NHỚ TẾT XƯA
Đối với tôi , ngày tết là ngày thiêng liêng nhất . Nhớ lại hồi nhỏ , lúc độ 8 tuổi , từ 23 tết bắt đầu có chợ tết, tối nào tôi cũng đi chợ. Nhà nghèo nhưng có bà chị họ ở Sài Gòn gửi cho những bộ đầm đẹp nên tôi luôn nổi bật giữa đám bạn cùng xóm ! Thích nhất là được đi ngắm chợ hoa dọc theo bungalow (Công quán) bên bờ sông Tiền , đi quanh các con đừơng gần chợ Vĩnh Long xem bánh mứt, dưa hấu và mọi thứ hàng hóa cho ngày tết . Đêm nào cũng đi mà không biết chán ! Mỗi đêm được má cho một ít tiền vừa đủ để uống một ly sinh tố mãng cầu. Đến khi vào trung học, rồi lên đại học sở thích nầy vẫn không thay đổi ! Từ rằm tháng chạp việc học đã hơi xao lãng vì không khí tết ùa vào.
Tôi còn nhớ, nhà tôi ở cạnh Văn Thánh miếu. Cách tết độ tháng rưỡi , ông từ coi sóc Văn Thánh đã ương bông vạn thọ để trồng trong khuôn viên miếu, cho nên ngày tết sắc vàng rực rỡ của bông vạn thọ tô điểm thêm vẽ đẹp ngày xuân (cho đến bây giờ tôi vẫn ưa thích bông vạn thọ – thấy bông vạn thọ là thấy tết ! ). Nay tôi không còn nhìn thấy hoa ở đây nữa vì ông từ đã chết và khu đất trồng hoa đã bị tráng xi măng!
Hồi xưa bước qua tháng chạp là không khí tết đã tràn ngập nhà nhà , đường phố vì nhà nào cũng tráng bánh (loại bánh tráng gạo thiệt to phải nhúng nước mới cuốn được). Bánh thường dính lại với nhau rất khó gỡ nên ăn rất hao. Từ trước tháng chạp, khi trong nhà có bánh tráng là chúng tôi đã ăn từ từ, hết cuốn bì đến cuốn thịt kho dưa cải , cá lóc hấp…thay cho cơm. Có nhà còn làm bánh phồng ;làm dưa cải phơi đầy hàng rào; làm mứt đủ loại làm dưa kiệu ,dưa hành. Rồi lau chùi dọn dẹp nhà cửa, đánh bóng lư đồng … mệt nhưng rất vui, rất ư là tết. Bây giờ, nhà nào dù nghèo hay giàu cũng mua cả xe lôi dưa hấu, chất đầy dưới bộ ngựa , khách tới là xẻ dưa. Thời xưa, ngày tết mới có dưa hấu!
Từ 25 tết là có nhà đi tảo mộ, quét vôi mới, chăm sóc mồ mã ông bà. Từ sáng 30 tết, đã thấy lát đát vài nhà cúng đón ông bà . Riêng nhà tôi thường đón ông bà vào chiều 30. Bữa tiệc sum họp ngày cuối năm, ba tôi thường nhắc đến ông bà, đến thời tuổi trẻ của ba tôi đồng thời tổng kết những công việc năm qua và nêu dự tính của ông trong năm mới…Nay ba má tôi đã mất ! Hằng năm ngày 30 là lúc tôi nhớ đến ba má nhiều nhất. Những năm tôi cúng 30 một mình, nỗi nhớ ba má càng nhiều hơn! Mấy năm gần đây tôi thường về Vĩnh Long đón tết cùng gia đình chị em , nhờ vậy ngày tết đối với tôi thật ấm cúng. Em trai tôi rất thích nấu bánh tét trong đêm giao thừa , dựng nêu đón tết. Cây nêu ngày nay cải làm bằng cây inox, trên gắn lồng đèn, pháo điện, đèn chớp tắt …trông rất vui.
Đón giao thừa, đây là thời khắc thiêng liêng nhất , nhà tôi vừa cúng Trời Phật để cầu sự an lành cho gia đình trong năm mới, vừa cúng trên bàn thờ để mong ông bà, cha mẹ về ăn tết cùng con cháu.
Nhớ lại , hồi nhỏ ngày mùng 1, sau khi chúc tết được ba má lì xì , anh chị em tôi ra nhà cô hai chờ cô cúng ông bà nội xong để được ăn tết và mừng tuổi cô. Bây giờ sáng mùng 1, anh chị em và con cháu đều tập trung tại nhà em trai tôi để mừng tuổi ông bà, cúng gia tiên, ăn bữa ăn sum họp gia đình, lì xì, chúc tết, rộn rã tiếng cười niềm vui !
Nguyễn Thị Việt
Cấm ơn Nguyễn thị Việt. Ở đây không có cá lóc, lại chọc thèm cá lóc hấp cuốn bánh tráng, chấm mắm me.
Đọc bài ,,vừa vui vừa cảm động khi tác giả đề cập đến những ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam,,,Pháo Tết đã có từ lâu ,,từ những mùa xuân thanh bình thuở nhỏ ,,,hai nồi pháo Tết được đặt chểm chệ trên cao để trước giờ giao thừa nó được đưa lên tầng hai sân thượng,,,buông xuống tới sân nhà tầng trệt ,,,rồi đúng giao thừa ,,người đại diện gia đình bắt đầu khai pháo ,,, sau khi gia chủ thắp hương đèn sáng rực trên bàn thờ gia tiên , khấn nguyện một năm mới xã tắc bình yên , gia đạo an hòa ,,Tết thiếu pháo ,,thiếu Lân , thiếu dưa hấu , thiếu thịt heo kho riệu , thiếu bánh mứt , thiếu quần ao mới , thiếu những bao lì xì mừng tuổi , thiếu tiếng cười của muôn người , thiếu niềm hạnh phúc của già , trẻ , lớn bé ,,,,Sao được gọi là Tết ???
Hoành Châu (Gia đình C )