TIỂU CẦN DU KÝ
Tháp tùng hội giao lưu Sài Gòn Chợ Lớn xưa và nay, sáng tám giờ rưỡi khởi hành đi Tiểu Cần viếng bà Thiên Hậu. Tiểu Cần là huyện thuộc tỉnh Trà Vinh cách Sài Gòn 160 km đi theo đường Bến Tre. Trước đây chưa có cầu Cổ Chiên, đi Tiểu Cần phải qua Vĩnh Long thì mất 195 km, nay đi ngã Bến Tre, rút ngắn được 35 km. Xe chạy vừa qua Cầu Rạch Miểu, địa bàn Bến Tre thì nhà xe cho nghỉ ngơi, ăn uống ở điểm dừng chân. Nơi này kém tiện nghi. Thức ăn không ngon. Giá thức ăn tại điểm dừng chân là 35 k/ món: Cơm hoặc hủ tiếu.
Đến Tiểu Cần hơn 12 giờ trưa, cả đoàn vào chuẩn bị việc cúng tế, sau đó được chùa mời dùng cơm trưa. Trên Xe tổng cộng là 45 người , trong đó bên Hội Chợ Lớn xưa và nay, hội trưởng Hồ Bửu Hòa báo là có 17 hội viên, mỗi hội viên chỉ phụ tiền xe là 220k/ người. Còn thì ăn uống dọc đường , hội viên tự túc.
Chùa Thiên Hậu ở Tiểu Cần khá lớn , không kém các chùa Bà ở nơi khác. Bên cạnh chùa là một trường học có tên Quảng Thiệu Tiểu học được xây dựng năm Dân quốc thứ 27 , tức năm 1939(1). Bảng có đề chữ Pháp là Ecole Cantonnaisen N2 Tra Vinh. Theo ông Trần Hải, 73 tuổi, Phó ban quản trị Thiên Hậu cung thì trường này chỉ hoạt động vài năm thì ngưng, khi ông còn nhỏ cũng không thấy hoạt động.
Thiên Hậu cung tức chùa Bà ở phía trước có 8 tấm mộc bài để mỗi bên 4 tấm. Trên đó ghi tên các vị thánh gồm Thiên Hậu Nguyên Quân, Tài Bạch Tinh Quân, Hiệp Thiên đại đế , Túc Tịnh hồi tỵ (im lặng, tránh đường ) (2)
Các thành viên trong đoàn của Bửu Ninh Đường vừa đến chùa đã đưa các lễ vật, hoa quả, bánh trái và các hình ảnh, tượng để chuẩn bị cho lễ cúng Thiên Hậu. Mỗi người một công việc, chẳng bao lâu đã hoàn tất.
Bữa cơm chay nhà chùa đãi trưa nay rất ngon, mặc dù đoàn đã ăn dọc đường nhưng vẫn tiếp thu vào bụng khá nhiều. Ăn uống xong thì đoàn đi nhận phòng ở nhà nghỉ Gia Nghi, đối diện chùa cách đó chưa đầy 50 mét.
Buổi trưa, khó ngủ anh em trong hội đi tìm quán cà phê uống. Một quán cóc cách chùa chừng 200 met có bán thức uống gồn nước ngọt và cà phê. Tuy nhiên , những thứ này chưa đủ để cầm chân anh em trong đòan khỏi vọng động.
Chợ Tiểu Cần cách chùa khoảng 700 mét, thế là anh em lại kéo nhau đi tham quan chợ thị trấn. Chợ huyện lỵ bán đủ đồ, có một khu vực nông sản bán cặp theo mé sông với rau củ quả gồm dưa hấu, khoai, khóm và người mua bán có cả người dân tộc Khmer.
Đi bộ tìm quán nhậu, anh em không rành đường cũng khổ, những thổ địa thì biến đâu mất khiến mọi người phải trở về điểm ở chân cầu lấy bia và mồi từ tiệm tạp hóa, có thêm hột vịt lộn rồi nhờ quán cà phê bên cạnh giúp cho nước đá. Do trời chiều, quán vắng khách, bà chủ quán cà phê cũng chiều đoàn khách từ phương xa tới nên bọn này cũng được một cử nhậu ngon lành.
Theo Bửu Hòa thì cử này chỉ là giải khát, nên đi tìm quán khát nhậu cho đủ đô và biết thế nào là đặc sản tại Tiểu Cần.
bài và ảnh Lương Minh
(1)năm Dân quốc thứ 1 là 1912, do đó năm thứ 27 là 1939
(2) Tấm biển này dùng khi Bà Thiên Hậu xuất cung tuần du, sẽ có 2 người đi trước cầm bảng này để dẹp đường
h5 khu vực bán nông sản chợ Tiểu cần
h7 vòng xoay trung tâm thị trấn Tiểu Cần
“Nhà báo” khác “nhà dân” ở chỗ này anh LM nhỉ? Nhà báo đi đâu cũng giới thiệu lại được những danh lam , thắng cảnh, quán sá, ….cũng như những sinh hoạt của người địa phương nơi đó. Nhà dân đi về quên hết. Nhưng nhờ có như vậy mà người đọc biết thêm một địa danh mới “Tiểu Cần” dù chưa lần nào đến nơi đây. Cám ơn bài viết sinh động của anh LM nhé. Mong anh viết tiếp phần 2, để mọi người hiểu biết thêm nhé
Cám ơn Kim Dung, sẽ viết bài kế về Người Hoa ở Tiểu Cần.
Hình số 3, cái mà chú Minh goi là “Mộc Bài” có thể gọi là Nghi Trượng, cháu coi phim cổ trang Trung Quốc, khi hành quân hoặc quan lại đi trên đường hoặc có đám rước thần thánh, thường binh lính mang theo nghi trượng đi trước với 4 chữ “Túc Tĩnh” – “Hồi Tỵ”.
Chú muốn biết tên goi đúng vì có người gọi nó là tấm biển (bảng), có người gọi đó là Danh bài (bài vị đề tên)
Đi cho biết đó biết đây ,,,vui cùng bạn hữu là quý nhất đời
Hoành Châu ~ Châu Lãng Uyển ( Gia đình C )