THỜI THƠ ẤU Ở PROVENCE 

Ngày đăng: 12/01/2018 08:01:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Marcel Pagnol là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Pháp trong thế kỷ thứ XX. Ông sinh ngày28.2.1895 tại Aubagne thuộc Marseille và mất ngày 18.4.1974 tại Paris. Ông là thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp từ năm 1946. Đầu tiên ông nổi tiếng về những kịch bản do ông sáng tác, sau đó ông chuyển sang việc thực hiện phim ảnh. Mãi đến năm ông sáu mươi tuổi, ông mới bắt đầu viết hồi ký về thời thơ ấu của ông và nổi tiếng khắp thế giới về những cuốn sách này. Ông kể lại những kỷ niệm mà ông đã cùng trải qua với cha ông, Joseph, mẹ ông Augustine, em trai Paul và em gái Germaine trong những kỳ nghỉ hè ở miền quê. Cả gia đình ông gồm năm người thường từ Marseille về nghỉ hè tại Provence.

Đối với cậu bé chín tuổi thì đây bắt đầu một mùa hè vui tươi và đầy kỳ thú trong vùng đồi núi Estaque vang dội tiếng ve cùng tràn ngập mùi thơm của hoa Oải hương và Hương thảo. Ông theo chân cha và chú của ông đi săn trong vùng đồi núi rồi tình cờ làm quen được với Lili, một cậu bé chỉ thua ông một tuổi, là dân cư ở đây và thông thạo tất cả các ngõ ngách vì cậu bé hàng ngày đều đi đặt bẫy các loại chim mà người Pháp rất yêu chuộng để làm các món ăn đặc trưng. Cùng đi với Lili, ông đã trải qua bao cảnh đẹp cũng như thu thập được thật nhiều kiến thức về cây cỏ, hoa lá, chim muông cùng thú vật của vùng đồi núi mà trước kia hoàn toàn xa lạ đối với một cậu bé chuyên sống nơi đô hội.

Không có cuốn truyện nguyên bản của Marcel Pagnol bằng tiếng Pháp, trong thư viện của thành phố Oberhausen, tôi tìm được bản dịch bằng tiếng Đức của Pamela Wendekind với tựa đề là “Thời thơ ấu ở Provence” (Eine Kindheit in der Provence), cuốn sách thật hay dễ làm người đọc say mê với những kỷ niệm kỳ thú mà Marcel Pagnol đã trải qua khi còn nhỏ.

Tôi xin được dịch lại vài trang của cuốn truyện nói về sự tinh ngịch của một cậu bé lên năm, lên sáu. Có thể không ít bạn đọc sẽ tìm thấy chính mình trong hình ảnh của cậu bé Paul này……. 

Hình 1/                                   Phong cảnh vùng Estaque (Provence)  

                              THỜI THƠ ẤU Ở PROVENCE

Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy sung sướng như hiện giờ, tuy vậy đôi khi trong lúc đang leo lên ngọn đồi cao, tôi cảm thấy lương tâm mình bị cắn rứt vì đã sao lãng với Paul, đứa em bé nhỏ của tôi. Hắn ta không hề than phiền nhưng tôi vẫn thấy tội nghiệp khi nghĩ đến sự cô đơn của hắn. Cũng vì lý do đó tôi quyết định sẽ đem Paul theo tôi đi săn một lần cho biết.

Tối hôm trước, tôi báo cho hai vị thợ săn ( cha tôi và chú tôi) là sáng sớm hôm sau, Lili và tôi sẽ không theo hai ông đi săn như thường lệ mà chúng tôi sẽ đem Paul đi cùng và hẹn tất cả sẽ gặp nhau tại nguồn nước Passe-Temps để ăn trưa.

Hai người có vẻ thất vọng và tìm cách thuyết phục để chúng tôi đổi ý định nhưng không thành. Dù không nói ra nhưng tôi cảm thấy hả hê vì ngày đi săn đầu tiên tôi đã không được phép đi cùng, vậy mà đến bây giờ họ lại lấy làm tiếc khi không có tôi tháp tùng. Tôi đã trở thành một nhân vật không thể thiếu được…….!

Thật giống y như việc ngày nay chúng ta luôn kêu gọi sự trợ giúp của người Mỹ, trong khi ngày xưa chúng ta đã xua đuổi ông cha của họ ra khỏi nước vì lý do chính trị hoặc tôn giáo.

Hình 2/                                                  Trẻ em leo đồi núi

Sáng sớm hôm sau vào lúc sáu giờ, tôi lôi cổ Paul dậy trong lúc hắn ta còn đang ngái ngủ nhưng quá hứng khởi vì cuộc phiêu lưu đang chờ đợi nên Paul can đảm gắng bước để theo kịp chúng tôi.

Khi đến Petit Oeil, trong chiếc bẫy đầu tiên chúng tôi thấy một chú chim sẻ bị mắc vào . Paul gỡ chim ra khỏi bẫy, nhìn chú chim rồi nước mắt đầm đìa

“Nó chết rồi! Nó chết rồi!”

“Dĩ nhiên rồi” Lili nói “Cái bẫy để giết chim mà”

“Em không thích vậy! em không thích vậy! Làm cho nó sống lại đi!”

Paul tìm cách thổi vào mỏ chú chim và ném nó lên cao với mục đích giúp chú chim bay được một cách dễ dàng trên không, nhưng ôi thôi, chú chim đáng tội đó lại rớt bịch xuống đất, chừng như từ khi cha sinh mẹ đẻ chú ta không hề có cánh.

Paul nhặt đá và ném về phía chúng tôi, hắn ta tức điên lên làm tôi phải ôm chặt hắn trong tay để ẳm hắn về nhà.

Tôi xin lỗi mẹ tôi và lấy làm tiếc vì phải để Paul ở nhà một mình.

“Con không cần phải lo cho Paul gì cả” mẹ nói “Paul chơi cả ngày với em gái, thương em và chịu khó với em lắm, phải thế không Paul”

“Dạ đúng rồi, mẹ ạ”

Quả thật hắn ta chơi cả ngày với em bé. Hắn ta đem một nắm dế mèn bỏ vào trong những lọn tóc quăn của em làm chúng nhảy lung tung trên đầu em bé. Em bé sợ xanh mặt nhưng miệng vẫn cười. Hoặc là kéo em lên và đặt em ngồi trên một nhánh chia đôi của cây olive, cách mặt đất chừng hai thước rồi giả vờ bỏ đi, để em bé một mình chơ vơ trên cành cây cao. Một lần vì sợ quá nên thay vì leo xuống, em bé lại leo tiếp tục đến cành cây cao nhất. Từ xa, mẹ tôi thất kinh khi nhìn thấy khuôn mặt của con gái mình hiện ra giữa đám lá olive

Hình 3/                                                               Cây olive cổ thụ

Bà dùng thang và với sự trợ giúp của Rose, em gái bà để đem em bé xuống , giống y như cảnh lính cứu hoả cứu con mèo nhỏ thích phiêu lưu leo lên cây cao. Paul biện bạch  là em bé đã trốn hắn để leo cây. Từ đó em bé nổi tiếng leo trèo giỏi chẳng khác gì các chú khỉ con.

Đôi khi hắn ta bỏ mấy quả ngứa vào phía trong lưng áo của em bé làm em ngứa nên khóc thét lên nhưng người lớn không biết lý do, cũng vì thế em mang tiếng là hay khóc nhè.

Để giữ cho em im lặng, hắn ta nhét đầy nhựa cây hạnh nhân vào miệng em hoặc cho em mút kẹo cam thảo màu đen, loại kẹo này hắn ta không mua ở tiệm thuốc tây mà là phân của một con thỏ rừng nào đó mà hắn ta nhặt được. Cùng đêm hôm đó hắn phải thú thật với tôi về hành động anh hùng của hắn ta vì sợ em bé bị ngộ độc.

Tôi trấn an bằng cách kể cho hắn nghe là khi hắn còn nhỏ, tôi cũng đã từng cho hắn thưởng thức những hạt phân dê đen và ấm thay cho những quả olive và hắn đã ăn một cách ngon lành.

Thích thú vì điều tôi vừa kể, hắn ta không còn lo lắng gì nữa và cứ tiếp tục những trò đùa tinh quái như thế với em bé.

Giống như văn hào Shakespeare đã viết “Tội ác sẽ ra ánh sáng”, có nghĩa là làm bậy thì một ngày nào đó cũng sẽ bị phanh phui ra.

Một buổi chiều kia, trở về nhà sau chuyến đi săn, tôi tìm thấy Paul đang nằm trong phòng và nấc lên từng hồi một cách thảm thiết trên gối. Thì ra hôm ấy hắn ta đã khám phá ra một trò chơi rất đơn giản…

Hắn ta véo thật mạnh vào mông của em bé, đau quá nên em khóc thét lên. Hắn ta chạy nhanh vào nhà và kêu to  “Mẹ ơi, nhanh lên, em bé bị ong chích” Mẹ tôi phải chạy nhanh hai lần, tay cầm bông gòn và thuốc, cố nặn và dùng móng tay để khẩy cái kim chích không hề hiện hữu của con ong ra. Em bé càng khóc to lên vì đau làm hắn ta càng thích chí hơn.

Nhưng hắn ta lại phạm vào một lỗi lầm thật lớn là đã lập đi lập lại trò đùa này nhiều lần khiến mẹ tôi đâm ra nghi ngờ. Sau đó, mẹ bắt được quả tang trong lúc hắn ta đang thực hiện mưu đồ một lần nữa. Thế là hắn ta ăn một cái bạt tai và tiếp theo là roi đòn của mẹ. Hắn ta can đảm hứng chịu hình phạt nhưng những lời răn dạy sau đó của mẹ đã làm hắn ta tan nát cả cõi lòng. Cho đến buổi cơm tối lúc bảy giờ mà hắn vẫn còn đau khổ đến nỗi không thể nào nuốt trôi được món tráng miệng. Em gái bị hắn hành hạ nhưng vẫn biết ơn,  đẩy chén kem caramel của mình sang cho hắn với cặp mắt rớm lệ vì đồng cảm với hắn.

Từ lúc biết rõ là hắn ta tuy phải ở nhà nhưng chẳng buồn chán chút nào, lương tâm tôi không còn bị cắn rứt nữa. Tôi để yên cho hắn tiêu thì giờ bằng những trò tinh nghịch của hắn……

Lê-Thân Hồng-Khanh

dịch từ  Eine Kindheit in der Provence của Pamela Wendekind.

& MARCEL PAGNOL ( 1895-1974)

 

Có 1 bình luận về THỜI THƠ ẤU Ở PROVENCE 

  1. Hoành Châu nói:

    Cô kính ,
    Vậy là cô chuyển ngữ từ tiếng Đức sang Việt  ,,, Hoan hô cô mình dịch
    tuyệt vời ,                Hoành Châu (Gia đình C  )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác