TÌNH TỰ QUÊ HƯƠNG   BÁNH KHOÁI NGUYỆT VIÊN

Ngày đăng: 19/01/2019 09:03:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Ông bà nội của chúng tôi là người Thanh Hoá, tuy sống và kinh doanh ở làng Bái Đa, Nông Cống nhưng Nguyệt Viên mới chính là sinh quán của ông bà.
Nguyệt Viên là quê cha, đất tổ của chúng tôi nhưng tiếc thay trong thời niên thiếu, tôi chỉ được về Nguyệt Viên một lần duy nhất  nên kỷ niệm của tôi với quê nhà hầu như không có nhiều.

                                     Con cháu về thăm quê cha đất tổ năm 2013 


Thuở đó ông nội tôi bị bệnh nặng, khi bệnh tình của ông không còn hy vọng gì để chữa trị nữa thì bà nội và gia đình quyết định đưa ông về Nguyệt Viên để nếu có qua đời, ông sẽ được mai táng và yên nghỉ nơi phần đất của tổ tiên.
Ông bà nội có một ngôi nhà thật lớn trong một khu vườn rộng tại đây, tất cả đại gia đình, con cháu đều về ở đó để sửa soạn đưa tiễn ông lần cuối cùng. Dù tôi còn nhỏ, chừng mới lên năm nhưng tôi vẫn nhớ là trong nhà tuy thật đông nhưng sao yên lặng quá.
Người lớn âm thầm làm việc, trẻ con cũng không dám làm ồn. Tôi tò mò đi khắp trong nhà, thỉnh thoảng ôm một cái cột nhà bằng gỗ lim bóng loáng, mát rượi, vòng tay nhỏ bé của tôi chỉ vòng được một phần của cây cột, sau đó lại thơ thẩn ra bên ngoài, đi ngang qua cái nhà táng đã làm sẵn được trang hoàng bằng hoa tươi, bằng  lá dừa để nơi sân gạch tàu màu đỏ.
Xa hơn nữa, nơi đầu vườn là một cây quýt tuy không cao lắm nhưng đầy trái. Những trái quýt chín màu cam đỏ đã tạo một ấn tượng khó quên trong tôi vì với đầu óc ngây thơ của tôi dạo đó thì quýt phải có màu xanh.

Cũng trong khuôn viên đất nhà, gần cổng ra vào có gia đình bác Khoa sinh sống. Thân phụ của bác Khoa và ông nội tôi là anh em ruột, ông nội tôi theo việc buôn bán còn ông bác lại là nhà giáo. Ông bác sống khiêm nhường, thanh đạm nhưng con cái của ông bác thông minh tuyệt vời. Hầu hết các bác đều học giỏi và được học bổng để du học tại Nga, Ba Lan và Pháp. Bác Khoa tốt nghiệp kỹ sư hoá học tại Ba Lan, bác gái là hiệu trưởng trường nữ Thanh Hoá, ngày xưa bác là cô giáo dạy mẹ tôi nhưng nay cả hai bác và gia đình đều về sống ở Nguyệt Viên. Tôi chưa được gặp mặt hai bác, chỉ thấy các chị con hai bác, yểu điệu thục nữ, da trắng tóc dài khiến tôi thật ngưỡng mộ và mong ước khi lớn lên cũng được như các chị.

Có thể vì số trời, có thể vì vượng khí của quê nhà, có thể vì được chăm sóc với đầy đủ những loại thuốc quý hiếm trong đó có loại quế Thanh màu trắng sữa nên ông nội chúng tôi dần dần bình phục trước sự ngạc nhiên lẫn vui mừng của tất cả con cháu. Sức khoẻ của ông càng ngày càng tiến triển, hiểm nguy đã qua nên con cháu cũng từ từ phải từ giã ông bà để trở về nơi làm việc.
Tất cả vốn liếng của tôi về nơi quê cha, đất tổ chỉ có ngần ấy nên Nguyệt Viên sẽ chẳng còn hiện hữu nơi tôi nếu không có món bánh khoái Nguyệt Viên cùng những câu hát của bà nội mà tôi vẫn còn nhớ đến ngày nay:
Nguyệt Viên lắm của, nhiều tiền,
Có cả sông liền, tắm mát nghỉ ngơi,
Chiều chiều hai dãy cá tươi,
Không ăn cũng thiệt, không chơi cũng hoài.
( thơ ca dân gian)

                                Làng Nguyệt Viên bên bờ sông Mã

Tìm hiểu về quê nội của mình, tôi được biết thêm rất nhiều điều lý thú về Nguyệt Viên, một ngôi làng nhỏ ở phía đông của thành phố Thanh Hoá, nằm bên bờ sông Mã thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hoá.
Sử liệu về Hoằng Hoá còn ghi lại: “Trước kia khi văn minh sông nước còn thịnh thì Nguyệt Viên là bến đỗ của các thương thuyền. Bến Nguyệt Viên nhộn nhịp, trên bến, dưới thuyền, trăm người bán, vạn người mua. Các quan tổng, quan phủ cũng thường đến đây nghe hát và tiêu dao thơ phú nơi sông nước hữu tình. “


  

  Đình làng Nguyệt Viên nơi ghi danh những con em trong làng đỗ đạt cao

Không những giàu có, người dân Nguyệt Viên rất chú trọng đến việc học. Ngày xưa đã có mười một người đỗ khoa bảng được ghi danh ở văn miếu, chẳng thế mà câu hát sau đây cũng không xa lạ gì với dân làng:

   “Nguyệt viên có mười tám ông nghè, 

          Ông cưỡi ngựa tía, ông che lọng vàng”.

Ngày nay làng với 3450 nhân khẩu đã có bảy giáo sư đại học và bốn mươi bảy người là phó giáo sư cùng tiến sỹ. Đó là kết quả tinh thần hiếu học của cha ông từ xa xưa lưu truyền, hậu duệ vẫn tiếp tục gìn giữ và thực hành đến ngày nay. Nguyệt Viên xứng đáng được mang danh là “Làng khoa bảng” hoặc “Làng đại khoa”. Hy vọng những thế hệ trong tương lai vẫn nối tiếp truyền thống và tiếp tục làm rạng danh cho ngôi làng bé nhỏ.
Trong khi Nguyệt Viên nổi tiếng về văn hoá, về khoa bảng thì món ăn của Nguyệt Viên cũng được đánh giá cao vì ngon và nhiều chất lượng.

                                 Bánh khoái Nguyệt Viên

Nằm bên bờ sông Mã, lại không xa biển là bao nên thuỷ sản tươi tốt thường được đem bán tại làng. Dân làng phần lớn dư ăn, dư mặc, tình trạng kinh tế thoải mái nên các món ăn cũng đa dạng. Đối với tôi, món mà tôi thích nhất là món “Bánh khoái Nguyệt Viên”, món bánh đã nối liền tôi với quê nội xa vời vợi, món ăn đã được bàn tay khéo léo của cô tôi, của mẹ tôi chế biến khi phải xa nhà để kéo chúng tôi lại gần nơi quê cha đất tổ mà gần nửa thế kỷ tưởng chừng như không bao giờ còn được trở lại.

                                       Theo chiều kim đồng hồ:

 – Chảo rang bằng đất sét nung dùng để đổ bánh 

– Cá rô tươi 

– Chim le le 

 

Vật liệu chính của bánh được chia làm hai phần: vỏ bánh và nhân bánh.

– Vỏ bánh gồm có bột gạo (ngày xưa bà nội chúng tôi phải tự ngâm loại gạo lức đỏ, vo sạch, sau đó phơi hai ba ngày rồi mới xay thành bột. Ngày nay có thể mua bột gạo khô xay sẵn), nước chè (trà đen) và nước mắm.
– Nhân bánh gồm có thịt cá rô và thịt le le bằm nhỏ chung với hành hoa (hành lá), rau mùi (ngò rí), tiêu, muối, đường, nước mắm và trứng gà hoặc vịt.

– Bánh được đổ trên chảo rang bằng đất nung có nắp đậy.Ở ngoại quốc vì không tìm ra vật liệu chính nên chúng tôi dùng nhân bằng tôm và thịt heo xay và đổ trên chảo chống dính.
Bánh khoái Nguyệt Viên được ăn với khế, chuối chát, rau cần nước cùng với nước mắm mặn vắt chanh bỏ ớt cay.
Không có cần nước, có thể thay thế bằng rau sà lát và nếu nước mắm mặn không hợp khẩu vị, chúng ta có thể thay bằng nước mắm chua ngọt của miền Nam.
Nếu không như Đỗ Trung Quân để hoài niệm quê hương:
Quê hương là chùm khế ngọt, 

    Cho con trèo hái mỗi ngày,

hoặc:       Quê hương là vàng hoa bí,

                      Là hồng tím giậu mồng tơi,

                      Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi,

                     ( thơ Đỗ Trung Quân)
thì những món  ăn thời thơ ấu là một trong những yếu tố gắn liền chúng ta với quê hươmg yêu mến, dù có đi xa đến đâu hương vị của quê hương cũng không bao giờ phai nhạt, vẫn sống mãi trong lòng người xa xứ.

 

Lê-Thân Hồng-Khanh
Tài liệu tham khảo và hình ảnh: internet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác