Ngày tết đọc “Trước nhà có cây hoàng mai” của Minh Tự
Tôi có cô em ở Huế, hôm trước khi vào Sài Gòn cô nhắn với tôi cần mua gì để cô đem vô. Mè xửng, hạt sen, kẹo cau, mắm sò Lăng Cô? Tôi lắc đầu và nói trong điện thoại, em tìm cho anh những cuốn sách viết về Huế.
Hôm em vô Sài Gòn đưa cho tôi quyển “Huế – Qua miền di sản” và quyển “Trước nhà có cây hoàng mai”. Quyển trước thì đúng yêu cầu của tôi, còn quyển sau là một cuốn tùy bút của Minh Tự, một tác giả không quen. Thấy tôi có vẻ không hài lòng, cô vội nói, thì anh xem đi rồi mới biết được cô em này có biết mua sách không, mới đánh giá được tác giả.
Tôi có thói quen đi đến đâu là tìm sách viết về địa phương ấy nhằm biết rõ thêm về văn hóa, kinh tế tại tỉnh đó. Tôi nghĩ, dù có đi khắp tỉnh với thời gian du lịch thì không bao giờ bằng đọc thêm quyển sách mà người viết đã nghiên cứu về địa phương đó. Tôi bắt đầu đọc cuốn “Trước nhà có cây hoàng mai”. Sách viết về Huế mà tựa sách không dính dấp gì tới Huế, vậy mà một ngày đọc hết luôn cuốn sách và cảm thấy mắc cỡ với cô em.
Trang bìa giới thiệu, biết được tác giả là phóng viên của Tuổi Trẻ, nhà báo trẻ mà viết văn mượt mà giống nhà văn lão thành, phần dẫn chứng thì tư liệu ngồn ngộn nếu không đọc sách nhiều, nhớ nhiều thì khó mà trích dẫn được cho phù hợp.
Một cuốn sách viết về lối sống của người Huế, thú chơi của người Huế, văn hóa và kiến trúc Huế giúp cho người ở nơi khác biết được tường tận về Cố đô. Trong sách có ba mươi sáu bài, tác giả đã dành hơn năm bài về ẩm thực Huế, trong đó có các phố ẩm thực. Nào là phố bánh canh Thủy Dương, phố hến đường Trương Định, phố bèo-nậm-lọc cung An Định và một phố hàng bánh tương tự ở đường Kim Long. Dường như chỗ nào anh cũng đi qua, kể không sót. Nói về ăn uống, Minh Tự diễn tả cách ăn bún bò Huế làm tôi chợt nhớ đến GS Trần Văn Khê nói đến cách ăn uống của người Việt Nam. Anh viết về ăn uống không chỉ trực tiếp quan sát mà còn tham khảo ở những nhà nghiên cứu về ẩm thực như Trịnh Bách để biết lịch sử tô bún bò Huế như thế nào. Theo anh, bún bò Huế phải có chất Huế, đó là chất ngọt dân dã đậm đà của ruốc, mùi thơm nồng của sả, vị cay của ớt bột. Người nấu làm thế nào để có màng đỏ trên mặt nồi nước dùng, dù không bỏ ớt vào tô bún mà người ăn vẫn thấy cay cay. Đặc điểm của người Huế là ăn uống rất kiểu cách, ăn không chỉ để no, để ngon mà còn phải ăn đẹp nữa. Món ăn bình dân cũng vậy, cụ thể là cơm hến, chế biến với hàng chục thứ rau, mười mấy thứ gia vị, xanh xanh đỏ đỏ trong rất bắt mắt. Phải chăng người Huế muốn thực khách ăn bằng mắt(?)
Người Huế ăn tết thế nào?
Chủ đề chính của sách không phải bàn về chuyện ăn tết, nhưng đọc hết sách này người đọc có thể biết được dân Huế ăn tết như thế nào? Về việc trang hoàng nhà cửa đón tết thì dân chúng ở đây không khác người dân các tỉnh phía Nam. Trước sân nhà phải có gốc mai vàng (hoàng mai) và người Huế xem mai vàng là linh hoa. Ngày Tết, trước sân nhà có cây mai nở thì trong nhà thiếu nồi thịt heo, thiếu đòn bánh tét chủ nhà vẫn thấy ấm lòng. Nói về cây mai, Minh Tự nhắc đến các nghệ nhân chơi mai nổi tiếng đất Thần Kinh như ông Nguyễn Đối, ông Trần Dũng, ông Nguyễn Hữu Vấn, chủ của các vườn mai nổi tiếng ở Huế. Các chủ mai viên này đã tốn công lặn lội tìm mai quý, bỏ công ra chăm sóc, đối xử với mai như bảo vật của gia đình. Do vậy, mai Huế có nhiều cây mai đẹp, mỗi lần đem đi đấu xảo ở Hà Nội, Sài Gòn đều đem vinh quang về cho xứ sở !
Đọc “Trước nhà có cây hoàng mai”, tôi mới biết được nải chuối quan trọng như thế nào trên bàn thờ gia tiên người Huế. Ngày hai mươi tháng chạp là bà nội trợ đã lo mua chuối để dành cúng tết, nơi nào có bàn thờ là nơi đó có nải chuối. Nếu không mua sớm để gần đến ngày cận tết thì giá chuối sẽ cao, mắc đến độ có nhà không mua nổi vào ngày 30 tết. Tuy nhiên, không phải chuối nào cũng được đưa lên bàn thờ mà người ta phải chọn chuối cau, chuối mốc. Như những dân vùng khác, người Huế cũng đơm một đĩa trái cây cúng trên bàn thờ xen lẫn với chuối có thể là bưởi, cam, thanh long, mận, ổi bên cạnh dĩa trái cây là dĩa xôi, dĩa gà luộc…
Ngày mùng một tết người Huế nhất thiết phải đi nghĩa trang thăm mộ, thắp hương ông bà cha mẹ, sau đó đi chùa, lễ Phật cầu xin cho được một năm an bình. Xong rồi đi chơi đâu thì đi. Tục lệ này không dành riêng cho Phật tử mà cho cả người theo đạo thờ cúng ông bà. Đến nhà nào ngày nay người ta cũng đem bánh mứt,và cả mè xửng, hạt sen ra đãi khách.
Sách còn đề cập tới một vài làng nghề như: phục chế nhà rường ở Mỹ Xuyên, Văn Xá, Dạ Lê…Làng chằm nón lá bài thơ ở Phủ Cam, Tây Hồ, Triều Sơn, Nong, Truồi… Đọc để biết thêm về những làng như Trúc Lâm nhiều người cao tuổi nên được gọi là làng thượng thọ; làng Phước Tích với nghề làm đồ gốm (nay không còn) được công nhận là làng cổ- di tích quốc gia sau làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội.
Hôm rồi, cô em gọi tôi cố gắng sắp xếp ra Huế ăn tết một chuyến. Tôi nói, đọc “Trước nhà có cây hoàng mai” rồi, biết hết rồi, khỏi đi. Cô nói, anh đi để so sánh cái thực tế với cái viết trong sách xem có khác nhau không? Tôi cười nói, tết này nhậu với chúng bạn anh kể chuyện về Huế chi tiết cho chúng lác mắt chơi!
Lương Minh
(bài đăng báo xuân Quán Văn 2018)
Anh Lương Minh chỉ thấy tết qua sách nhưng chưa ngửi được mùi tết qua sách. Phải không?
Nói giỡn với anh vì thấy anh nói về Huế rành rọt quá. Hồi nhỏ tôi không thích ăn chuối mật mốc nhưng cúng xong thì phải ăn. Tôi hỏi má tôi sao không cúng chuối bà hương (miền nam gọi là già hương). Má tôi bèn kể chuyện cách đem giống chuối bà hương lọt ải để vào VN như thế nào, vì vậy không ai cúng chuối bà hương cả. Còn về màu đỏ óng ánh nổi trên mặt nồi bún bò, ăn tô bún bò, chưa bỏ ớt đã cay, tôi có viết cách làm ở bài bún bò. Dùng màu hột điều để lấy màu nổi trên mặt là … Huệ, không phải Huế!!!
Đọc bài viết thấy vui-như-têt.
LM sẽ đăng một bài của Minh Tự , lấy trong quyển sách này vào số xuân.
Dạo này mắt kém nên ít khi đọc bài viết nào dài,thế mà hôm nay tôi đã đọc hết bài này một lèo. Cám ơn Lương Minh.
Có một thắc mắc, chẳng liên quan đến nội dung bài mà là về cách viết chữ… Xin nói rõ: không có ý chỉ trích mà có ý học hỏi nhe LM.
Thấy có hai cách viết chữ sau đây: Tết ( viết hoa) và tết ( viết không hoa). Vậy thì … cách nào chúng ta xài đều được? Phải chi có một quy định thì hay quá!
Chữ tết viết rất tùy tiện. Người viết hoa và người không viết hoa. Theo quy định hiện nay , mỗi tờ báo đều có quy định riêng, họ in sẵn một bảng về cách viết cho các phóng viên, biên tập viên. TD: thành phố Hồ Chí Minh, có báo cho viết tắt TP.HCM, có báo không, bảo viết nguyên. Tất cả những danh từ chung như cha, mẹ, anh chị, thầy, cô đều viết thường, trừ khi những chữ này đứng đầu câu. Vừa rồi in “Trang nhà đất Vĩnh”, các anh chị thuờng viết chữ mẹ (viết hoa), mục đích là kính trọng, nhưng mẹ là danh từ chung buộc sửa lại hết. Rất mệt.
Chữ tết là danh từ chung, nhưng Tết Nguyên Đán thì nên viết hoa, để phân biệt Tết Trung Thu. . .Tạm vậy nha sư huynh.
Thời tôi đi học, viết hoa hay không viết hoa đều có nguyên tắc, vì vậy sách vở hầu như đồng nhất về cách viết. Khi bắt đầu chập chững vào chữ viết, thầy cô giáo dạy rất rõ ràng, tên nước, tên thành phố chỉ viết hoa chữ đầu, chữ thứ hai không viết hoa. Tên người, Nguyễn thị Ánh Tuyết, họ viết hoa, tên kép Ánh Tuyết viết hoa, thị không viết hoa. Còn nhiều thứ nữa như dấu gạch ngang giữa chữ kép mà bây giờ hầu như … biến mất! Nói điều này không cùng vì phải học từ tiểu học, trung học và đại học là phải hoàn chỉnh.
Anh Lương Minh viết rất đúng, tết không viết hoa. Tết Nguyên đán, nguyên đán có thể viết hoa nhưng chữ tết không viết hoa.
Một bài viết mà hầu như viết hoa hết thì chữ nào là chữ đáng nhấn mạnh, chữ nào là quan trọng? Chữ nào là danh từ riêng, chữ nào là danh từ chung?
Cái vụ viết hoa và không hoa, có người ở giữa câu muốn viết in hoa lúc nào cũng viết được, ý để nhấn mạnh, làm tôi nhớ lúc học cấp một, vi dụ như: Chúng ta cùng nhau đi mua BÁNH TÉT, tự nhiên có một em viết bánh tét viết in hoa, bị thầy la, bộ ông nội của em tên bánh tét hả? làm tui nhớ hoài, mấy chục năm vẫn còn nhớ…hihi…
Anh chỉ nêu một vấn đề để bàn luận cho vui nhân tết < theo LM thì không viết hoa phải không?> sắp đến. Bà con mình viết sao cũng được mà… miễn hiểu là được.
Nhờ “ông Gu-gô” tìm giùm … thôi thì “trăm hoa đua nở”, khi Tết/tết đứng một mình thì có người viết hoa, kẻ không viết hoa.
Năm mới ượ́c mong trong tương lai Việt Nam mình có một Hàn lâm viện thì tuyệt.