TÌNH EM DÀNH CẢ CHO ANH (PHẦN X)
– “…Anh ấy nấu ăn ngon lắm”, em kể khi chúng ta ngồi cùng cha mẹ em nơi phòng khách. “Anh ta mở nhạc và nhảy múa cho chúng con xem, chính ra là chỉ để cho con, phải thế không Karl? Một màn trình diễn đặc biệt, gây ấn tượng mạnh nơi con…”. Nụ cười chế diễu của anh làm em phải ngừng ở giữa câu.
– “Cưng ơi”, anh nói mà phải gắng nhịn cười về sự ngây thơ của em. “Anh rất tiếc phải nói với em là anh ấy nhảy múa cho anh đó.” Thoạt tiên em không hiểu anh nói vậy là có ý gì, anh kéo em sát vào anh. “Em gây ấn tượng cho anh nhiều hơn, cưng ạ”, anh cười và nói thêm trong khi em từ từ hiểu ra.
H
Nếu có thể nói với anh, em sẽ hỏi xem bây giờ anh nghĩ gì về hôm ấy tại nhà của Bobby cũng như những lần khác khi chúng ta có thể dâng hiến cho nhau.
Nếu nhớ lại, Karl ơi, đôi khi anh có tiếc nuối vì sự dè dặt cao thượng của mình không? Anh có hối tiếc là chúng mình đã không một lần chung chăn gối không?
Cũng có thể anh vẫn còn sống ở Francisco, nhưng sao em lại đoán như vậy. Lâu rồi, em không còn ở Luân Đôn nữa mà sống ở phía bên kia quả địa cầu, tại Úc châu.
Cứ giả dụ chỉ một lần thôi, anh nhắc điện thoại hoặc mở cửa nhà và thấy em ở đó.
“Chào anh Karl, anh còn nhớ em không?” Và rồi sẽ ra sao?
Có thể anh sẽ chào đón em một cách chân tình, giới thiệu vợ anh cùng con cháu anh với em.
“Ngày xưa, anh và cô quen nhau”, anh nói để giải thích cho gia đình mình. “Hồi đó anh ở Luân Đôn, khoảng 1961, 1962 gì đó. Thật vui khi gặp lại được nhau đó Liz. Em có khoẻ không?”
Em quan sát anh, anh già đi và tóc cũng thưa hơn. Với số tuổi, nét mặt anh cũng mềm mại hơn, giống như nét mặt của anh ngày xưa khi anh âu yếm. Em cũng quan sát xem vợ anh có tình cờ chạm vào người anh một cách thương mến hay lại nhìn anh một cách ngờ vực vì muốn biết chúng ta đã quen nhau ra sao và ngày xưa em đã có chỗ đứng như thế nào nơi anh. Em để ý xem anh và vợ anh có tình cờ âu yếm chạm vào nhau hoặc trao đổi với nhau nụ cười vui hay không. Đấy là ngôn ngữ thầm kín của những người yêu nhau, tin tưởng lẫn nhau sau bao nhiêu năm chung sống. Chúng ta sẽ nói chuyện về Joan và Jock, về Luân Đôn và Essex, về bãi biển Brighton nhưng em không kể về người bạn da đen cùng căn nhà của anh ta hay về hơi ấm của anh khi em luồn vào chăn để nằm cạnh anh.
Cũng có thể chỉ nhớ lại những ký ức nơi chúng ta cất dấu kỷ niệm xa xưa và anh sẽ thoải mái vì biết là em sẽ không làm anh mất mặt trước vợ anh.
“Anh mừng lắm vì em đến chơi”, anh nói khi tiễn em ra cửa, em biết anh thành thật mong muốn em tới thăm anh và gia đình anh lần nữa. Làm sao em biết được tất cả, có thể anh được nhẹ lòng vì tình cảm anh dành cho em quá sâu đậm hay là em chẳng còn chỗ đứng trong tim anh. Em chỉ biết là anh nhìn vào mắt em và cúi xuống để hôn tay em.
Dĩ nhiên cũng có thể giàn dựng cảnh theo bài bản khác, chẳng hạn anh lặng yên vì bị sốc rồi hỏi xem em muốn gì. Qua điện thoại em cũng nhận được rõ là anh đang tìm cách phản kháng. Cửa ra vào, cửa sổ được đóng lại, rèm cửa được kéo xuống, khoá được vặn chặt, cầu được rút ván và anh ngồi yên ổn trong thành luỹ của anh.
“Rất tiếc”, em nói. “Em sẽ không bao giờ gọi anh lần nữa.” Tay em run lên khi đặt lại ống nghe, em hoảng loạn và bị thương tổn. Ký ức không thôi cũng đủ làm anh ngờ vực và giận dữ.
Tuy thế em vẫn thích cảnh này hơn là cảnh tượng thứ ba sau đây.
“Liz? Tôi không nhớ là tôi …ồ, Luân Đôn, bây giờ tôi mới nhớ lại.” Thật không có gì đau khổ hơn khi biết anh đã quên em. Cánh cửa đã khép kín, em chẳng còn quyền để làm anh thương tổn hoặc để biết anh còn cảm nhận được về em dù với bất cứ hình thức cảm xúc nào.
Anh thấy đó, em đã không thực hiện, không tìm kiếm anh vì em sợ phải đương đầu với trạng huống, cảnh vật cũng như con người.
Bao nhiêu tuần lễ đã trôi qua, mùa đông không còn nữa nhưng nàng xuân vẫn còn chần chừ. Hoa chuông tuyết đã nhường chỗ cho đám crocus, thuỷ tiên đã đương đầu với những cơn giá buốt cuối cùng và em đang bị dày vò vì chuyện chia tay sắp đến. Em không hiểu tại sao chúng ta phải chờ đợi, đó chỉ là muốn làm khó dễ để hành hạ chúng ta mà thôi chứ đâu có lý do gì chính đáng.
– “Tại sao anh không ở lại đây!” Em van xin anh.
– “Cưng ơi, em biết là anh phải đi, ở California anh có việc làm tốt hơn để mà có thể dành dụm được chút ít. Anh đã hứa với cha em là anh sẽ kiếm cho em một chỗ ở đẹp đẽ.”
– “Em không quan tâm vì em ở sao cũng được…Em không chịu đựng nổi nếu anh ra đi.” Anh ôm em thật chặt và vuốt tóc em.
– “Lý do không phải chỉ có thế thôi em ạ, giấy phép làm việc của anh cũng hết hạn. Anh cũng không biết là có gia hạn thêm được không.” Dùng hai tay anh nâng mặt em lên. “Anh không muốn đi mà không có em theo. Tim anh tan vỡ. Anh muốn em đi cùng nhưng cha mẹ em lo lắng vì ông bà thương em. Trong vòng một năm anh trở lại, chúng ta sẽ kết hôn và sẽ không bao giờ chia cách nữa. Hãy biết điều nghe em.”
Em không muốn biết điều. Em không thích anh nói như vậy, em biết chắc là anh cũng như em, hai chúng ta cùng đau khổ vì phải xa nhau. Cha em đòi hỏi, anh phải tạo cho em cuộc sống như cuộc sống hiện nay ở nhà, việc này không thể thực hiện được với số lương của anh ở Luân Đôn. Làm kiến trúc sư tại Mỹ, dù cho anh phải trả trợ cấp cho vợ cũ và con, anh vẫn có thể đáp ứng sự đòi hỏi của cha em, có khi còn hơn nữa. Đó cũng không phải là hết vì cha em vẫn chống lại ý tưởng phải gả em cho một người Đức. Ông trông đợi anh phải xin sổ thông hành Mỹ. Trở về Mỹ, anh phải có một việc làm vững chắc, làm đơn xin vào quốc tịch Mỹ và tìm cho chúng ta một căn hộ. Em có thể sống với anh trong căn hộ sát với mái nhà và cũng không quan tâm anh là Đức hay Mỹ nhưng tiếc thay em không phải là người đặt ra những điều kiện này.
Karl ơi, trong khi em thuật lại cho anh nghe những điều này, em trở về lại khoảng thời gian đó và cảm nhận được một sự bất lực lớn lao của mình.
Mọi người đều có ý kiến về mối liên hệ của chúng ta. Tuổi trẻ cũng như sự thiếu kinh nghiệm đã làm em trở thành nạn nhân, phải phục tùng. Tất cả mọi người đều hướng những thất bại, những thất vọng, những dự định không thành, những mục đích không với tới được và những ước mơ bị tan vỡ của họ để đổ vào em. Ai cũng biết rõ hơn cả
anh và em. Họ đưa ra một bảng kê khai nào là những rủi ro, những vấn đề, những ngờ vực và dường như họ có quyền ảnh hưởng cũng như kiểm soát việc làm của chúng ta. Và em, em ở chính giữa, nạn nhân của hoàn cảnh, một đứa con cần phải quan tâm, nguyên nhân của những đêm mất ngủ, đề tài của chuyện bàn tán thì thầm không dứt.
Có chọn lựa gì khác không? Em không tìm thấy được. Chống đối một cách công khai là điều không tưởng. Anh trọng danh dự, còn em thì quá sợ hãi. Anh không thể ở lại Anh còn em không được phép sang Mỹ vì em còn trẻ nên nếu không có sự đồng ý của cha mẹ, em không được cấp sổ thông hành. Em thấy mình như bị nhốt trong một cái chuồng.
– “Không cùng nhau ra đi được quả là một thảm hại”, Charles nói khi cả ba chúng ta đi ngang qua toà nhà quốc hội ở Luân Đôn. Ánh mặt trời tháng ba không thấm gì với cái lạnh nên chúng ta đi nhanh lên, tay đút vào túi áo khoác và cổ áo được kéo cao lên để đương đầu với ngọn gió giá buốt. Charles xuất thân từ Texas, hai người quen nhau trong văn phòng kiến trúc, nơi làm việc. Các anh dự định sẽ cùng nhau du lịch vài tuần ở Đức, ở đó anh sẽ thăm con gái anh trước khi đi California còn Charles sẽ tiếp tục đi Trung đông. Anh ta dễ thương, có vẻ rụt rè và trẻ hơn anh vài tuổi.
– “Anh ấy thực sự là một người chu du thế giới”, anh ta nói và làm dấu bằng đầu thân tình về phía anh trong khi chúng ta vào một quán nhỏ để sưởi ấm và anh đi gọi cà phê.
– “Anh nói vậy có nghĩa gì?”
– “À, anh ấy thực sự sống như người du mục; chạy trốn từ đông Đức sang phía tây, trải qua vài năm ở Canada, rồi sang hiệp chủng quốc Mỹ-Pennsylvania, New York, California-bây giờ là Luân Đôn. Anh ấy đi loanh quanh rất xa và nếu tôi nghĩ đến những gì anh ấy đã trải qua, tôi có cảm tưởng mình giống như một cậu học sinh nhỏ ngu ngơ.”
Em cố để hiểu anh ta.
– “Cô thấy không”, anh ta nói tiếp tục, “anh ta sống dưới thời Đức quốc xã và phải tránh những trận mưa bom khủng khiếp. Rồi cộng sản tràn tới nên phải trốn sang phía tây. Anh ấy đã lập gia đình và có con rồi ly dị. Anh ấy một mình đi về phía bên kia của quả địa cầu. Dĩ nhiên như vậy đâu có phải là dễ dàng nhưng anh ấy đã sống, tôi muốn nói là thực sự đã trải qua.”
Anh đùa với người hầu bàn, làm bộ đóng kịch bằng cách để tay lên ngực với dáng vẻ tin tưởng. Em chợt thấy rõ là em biết quá ít về anh. Em biết con số, em biết sự kiện nhưng tuổi trẻ cũng như sự thiếu kinh nghiệm đã không cho em xếp từng miếng gạch chạm nhỏ vào trong một bức tranh lớn được. Tất cả đều nằm ngoài tầm chân trời kinh nghiệm, ngoài khả năng hình dung của em để em có thể hy vọng, thực sự hiểu được người đàn ông đã trải qua biết bao là kinh nghiệm. Em yêu anh, em tin anh hoàn toàn và em cảm thấy yên bình bên anh. Anh có một đời sống thật phức tạp, đôi khi nguy hiểm và không hiểu vì lý do tại sao anh lại yêu em. Em sẽ học nơi anh trong những năm sắp đến.
Hình 3- Whispering Gallery tại St Paul Cathedral, London
Chúng ta leo lên thang xoắn hẹp để đến Whispering Gallery của nhà thờ St. Paul.
-“Hai bạn ở đây, tôi đi về phía bên kia, tôi muốn biết xem có đúng là thanh âm sẽ truyền lại từng tiếng thì thầm một hay không”, Charles nói và rời chúng ta.
– “Charles nói anh là dân du mục”, em nói, dựa sát vào anh trong khi chúng ta đang chờ lời thì thầm của Charles. – “Anh có nghĩ là anh sẽ ngừng di chuyển hay không?”
-“Nếu có em bên anh”, anh trả lời em thật nhỏ.
– “Ê, hai người, tôi nghe hai người nói với nhau.” Lời thì thầm của Charles được đưa đến chúng ta. Anh ấy cười và vẫy tay cho chúng ta ở phía bên kia.
(Còn tiếp)
Nguyên tác: Remember Me của Liz Byrski
Lê-Thân Hồng-Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt
từ bản dịch tiếng Đức: Als wärst du immer dagewesen của Eva Dempewolf
Hình ảnh: nguồn net
Em không biết nếu là em trong trường hợp của Liz, em có thể yêu Karl như thế chăng. Em nghĩ chắc là không vì môi trường sống, hoàn cảnh xã hội khác nhau nhưng em vẫn rất thấu hiểu được tâm trạng của Liz trong mối tình này, cô ạ.
Tôi vẫn chờ để được du mình vào thế giới tình yêu của Liz. Cám ơn bạn
Em có cảm giác tình yêu của Liz luôn nồng nàn, sâu nặng hơn Karl nhưng sao vẫn chưa đủ mạnh để kéo Karl về phía mình, Cô nhỉ!
Nếu không biết đây là một cuốn truyện tự thuật, hồi ký thì chắc chắn khi đọc xong chúng ta sẽ cho đây là một cuốn tiểu thuyết về tình yêu được tác giả tô son điểm phấn để lôi cuốn người đọc. Dù mới gặp nhau mấy tháng mà tình yêu của Liz dành cho Karl tại sao mà có thể nồng nàng và sâu đậm đến như vậy được. Phải công nhận rằng, trên cuộc đời này hiếm khi có “một người dành cho một người” một tình yêu hiếm có như Liz đã làm. Cũng vì thế theo ý kiến riêng của người dịch, tựa đề “Tình em dành cả cho anh” thích hợp hơn là tựa chính “Hãy nhớ đến em” hoặc “Dường như anh vẫn mãi mãi bên em”.
Rất vui khi thấy bạn tôi Trầm Hương Ptt cùng em Đức Tính cũng như các anh chị em khác và quý vị độc đã bỏ thời giờ theo dõi câu truyện tình này hàng tuần. Xin cám ơn tất cả.