TẬP TỤC KIÊNG CỬ TRONG NGÀY TẾT
Đạo Phật chính thống không chủ trương thờ thần quyền hay mê tín dị đoan, tuy nhiên trong dân gian vẫn còn áp dụng việc kiêng cử. Là Phật tử dù không tin nhưng cũng phải biết, bởi đó cũng là nghệ thuật trong giao tế trong xã hội
Tục 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời có từ lâu đời, hầu như nhà nào cũng thực hiện. Gần tới ngày 23 tháng chạp tại các chợ đều có bày bán bộ vàng mã cúng ông táo gồm bộ cò bay, ngựa chạy, hai mũ đàn ông (loại mão cánh chuồn của cá quan), một mũ đàn bà. Có chỗ chỉ bán một mũ ông Táo với một áo và một đôi hia. Các đồ vàng mã này được đốt sau khi cúng xong vào ngày 23 tháng chạp. Về lễ vật cúng ông Táo có nhà nấu chè, có nhà mua thèo lèo, một loại kẹo đậu phọng trộn chút ít nếp tạo thành thẻ lớn bằng ngón tay cũng xong. Không biết Táo quân có phù hộ chủ nhà không, nhưng rồi nhà nào cũng cúng, bây giờ tục này có người cho đó là nét văn hóa của người Việt !
Đưa ông Táo về trời ngày 23 thì ngày cuối năm lại phải rước ông Táo về, do vậy mà có người nói đùa rằng lộ trình từ trần gian về trời tổng cộng là bảy ngày, còn đi với tốc độ nào thì chưa nghe bàn tới.
Nhớ ngày xưa, ông nội tôi gần tết là mua giấy tiền vàng bạc về dán trên hủ gạo, cái tủ, cái giường, gọi là cho đồ vật ăn tết (?) Tôi còn nhỏ nên không hỏi nguyên do nhưng rồi về sau cũng thấy hay hay vì nó báo hiệu cho ngày tết đến. Những người tiết kiệm, họ cắt tờ giáy tiền vàng bạc ra làm hai cũng để dán cho vật dụng trong nhà, nhìn vui mắt vì nó báo hiệu cho ngày Tết.
Chiều gần đến giao thừa là ông tôi căn dặn người trong nhà, ngày đầu năm quét nhà là từ ngoài quét vào, không nên quét ra vì như vậy tiền bạc sẽ theo đó ra ngoài. Việc không quét xác pháo để nguyên trước cửa, theo tôi còn là để khoe nhà ta đốt nhiều pháo hay để trang trí trước nhà có màu đỏ thắm.
Việc xông đất cũng quan trọng không kém, tết người nào có tên tốt vào nhà đầu tiên là chủ nhà rất hoan hỷ. Những tên tốt như Tài, Lộc, Thọ, Giàu, Sang vào nhà là có bánh mứt ăn liền, chủ nhà hân hoan. Còn những tên xấu thì nhiều lắm, tùy người suy diễn. Hôm trước tết, tôi có đem về cho chú tôi ở quê vài cuốn lịch mới, trong đó có lịch của tiệm vàng Kim Chi, lịch của xe Đại Ngân,. ..Chú tôi không lấy lịch Kim Chi vì cho là đầu năm không nên chi ra, mà phải thu vô. Kim Chi có nghĩa là cành vàng, nghĩa tốt thế mà theo ý nghĩ của chú thì ôi thôi!
Ông tôi năm nào cũng dặn con cháu nhà đối diện , sáng mùng một tết, qua nhà bác Bảy (tức nhà tôi) xông đất và ông lì xì hậu hỉ. Lý do , nhà bên ai cũng tên tốt cả Tấn tài, Tấn Lộc, Ngọc Lợi, Tấn Đức , Mỹ Phúc. . .và ông cũng dặn con cháu, khi trong năm có tang thì đừng đến thăm viếng nhà ai, hay tết nhất không mặc áo quần trắng và áo đen, nhỡ sang năm nhà người ta có chuyện buồn sẽ dễ bị quy kết trách nhiệm. Có nhiều gia đình có đám tang, sau 49 ngày đã xả tang nhưng cũng nên kiêng cho người khác.
Về chưng hoa quả, ở miền Nam người ta không bao giờ chưng cam vì ngại cam khổ, không chưng chuối dù là chuối xiêm, chuối cau sợ làm ăn chúi mũi xuống đất, trong khi người Huế thì chuộng chuối (1) ngày tết không mua chuối sớm thì hết. Cử ăn tôm hoặc lấy tôm khô làm quà vì sợ cả năm đi thụt lùi.
Nói tới quà tết, người ta cũng cử tặng hạt tiêu, cử tặng khô mực sợ cả năm đen đủi, mấy năm gần đây mùng 1 cử đem lịch tặng, dù lịch đẹp cở nào, người được tặng không vui vì không khác nào chúc anh năm mới được gỡ lịch do bị tù tội .
Có một tục kiêng nữa là ngày tết không nên đóng cửa nhà, lý do bộ trốn nợ hay sao? Thực ra , tục này cũng phù hợp với giao tế xã hội. Mở cửa để khách đến nhà thăm viếng, chúc tụng. Hỏi người lớn tuổi vì sao, thì cho rằng theo tín ngưỡng dân gian từ mùng một đến rằm tháng giêng, Ngọc Hoàng và các tiên ông đi du hí từng nhà, nếu nhà nào đóng cửa thì các ông đó bỏ qua đi nhà khác ban phước, nên cả năm nhà này không được hưởng phước, sẽ bị nghèo đói, túng thiếu. Không biết bây giờ đối với các gia đình đi du lịch hết cả nhà thì hậu vận sẽ ra sao?
Có một tục rất hay mà bây giờ có một số người không theo đó là thiếu tiền ai thì chiều cuối năm phải đi trả, kẻo mắc nợ hai năm. Ấy vậy mà tục này bây giờ ít ai sợ lắm, họ để thiếu luôn do không có khả năng chi trả , thậm chí không muốn trả !
Việc kiêng cử ngày tết, theo tôi có nhiều cái vô lý nhưng cũng có nhiều cái hay nên dù tin hay không cũng nên noi theo vì nó là nét văn hóa xưa nên giữ và thực hiện cũng không tốn kém chi mấy.
Lương Minh
Theo Trước nhà có cây Hoàng Mai của Minh Tự.