NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN TẾT

Ngày đăng: 2/02/2018 09:53:52 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Hồi nhỏ, tôi thường đi học xa; nhưng tranh thủ năm nào chiều ba mươi tháng chạp tôi cũng có mặt tại nhà để đón Giao thừa và ăn Tết cùng với gia đình. Trẻ con thường ước mong Tết chóng đến để được những thứ mà ngày thường không dễ gì có được, như cái nón mới, áo quần mới, chạy nhảy vui chơi, nhất là có dịp đốt pháo; nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ trong đầu tôi nẩy sinh câu hỏi: chữ Tết từ đâu đến và nó mang ý nghĩa gì?   TẾT là ngày đầu, tháng đầu, của năm mới Âm lịch gọi là ngày Tết. Theo GS. Kim Định, Tết là cách đọc trại của chữ Tiết – nhịp điệu uyên nguyên, qua đó mọi hoạt động khác trong trời đất phải vận hành theo, với một sinh lực đỉnh cao để đạt được sự Thái hòa, tựa như vòng xoay của Vũ trụ: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn,

 nghĩa là cái vòng hoạt động Âm Dương của dân nông nghiệp với nền văn minh lúa nước phồn thực, luôn nương theo nhịp điệu tuần hoàn của thời tiết trong năm: mùa Xuân khí trời ấm áp, cây cỏ bắt đầu đâm chồi nẩy lộc (Xuân sinh) , đến mùa Hè khí hậu bắt đầu nóng ấm hơn, bao nhiêu năng lượng của cây cỏ bắt đầu tăng trưởng, phát triển tối đa để trưởng thành (Hạ trưởng), đến mùa Thu, khí hậu bắt đầu dịu bớt, sinh lực của cây cỏ cũng theo đó mà giảm theo  và co rút vào thân cây nằm đó đợi Đông sang (Thu liễm); khi Đông đến thì khí trời lạnh giá cũng theo về: cây cỏ rụng lá trơ cành, nhựa sống cũng co vào và nhựa sống của cây lá cũng đọng lại (Đông tàn), chờ mùa Xuân kế tiếp để tái diễn vòng tuần hoàn kế tiếp.

Như vậy sự chuyển động cùa thời tiết, mùa màng, cây lá, là một vòng chuyển động sinh hóa, theo tiết điệu tuần hoàn (the Cycle of birth-and-transformation in accordance with the periodic Rhythm)

Hình 1

Như vậy Tết, nhất là Tết Nguyên Đán (Tết đầu năm; Nguyên đán = ngày đầu năm) đối với người Việt chúng ta, nó là một lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm.  Đến Tết, các thành viên trong gia đình, dù có ở  chân trời góc bể nào, xa xôi bao nhiêu đi nữa, cũng phải bằng mọi cách cố về đến nhà, muộn nhất là trước giờ giao thừa (The New Year’s Eve) .

Tết là dịp để cho các thành viên trong gia đình đoàn tụ, gặp nhau sau một thời gian dài xa cách. Ngoài những người thân yêu ruột thịt trong gia đình gặp nhau còn có những người bà con tộc họ đến thăm nhau, chúc phúc, chúc thọ cho nhau.Tết chẳng những là những ngày vui chơi đình đám tưng bừng của người sống mà còn là dịp để tổ tiên ông bà về sum vầy với con cháu, đặc biệt là trong ba ngày:  mồng một, mồng hai và mồng baÍt nhiều ba ngày Tết; còn hết bảy ngày xuân. 

* Tết Nguyên Đán:

Thời gian nhuốm màu Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp hằng năm, thể hiện bằng lễ cúng đưa Táo quân về Trời.

Đầu tiên người ta trồng cây nêu. Cây nêu là một thân tre, dài chừng 5m-6m, trồng trước nhà. Ở phía dưới ngọn cây tre vài tấc, người ta buộc vào đó một cái vòng bằng tre, có hình dáng cây cung với một mủi tên, có dán giấy tiền vàng bạc và hình một con cá chép . Theo truyền thuyết, con cá chép ấy sẽ hóa rồng để đưa ông Táo về Trời.

 Hình 2 (T-P)  Dựng cây nêu, Hai ông với một Bà, Vua Bếp cưỡi cá Chép về Trời   

Vào buổi chiều cùng ngày, người ta dọn lễ vật cúng đưa ông Táo. Táo quân gồm có ba vị thần họp lại thành bộ tam (La triade domestique): Thổ địa (Dieu du sol), Thổ kỉ (Déesse de la terre), và Ông Táo, hay Thổ công, hay Ông Vua Bếp (Dieu de la cuisine , ou du sol ou Roi du foyer) .

Táo quân hay Vua Bếp sẽ về Trời và ở lại đó trong 7 ngày để trình báo với Ngọc Hoàng Thượng Đế tất cả mọi việc trong nhà gia chủ bằng một bản “Tường trình”,  thường được gọi là sớ Táo quân (Kitchen God’s Annual Report). Táo quân làm việc ở thượng giới cho đến chiều ngày 30 tháng chạp, và chủ nhà cũng phải sắm lễ cúng để rước Táo quân quay về lại “nhiệm sở” cũ để tiếp tục công việc của mình. Không có tài liệu nào nói rõ giờ nào trong chiều 30 tháng chạp Táo quân sẽ trở  lai nhà gia chủ cũ.

Theo truyền thuyết thì trong thời gian vắng mặt Vua Bếp là lúc mọi sinh hoạt ở trần thế cũng ngưng trệ vào những ngày cuối Đông để rồi sau đó hồi sinh tươi trẻ trở lại khi Táo quân quay về. Do vậy, Tết là một ngày có ý nghĩa đặc biệt. Nó làm cho mọi người cảm thấy thời gian dường như ngưng đọng khi Táo quân ra đi “công tác”  và nó cũng mang lại một nhịp điệu tràn đầy năng lượng cho mọi người và muôn vật. (His absence symbolizes the death of Nature during Winter, and his return marks its rejuvenation and renewal. Therefore, the Tết is an important date that disrupts the continuity of time and puts rhythm into men and things’life.) [ Przyluski ]

Chiều tối 30 tháng chạp, nhà nào cũng chuẩn bị sắm lễ cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu, đồng thời cũng sắm lễ cúng rước ông Táo về lại nhà trước giở Giao thừa.

* Cúng Giao Thừa

Hình 3

Sau lễ cúng rước Táo quân thì nhà nhà đều  chuẩn bị lễ cúng Giao thừa. Có thể nói Giao thừa là lễ bàn giao (Hand-over Ceremony) —bàn giao giữa cái cũ và cái mới, giữa người cũ và người mới (L’heure où finit l’année précédente et où commence l’année suivante). Theo tục lệ, nửa đêm hôm ba mươi tháng chạp rạng ngày mồng một, nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng Giao thừa. Tục ta tin rằng mỗi  năm có một ông Hành khiển thay mặt Ngọc hoàng trông coi việc nhân gian, hết năm thì thần cũ bàn giao công việc lại cho thần mới. Cho nên phải có việc cúng tế để tiễn cựu nghênh tân.

Thường thì mùa Tết kéo dài trong 7 ngày, từ ngày mồng 1 cho đến hết ngày mồng 7 tháng giêng. Người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn mặc lòng, đến ngày Tết đều phải ráng lo ăn cái Tết cho được đầy đủ, cúng Tổ tiên Ông bà phải cho được tươm tất như câu dân gian người ta thường nói: ít nhiều cũng ba ngày Tết, còn hết cũng bảy ngày xuân. Tuy nhiên, thực chất thì chỉ có 3 ngày là quan trọng: ngày mồng 1, ngày mồng 2 và ngày mồng 3 Tết. Công việc được phân bổ như sau :

– Ngày mồng một, mọi việc dành riêng cho gia đình. Sáng sớm người ta  chuẩn bị làm cỗ cúng Gia tiên, Thổ công, Táo quân và Nghệ sư (Tổ nghề). Cỗ bàn lớn nhỏ thế nào mặc lòng, nhưng làm thế nào cũng phải có bánh chưng, giò, chả, dưa hành, thịt bò hay thịt heo thì mới ra cỗ ngày Tết Nguyên Đán; vì Tết nầy là Tết lớn nhất trong năm.

Hôm ấy mọi người phải giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, sợ nói bậy bạ thì xui xẻo cho cả năm, không làm ăn nên nổi. Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất dùm, để cho cả năm được hanh thông may mắn, làm ăn phát tài.

Hình 4

Cúng Gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ cho con cháu một món tiền nhỏ gọi là tiền lì xì mừng tuổi.

– Ngày mồng hai thì mọi người đi thăm bà con thân tộc nội ngoại, chúc cho nhau được vạn sự như ý, sinh năm đẻ bảy, được thăng quan tiến chức, v…v…

– Ngày mồng ba, đặc biệt dành để đi thăm và chúc Tết thầy dạy mình học, và thăm bạn bè, chúc phúc cho nhau.

– Ngày mồng bốn là lễ Hóa vàng, có nhà đến mồng bảy mới làm lễ Hóa vàng. Hóa vàng là lễ cúng tất tiễn đưa ông bà tổ tiên về lại chốn cũ quê xưa. Hôm ấy con cháu họp mặt đông đủ ăn uống vui vầy với nhau.

Suốt cả tháng giêng, già trẻ trai gái, người quê kẻ chợ, quần điều áo thắm, kẻ thì lễ bái chùa nầy miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ cảnh kia. Những người nhàn rỗi, năm ba người họp lại đánh bài vui chơi. Ngoài ngã ba ngã bảy, đám thì quay đất, đám thì lúc lắc thò lò, tổng chi gọi là Cách Thưởng Xuân.

Ngoài Tết Nguyên đán, chúng ta cũng còn có các ngày Tết khác trong năm :

– Tết Hàn thực:  nhằm vào ngày 3 tháng 3Âm lịch. Tết Hàn thực tức là Tết ăn đồ lạnh, có gì ăn nấy chứ không sắm sửa nấu nướng món gì trong ngày nầy.

-Tết Thanh minh: 

Hình 5

Thời gian đâu đó trong tháng 3 như cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều :

         Thanh minh trong tiết tháng ba,

         Lễ là Tảo mộ, Hội là Đạp thanh (  Nguyễn-Du)

Nên để ý : trong Tết Thanh minh có hai phần: phần Lễ và phần Hội, như cụ Nguyễn đã chỉ dạy cho chúng ta rõ qua hai câu Kiều trên.

– Tết Đoan ngọ: 

Nhằm ngày mồng 5 tháng 5, trong lễ Tết nầy dân mình theo cách người Trung hoa, trong đó nổi bật có tục lệ hái lá. Tục hái lá là do từ điển tích Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Tấn: hôm mồng 5 tháng 5 hai anh chàng vào núi Thiên thai hái lá thuốc gặp tiên thành tục.

Ở ta, lác đác trong ngày Tết Đoan ngọ cũng còn có người đi vào rừng hái lá về làm thuốc.

– Tết Trung nguyên:

Rằm tháng 7 gọi là Tết Trung nguyên. Người tin theo thuyết nhà Phật thì gọi đó là Lễ Vu-Lan, ngày vong nhân xá tội, nghĩa là trong ngày hôm ấy người dưới Âm phủ được Diêm Vương xét mà tha tội. Sách Lục Du của Tàu có nói: Cứ đến ngày Rằm tháng 7 thì làm một mâm cỗ đơn sơ, cúng Thần Tiên (thần sinh ra nghể dệt cửi) và đốt giấy tiền vàng bạc.

Người Phật tử thường gọi Rằm tháng 7 là Lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn – Bồn là cái chậu đựng thức ăn đem cúng dường chư tăng vào ngày nầy  để cầu nguyện cho linh hồn người quá cố khỏi phải bị đọa đày trong cảnh khổ nữa.

Vu Lan là dịch âm từ chữ Sanskrit Ullabana nghĩa là cứu nạn treo ngược. Những người khi sống làm điều ác thì khi chết phải thác sinh xuống một cõi rất khổ gọi là địa ngục, ở đây có một khổ hình là bị treo ngược. Người  đệ tử của Đức Phật Thích Ca là Mục Kiền Liên, sau khi đắc đạo, dùng mắt thần nhìn xuống các cõi khổ, thấy mẹ mình đang bị treo ngược, bèn đem cơm xuống cho mẹ ăn, nhưng mẹ ăn không được. Mục Kiền Liên hỏi Phật,  Phật bèn dùng Kinh Vu Lan Bồn mà giảng, khuyên vào ngày rằm tháng 7, nhân dịp Tăng chúng vừa kết hạ, làm cơm chay cúng dường Phật và Tăng chúng thì có thể cứu mẹ thoát được cảnh khổ.

Kinh nầy do nhà sư Ấn độ Dharmaraksa đời Tây Tấn dich từ chữ Sanskrit sang chữ Hán (tk III TL)

– Tết Trung thu: 

Tết Trung thu nhằm vào ngày Rằm tháng 8. Tết Trung thu ta thường gọi là Tết của thiếu nhi, nhi đồng.

                                             Hình 6 : Tết Trung thu (tranh Bùi Xuân Phái)

Ban ngày làm cỗ cúnng Gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh Trung thu hay bánh Mặt trăng, cùng với các bánh trái bông hoa, màu sắc sặc sỡ, xanh trắng đỏ vàng. Trẻ con tối hôm ấy kéo nhau đi chơi vui đùa, trên tay đứa nào cũng có cây đèn ông sao; chúng dắt díu nhau từng đàn từng lũ, đám rước đèn, đám rước sư tử, múa lân đánh trống và phèn la kêu vang cả xóm. Có nơi bày ra hát trống quân, tổng chi gọi là cách Trung Thu thưởng nguyệt.

Tục treo đèn bày cỗ do ở điển Đường Minh Hoàng. Tục rước đèn do từ đời Tống.

Tục hát trống quân có từ đời Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà, ông bèn cho bày ra cách hát nầy: cho một đôi, chia hai, một bên giả làm trai, một bên giả làm gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ đỡ buồn vì nhớ nhà. Khi hát có đánh trống giữ nhịp, cho nên gọi là hát Trống quân.

 – Tết Trùng Cửu:

Lễ Tết ngày 9 tháng 9 gọi là Tết trùng cửu. Lễ nầy ít nhà ăn; nhưng đôi khi cũng có người ăn theo lối người Tàu.

– Tết Trùng thập :

Mồng 10 tháng 10 là Tết trùng thập. Các thầy thuốc và những người đồng cốt mới ăn Tết nầy,  nhưng ở nhà quê cũng có nhiều nơi ăn, có nơi ăn to lắm. Họ làm bánh dầy, nấu chè xôi cúng thần, cúng gia tiên, rồi đem biếu bạn bè thân thuộc.

Các nhà thầy thuốc ăn Tết một là để cúng cấp, hai là để khoản đãi các đệ tử và các thân chủ của mình. Đại để nhà quê ăn Tết Trùng thập là để nhớ  đến ơn tiên nông mà cúng tế và an ủi, đền bù lại cho sự khó nhoc tháng năm qua. Còn lại phần nhiều người ta chỉ cúng gia tiên mà thôi.

– Tết Táo quân:

Như trên đã nói, chiều 23 tháng chạp nhà nhà đều sắm lễ vật cúng tiễn đưa Táo quân hay Vua Bếp về Trời.

Chuyện kể rằng có hai vợ chồng nhà kia ăn ở với nhau hơn 5 năm trời mà chẳng có một mụn con. Hai vợ chồng rất buồn, lại gặp nạn đói nên hai vợ chồng phải mỗi người một phương tìm kế sinh nhai.

Một hôm người vợ  được ông quan hưu trí góa vợ nhận cho làm gia nhân giúp việc nhà, dần dà hai người thương mến nhau kết nghĩa vợ chồng.

Một hôm người vợ đang cúng đốt vàng mã ngoài sân thì có một người đàn ông vào ăn xin. Người đàn bà nhận ra đây là người chồng cũ của mình, động lòng thương cảm, liền đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Liền lúc đó ông chồng sau đi săn về bắt gặp cảnh thương cảm nhau giữa hai người  thì đem lòng nghi cho vợ nầy kia. Người vợ lấy làm xấu hổ liền đâm đầu vào đống rơm, châm lửa tự thiêu. Người chồng  “ăn mày” nhảy theo cũng đâm đầu vào đống lửa. Người chồng sau thấy vậy cũng nhảy vào đám lửa rơm đang cháy. Hậu quả : ba người cùng chết cháy trong đống rơm.

Về sau biết chuyện thương tâm nầy, Ngọc Hoàng cho cả ba đều làm Táo quân. Do đó chuyện Táo quân là chuyện của hai Ông một Bà, trong đó mỗi người cò một chức vụ riêng.

Đến đây, thiết tưởng kể ra một số lễ Tết như trên cũng tạm đủ, trong đó đáng kể nhất là Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Tết Trung Nguyên và Tết Trung Thu. Những Tết kia kể ra để biết vậy thôi chứ bây giờ không còn mấy ai ăn nữa.

Như trên, ta thấy những sinh hoạt phần lớn thuộc về lễ  của Tết. Nhưng Tết mà thiếu phần hội, thiết tưởng đã mất đi cái sinh khí vui tươi và ý nhị của Tết cổ truyến Việt-Nam.

Hàng năm cứ khi xuân về Tết đến, người dân, ngoài lễ Tết ra, họ thừơng tổ chức những hội hè dình đám vui chơi; nhất là ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung còn giữ lệ tổ chức hội hè như hội đua ghe, hội hát bội, hát bài chòi ở Quảng nam, Quảng ngãi, Bình thuận, đặc biệt người ta thường tổ chức hát Quan họ ở tỉnh Bắc Ninh, chẳng hạn.

 

                                                  Hình 7: Hát Quan Họ  (tranh sơn mài)

Vào sáng ngày 13 tháng Giêng, họ họp nhau lại, độ chừng năm bảy cụ ông, năm bảy cụ bà với một số nam nữ có giọng hát hay, kéo nhau sang làng Tam sơn dự hội. Bên Tam sơn cũng cử một số đông ra tận đường cái quan đón chào. Sau khi phân ngôi chủ khách, trên dưới thứ tự, chuyện trò chè chén vui vầy thì bắt đầu cuộc xướng hát. Lần lượt trai bên nầy xướng, gái bên kia họa, gái bên kia cầu, trai bên này ứng; luân phiên nhau đối đáp. Lúc ấy các bô lão ngồi nghe, thưởng thức các câu hát hay, giọng hát ngọt, vỗ tay ban thưởng. Các cụ Ông cụ Bà là quan khách đồng thời cũng là Ban Giám khảo, phân định bên thắng, bên thua.

Nội dung lời ca tiếng hát đại khái là những lời diễn đạt tình cảm nam nữ, tuy chơi đùa trêu chọc mà vẫn có mức độ, nồng nàng mà vẫn vẫn giữ được cái vẻ trong sáng hồn nhiên. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Sau đây tôi xin trích một vài đoạn tiêu biểu. Hát mời trầu: Miếng trầu là đầu câu chuyện :

– Nữ :

Gặp nhau ăn một miếng trầu,

     Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào !

-Nam :

Miếng trầu đã nặng là bao,

     Muốn cho đông liễu, tây đào là hơn !

– Nữ :

Miếng trầu kể hết nguồn cơn,

     Muốn xem đây đấy thiệt hơn thế nào ?

– Nam :

     Miếng trầu là nghĩa xướng giao,

     Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên !

 

Mời trầu xong, hai bên nam, nữ mới đi vào những câu hát đố :

 

-Nam :

Ở đâu năm cửa nàng ơi ?

     Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?

     Sông nào bên đục bên trong ?

     Núi nào thắt quả bồng mà có thánh sinh?

 

– Nữ :

Thành Hà-nội năm cửa chàng ơi!

     Sông Lục đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.

     Nước sông Thương bên đục bên trong,

     Núi Thánh Tản thắt quả bồng mà lại có Thánh sinh.

Rồi dần dà họ đi đến những câu đố đậm đà tình tứ hơn :

– Nam :

     Một năm có mấy tháng xuân?

     Một ngày có mấy giờ dần sớm mai?

– Nữ :

Một năm có ba tháng xuân,

Một ngày có một giờ Dần sớm mai.

– Nam :

     Bây giờ mận mới hỏi đào,

     Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

– Nữ :

Mận hỏi thì Đào xin thưa,

     Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!

Giọng hát cứ thế mà ngân nga, càng lúc càng cao, càng tình tứ đậm đà cho mãi đến chiều tà, bên nào thua phải mời bên được về nhà thết đãi, để rồi lại tiễn đưa ra về đến cổng làng mới chia tay, hoặc là chia tay ngay dưới chân núi, xiết bao quyến luyến giằng giai với những lời hẹn hò tiếc nhớ, vừa đi vừa hát :

– Nam :

Ấy ai dắt mối tơ mành,

     Cho thuyền quen bến, cho anh quen nàng.

-Nữ :

Tơ tằm đã vấn thì vương,

     Đã trót dan díu thì thương nhau cùng.

– Nam :

Ai về đường ấy hôm nay,

     Ngựa hồng ai cưỡi, dù tay ai cầm?

– Nữ :

Ngựa hồng đã có tri âm,

      Dù tay đã có người cầm bạn ơi!

Sau cùng là lời chào từ biệt gợi cảm của bên nam :

– Nam :

     Ai về đường ấy hôm nay,

     Gởi dăm điều nhớ, gởi vài điều thương.

     Gởi cho đến chiếu đến giường,

     Gởi cho đếnn chốn buồng hương em nằm!

Cứ thế mà đối đáp đến khi không còn tiếp tục nữa mới thôi. Cuộc hát quan họ đại khái là thế ấy.  Các tỉnh miền Trung cũng có tục tổ chức những hội đua ghe, hát bội, hát bài chòi v…v… Các tỉnh miền Trung, từ Quảng trị đến Bình thuận, ngày Xuân, ngoài những cuộc vui chơi khác, người ta còn có hội hát bài chòi.

 

                                                                     Hình 8 : Hát bài chòi

Người ta cất 10 cái chòi phân bổ xung quanh một cái chòi Hiệu hay Hát Hiệu. Người chơi mua một thẻ bài và lên ngồi trên một cái chòi lắng nghe anh Hiệu ở cái chòi ở giữa hay đi lại và hô bài hiệu. Người nào có con bài đã mua giống như con bài hiệu đã hô to thì người ấy thắng cuộc. Trò chơi cứ thế mà tiếp tục.  Sau đây tôi xin trích dẫn vài câu thơ trong hát Bài chòi :

– Nhất Trò :

Không ngon cũng bánh lá gai,

     Dù anh có dại cũng trai học trò.

– Nhì Bí :

Bình định có núi Vọng Phu,

     Có đầm Thị Nại, có cù Lao Xanh,

     Em về Bình Định cùng anh,

     Được ăn  đỏ nấu canh nước dừa.

– Tam Quăng :

Anh đang viết liễn trong đình,

     Nghe em chồng hỏi giật mình quăng nghiên.

Cứ thế mà Ông hay Bà Hiệu rao lên cho hết bộ bài. Bộ bài này có những con bài mang tên Trò, Bí, Quăng…như trên. Bộ bài nầy có tên là Bài Tới. Tại sao bộ bài có tên Bài tới và những con bài được đặt tên như thế thì cho đến nay chưa ai giải thích được rành mạch.

Như vậy xét cho cùng thì Tết, nhất là Tết Nguyên Đán, là một lễ hội đặc trưng của các dân tộc nông nghiệp Á Đông, nhất là dân Việt chúng ta; bởi mùa màng cây lúa, hoa quả đều lệ thuộc vào sự vận chuyển đổi thay của thời tiết và con nước: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàn. Theo Przyluski thì khi vắng mặt Táo quân Thiên nhiên tạo vật dường như cũng ngừng hoạt động và mọi sinh hoạt sẽ bắt đầu trở lại khi Ông Táo trở lại thế gian.

Cuối Đông và đầu Xuân, khí trời và thời tiết cũng chưa thuận hòa cho công việc nông trang và đây cũng là cơ hội để người lao động nghĩ ngơi vui chơi, bù lại công lao cực nhọc trong những ngày tháng qua. Thế thì việc ăn Tết Nguyên Đán của dân ta là đáng trân trọng gìn giữ chứ sao lại bỏ đi như một số người chủ trương?!

Tóm lại, qua những trang viết trên đây, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau :

Tết Âm lịch mà chúng ta quen gọi là Tết Nguyên Đán có một ý nghĩa sâu sắc, tác động đậm nét vào xương vào máu dân ta; có thể nói nó là cái phần hồn cốt trong nền Văn hóa lúa nước của dân tộc Việt-nam. Lý do tại sao thì cũng có nhiều người đã lý giải. Theo tôi lý do cơ bản nhất là chuyển động của mặt trăng có ảnh hưởng sâu đậm đến mùa màng, Nông cũng như Ngư, bởi thời tiết và con nước thủy triều lên xuống. Do đó ngày tháng theo Âm lịch gắn chặt với sinh hoạt mùa vụ của đa số người dân Việt-nam. Nói cách khác: chúng ta làm ăn theo mùa và nghỉ ngơi cũng theo mùa. Bởi lý do đó, chọn ngày nghỉ cuối năm theo Tết Dương lịch là một điều khiên cưỡng với tập tục và truyền thống bao đời nay của dân tộc ta

Tôi xin mượn mấy dòng sau đây của cụ Phan Kế Bính, tác giả sách Việt Nam Phong Tục, để khép lại bài viết nầy :

Xét về các ngày Tết của ta, phần nhiều là noi theo tục Tàu, nhưng chủ ý thì chỉ nhân ngày tuần tiết mà dâng lễ vật cúng gia tiên, chớ không có ý gì nhớ đến người Tàu.

 Cứ như nước ta khi xưa, quanh năm chí tối lo làm ăn, mồ hôi nước mắt, không có thì giờ nghỉ ngơi. Nhà nông làm ruộng thì sáng vác cuốc, trưa vác cày, hết mùa cấy đến mùa gặt, quanh năm chí tối, chân lấm tay bùn. Người làm thợ thì canh ba chưa nằm, canh năm đã phải dậy, làm lụng chúi mũi, không lúc nào mở mắt ra được. Người đi buôn thì nay ngược mai xuôi, tất ta tất tưởi để cầu lấy chút lợi cho mình. Người đi học thi nung kinh nấu sử, thức khuya dậy sớm để cầu lấy chút danh phận cho vẻ vang cùng người.

 Nói tóm lại thì tính dân ta rất là cần mẫn, chịu thương chịu khó, mà không có ngày nào là ngày chủ nhật. Vậy nên thỉnh thoảng phải có những ngày nghỉ ngơi ăn chơi giải trí. Nhưng chẳng lẽ tự nhiên vô cớ mà nghỉ công nghỉ việc để ăn chơi. Vậy mới nhân tuần nầy tiết nọ, bày ra cách ăn Tết, trước là đem lòng thành kính, thờ phụng tổ tiên, sau là được vài ba ngày nhàn nhã cầm chén rượu mà yên úy tinh thần.

 Cứ như chủ ý thì cách ăn Tết của ta không hại gì. Nhưng chỉ hiềm một nỗi là ta hay tin những chuyện huyền hoặc của Tàu mà không nghĩ đến ý nghĩa chính yếu của những ngày Lễ Tết ! 

Nhận định và đánh giá về việc Tết tây Tết ta trên đây của cụ Phan Kế Bính, thiển nghĩ cũng có thể dùng làm câu trả lời phản biện lại  đề nghị của nhiều người gần đây đưa ra : muốn sáp nhập Tết ta vào Tết tây.

Lý do cụ Phan đưa ra, theo tôi, là có cơ sở và rất thuyết phục.

Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất  . 

Ngày 27 tháng 1 năm 2018   

Nguyễn Văn Chương

Hình ảnh: nguồn Net

_________________________________________________

Nguồn tham khảo và trích dẫn :

  1.  Việt Nam Phong Tục                   (Phan Kế Bính)
  2.  Tư Tưởng Việt Nam                   (Nguyễn Đăng Thục)
  3.  Vietnamese Legends                  (Lê Huy Hạp)
  4.  Connaissance Du Vietnam         (Pierre Huard et

Maurice Durand )

  1.    VIETNAM: Civilization and Culture      (Vũ Thiên Kim)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Có 2 bình luận về NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN TẾT

  1. Bài viết nào của thày Chương đều được biên khảo rõ ràng và công phu giúp cho người đọc ngoài việc giải trí còn có dịp mở mang thêm kiến thức. Cám ơn thày Chương đã nhiệt tình đóng góp cho trang báo Xuân trong khi thày vẫn chưa hoàn toàn bình phục hẳn. Xin thay mặt trang nhà, cám ơn thày và chúc thày sớm lấy lại sức khoẻ như cũ để cùng gia đình hưởng một cái tết thật vui và đầm ấm.

  2. My Nguyen nói:

    Một bài biên khảo thật công phu với những kiến thức thú vị và bổ ích. Kính chúc Thầy sớm phục hồi sức khỏe, đón Tết thật an lành hạnh phúc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác