VỀ TẬP THƠ “PHÙ SA” CỦA LÊ PHƯƠNG NGUYÊN
Hơn 100 bài thơ trong tập “Phù Sa” như một dòng chảy của một con sông lớn, mang chất liệu phù sa có từ nguồn về hạ lưu để góp phần phì nhiều màu mỡ cho ruộng đồng.
Bằng ngôn ngữ thơ ca, bằng tâm trạng hiện thực của riêng mình, Phương Nguyên có lẽ muốn gửi lại về sau những gì mình đã yêu kính và đã hoài bão suốt đời.
Tác giả chọn từ Phù Sa để làm nhan đề cho tập thơ. Hình như tác giả có dụng ý muốn trang trải tâm tư và hoài bão của mình.
Bốn câu thơ trong bài:
“Nỗi lòng phù sa” có phải là tâm tư sót xa, khắc khoải của Phương Nguyên:
“Từ núi theo sông ta về cuối bãi
Rồi lắng mình – không góp mặt trùng dương
Ta biết rõ nơi đâu ta dừng lại
Xin cảm ơn – cho dẫu có thiên đường”
Người ta thường nói đến nàng thơ là muốn nói về cái đẹp của thơ, cái trang đài kiều diễm, cái lãng mạn tinh tế về hồn. Vần điệu ngôn từ của Thơ là hình sắc; ý tưởng là hồn thơ.
Nàng thơ của tập thơ Phù Sa đủ cả sắc lẫn hồn.
Thơ được đi vào nhiều phạm trù trong cuộc sống, chứ không riêng chỉ dành cho tình yêu nam nữ. Đúng như nhà thơ Quách Thoại đã viết:
“Tình yêu tôi rất nồng nàn
Yêu đời yêu vật chất lẫn non sông
Đâu phải yêu riêng khách má hồng”
Từ đó, chúng ta cũng không nên phàn nàn là Phương Nguyên đã làm thơ có chứa chất “thép”.
Thi nhân có thể xót xa thân phận mình vì không đạt được cứu cánh nào đó. Ngày xưa có Đặng Dung “Phản Lê phục Trần”:
“Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma”
(Thù nước chưa trả đầu đã bạc
Mài gươm mòn đá dưới trăng tà)
Phương Nguyên có viết bài “Đợi Chờ”:
“Ta đã chờ người đã quá lâu
Bao nhiêu nước biếc chảy qua cầu
Bao đêm trăng sáng mòn thân đá
Mỗi một hoàng hôn một biển sầu”
Vần điệu của bài thơ tứ tuyệt này quả là tuyệt kỷ. Bình cũ mà rượu mới, một loại rượu men nồng hương ngát bằng ngôn ngữ Việt được chứa trong chiếc bình cổ Đường luật ngày xưa.
Người thơ chờ ai đây? Với thời gian đợi chờ quá lâu. Hình ảnh một Đặng Dung trầm uất vì chưa dựng lại được nhà Trần, phải mài gươm dưới trăng mà chờ đợi thời cơ. Người thơ ngày nay có khác chi đâu, với bao tâm trạng buồn triền miên: “Mỗi một hoàng hôn một biển sầu”.
Nhưng về Thi pháp trang trải tâm tư thì Phương Nguyên hình như đạt tính thơ kỳ diệu hơn.
Cái kỳ diệu của Phương Nguyên luôn tản mạn bềnh bồng huyền ảo, tô sắc điểm hương cho tình người thăng hoa, nhưng bất chợt nỗi xót xa khắc khoải sầu tư về thế thái nhân tình lại ẩn hiện sâu sắc trong mạch thơ đang phiêu du thanh khí. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp thần kì của thiên nhiên ân khải: “Tĩnh và động” trong tập Phù Sa vẫn không giấu được ẩn ý thương đau oán hờn trước cảnh nhiễu loạn của cuộc đời:
“Mặt sông tĩnh lặng như tờ
Trăng lên in một bài thơ giữa dòng
Bầu trời xanh thẳm mênh mông
Váng mây trôi giữa bềnh bồng khói sương
Có bầy chim đã lạc đường
Thản nhiên rạch một vết thương ngang trời”
Tác giả đã ẩn dụ tập thể nào là bầy chim đây? Bầy chim đã không định hướng chân chính cho đường bay mà lại thản nhiên gieo thê thảm đau thương cho khung trời đang đẹp với sông trăng.
Dễ mấy ai không hiểu thâm ý của tác giả và không xúc động với hồn thơ.
Không riêng gì tôi mà tất cả thân hữu của Phương Nguyên chắc cũng đã hiểu tâm trạng của nhà thơ này.
Trong tập Phù Sa, Phương Nguyên có viết một bài thơ chữ Hán:
TƯ DỊCH THỦY
“Tửu vãn thùy tri kỉ ?
Trà khuynh độc đối sơn
Hốt nhiên tư dịch thủy
Chiết kiếm năng đoạn hồn”
Xin tạm dịch:
(Tàn cuộc rượu ai là tri kỉ
Lưng tách trà cô quạnh nhìn núi xa
Bỗng lòng ta nhớ về sông Dịch Thủy
Kiếm gãy rồi vẫn còn khả năng cứa đau lòng người hôm nay))
Với thi pháp và kỷ năng, ngôn từ, Phương Nguyên quả đã đạt ở tầng cao về thơ. Vỏn vẹn chỉ có 20 từ và Phương Nguyên đã trang trải gần như trọn vẹn nỗi cô đơn trong
tâm thức. Bạn bè của Phương Nguyên rất đông nhưng dễ mấy ai là tri kỉ. Từ nổi buồn thuần cảm tính, Phương Nguyên bổng nhớ chuyện Kinh Kha qua sông Dịch. Kiếm gãy rồi không diệt được bạo Tần. Nhưng với Phương Nguyên, chí khí cao của Kinh Kha còn mãi cho hậu Thơ của Phương Nguyên đúng là có chất thép. Chuyện ấy nên xem là bình thường. Trong cuộc sống, mọi người đều có hoài bảo riêng, lí tưởng cứu cánh riêng. Phương Nguyên là Phương Nguyên vậy thôi.
Xưa nay, vần thơ mang tính đối kháng với thời cuộc không phải là không có.
Phương Nguyên vốn là một kỷ sư đã thành danh. Hình như bộ não và con tim của ông kỷ sư này đã hòa hợp kỳ diệu. Hồn thơ Phương Nguyên luôn thăng hoa trong tình bạn, tình yêu…chứ không nhường bước cho tài năng hiếm có về Toán của Phương Nguyên.
Tôi trộm nghĩ rằng: Phương Nguyên đã vận dụng con tim và bộ não để mong đạt ước mơ cứu cánh cho đời mình.
Nghe đâu có một người bạn thân của Phương Nguyên đã tặng Phương Nguyên một bài thơ:
Bên bờ sinh tử vẫn tâm an
Dâu biển đời anh thật vẻ vang
Đường kiếm Kinh Kha nuôi ước vọng
Dòng sông Dịch Thủy vướng mơ tan
Vần thơ luôn gửi chân trời mới
Màu tóc giờ phai bóng dặm ngàn
Bản án tử hình treo giá ngọc
Đời còn sót lại một thi nhân.
Nhà thơ Phương Nguyên nay đã quá tuổi “cổ lai hy”, “Điền trang Lộc Xuân” hiện giữ lại cuộc đời phong trần của Phương Nguyên. Chích thân cô độc, hằng ngày thường đối núi, ngắm rừng, dưỡng cây, gầy cảnh, Phương Nguyên đã nâng cánh thơ của con tim mình để tìm vui trong cảnh “lương nông”; để an ủi, vỗ về cho ước mơ cứu cánh một thời mà bây giờ chừng như”
Con cá lí ngư sầu tư biển cạn
Con chim đại bàng lẻ bạn kêu sương
Lòng mơ tìm một con đường
Con đường nhân ái thiện lương cho đời
Đọc trường ca “Một ngày tại điền trang Lộc Xuân” của Phương Nguyên dễ mấy ai không xúc động về thân phận của một người chứa chan trầm uất:
“Mở cửa ra thấy núi
Núi bình yên và tin cậy biết bao”
…………………………………
Tiếng sáo nào đau buốt tiễn Kinh Kha
Thương biết dẫu trang đời chưa kín,
Vườn ướt đẫm hoàng hôn,
Rực vàng như quả chin…..
……………………………………
Ta ngồi đây gửi lòng muôn bến bờ xa lắc
Chén rượu tri âm thèm quá đến đau lòng
Chuyện cuộc đời, dẫu khổ ải mênh mông
Ta đối mặt, cùng thiên nhiên hào phóng…”
Phương Nguyên còn viết bài: “Xót thương lịch sử”
“Lịch sử dồn lại một thời
Từng phân tử nước vượt ngàn dặm xa
Ngoài vườn rực rỡ ngàn hoa
Đã đau lòng đất mới ra sắc màu
………………………………..
Sang sông vội vã đốt cầu
Khói xây chiến tích giấu màu vô ơn…”
Vần điệu thơ lục bát của Phương Nguyên quả là tuyệt mỹ và con tim quả đã thắng bộ não:
“Mỏi mòn ngày tháng trôi qua
Tang thương việc nước việc nhà buông tay…
…………………………………………….
Sầu dâng lớp lớp như mây
Sơn hà đổi một cuộc say cũng vừa?”
(Trăn trở – Phương Nguyên)
Hãy đọc hai cầu này mới thấy Phương Nguyên là Phương Nguyên:
“Dốc bầu, rượu đã hết chưa ?
Mà niềm tủi nhục xin thưa vẫn đầy!”
Với tôi, tập thơ Phù Sa của Phương Nguyên có thể đếm được số bài, nhưng tôi không thể biểu cảm hết được nhưng xúc động trong tôi. Vì những nổi niềm cô đơn, những hoài bão cứu cánh của tác giả mênh mang như núi thẳm sông dài.
Tôi lại là một người bình thường, chỉ có một chút yêu thơ văn, nặng về cảm tính hơn là lí tính, chỉ biết biết quý những gì mình quý mình thương mà thôi.
Tôi quý con người Phương Nguyên, tôi thương tâm trạng Phương Nguyên. Hơn trăm bài thơ trong tập Phù Sa như những đợt sóng ngầm, loang loáng tình người vô biên, trên một dải lụa tơ vàng óng ả bất diệt.
Dải lụa ấy mai sau có thể tồn tại cho hậu thế, mà cũng có thể là một huyền thoại cổ tích. Tất cả rồi sẽ qua đi…qua đi như Phương Nguyên đã nói: Mới mà như chuyện đã trăm năm. Đúng như vậy, tâm thức của Phương Nguyên còn ở bên này chiếc cầu “THỂ TÍNH” (DAS-SEIN):
“Đêm nay rượu có không người uống
Lạnh cả vần trăng lạnh chiếu nằm
Khói thuốc lên xanh đèn thắp muộn
Mới mà như chuyện đã trăm năm”
Tôi rất xúc động mà ngưỡng mộ bài thơ “NHỚ BẠN” này của Phương Nguyên.
TRƯƠNG TRỌNG THÔNG
(Qui Nhơn)