Đến với bài thơ hay: Hương quê
Quê. Không hiểu sao mỗi lần cái tiếng ấy ngân lên, tự lòng ta lâng lâng, trào dâng xúc cảm! Bởi trong ta, ai cũng có một “miền quê” sâu đậm, không dễ phai nhòa, chứa chất, ẩn dấu yêu thương. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tiếng “quê” ấy, luôn hiện hữu, cặp kè với tình với nghĩa: Quê hương, quê nhà, chốn quê, làng quê, hồn quê… Thái Sơn Ngọc, tác giả của nhiều bài thơ hay viết về quê hương xứ sở, về con người, miền quê Ninh Thuận. Đọc thơ anh, ta bắt gặp một cô gái Chăm thả hồn phiêu diêu cùng nhịp trống paranưng dân tộc mình với đôi mắt huyền mộng mơ, mơ bay theo áng mây bay (“Cô gái mắt huyền”). Một dàn nho mọng chín nhuộm tím trời chiều xứ sở nắng gió và chất đầy bao dung, nồng hậu (“Dàn nho mọng chín”). Một thác nước Chapơ huyền thoại từ trên cao ào ạt tuôn xuống “tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”- (Lý Bạch) sừng sững từ đỉnh trời Bác Ái, mát ngọt, trao tặng món quà ngọc bích, cho người đọc thỏa sức thư giãn, chiêm ngưỡng chốn “bồng lai” say đắm lòng người (“Chiêm ngưỡng Thác Chapơ”)… Nghe một tiếng dạ của ai đó, ngọt ngào thoảng qua; một vạt nắng mùa thu như tấm lụa dát vàng phả nhẹ ánh chiều, trái tim thi sĩ nhạy cảm, thổn thức, rạo rực ngân lên thành điệu, dệt nên thành vần.
Thi phẩm lục bát “Hương quê” của Thái Sơn Ngọc ra đời trong hoàn cảnh như thế:
Thương sao tiếng dạ dịu dàng
Ấm tình em – giọt nắng vàng Phan Rang
Vang nho sóng sánh nồng nàn
Say trong tiếng dạ dịu dàng. Hương quê.
Ôi, ấm áp xiết bao với câu thơ mở đầu: Thương sao tiếng dạ dịu dàng Không nói ra thì người đọc cũng hiểu tiếng dạ dễ thương kia là của ai rồi. Còn ai nữa mà không phải là em? Đúng thế, chẳng phải ấm tình em xuất hiện liền ngay sát sau đó ư? Thương sao và dịu dàng hai tính từ đứng đầu và đứng cuối câu thơ như vòng tay mềm mại, âu yếm của ai, ôm trọn “tiếng dạ” nhẹ, ngọt vào giữa lòng mình? Ấm tình em – giọt nắng vàng Phan Rang. Phan Rang hiện hữu nắng là hiện thực rồi, nhưng Phan Rang mà được hồn quê nương náu vo tròn viên mãn trong giọt nắng trinh nguyên, tinh khiết thì quả là siêu mộng, siêu mơ ! Con người hòa hợp với thiên nhiên nhuần nhuyễn, tinh tế đến lạ! Ấm tình em – Giọt nắng vàng Phan Rang! Đã có ngọn nắng (“thân em… phất phơ như ngọn nắng hồng ban mai” (ca dao), Thái Sơn Ngọc bổ sung, làm giàu thêm vào “tuyển tập nắng” – Giọt nắng, thêm một sáng tạo!? Làm sao mà vắng bóng hương vị lịm ngọt nổi tiếng của nho – Phan Rang, khi có dịp đến nơi này ? Đúng rồi, thì đây: Vang nho sóng sánh nồng nàn Sóng sánh, nồng nàn xứng đáng được tác giả chọn mặt gửi vàng vui lòng đứng làm định ngữ cho vang nho – thứ đặc sản quý hiếm của xứ sở Phan Rang vàng đẫm ánh nắng, hương vị quê này. Được thưởng thức phẩm vật bằng thứ men quý sóng sánh nồng nàn ấy, ai mà không tranh thủ thụ hưởng ít nhất một lần trong đời, bãng lãng, ngất ngây say? Và say. Và thật bất ngờ: câu kết.
Say trong tiếng dạ dịu dàng. Hương quê.
Từ Say vang nho men rượu đến say tiếng dạ của con người, thực ra say em – nhân vật trữ tình – một liên tưởng đẹp. Tác giả không nói thẳng ra là say em mà chuyển sang cho say tiếng dạ, một cách nói vòng, cách nói tế nhị đó thôi! Một cách phô diễn nghệ thuật kín đáo – THƠ ! Tôi nghĩ, hình như ý thơ Hương quê chưa dừng lại sau dấu chấm kết bài trong tiếng dạ dịu dàng ấy, hương quê ấy, mà nó còn lan tỏa mãi hương vị ngọt ngào của vang nho thấm đẫm quyện chặt tình đất, tình người xứ sở Phan Rang.
Thái Hà
Anh Thái Ngọc Sơn