MỘT THỜI MÊ XI NẾ
Mỗi người tùy theo thời điểm đều có những sở thích khác nhau. Năm học lớp nhì, lớp nhất (lớp 4, 5 bây giờ) tôi rất mê cải lương, đặc biệt mê kép Hoài Trúc Phương. Mỗi lần đoàn Sao Ngàn Phương về Tuy Hòa, chiều nào tan học tôi và người dì họ học cùng lớp cũng ôm cặp vô rạp Diên Hồng coi đào kép tập tuồng. Hồi đó thiếu gì kép nổi tiếng như Thanh Sang, Thành Được, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Hùng Cường, Thanh Tú không hiểu sao hai dì cháu cứ mê tít Hoài trúc Phương (đúng là con nít!) Lớn hơn một chút cỡ lớp đệ thất, đệ lục (lớp 6, 7 bây giờ) tự dưng hết mê cải lương chuyển sang mê ciné và niềm đam mê này kéo dài cho đến tận bây giờ.
Thị xã Tuy Hòa hồi đó có hai rạp chiếu phim kiêm cải lương là rạp Đại Nam và rạp Diên Hồng. Mỗi lần có phim mới hay đoàn hát nào ở Sài Gòn ra là xuất hiện chiếc xe hơi cũ màu trắng có gắn chiếc loa và mấy tấm bảng quảng cáo chạy từ đầu đến cuối thị xã nói ra rả: Kính thưa bà con cô bác, đúng 8 giờ tối nay tại rạp Diên Hồng đoàn Cải lương Thanh Minh Thanh Nga chúng tôi sẽ trình diễn vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn của soạn giả Hà Triều Hoa Phượng… xe chạy tới đâu đám con nít chạy theo lượm mấy tờ quảng cáo rần rần theo đó. Một nét văn hóa đáng yêu của Tuy Hòa khi ấy là khán giả đi xem hát ăn mặc rất lịch sự đặc biệt khán giả trung niên. Đàn ông thường mặc áo đóng thùng đi giày, đàn bà lúc nào cũng mặc áo dài điển hình như những người lớn trong gia đình tôi và những người quen biết ở thị xã. Mấy đứa con nít được cha mẹ dắt theo cũng mặc áo đầm hay đồ Tây rất nghiêm chỉnh.
Nhà tôi khi ấy ở dưới đường Bùi Nguyên Ngãi, sáng chủ nhật nào đám nhóc trong nhà cũng rủ đám nhóc hàng xóm chất nhau trên hai chiếc xích lô trực chỉ rạp Diên Hồng. Đứa nhỏ nhất đứng sát thành xe, mấy đứa lớn được ngồi trên nệm, hai thằng con trai lóc chóc phải ngồi dưới càng xe. Bù lại khi lên con dốc cao đường Trần Hưng Đạo, mấy đứa lớn phải xuống xe đẩy phụ bác xích lô. Trong con mắt của những đứa trẻ chín, mười tuổi khi ấy thế giới điện ảnh không chỉ gói gọn trong nội dung mấy cuốn phim mà còn tập trung vào mấy chiếc xe bán nước mía, cóc chẻ, ổi ngâm, đậu phộng rang, chuối chiên trước rạp Diên Hồng. Trong số đó đáng kể nhất là mấy bịch bánh men có hình một tài tử cải lương, kịch nghệ hay điện ảnh nổi tiếng thời bấy giờ như Kim Cương, Vân Hùng, La Thoại Tân, Túy Phượng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Bo Bo Hoàng, Bạch Tuyết, Hữu Phước, đứa nào có được hình của cô đào Thẩm Thúy Hằng nổi danh số một hồi đó coi như may mắn số dzách! Vì phải nhín lại tiền mua quà vặt nên thay vì mua vé ngồi hàng giữa chúng tôi phải mua vé hai bên cánh gà ngồi trên bậc thềm xi măng vừa ê mông vừa mỏi cổ muốn chết! Thế nhưng khi đèn trong rạp phụt tắt báo hiệu đến giờ chiếu phim lại vô cùng hào hứng. Đám con trai vừa vỗ tay vừa huýt sáo ầm ĩ, gặp những hôm chiếu phim chiến đấu càng hăng hái hơn. Mỗi lần phe chính diện xuất hiện là vỗ tay la lớn: phe ta tới… phe ta tới! Mấy đứa con gái thì khóc sướt mướt khi xem những phim tình cảm Ấn Độ như phim Con Thơ Bên Dòng Suối, đến những đoạn như chiếc nôi em bé bị bỏ giữa rừng trời mưa xuống dòng nước từ từ cuốn trôi khóc thôi là khóc!
Cũng chuyện khóc khi xem phim tôi có một kỷ niệm khá buồn cười. Năm lớp đệ lục tôi và mấy đứa bạn rủ nhau cúp cua mặc nguyên bộ đồng phục áo dài trắng đi xem phim HongKong San San Cô Gái Đôi Tám ở rạp Diên Hồng. Đến đoạn cao trào đứa nào đứa nấy đang khóc sụt sùi thì có ánh đèn pin rọi thẳng mặt từng đứa kèm theo câu nói: Thúy Nga khóc, Hồng A khóc, Quang khóc, Diệu Minh khóc, Minh Vui khóc, Xuân Lan khóc. Nhìn kỹ thấy một đám nam sinh Nguyễn Huệ ngồi hàng ghế phía trước cười hô hố. Hôm sau đi học thật tình không biết giấu mấy cặp mắt sưng húp vào chỗ nào.
Sau này nghĩ lại, sở thích xem phim của tôi có lẽ ảnh hưởng từ gen bên ngoại. Những năm đầu thập niên 60 một người cậu của tôi ở Tuy Hòa đã sở hữu một chiếc máy quay và chiếu phim. Trong những dịp họ hàng tụ họp đông đảo như giỗ chạp cậu tôi thường đem phim ra chiếu. Tuy chỉ là phim câm đen trắng và lần nào cũng chỉ chiếu chừng ấy phim nhưng đám cháu nhỏ nội ngoại vô cùng khoái chí. Đầu tiên là phim Tom & Jerry, sau đó là phim Charlot và bao giờ cũng chấm dứt với mấy cuộn phim quay cảnh sinh hoạt nhà ngoại. Ngày nay một đứa trẻ lên năm cũng có thể quay một đoạn phim bằng smartphone hay máy tính bảng nhưng vào thời chúng tôi thì chiếc máy quay phim của cậu tôi văn minh số một. Điều làm cho những người cháu thuộc thế hệ 5X và 6X như tôi đến giờ vẫn cảm kích là những thước phim quay hình ảnh ông bà ngoại lúc còn sống, cảnh đưa dâu trong đám cưới một người dì ở Ninh Hòa, cảnh ông cháu sì sụp lạy trong một ngày dãy mả đầu xuân. Giờ thì nhiều đứa cháu xấp xỉ tuổi ông bà ngoại năm xưa, một số trôi dạt tận đâu đâu trên bản đồ thế giới song yêu thương còn đọng mãi trong những thước phim ký ức.
Cũng trong những năm 60 một số bà con bên ngoại của tôi hùn vốn thuê lại rạp Diên Hồng để kinh doanh. Một người cậu khác của tôi chịu trách nhiệm về nguồn phim, ông là người rất nghệ sĩ tính và tiếp cận khá nhanh nhạy với nền điện ảnh thời bấy giờ. Hàng tuần phim được chuyển từ Sài Gòn ra Tuy Hòa bằng xe đò Hiệp Hưng và số khán giả trung thành của rạp Diên Hồng khi đó không ai khác hơn là đám cháu. Các phim như Ben-Hur, Cầu Sông Kwai, Tarzan Chúa tể Rừng Xanh, Những Người Khốn Khổ (Les Misérables), Vô Gia Đình (Sans Famille), Thành Công Vĩ Đại (Giant), Hố Sâu Chôn Tình Hận và một số phim Ấn Độ nổi tiếng được chiếu trong thời gian này. Những cái tên như Elizabeth Taylor, James Dean, Charles Bronson, Lý Lệ Hoa, Lâm Đại, Lăng Ba, Savitri, Ganeshan (tài tử Ấn Độ) như một luồng gió mới thổi vào không khí lặng yên của tỉnh nhỏ.
Không lâu sau đó khoảng năm 1970 Tuy Hòa xuất hiện một rạp chiếu phim được coi như hiện đại và hoành tráng nhất từ trước đến giờ là rạp Hưng Đạo. Đây là khoảng thời gian bùng nổ của loại phim chưởng, võ hiệp HongKong với các tài tử như Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Trần Tinh, Địch Long, Lý Tiểu Long, La Liệt, Trịnh Phối Phối cùng những tựa phim đình đám như Đường Sơn Đại Huynh, Thập Tứ Nữ Anh Hào, Độc Thủ Đại Hiệp, Tinh Võ Môn, Như Lai Thần Chưởng. Các phim Việt Nam như Người Tình Không Chân Dung, Chân Trời Tím, Như Hạt Mưa Sa, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang với các tài tử Trần Quang, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Hùng Cường, Kim Vui, Thanh Lan cũng xuất hiện nhiều nhưng không địch lại nổi phim võ hiệp HongKong. Tôi còn nhớ loại đồ chơi bắt chước Lý Tiểu Long của thiếu niên thời đó là hai khúc gỗ nối với nhau bằng một dây xích gọi là nhị côn khúc.
Nhưng theo tôi không nơi nào xem ciné lý thú cho bằng Sài Gòn. Và nhờ Tuyết Anh, cô bạn học chung lớp 12 của tôi ở trường Văn Học đã mở cánh cửa điện ảnh Sài Gòn ngày ấy cho tôi. So với sự hiểu biết về ciné của một học sinh tỉnh nhỏ thì kiến thức điện ảnh của Tuyết Anh một thiếu nữ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn phải nói rất đáng nể. Điều này xem ra cũng dễ hiểu vì Sài Gòn bao giờ cũng là nơi tiếp xúc sớm nhất với các nền điện ảnh văn minh trên thế giới. Thế nên tôi không hề ngạc nhiên khi Tuyết Anh nhớ vanh vách tên của các tài tử điện ảnh nổi tiếng cũng như thói quen xem tên tài tử trước rồi mới bước vào rạp.
Điều thú vị nữa khi xem phim ở Sài Gòn là bên cạnh những phim mới như Nữ Hoàng Sissi, Docteur Zhivago, Tình Thù Rực Nắng (Meurtres Au Soleil), Giai Điệu Hạnh Phúc (The Sound Of Music), Romeo & Juliet, Love Story, Mùa Thu Lá Bay, Tuyết Anh còn rủ tôi đi xem những phim cũ rất hay Tuy Hòa chưa hề chiếu như Jane Eyre, Đỉnh Gió Hú, Vũ Điệu Trong Bóng Mờ (La Valse Dans L’ombre), Cuốn Theo Chiều Gió, Kỳ Nghỉ Hè La Mã (Vacance Romaine). Từ đó tôi bắt đầu làm quen với những cái tên như Audrey Hepburn, Omar Sharif, Christopher Mitchum, Olivia Hussey, Romy Schneider, Alain Delon, Vivien Leigh.
Được một cái dù chiếu phim mới hay cũ các rạp ở Sài Gòn hay chiếu thường trực rất tiện cho người xem. Mỗi rạp lại chiếu một loại phim khác nhau nên chúng tôi chỉ cần tới lui vài rạp ở khu trung tâm như Eden, Lê Lợi, Rex, Vĩnh Lợi, Quốc Tế là đáp ứng được yêu cầu. Như xem phim kinh điển cũ đến rạp Vĩnh Lợi, phim mới thì rạp Rex hay Quốc Tế là lựa chọn hàng đầu. Hai rạp này thời đó đã trang bị hệ thống âm thanh nổi và màn ảnh rộng . Tôi còn nhớ hình ảnh những trận đấu sống động được dàn dựng công phu trong phim Cléopâtre hay cảnh cô đào Julie Andrews ca hát giữa đồng cỏ mênh mông trong đoạn mở đầu của phim Giai Điệu Hạnh Phúc thật sự mãn nhãn người xem khi coi ở rạp Quốc Tế. Bên cạnh thú vui xem phim tôi cũng phát hiện những nét văn hóa rất ư Sài Gòn khi ấy như văn hóa ăn mặc lịch lãm khi đi xem phim, văn hóa xếp hàng trật tự khi mua vé, văn hóa im lặng tôn trọng sự thưởng lãm của người khác trong rạp, có thể nói đây là quãng thời gian xem phim đáng nhớ nhất cả về chất lẫn lượng của tôi.
Bẵng đi một thời gian sau năm 1975 thú vui xem phim của tôi không còn nữa. Cơm áo gạo tiền đã cuốn phăng thú tiêu khiển này theo dòng đời của nó. Mãi cho đến những năm cuối thập niên 80 tôi mới được xem phim Võ Tắc Thiên do Phan Nghinh Tử đóng, đây cũng là bộ phim video Đài Loan hiếm hoi trong thời bao cấp ở Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ mỗi buổi chiều đi làm về vội vàng ăn cơm cho nhanh rủ nhau đến công ty xem phim. Một chiếc TV 19 inch chiếu trong căn phòng cho hơn 50 người xem là niềm hạnh phúc lớn lao đối với một công nhân viên trong thời buổi khó khăn.
Mấy mươi năm trôi qua kể từ bộ phim video thời khao khát văn hóa, phim ảnh đã bước những bước tiến dài. Phim Việt Nam, phim nước ngoài, phim mới, phim cũ phủ sóng liên tục 24/24 trên truyền hình. Sự ra đời của internet cũng tạo điều kiện cho người xem thưởng thức phim ở bất cứ nơi đâu. Các rạp ciné đời mới thi nhau mọc lên như nấm khắp Sài Gòn. Nhiều hôm đi ngang rạp ciné gần nhà thấy poster (trước đây gọi programme) hấp dẫn quá muốn vào xem nhưng ngó quanh quất toàn khán giả tuổi teen nên ngại. Thế nhưng mỗi khi có phim hay, đám bạn già chúng tôi lại rủ nhau đến rạp. Thật ra xem phim ở rạp có những cái hay mà màn ảnh nhỏ ở nhà không thể mang lại được. Đó là hệ thống âm thanh, ánh sáng, màn ảnh chuyên nghiệp giúp khán giả có những phút giây cảm xúc thăng hoa trọn vẹn nhất. Là sự cộng hưởng giữa khán giả với khán giả tuy chỉ diễn ra trong im lặng nhưng là sự đồng cảm duy nhất.
Đôi khi tôi tự hỏi vì sao mình ghiền ciné? Câu hỏi đơn giản nhưng một đứa trẻ khóc sướt mướt khi xem phim Con Thơ Bên Dòng Suối ở rạp Diên Hồng ngày nào không trả lời được. Đến một lúc nào đó khi sự trải nghiệm nhiều bằng số tuổi hiện hữu mọi việc mới sáng tỏ. Cuộc đời và phim ảnh dường như là một (cuộc đời lắm khi còn phong phú hơn) và nghệ thuật thứ bảy là đỉnh cao tổng hợp cúa nhiều môn nghê thuật khác. Đó là lý do vì sao tôi xem phim Cánh Đồng Bất Tận nếu không vì hai cái tên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Quốc Trung (âm nhạc), cũng như xem phim La la Land đến hai lần vì những bản nhạc trong phim quá lôi cuốn. Còn bài hát I Dreamed A Dream đã nghe nhiều người hát nhưng khi Anne Hathaway vai cô gái điếm Fantine trong phim Những người Khốn Khổ run run cất tiếng: tôi đã mơ rằng tình yêu không bao giờ chết… nhưng có những giấc mơ không thể thành hiện thực…thì cảm xúc của tôi trào dâng hơn bao giờ hết. Hay xúc động dường nào với hình ảnh Jean Valjean (Những Người Khốn Khổ) xé nát tấm giấy thông hành oan nghiệt quăng lên trời cao, một trong những mảnh giấy rách bay chới với trên nền trời xám đen tựa như phận người nhỏ nhoi và hèn mọn bên dưới. Rồi câu đối đáp đầy tâm cảnh giữa anh kép hát Linh Phụng với người thầy trong phim Song Lang mới chiếu gần đây: Con hát được chưa thầy? – Đã yêu bao giờ chưa? Cứ yêu đi sẽ hát được.
Phim ảnh nói chung là mảnh đất màu mỡ để người xem thụ hưởng mọi giá trị cái đẹp và bộc lộ những cảm xúc của mình.
Trong cuộc triển lãm “Sài Gòn một thế kỷ vàng son” mới đây, hiện vật gây cho tôi nhiều xúc động nhất là các posters phim từ những năm 1935- 1975. Chủ nhân của bộ sưu tập cẩn trọng giở từng tờ poster ố vàng cho tôi xem. Điều làm tôi bất ngờ là sự đa dạng số lượng phim cũng như rạp chiếu phim ở Sài Gòn khi ấy. Có những rạp tôi chưa một lần nghe nói đến như A-Sam, Thanh Bình, Rạng Đông, Việt Long, Nam Việt. Có những phim đã chiếu từ khi tôi chưa ra đời hay còn rất nhỏ như Les Amants Fugitifs (1935), Cuốn Theo Chiều Gió (1955), Cầu Sông Kwai (1958). Hình ảnh, lời giới thiệu, lịch chiếu phim trong các posters còn phản ảnh rõ nét đời sống văn hóa phong phú của Sài Gòn trong những thập kỷ này. Anh Lúa, người sở hữu bộ sưu tập đồng thời cũng là chủ nhân của quán café Lúa có không gian đầy ắp hoài niệm Sài Gòn xưa bộc bạch: “thú sưu tầm, gìn giữ đồ vật xưa cũ ở Sài Gòn của tôi được thừa hưởng từ những thế hệ đi trước của gia đình”. Sài Gòn nên chăng cần lắm những thế hệ vàng như thế này?
Từ hình ảnh những posters phim trong buổi triển lãm, tôi nhớ lần về Tuy Hòa gần đây nhất của mình. Ngang qua mấy rạp ciné cũ bùi ngùi nhớ một thời tuổi nhỏ xem phim. Nhìn hàng chữ “ Hí Viện Hưng Đạo” trên nóc rạp Hưng Đạo tưởng như thấy mình và mấy nhỏ bạn mới hôm nào còn mặc áo dài trắng tíu tít rủ nhau đi xem phim Thập Tứ Nữ Anh Hào. Về qua xóm Nguyễn Công Trứ thấy rạp Đại Nam đóng cửa im lìm, nhìn lên tấm bảng CLB Nhạc Xanh (nghe đâu có thời là vũ trường) nếu không phải người cũ đố ai biết nơi này từng là một rạp chiếu phim. Lên rạp Diên Hồng thấy tấm bảng “Nhà Văn Hóa” nằm khiêm tốn trên tường, chịu chẳng thể nào hình dung kỷ niệm xưa. Tất cả như một cuốn phim lâu ngày đứt quãng, phủ bụi.
Rồi chợt nhớ đến những rạp ciné cũ ở Sài Gòn cùng chung số phận. Nhiều rạp không những mất tên mà còn mất dấu. Đứng trước tòa nhà Vincom lộng lẫy dân Sài Gòn cứ tiếc hoài một Passage Eden thân thuộc, nơi cuối góc có rạp ciné cùng tên Eden. Cách đó không xa là khách sạn Rex, tiền thân của nó là một trong những rạp ciné sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Đi ngược đường Lê Thánh Tôn một đoạn sẽ gặp phòng trà Không Tên, nơi từng có một rạp ciné có tên Lê Lợi. Rạp Vĩnh Lợi chuyên chiếu phim cũ rất hay nằm cạnh bệnh viện Sài Gòn thì không còn vết tích, thay vào đó một dãy nhà hàng mới toanh. Xa hơn chút nữa là hai rạp Quốc tế và Khải Hoàn, trên nền rạp Quốc Tế cũ giờ mọc lên một cao ốc, rạp Khải Hoàn thì biến thành một quán bar.
Còn nhiều rạp ciné cũ ở Sài Gòn chưa nhắc đến nhưng cái kết có lẽ không khả quan hơn những rạp kể trên bao nhiêu. Thời cuộc và cơn lốc internet đã làm thay đổi diện mạo các rạp ciné cũ cũng như cách thưởng lãm của người xem. Sự thay đổi tất yếu này giống như câu nói của Tôn Ngộ Không khi Đường Tăng tiếc rẻ cuốn kinh thư bị rách trong phim Tây Du Ký: Bạch sư phụ, trời đất còn không trọn vẹn huống gì kinh thư!
QUANG ĐẶNG
Quan Đặng cựu nữ sinh trường Trung học Nguyễn Huệ , Tuy Hòa. Hiện sống tại Sài gòn. Chị hiện nay viết cho tạp chí Quán Văn và có nhiều tác phẩm đã xuất bản