LỜI CUỐI CHO PHÊ.
Khi nhà văn Quang Đặng đang viết những dòng chữ này thì được tin anh Võ Phê – chồng của chị bạn Huỳnh Trịnh Tuyết Hoa mất. Bài viết nhằm chia sẻ những tình cảm sâu sắc nhất đến người bạn thân của chị, khiến cho nhiều người trong giới bạn bè cảm động (LM).
Chưa bao giờ tôi nghe một người sắp qua đời hát. Thế nhưng tối hôm đó Trả Lại Em Yêu, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Trên Ngọn Tình Sầu(1) lần lượt được cất lên từ giọng của Phê chồng Tuyết Hoa bạn tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe Phê hát, góc khuất của một người phút cuối mới biết quả thật muộn màng. Độ chừng 50 người đang ồn ào trong căn phòng chợt lặng đi. Không một ai khóc kể cả người nhà, nỗi đau về một cái chết được báo trước như đã đặc quánh trong những cặp mắt ráo hoảnh. Giọng Phê hòa vào tiếng mưa đêm mỗi lúc một lớn đêm hôm ấy ở Thủ Đức… “mai ta chết dưới cội đào khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”.
Đêm nhạc được tổ chức nhân buổi khai trương Showroom Guitar Sơn Ca của Trường con trai Phê và Tuyết Hoa. Đó cũng là tâm nguyện của Phê được nhìn thấy sự trưởng thành của cậu con trai út trước lúc ra đi. Mở đầu đêm nhạc là tiếng đàn violon của San San cháu ngoại Hoa Phê cùng các bạn của cháu ở nhạc viện thành phố. Sau đó là tiếng đàn guitar điêu luyện của Trường ông chủ Showroom và bạn bè. Chương trình nóng dần lên khi tay pianist xuất hiện cùng các tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Đức Huy, Trần Tiến được thể hiện qua những giọng ca rất mượt mà của bạn cháu Trường. Gen nghệ sĩ hình như đã ăn sâu vào máu thịt của ba thế hệ gia đình Tuyết Hoa: bà ngoại, con trai và cháu ngoại. Chơi thân với nhau đã lâu nên tôi không hề ngạc nhiên về điều này. Mười tám tuổi Tuyết Hoa đã làm thơ, viết văn đăng báo và thuộc rất nhiều bài hát. Trên Ngọn Tình Sầu và Thu Hát Cho Người là hai trong số các ca khúc tôi biết lần đầu qua Tuyết Hoa. Nói chung chất nghệ sĩ mơ mộng lãng đãng của Hoa tôi biết rất rõ, nhưng với Phê thì hoàn toàn không.
Trong con mắt của bạn bè Phê là một người hiền lành, vui tính, dễ mến và là tín đồ của tiếu lâm chay lẫn mặn. Bản thân tôi cũng nhìn Phê dưới góc độ đó. Tôi quen Phê từ lúc Hoa Phê mới lấy nhau. Thỉnh thoảng tôi hay xuống Thủ Đức ở lại nhà của họ chơi một hai hôm và lần nào cũng ôm bụng cười nghiêng ngã vì những câu chuyện tiếu lâm của Phê. Đại loại như Phê hỏi tôi nhạc Trịnh Công Sơn bài nào có thể hát trong đám cưới? Biết nhạc Trịnh khá nhiều nhưng toàn bài buồn nên tôi đâm ra lúng túng. Phê cười hì…hì…thua rồi phải không? đó là bài Hãy Yêu Nhau Đi. Còn tôi hỏi Phê ở Ninh Hòa biết H không? Sao lại không, nó không phải là một thằng bạn tầm thường mà là một thằng bạn tầm bậy. Cách đây mấy năm chúng tôi cùng về Ninh Hòa, Tuyết Hoa bận việc nên Phê chở tôi lang thang trên phố. Ngang qua một tiệm bún cá Phê bỗng nhiên cho chạy xe chậm lại hỏi thật lớn một người đang ngồi trong quán: Ê ăn ngon không? Tôi cự nự, ở Sài Gòn ông hỏi như thế thì to chuyện. Phê trấn an, không sao đâu dân Ninh Hòa hiền lắm. Quả đúng như thế anh thanh niên không hề quen biết đang lúng búng mấy cọng bún trong miệng cũng trả lời Phê thật lớn: ngon. Hôm đến nhà tôi đưa thiệp đám cưới cháu Trường, thấy tôi từ trong nhà chạy ra Phê hất hàm bảo Hoa, người này mời được. Tôi thắc mắc, mời đám cưới phải chọn đối tượng? Phê trả lời tỉnh bơ, đến nhà đứa nào thấy chân cẳng còn mạnh mẽ thì mời còn đứa nào nằm hay ngồi một chỗ khỏi mời vì có đi được đâu.
Phê là như vậy đó, lần nào gặp nhau câu đầu tiên hỏi thăm sức khỏe câu thứ hai bắt đầu bông đùa. Song tiếng cười của Phê thưa dần thưa dần từ lần xuất huyết bao tử năm ngoái và mọi thứ chuyển biến theo chiều hướng xấu rất nhanh. Hôm đến thăm Phê ở bệnh viện cách đây mấy tuần, Phê còn mang cái cây treo lủng lẳng bình nước biển và một dụng cụ y khoa ra hành lang trò chuyện cùng tôi và Tuyết Hoa. Mắt Phê sáng lên khi tôi nhắc đến những chuyện vui cũ nhưng khả năng gây cười chắc phải chờ đến kiếp sau.
Hoa bảo tôi bữa tiệc được tổ chức ngoài lý do ra mắt Showroom Guitar của con trai còn muốn Phê vui khi gặp mặt đông đủ bạn bè( lần gặp mặt tuy không nói ra nhưng ai cũng hiểu là lần cuối). Đêm hôm đó mưa ngoài trời càng lớn thì các tiết mục văn nghệ trong nhà càng hấp dẫn. Thường thì xóm làng nào cũng khó chịu vì âm thanh karaoke chói tai của nhà bên cạnh, song lần đầu tiên tôi chứng kiến Tuyết Hoa phải đem cái loa ra tận cửa theo yêu cầu của hàng xóm vì nhạc quá hay. Bản thân tôi cũng không ngờ các bạn trẻ chơi nhạc hay đến thế. Ở đây không có biên giới giữa âm nhạc người lớn tuổi và người trẻ tuổi chỉ có những tình khúc hay hòa quyện cùng âm thanh của violon, guitar, piano cùng tiếng hát và tiếng mưa rơi.
Giữa đêm nhạc có ai đó dìu Phê đến ngồi trên chiếc ghế giữa phòng và khi Phê cầm micro cất tiếng hát thì mọi người im bặt, không khí trong phòng chùng xuống, tim tôi như thắt lại. Bình thường các bản nhạc Phê hát đối với tôi vốn chỉ là tình ca nhưng trong thời khắc hiện tại giống như những lời chia tay.
“Trả lại em yêu mối tình vời vợi. Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới. Đường buồn anh đi bao giờ cho tới? Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài. Trả lại em yêu!Trả lại em yêu! ( Trả Lại Em Yêu). “Chim ơi chết đưới cội hoa. Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà. Thôi thì thôi mộ người tà dương. Thôi thì thôi nhé…đoạn trường thế thôi ( Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng)”.
Riêng bài Trên Ngọn Tình Sầu sau này tôi có nghe nhiều ca sĩ hát nhưng người đầu tiên hát cho tôi nghe là Tuyết Hoa. Có thể nói Nha Trang, tiếng sóng biển, những đêm dài nội trú và giai điệu cùng những ca từ lãng mạn Trên Ngọn Tình Sầu là một phần đời không thể nào quên của tôi. Và giờ đây sau 40 mấy năm Phê đã hát ca khúc này trong một tình huống hết sức đặc biệt. “ Hạnh phúc tôi hạnh phúc tôi. Từ những ngày con nước về. Ngoài trời mưa mau ngoài trời mưa mau. Tay vuốt mặt không cùng…Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh. Con dế buồn tự tử giữa đêm khuya. Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ…”. Khách quan mà nói giọng của Phê thuộc loại trung bình nhưng tiếng hát như ngọn đèn sắp tắt vụt lóe lên đã biến Phê trở thành người hát hay nhất đêm hôm ấy. Điều làm tôi ngạc nhiên là lần đầu được nghe Phê hát lại hát những ca khúc sâu lắng như thế. Xem ra tâm hồn một con người như một thế giới bí mật cả đời cũng không thể nào hiểu hết.
Và khi Phê hát tôi len lén nhìn người bạn thân nhất của mình. Bữa tiệc được xem là thành công nhờ thức ăn ngon, âm nhạc tuyệt vời, khách đến rất đông dù mưa lớn. Ai cũng nghĩ phía sau sự thành công nữ chủ nhân phải là một người rất mạnh mẽ, xếp đặt đâu vào đó. Ít người biết bên trong cái dáng vẻ có phần hơi cứng rắn là một tâm hồn bất ổn, mong manh. Giá như Hoa khóc tôi sẽ thấy dễ chịu hơn, đằng này mọi cảm xúc cứ phải đè nén bên trong không biết Hoa còn đau đến cỡ nào.
Mưa vẫn trút như thác đổ xuống màn đêm. Khi chui được vào trong xe taxi người tôi đã ướt sũng. Suốt trên đường về bác tài chỉ mở duy nhất dĩa DVD của ca sĩ Ngọc Lan. Từ lâu tôi bị ám ảnh bởi tiếng hát của những ca sĩ đã chết. Phần thì sợ hãi khi thấy họ vẫn hát hò đi lại như khi còn sống trên màn ảnh, phần thì hụt hẫng vì cái mới có đó rồi mất đó của kiếp nhân gian. Lần này cũng vậy, nhìn cái áo đầm trắng của ca sĩ Ngọc Lan đang lởn vởn trước màn hình, hai hàng cây đen thẫm trên con đường mù mưa phía trước và tiếng hát vừa rồi của Phê đã khiến tôi xúc động mạnh. Có hay không sự trùng hợp giữa tiếng hát lần đầu của Hoa- Phê với ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu và giọng ca của Ngọc Lan mà không là một ca sĩ còn sống?
Lúc này trên màn hình cô ca sĩ tài sắc vẹn toàn một thời đang hát một bản nhạc Phê hát lúc nãy trong đó có câu: “ Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về”.
*Tựa bài và những câu trong ngoặc kép đều trích từ ba bài hát Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy và Trên Ngọn Tình Sầu của Từ Công Phụng.
QUANG ĐẶNG
(08/10/2019)
Một phòng trà ở Nha Trang, hình minh họa (Nguồn Net)
Bài viết của Quang Đặng hay và buồn, nguyện cầu anh Phê an nghỉ và chị Hoa vững vàng bước tiếp trên đường đời.
Hay lắm
Bài viết thật cảm động
Cách viết thật của nhà văn… đáng ghi lại trong tuyển tập
Đọc nghẹn ngào
Bài viết thật hay và cảm động!
Những tình ca buồn, một bằng hữu đi xa và tâm tình người ở lại…Bài viết thật hay, chân thật, ấm áp và đong đầy cảm xúc.
đọc xong ngẩn người.. R.I.P anh Phê.
Bài viết xúc động lòng người đời người ngắn ngủi quá.
Đó là cái duyên của văn nghệ ,,,
Hoành Châu Châu Lãng Uyển (Gia đình C )