Cuối năm lại nhớ món dừa
Năm 1973 tôi về cồn Ốc, Bến Tre được bà con mời ăn cơm. Thức ăn ở quê bình dân gồm đồ xào, canh và tép chấy dầu dừa. Lần đầu tiên ăn món tép chấy dầu dừa tôi lấy làm khó chịu vì nó không giống với chấy mỡ, hay dầu ăn mà hôi mùi dầu dừa. Nhưng rồi nghỉ hè mấy tháng ở đây tôi quen dần, sau này về thành phố ăn cháo đậu mà thiếu tép rang dầu dừa là không thấy ngon, vì món này vừa mặn, vừa ngọt mà lại béo làm người ta muốn ăn mãi ! Thật ra, nước dừa kho thịt rất ngon, các bà nội trợ ngày tết kho thịt , hột vịt không thể thiếu nước dừa. Có người tìm dừa không có liền mua chai xá xị hay lon Coca thế vô nhưng mùi vị vẫn không bằng, phải chăng do quen miệng ?
Trong các món ăn chay, tôi thích nhất là món kiểm. Không hiểu sao kiểm lại không có bán tại quán chay, chỉ có ở chùa. Muốn ăn món này thì đợi ngày mùng 1 hay rằm đến chùa là được ăn miễn phí. Trong món kiểm có nhiều nguyên liệu như bí rợ, khoai lang, khoai cao, bột khoai, tàu hủ, tàu hủ ky, đậu que nhưng không thể thiếu nước cốt dừa. Tôi nghĩ kiểm mà không có nước cốt dừa vắt bỏ vô thì không thể gọi là kiểm được, nó sẽ là canh bí đỏ, canh khoai môn. Các nguyên liệu khác của kiểm kể trên có thể thiếu một – hai thứ nhưng không thể thiếu nước cốt dừa. Tương tự, khi nấu cà ri vịt, cà ri gà cũng phải có nước cốt dừa và khoai lang cho nó sền sệt mới chan bún hay ăn với bánh mì được.
Đi ăn vịt nấu chao ở Phú Nhuận, thấy vịt, khoai cao, chao về nhà nấu sao không ngon bằng ở tiệm; cô ba Hà, thợ nấu đám cưới ở Vĩnh Bình nhắc phải bỏ nước cốt dừa vô thì mới ngon, Thế là một đợt thử nghiệm nữa với một con vịt Xiêm, cộng thêm một trái dừa khô, đám con nít trong nhà hoan hô quá.
Mấy bà bạn tôi dường như ai cũng khoái ăn bánh tằm bì. Món này ở Sài Gòn mắc thấu trời. Một dĩa bánh tằm ở đường Hai Bà Trưng gần cầu Kiệu hay quán trên đường Nguyễn Trãi , Quận 5, giá không thua sút tô phở hay hủ tíu Nam Vang, nhưng nếu về chợ ở quê chỉ cần năm ngàn đồng là có gói bánh tằm chan nước cốt. Thật ra, bánh tằm là thành phần phụ chứ nước cốt dừa là thành phần chính. Nhớ có lần mấy bà bạn học ở Đà Nẵng về quê Chợ Lách (Bến Tre)chơi, tôi thao thao giới thiệu món bánh lá nước cốt dừa, ai nấy đều thèm bảo tôi đi mua liền đi, thế mới tin. Hôm đó, tôi đi chợ Vĩnh Bình (chợ xã)hơi trễ, bánh lá hết chỉ còn bánh bèo, bánh bò mà thôi. Hơi bị quê, đành mua về vì tôi biết món hấp dẫn quý bà chỉ là nước cốt dừa thôi, còn bánh lá hay bánh bèo gì cũng được. Ăn món này, nhớ chuyện tiếu lâm xưa, thầy đồ ăn hết bánh, liếm lá sợ học trò thấy, đưa lưỡi liếm qua một đường ngang, giơ lá chuối hỏi học trò chữ gì? Trò đáp chữ nhất. Thầy khen giỏi, sau đó liếm thêm một đường dọc, hỏi chữ gì? Học trò đáp chữ thập. Thầy nói thôi để thầy xóa “bảng” . Thế là một vài đường lưỡi đi quanh không còn chữ nào trên lá hết !
Đi ra chợ gặp chị tư, vợ anh Ngoạn, chị cũng đang lựa vài trái dừa trên sạp. Tôi hỏi chị mua dừa nấu chè đậu đen hả . Chị nói , có đứa cháu vừa mới đi du lịch Trà Vinh về cho chị một ký cốm dẹp, giờ thì phải mua dừa nạo, đường cát để trộn món cốm dẹp này. Trộn cốm dẹp người ta dùng cả nước lẫn cái, nước dừa thì rưới cho hạt nếp mềm, xác dừa thì trộn vào thành một hỗn hộp cốm dừa ngon tuyệt. Nhắc tới cốm dẹp, tôi lại nhớ bánh tét cốm dẹp, một đặc sản của Trà Vinh. Cốm dẹp có bán ở nhiều chợ, nhưng bánh tét cốm dẹp thì chỉ có Trà Vinh mới có. Theo tôi, bánh tét cốm dẹp ngon hơn bánh cốm Hà Nội mà bạn bè ngoài Bắc mỗi khi vô Nam đem theo làm quà. Bánh tét cốm dẹp nhỏ hơn ngón chân cái, có nhưn đậu xanh , gói bằng nếp cốm dẹp nước cốt dừa nên rất béo. Tôi rất ghiền bánh này. Lần nào đi Trà Vinh tôi cũng tìm,nghe nói người bán dạo đi xe đạp trong khu vực Ao Bà Om, nhưng có lúc gặp lúc không vì thời gian của tôi đến đó quá trưa, trong khi mua bánh tét Trà Cuôn thì lúc nào cũng có, bán ở điểm cố định.
Đi Phú Quốc tôi được ăn món đặc sản gỏi cá Mai, món này cuốn bánh tráng, rau sống lại có thêm xác dừa ăn rất ngon. Thật ra, ăn xác dừa hồi nhỏ tôi cũng từng ăn qua với món bánh tráng ướt. Người bán nhúng nước bánh tráng cho ướt, rồi bỏ dừa nạo vô cuốn lại, có bỏ thêm chút muối mè đậu phọng ăn là ghiền luôn.
Dùng xác dừa làm bánh, ta thấy có bánh ít, dừa trộn đậu phọng làm nhưn bánh ít hấp dẫn hơn bánh ít nhưn đậu xanh. Gói bánh này, người ta thường làm dấu phân biệt bánh nhưn dừa hay đậu xanh, có nơi trộn cả hai thứ vào để người ăn khỏi phải chọn lựa và có loại bánh ít ngon.
Hôm ăn tất niên nhà chị bạn ở Bình Tân, chị đãi chúng tôi món cháo ám, được nấu bằng cá lóc, thịt bầm theo cách người An Giang. Riêng cháo thì có nước cốt dừa , nên ăn thấy béo. Có người mới ăn lần đầu thấy lạ, nghĩ mãi mới ra cháo có bỏ nước cốt dừa, ăn ngon nhưng hơi ngán. Nước cốt dừa bây giờ ở Sài Gòn được đưa vô nhiều thức uống. Nước mía thông thường năm ngàn đồng, một ly, bỏ thêm nước cốt dừa bán giá gấp đôi, mà nhà kinh tế gọi đó là giá trị gia tăng !
Gặp bạn văn nghệ uống cà phê ở bờ kè Trường Sa, một nhà văn than mình bị huyết áp, tiểu đường, anh bạn già bày cho món thuốc Nam. Lấy một lạng đậu đen đem ngâm nước chừng bốn giờ, lấy trái dừa Xiêm gọt vỏ, vạt mặt, bỏ đậu đen vào nấu chin. Vớt đậu ra ăn, nước dừa trong đó uống luôn, mỗi tuần ăn hai lần là một tháng có kết quả. Nói đến dùng dừa làm thuốc, anh bạn lương y Nguyễn Văn Thơi ở Chợ Lách, khuyên dùng dầu dừa thay thế mở heo trong chiên xào ngăn ngừa được chứng béo phì của phụ nữ. Không biết kết quả thế nào chứ nghe chống béo phì là mấy bà đều thích. Vì vậy , không ngạc nhiên khi đi hành hương ở nhà thờ La Mã, huyện Giồng Trôm, mấy chị giáo dân ở Biên Hòa thấy bán dầu dừa nguyên chất do bà con ép nấu đã mua dự trữ vì ngại ở TP.HCM mua nhắm dầu dừa có pha !
Ở TP.Hồ Chí Minh bánh tét các nơi sản xuất đem về thành bán, có loại ở Củ Chi, có bánh gói ở Hóc Môn, Cái Bè , Bến Tre, nhưng bán chạy nhất là bánh tét Bến Tre. Hỏi vì sao chọn bánh tét Bến Tre, khách bảo nó ngon béo hơn bánh các nơi khác vì đó là xứ dừa. Hỏi vì sao phân biệt được? Người ăn cho biết, xe bánh tét lúc nào cũng bán bánh dừa kèm theo hoặc có tấm bảng nhỏ để bánh tét Bến Tre. Nước cốt dừa lợi hại đến vậy sao?
Lương Minh