghĩa thông thường là hiện tượng: tiếng Sanskrit viết d thường: dharma. Ở đây có nghĩa là lời dạy của Đức Phật (the teaching of the Buddha) thường được ghi chép trong các Kinh điển (Sutras), và các bài luận giải thích các lời dạy của Đức Phật, tiếng Sanskrit viết hoa chữ D: Dharma.
Người Phật tử quay về nương tựa vào Pháp là nghiên cứu tìm hiểu lời dạy của Đức Phật, chấp nhận và tin vào lời dạy này, tức là trú ẩn để linh hồn được che chở bởi lời Phật dạy. Thêm vào đó người Phật tử còn phải thực hành các lời dạy của Ngài trong cuộc sống hằng ngày.
3.-Tôi quy y Tăng:
Sangha (Tăng-già) có nhiều nghĩa, trong Phật giáo có nghĩa là Tăng-đoàn, Tàu phiên âm là Tăng-già. Tăng đoàn là một cộng đồng Phật giáo gồm có các nhà Sư hay Tì-kheo (Pa. Bhikkhu, Srt. Bhiksu), Nữ tu hay Tì-kheo Ni (Pa. Bhikkhuni, Srt. bhikṣuṇī ), và các Cư sĩ Nam và Nữ. Họ là những Phật tử kết nối với nhau để thực hành lời dạy của Đức Phật.
Người Phật tử quay về nương tựa vào Tăng đoàn để được các Phật tử trong Tăng đoàn cùng giúp đở lẫn nhau về tinh thần lẫn vật chất.
Trong Tăng-đoàn các Tì-kheo và Tì-kheo ni được tôn vinh như là những bậc lãnh đạo tinh thần trong cộng đồng Phật giáo.Ngày xưa các vị này là những bậc đạo cao đức trọng, nên các Phật tử rất tôn kính các Ngài. Hồi tôi còn nhỏ, Mẹ tôi thường dẫn tôi đi lễ chùa. Vào chùa khung cảnh thật trang nghiêm, hình ảnh Sư cụ điềm đạm, an nhiên niệm Phật đã ghi sâu vào tâm hồn tôi.
Ngày nay, đời sống vật chất phát triển nhanh chóng nên rất nhiều tăng sĩ bị cám dỗ. Lại có người lợi dụng Phật giáo để kinh doanh: họ biến chùa chiền thành nơi du lịch tâm linh để hốt bạc, họ bị sa đọa; nên người cư sĩ cần phải dùng lý trí để phán xét bọn Sư giả (ngụy sư). Phải lấy câu tục ngữ nỗi tiếng trong văn học Pháp làm phương châm: Cái áo không làm nên thầy tu (L’ habit ne fait pas le moine/ The habit does not make the monk).
Người Phật tử dùng trí tuệ để nhận thức sâu sắc: thế nào là đạo đức giả, thế nào là nhu cầu chính trị, thế nào là nhu cầu kinh doanh, thế nào là nhu cầu tôn giáo. Người Phật tử sáng suốt đừng chỉ phán đoán trên cái bề ngoài, trên cái áo thầy tu mà chỉ nên phán đoán trên phẩm hạnh của vị Tăng Ni, và chỉ kính trọng vị Tăng Ni có đạo cao đức trọng.
IV.- Giới luật của Phật giáo:
Sau khi đã quy y Tam Bảo, người cư sĩ cần phải đặt đời sống của mình vào những giới luật, những điều răn cấm.
Giới (HV. 戒, Srt. śīla, Pa. sīla) là điều luật mà tăng, ni cũng như người cư sĩ phải tuân thủ. Đây là điều hướng dẫn căn bản (basic guideline) cho hành vi đạo đức của các thành viên trong Tăng doàn. Như đã biết, Tăng đoàn (Sangha) bao gồm các Tăng, các Ni và các Cư sĩ.
Giới luật đã được Đức Phật lịch sử vạch ra cách đây khoảng 2.000 năm, và sau này được các trường phái Phật giáo: Phật giáo nguyên thủy, Theravada/ Thượng Tọa Bộ và Phật giáo Phát triển/ Phật giáo Đại thừa tuân thủ; có vài chỗ thay đổi để thích ứng với không gian và thời gian.
Giới là điều răn cấm dùng ngôn ngữ và hành động có thể làm hảm hại cho chính bản thân và cho người khác. Đổi lại, việc ngăn cấm này cũng có nghĩa là nguyên nhân để giúp gây điều tốt, điều thiện cho chính bản thân và cho người khác.
Có 3 tập hợp của giới dành cho hàng Cư sĩ (lay Buddhists) hay Phật tử tu tại gia là:
A.-Ngũ giới hay 5 điều cấm (the five Precepts of the Buddhism) gồm có:
1.-Không sát hại sanh mạng (Do not destroy the living being). Sanh mạng ý chỉ tất cả sinh vật có đời sống: từ côn trùng, loài vật đến con người.
2.-Không trộm cướp (Do not steal) tức là không lấy đồ vật gì mà không được tặng cho.
3.-Không tà dâm (Do not commit sexual misconduct). Tà dâm là các quan hệ tình dục giữa nam-nữ không được đạo đức xã hội thừa nhận. Quan hệ tình dục giữa vợ chồng thì được chấp nhận.
4.-Không nói dối (Do not lie) tức là không nói điều không đúng sự thật, không nói điều thêu dệt: chuyện có nói không, chuyện không nói có, không dùng vọng ngữ.
5.-Không uống rượu say sưa (Do not drink strong and intoxicating liquours).
B.-Tám giới (The eight Precepts of Buddhism) còn gọi là Bát Quan Trai.
Cư sĩ có thể tự nguyện thọ Bát Quan Trai gìới tức là giữ gìn 8 điều cấm để thân tâm được thanh tịnh trong vòng 24 giờ đồng hồ bằng cách sống ở trong chùa, gần với bậc xuất gia để tập cho quen đời sống thanh tịnh.
Bát= 8, Quan= cửa ải; như vậy Bát Quan có nghĩa là 8 điều cấm để giúp ngăn chận các điều bất thiện; Trai= khi đã qua giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì không được ăn nữa. Tám điều cấm gồm có:
1.-Không sát sanh.
2.-Không trộm cướp.
*3.-Không dâm dục.
4.-Không nói dối.
5.-Không uống rượu say sưa.
6.-Không múa hát, không xem múa hát, không mang tràng hoa, không thoa dầu thơm, không trang điểm, không mang nữ trang (Do not dance, sing music, go to see entertainment, wear garlands, use perfumes, make up, wear of ornaments and decorations).
7.-Không nằm giường cao và sang trọng; Không ngồi chỗ cao (Do not lie on a high or luxurious sleeping bed; do not use of high seats)
8.-Không ăn quá giờ ngọ: tức là trong ngày thực hành Bát Quan Trai giới, người cư sĩ chỉ ăn bửa cơm trưa mà thôi, sau đó không ăn gì hết trong vòng 24 tiếng đồng hồ (the lay Buddhist takes his / her main meal at midday, and do not eat again during that day).
3 giới mới được thêm vào 5 giới trên để có tổng cộng là 8 giới. Có điểm khác biệt giữa 5 giới và 8 giới ở chỗ Không tà dâm (giới thứ 3) trở thành Không dâm dục / không làm tình có nghĩa là trong ngày thọ giới Bát quan Trai thì không được giải quyết sinh lý dù là với vợ hay chồng.
C.- Mười giới ( The ten Precepts of Buddhism):
10 giới luật được Đức Phật đặt ra cho hàng Sa-di (Srt & Pa. Sramameras), và cho các Cư sĩ sùng đạo nhưng họ không muốn ly cách với gia đình họ. Sa-di là vị xuất gia dưới 20 tuổi, Nam Nữ xuất gia có tuổi đời 20 trở xuống thì không được thọ giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni.
10 giới luật này có xuất xứ từ 8 giới luật bằng cách phân chia giới luật thứ 6 (liên hệ tới giải trí) ra thành 2 điều luật; và cộng thêm một điều cấm giữ vàng bạc (tiền). Sau đây là 10 giới luật:
1.-Không sát sanh.
2.-Không trộm cướp.
*3.-Không dâm dục (Do not make love/ sexual activity/ sexual intercourse).
4.-Không nói dối.
5.-Không uống rượu say sưa.
6.-Không múa hát, không xem múa hát (Do not dance, sing music, go to see entertainments).
7.-Không mang tràng hoa, không thoa dầu thơm, không trang điểm, không mang nữ trang (Do not wear garlands, use perfumes, make up, wear of ornaments and decorations).
8.-Không nằm giường cao và sang trọng; Không ngồi chỗ cao (Do not lie on a high or luxurious sleeping bed; do not use of high seats)
9.-Không ăn quá giờ ngọ: tức là trong ngày thực hành Bát Quan Trai giới, người cư sĩ chỉ ăn bửa cơm trưa mà thôi, sau đó không ăn gì hết trong vòng 24 tiếng đồng hồ (the lay Buddhist takes his / her main meal at midday, and do not eat again during that day).
10.-Không cầm giữ vàng, bạc (tiền) [Do not accept gold and silver (money)].
Đối với các vị xuất gia trên 20 tuổi là các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni thì giới luật có nhiều điều cấm hơn:
*Theo Phật giáo Nguyên Thuỷ và Thượng Tọa Bộ / Theravada thì:
-Tỳ-kheo có 227 giới. Tỳ-kheo Ni có 311 giới.
*Theo Phật giáo Phát triển / Đại thừa Phật giáo thì:
-Tỳ-kheo có 250 giới; Tỳ-kheo Ni có 348 giới.
Kết luận về giới luật:
Như đã biết, giới luật nhằm giúp ngăn chận điều sai trái, chấm dứt các việc ác, và nhờ vậy mà tạo được điều thiện cho chính mình và cho chúng sanh khác. Người cư sĩ, người xuất gia giữ gìn và tuân thủ giới luật sẽ giúp cho thân tâm được thanh tịnh để đi đến chỗ diệt trừ khổ đau.
Ngày nay chúng ta sống trong thời đại cách xa thời đại của Đức Phật lịch sử trên 2.000 năm, nên hoàn cảnh có nhiều thay đổi. Do đó, chúng ta không thể chấp chặt vào những giáo điều do Đức Phật lịch sử đặt ra mà phải lấy trí tuệ để suy xét trong tinh thần uyển chuyển để tu tập giới luật cho thích ứng với thời đại ngày nay. Những điều căn bản không thể bỏ qua là bất cứ hành vi đạo đức nào của mình đều phải đem đến lợi ích cho bản thân mình, cho người khác và cho các loài sanh vật khác.
(Còn nữa)
Nguyễn Vĩnh Thượng
Đã là con Phật , phải duy trì , hiểu rõ pháp học ,,nắm rành rọt chi tiết về lý thuyết để sang pháp hành ta không bị lúng túng ,,hihi Cảm ơn bài viết với việc biên soạn quá công phu ,,Những nguyên tắc này Hoành Châu nằm lòng vì học Phật pháp ở Chùa Siêu Lý Vĩnh Long mỗi tuần 2 ngày , liên tục 3 năm ,,,Cảm ơn Thầy Nguyễn Vĩnh Thượng ạ ,,Chúc Thầy và gia đình luôn vui trong Phật đạo ạ
Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )
Em Hạnh chỉ mới tiếp cận , chưa rành lắm về vấn đe này, cảm ơn Thầy Vĩnh Thượng biên soạn để chúng em tìm hiểu và khắc sâu thêm.