ĐỨA CON

Ngày đăng: 10/04/2018 10:10:24 Sáng/ ý kiến phản hồi (3)

Guy de Maupassant (tên đầy đủ là Henri René Albert Guy de Maupassant) (1850 – 1893) là nhà văn Pháp,  thế kỷ XIX, tác giả những tiểu thuyết và truyện ngắn  có khuynh hướng  hiện thực, đôi khi hư ảo. Ông sinh tại Fécamp, một thị trấn của vùng hành chánh Haute- Normandie. Thời thơ ấu ông được gần gũi dân quê, tiếp cận với thổ ngữ và những sinh hoạt bình thường ở vùng Normandie nên đã hình thành được nguồn cảm hứng dồi dào cho các truyện ngắn của ông. Ông được xem là một trong những tác giả viết truyện ngắn hiện đại lỗi lạc nhất.

Tác phẩm của ông gồm 6 cuốn tiểu thuyết, 3 tập ký sự du lịch, một tuyển tâp thơ và trên dưới 300 truyện kể và truyện ngắn.

Chịu ảnh hưởng của Flaubert, người thầy và cũng là cha đỡ đầu của ông, nên văn phong của ông luôn thể hiện thái độ khách quan hiện thực, nhận xét tinh tế, miêu tả chi tiết tỉ mỉ, sâu sắc. Ông chết bệnh năm 1893 tại một dưỡng trí viện tư nổi tiếng ở Paris, hưởng dương 43 tuổi.

~~oOo~~

 

                                                ĐỨA CON

Truyện ngắn của Guy de Maupassant &Thân Trọng Thủy dịch
Từ lâu Jacques Bourdillère đã thề không bao giờ cưới vợ. Nhưng mùa hè năm đó lúc đi tắm biển anh bất ngờ đổi ý.

Một buổi sáng lúc đang nằm dài trên cát ngắm nhìn những người đẹp từ dưới nước bước lên bờ, anh bỗng chú ý đến một bàn chân nhỏ bé, xinh xắn, dễ ưa. Anh ngước mắt lên cao hơn và toàn thân người đó đã cuốn hút anh, mặc dầu anh chẳng nhìn thấy gì ngoài hai mắt cá và cái đầu lòi ra khỏi chiếc khăn tắm vải fla-nen trắng che khắp thân thể. Anh vốn nổi tiếng là một kẻ ăn chơi, ham mê sắc dục, cho nên lúc đầu anh chỉ bị vóc dáng yêu kiều của nàng quyến rũ, về sau tính dịu dàng, đơn sơ và nhân hậu, tươi tắn như má và môi nàng mới làm anh mê mẩn.

Được giới thiệu với gia đình nàng, anh làm họ vừa ý ngay và nhanh chóng trở thành một kẻ điên vì tình. Mỗi khi nhìn thấy Berthe Lannis từ xa trên bãi cát vàng, anh run tận chân tóc. Gần bên nàng, anh như người câm, không nói nên lời, thậm chí chẳng suy nghĩ được gì, tim đập mạnh, tai ù, tâm thần hốt hoảng. Đó là tình yêu chăng? Anh không biết, không hiểu gì cả nhưng dù thế nào đi nữa anh cũng đã nhất quyết phải lấy cô ta làm vợ.
Cha mẹ cô do dự khá lâu vì tiếng xấu của anh. Người ta đồn anh có nhân tình, một cô bồ cũ, gắn bó đã lâu, một trong những quan hệ thân thiết tưởng đã chấm dứt nhưng vẫn tồn tại.

Đó là chưa kể có những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau, anh đã yêu bất cứ người con gái nào đến trong tầm môi của anh. Rồi anh thu xếp để từ chối gặp lại – dù chỉ một lần – người phụ nữ đã chung sống lâu ngày. Một người bạn sẽ lo thanh toán tiền trợ cấp, bảo đảm cuộc sống cho người phụ nữ đó. Jacques trả tiền nhưng không muốn nghe nói về cô ta, thậm chí anh còn có ý định từ đó về sau sẽ vờ như chưa hề quen biết cô ta. Thư cô viết, anh không bao giờ mở. Mỗi tuần anh nhận ra nét chữ vụng về của người con gái bị bỏ rơi là mỗi tuần cơn giận anh trút lên đầu cô ta nhiều hơn, anh xé nát cả bì lẫn thư, không mở, không đọc một câu một chữ nào vì đã biết trước nội dung chỉ toàn là trách móc và than vãn.

Vì chẳng ai tin vào sự thủy chung của anh nên mọi thử thách đã kéo dài suốt mùa đông và qua mùa xuân thì việc cầu hôn mới được chấp thuận.

Đám cưới được tổ chức ở Paris vào đầu tháng năm.

Anh quyết định sau đám cưới sẽ không đi hưởng tuần trăng mật như mọi người vẫn làm theo tục lệ. Sau buổi khiêu vũ tổ chức cho mấy cô em họ, thân mật và ngắn gọn – sẽ phải kết thúc trước mười một giờ – để khỏi kéo dài thêm sự mệt nhọc sau ngày hôn lễ; đôi tân hôn sẽ qua đêm động phòng tại nhà bố mẹ, rồi sáng hôm sau họ sẽ ra bãi biển thân thiết, nơi họ đã gặp và yêu nhau.

Đêm đến, mọi người khiêu vũ trong phòng khách lớn. Cả hai lui vào một khuê phòng nhỏ kiểu Nhật bản, có phủ màn lụa, đêm ấy được soi bằng ánh sáng lờ mờ của một ngọn đèn màu lớn treo trên trần, trông giống như một quả trứng khổng lồ. Thỉnh thoảng những luồng gió mát bên ngoài xuyên qua cửa sổ lọt vào phòng, lướt vào mặt như vuốt ve mơn trớn, vì đêm hôm ấy ấm áp và yên tĩnh, tràn ngập hương xuân.

Họ chẳng nói gì cả, chỉ nắm tay nhau và lâu lâu siết thật mạnh. Mắt mơ màng, nàng có vẻ ngây ngất với sự thay đổi lớn lao trong đời, nhưng nàng mỉm cười, xúc động muốn khóc, tin rằng cả thế gian đều đổi thay sau những gì vừa xảy ra với nàng, nàng lo mà không biết là lo chuyện gì và cảm thấy thể xác cùng tâm hồn đang ngập tràn một sự mệt mỏi khó tả và dễ chịu.

Anh nhìn nàng thật lâu, lặng lẽ mỉm cười. Anh muốn nói nhưng chẳng biết nói gì, chỉ ngồi yên và biểu lộ sự nồng nhiệt của mình bằng những cái siết tay. Thỉnh thoảng anh gọi thầm: “Berthe”, mỗi lần như thế nàng ngước mắt nhìn anh một cách dịu dàng trìu mến. Họ nhìn nhau một lúc, rồi cái nhìn của nàng bị cái nhìn của anh xuyên thấu và thôi miên nên sụp xuống.

Họ không tìm được ý gì để nói chuyện. Mọi người để yên họ một mình bên nhau, nhưng thỉnh thoảng có một cặp khiêu vũ đi ngang qua liếc nhìn như thể vừa chứng kíến một chuyện bí mật một cách kín đáo và đáng tin cậy .

Cửa bên sịch mở và một người đầy tớ bước vào tay cầm một cái khay đựng một lá thư khẩn do người đưa thư vừa mang tới. Jacques run run cầm lá thư, bỗng thấy sợ, nỗi sợ mơ hồ trước những điều bất hạnh thình lình ập đến.

Anh chăm chú nhìn vào phong bì mà anh không nhận ra nét chữ của ai. Anh không dám mở ra, anh muốn đừng đọc, đừng biết, muốn đút nó vào túi và tự nhủ: “Để mai. Mai ta sẽ đi xa, đâu có chi quan trọng !” Nhưng một bên góc bì thư hai chữ to có gạch dưới “Tối khẩn” đã cản anh lại và khiến anh lo lắng. Anh hỏi: “Em cho phép anh mở nhé!” và anh xé thư ra đọc. Anh vừa đọc vừa tái mặt, kinh hãi. Anh đọc lướt qua một lần, chậm rãi, như đánh vần từng chữ.

Khi anh ngẩng đầu lên, khuôn mặt anh hoàn toàn biến đổi. Anh ấp úng: ”Em yêu, người bạn… bạn thân nhất của anh vừa gặp tai họa lớn, rất lớn. Anh ấy cần anh giúp ngay lập tức, đây là vấn đề sinh tử. Em cho anh vắng mặt khoảng hai mươi phút nhé. Anh sẽ về liền”. Nàng run rẩy, hốt hoảng ấp úng: “Đi đi anh !” Nàng chưa hẳn là vợ anh nên không dám hỏi, không dám đòi được biết. Thế là anh biến. Còn lại nàng một mình, lắng nghe phòng bên cạnh khiêu vũ.

Anh chụp lấy chiếc mũ đầu tiên anh thấy, vớ cái áo khoác bất kỳ rồi chạy xuống cầu thang. Khi đã phóng ra ngoài đường, anh dừng lại dưới ánh đèn ở tiền sảnh và đọc lại lá thư. Thư viết như sau:

“Thưa ông,

Một cô tên là Ravet, hình như là tình nhân cũ của ông, vừa sinh một đứa bé, và cô ta nói là con của ông. Sản phụ sắp chết và cầu xin ông đến gặp. Tôi mạo muội viết thư nầy để hỏi ý ông có bằng lòng gặp người phụ nữ ấy một lần cuối hay không, cô ta trông rất khốn khổ và đáng thương.

Trân trọng,

Bác sĩ Bonnard.”

 

Khi anh bước vào phòng bệnh thì sản phụ đang hấp hối. Thoạt tiên anh không nhận ra cô ta. Bác sĩ và hai cô y tá đang chăm sóc cô. Khắp nền nhà nhan nhản những xô nước đá và những cái khăn đầy máu. Nước lênh láng trên nền. Trên bàn có hai ngọn nến thắp sáng. Sau giường, trong chiếc nôi nhỏ, đứa bé sơ sinh đang khóc và cứ sau mỗi tiếng oe oe thì người mẹ đau đớn cố cử động, run lập cập dưới những lớp vải băng lạnh.

Cô ta chảy máu, chảy máu, cô bị thương gần chết, cô đang chết vì lần sinh nở nầy. Đời cô đang trôi đi và cho dù có nước đá, cho dù được chăm sóc, sự xuất huyết không cách gì ngăn chận vẫn cứ tiếp diễn, đẩy nhanh giờ phút cuối đến với cô.

Cô nhận ra Jacques và muốn đưa tay lên nhưng không thể vì tay đã quá yếu. Nước mắt chảy trên đôi gò má tái mét.

Anh khuỵu gối xuống cạnh giường, cầm một bàn tay buông thõng hôn lên một cách cuồng nhiệt, rồi cúi đầu xuống sát khuôn mặt gầy gò, run rẩy. Một cô y tá đứng cầm cây nến soi sáng cho họ, và ông bác sĩ lùi ra góc phòng đứng nhìn.

Bằng giọng thì thào, cô hổn hển: “Anh yêu, em sắp chết rồi. Anh hãy hứa ở lại đây với em cho tới phút cuối. Anh ơi! Đừng xa em lúc nầy, đừng xa em trong giờ lâm chung!”
Anh vừa hôn cô ta lên tóc, lên trán vừa khóc nức nở: “Em đừng lo, anh sẽ ở lại.”

Cô ta ngừng lại ít phút vì khó thở và quá yếu, rồi nói tiếp: “Đứa bé là con của anh. Em thề trước Chúa, em thề trên linh hồn em, em thề lúc sắp chết. Em không yêu thương ai khác ngoài anh. Hãy hứa với em đừng bỏ nó.”

Anh cố bế trên tay tấm thân tàn tạ thảm thương đã cạn hết máu. Hoảng hốt vì hối hận và buồn bã, anh nói: “Anh xin thề, anh sẽ nuôi nó, sẽ yêu thương nó. Nó sẽ chẳng bao giờ rời anh”. Cô ta cố ôm hôn Jacques nhưng không cất nổi cái đầu đã kiệt quệ, cô bèn chìa đôi môi trắng bệch ra chờ. Anh áp sát miệng đề đón nhận cử chỉ van nài âu yếm tội nghiệp đó. Vừa bình tĩnh được một chút, cô thì thầm: “Anh bế nó lại đây để em xem anh có thương nó hay không.”

Anh đến ẵm đứa bé, nhẹ nhàng đặt nó lên giường, giữa hai người, và đứa bé nín khóc. Cô thì thầm: “Đừng cựa quậy nữa!” và đứa bé thôi cựa quậy. Anh ở lại đó, bàn tay nóng hổi của anh nắm lấy bàn tay run rẩy vì cơn ớn lạnh lúc hấp hối, giống như hồi nãy đã nắm bàn tay kia run rẩy vì yêu. Chốc chốc anh lén nhìn giờ, kim đồng hồ chỉ nửa đêm, rồi một giờ, rồi hai giờ.

Ông bác sĩ đã ra về, còn hai cô y tá sau môt lúc nhẹ nhàng bước quanh phòng, bây giờ đã thiu thiu ngủ trên mấy chiếc ghế. Đứa bé ngủ còn người mẹ thì nhắm mắt như đang nghỉ ngơi.

Khi ánh sáng ban mai nhợt nhạt xuyên qua màn cửa, cô ta chợt duỗi tay nhanh và mạnh đến nỗi suýt hất đứa con xuống đất. Cô nấc lên một tiếng trong cổ họng rồi nằm ngữa bất động, lìa đời.

Mấy cô y tá chạy lại và tuyên bố: “Thế là hết !”

Anh nhìn cô gái mà anh đã từng yêu một lần cuối, rồi đồng hồ điểm bốn giờ, anh ôm đứa bé bỏ chạy, quên mất cái áo khoác, trên người chỉ có áo ngủ.

***

Sau khi anh bỏ cô dâu mới lại một mình, nàng chờ anh trong khuê phòng, lúc đầu khá bình tĩnh. Sau một lúc không thấy anh quay lại, nàng trở ra phòng khách, cố làm ra vẻ thản nhiên và điềm tĩnh nhưng thật ra trong lòng rất lo lắng. Mẹ nàng trông thấy nàng ra một mình bèn hỏi: “Chồng con đâu?” Nàng trả lời: “Dạ anh ấy trong phòng, ảnh sẽ ra ngay.”

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, khi mọi người gạn hỏi, nàng mới thú thật về chuyện cái thư và nét mặt hoảng hốt của Jacques và nàng nói nàng sợ đã xảy ra chuyện gì không hay.

Họ vẫn còn chờ. Khách mời đã về hết, chỉ còn những người thân ở lại. Đến nửa đêm cô dâu được đưa vô nghỉ vì nàng quá xúc động. Mẹ nàng và hai người dì ngồi quanh giường im lặng và buồn rầu nghe nàng khóc. Người cha đã đến đồn cảnh sát hỏi thăm tin tức.

Lúc năm giờ người ta nghe một tiếng động khẽ ở hành lang. Môt cánh cửa hé mở rồi khép lại, rồi có một tiếng kêu nhỏ như tiếng mèo kêu vang vọng suốt căn nhà yên tĩnh.
Mấy người đàn bà đứng vọt lên và Berthe là người đầu tiên lao ra trong chiếc áo ngủ, mặc cho mẹ và hai dì cản lại.

Jacques đứng thẳng người giữa phòng, mặt mày tái mét, thở hổn hển, tay ẵm một đứa bé. Bốn người phụ nữ nhìn anh, hốt hoảng. Nhưng Berthe bỗng trở nên bạo dạn, chạy lại hỏi, lòng đầy lo lắng: “Chuyện gì vậy? Có chuyện gì vậy anh ?”

Anh như điên dại, trả lời bằng một giọng đứt khúc: “Chuyện là…chuyện là… tôi có một đứa con và mẹ nó vừa mới chết…” Và anh chìa đứa bé đang kêu khóc trong hai bàn tay vụng về ra.

Berthe không nói tiếng nào, đỡ lấy đứa bé, hôn nó, ôm chặt nó vào lòng, rồi ngước đôi mắt nhòa lệ nhìn chồng, nàng hỏi:

“Anh nói mẹ nó đã chết phải không ?”

Hắn đáp: “Phải, mới chết tức thì, trong tay anh. Anh đã cắt đứt với cô ta từ mùa hè. Anh chẳng biết gì cả. Bác sĩ đã gọi anh đến.”

Berthe thì thầm: “Vậy thì chúng mình sẽ nuôi đứa bé nầy>”
THÂN TRỌNG THỦY

Dịch từ nguyên tác: “L’enfant” (1882)

Của GUY DE MAUPASSANT

(2/2017)

@ Maupassant có hai bài “Đứa con” (L’Enfant). Bài nầy đăng ở nhật báo Le Gaulois ngày 24/7/1882

Bài L’Enfant thứ hai đăng ở nhật báo Gil Blas ngày 18/9/1883, bản dịch của Thân Trọng Sơn đã đăng ở Chim Việt Cành Nam số 66, tháng 4/2017.

 

 

 

Có 3 bình luận về ĐỨA CON

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Truyện ngắn hay, hấp dẫn, kết thúc có hậu , cũng do tài người dịch Thân Trọng Thuỷ là phần lớn.

    Mong có dịp đọc tác phẩm cùng tên cùng nhà văn, do tác giả Thân Trọng Sơn dịch.

  2. Thật là một ngạc nhiên thích thú khi được đọc trên trang nhà, truyện ngắn “L’enfant” của Guy de Maupassant do anh Thân Trọng Thuỷ dịch. Cám ơn anh Thuỷ, mong là trang nhà sẽ còn nhận được nhiều đóng góp của anh, không riêng gì trong phạm vi dịch thuật.

  3. Hoành Châu nói:

    Nguyên tác truyện ngắn hay  với đoạn kết  có hậu   L’enfant ” của  Guy de  Maupassant  được  Thân Trọng Thủy, một  dịch giả đa tài , đã làm sống lại văn phong  của tác giả  tác phẩm  Mong được đọc thêm  bài viết của tác giả Thân Trọng Thủy  nhé .

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác