Tình Cũ Nghĩa Xưa (Phần 6)
Hai Thành nhìn gương mặt khắc khổ của ba anh mà lòng cảm thương dào dạt, anh định không nói ra chuyện có liên can dì Thuần. Rồi lại nhớ thằng em út không biết đi đâu, giờ nầy nó ra sao. Cuối cùng thì “một giọt máu đào phải nồng nàn hơn ao nước lã”
– Ba có biết dì Thuần cũng từng hỏi Út Kỉnh chìa khoá và bộ mật mã cái tủ sắt của mẹ để trong phòng đọc sách?
– Tin nầy mà Tư Tam Quốc cũng biết hay sao. Con nhận xét người thanh niên nầy thế nào?
– Cho tới giờ nầy, con chưa đặt nghi vấn là anh Tư dính líu hay ảnh hưởng xa gần vào việc thằng Kỉnh bỏ đi. Con và bạn bè có dò hỏi người chung quanh thì mọi người đồng ý là anh Tư Tam Quốc là người đàng hoàng trong những năm anh đến ở tạm phía sau đình. Con có trò chuyện với anh Tư, phán đoán của con là anh có thể tin được. Có lẽ Út Kỉnh cũng nghĩ vậy nên thường đem chuyện nhà tâm sự với anh. Em Kỉnh ham thích sách và mê đọc truyện thì cả nhà mình biết rồi. Nó kết thân với người kể truyện nổi danh xứ nầy như anh Tư Tam Quốc cũng không lạ. Còn việc cái tủ sắt nhà mình, anh Tư không biết gì hơn, anh khuyên em Kỉnh về thưa lại với ba. Vậy em Kỉnh đã nói gì với ba?
– Nó hỏi ba có dọn tủ sắt của mẹ không, nó biết mẹ giữ một số đồ quý trong đó. Ba trả lời để rổi rảnh ba mở ra rồi mang trả hai người cậu lớn của tụi con tài sản kỷ niệm của ngoại. Chỉ một lần, dì Thuần hỏi ba tủ đó đựng gì. Dì nói dù sao dì cũng là đương gia cai quản nhà nầy, dì phải biết mọi sự. Ba trả lời cho êm là tủ đựng chút ít nữ trang của mẹ, ba chưa tìm được chìa khóa mẹ để ở đâu và cũng quên bộ khóa chữ.
– Anh Tư Tam Quốc quả quyết là Út Kỉnh có viết thơ để lại, anh ta khuyên con về nhà âm thầm tìm lá thơ đó.
– Tại sao thằng Tư đó dám chắc như vậy.
– Anh Tư nhớ có lần thằng Kỉnh nói xa xôi theo cốt truyện nào đó. Bây giờ anh Tư nghiệm lại thì thấy rất ăn khớp. Con định sáng mai bắt tay xem lại từng việc nhỏ để lần ra thằng em nó tính toan chuyện gì.
– Con có nghĩ thằng Út bị người ta bắt cóc là do nó biết bộ khóa chữ?
– Dạ, con có nghĩ đến. Vì vậy con nhờ ba mở chiếc tủ sắt trong phòng đọc sách. Ba có biết mẹ chứa những của cải gì trong đó.
– Đầu tiên thì tủ chứa 10 kg vàng của ông bà ngoại tặng cho mẹ. Chính tay ba chuyển số vàng giữ tạm trong tủ lớn đem qua tủ nhỏ. Từ hôm đó đến ngày mẹ mất thì ba không hỏi đến số vàng nầy, tới bây giờ ba vẫn chưa mở ra xem. Chìa khóa tủ của mẹ thì ba đang giữ trong xâu, chìa thứ 2 mà ngày đầu tiên ba không nhận thì mẹ nói đã giao cho Út Kỉnh. Bốn chữ mở khóa thì ba nhớ mẹ lấy tên tụi con kèm câu nho làm thai đề. Ba và con phải mở tủ nầy đêm nay, ngày mai mình còn nhiều việc khác. Sáng mai con đưa gói cà phê và gói trà cho chú Bảy tài xế, nhờ chú tìm cửa tiệm nào bán ra và hỏi họ nhớ dùm có phải thằng Út Kỉnh mua hôm thứ Bảy hay lúc nào, trả bằng tiền xu hay tiền giấy. Dặn chú Bảy mua hai gói khác lớn hơn đến trả cho chú Tư Tam Quốc và nói với chú ấy là ba xin lại quà của thằng Kỉnh.
Ông chủ Dìn kêu Hai Thành tạm xếp chiếc ghế dựa của mẹ cậu qua một bên cho trống lối đi vào tủ sắt và thắp sáng chiếc đèn dầu “Huê Kỳ” có ống khói thủy tinh.
Hai Thành nhìn chăm chú chiếc ghế mà mẹ anh hay nằm ngủ trong lúc xem sách. Thằng Kỉnh có lẽ giống mẹ ở cái việc mê đọc sách. Nhớ tới hai người nầy, cổ họng anh như có gì trào dâng uất nghẹn. Ông chủ Dìn thấy cậu con nuốt miệng khô cho thông khí quản, ông ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe cậu con trai nghiêm trang khấn nguyện: “Má sống khôn thác thiêng, cầu xin hương linh má giúp ba và con lần ra manh mối tìm thằng Út Kỉnh về nhà nghe má. Nó không chịu sống ở đây, con hứa rước em về sống với con và không bỏ lơ em nữa”.
Chiếc tủ sắt đứng phía sau kệ sách trông rất chắc chắn, tinh xảo và khít khao. Màu sơn xanh lá và miếng lắc đồng hãng sản xuất còn rất mới. Hai Thành xoay cái nắp sắt dầy che lỗ khoá quay đứng lên để tra chìa, cánh cửa có vẻ nặng nề được mở ra. Bên trong còn một lớp cửa thứ hai nhỏ hơn, anh rờ cái núm vặn đầu tiên của bộ khóa và nhìn sang ba anh chờ đợi. Mỗi núm khoá có 26 chữ cái khắc đều trên phần loe vành núm nghiêng gần sát mặt cửa. Mỗi mẫu tự gần sát nhau, vì thế mà Hai Thành vặn từng nấc cho đường khắc mũi tên chỉ ngay vạch mẫu tự mà ba anh đang ra lệnh . Thứ tự của 4 núm chữ xếp theo hình ô vuông là từ trái qua từ trên xuống. Ông chủ Dìn lập lại mỗi chữ tương ứng cho mỗi núm để anh soát thật kỹ. Coi kiểm đâu đó đàng hoàng, Hai Thành tra chìa và cảm nhận được các răng chìa vào đúng rãnh, Hai Thành vặn chìa theo chiều kim đồng hồ mà không cảm giác ổ khóa di chuyển, cậu vặn theo chiều ngược lại, mấy lần thêm sức lắc qua lại mà cán chìa vẫn trơ trơ cứng ngắc.
Thời đi học nội trú, cậu Hai Thành nghe nói loại 4 núm khóa chữ như tủ nầy có thể gài một trong (26 x 26 x 26 x 26) bằng hơn bốn trăm năm mươi ngàn trường hợp mật mã khác nhau. Có người đặt ví dụ một siêu trộm có khả năng thay đổi bộ khóa chữ trong vòng 5 giây. Cơ hội mò trúng mật mã của tủ không thể ước tính nhanh nhất bao lâu, vì có thể xảy ra ở lần thứ nhất hoặc lần thứ ba-bốn trăm ngàn. Còn cơ hội chậm nhất thì tính được, là tên trộm phải mất 1 tháng không ăn không ngủ vặn mò liên tục cho đến trường hợp cuối cùng. Khó như vậy mà có hãng còn lắp thêm bộ phận “chống mò mật mã” bên trong ổ khóa. Cơ bản việc nầy chỉ là: Mỗi lần sai khoá chữ mà vặn chìa là nó kích một cơ phận gọi là “con chó” đẩy lăn một nấc bánh xe răng, lăn đủ bao nhiêu nấc răng sẽ làm cây chốt thép bật ra gài cứng ổ mở bên trong, lúc đó coi như chìa và chữ không còn hoạt động. Chỉ có văn phòng đại diện hãng ở Sài Gòn mới có code cho mỗi ổ khoá và chìa đặc biệt để hóa giải “con chó” khóa. Hai Thành nhớ những mẫu chuyện truyền khẩu thời “Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò”, anh rời tay khỏi chìa và quay sang nói với ông chủ Dìn:
– Ba à, mẹ nói 4 núm nầy theo 4 chữ cái tên của tụi con là Thành, Tâm, Đức, Kỉnh. Rồi sợ ba quên, mẹ nói thêm câu chữ nho là Thành tâm kỉnh đức. Anh em con đều hiểu ý nghĩa câu nho nầy, mẹ nói khi sanh em Đức mà đặt tên Kỉnh thì không hạp với tên con gái. Vì vậy mà mẹ thay đổi thứ tự câu chữ cho hai em Đức và Kỉnh. Hồi nảy mình theo công thức Thành Tâm Đức Kỉnh, bây giờ con định đảo lại hai chữ của núm sau là Kỉnh Đức cho đúng câu nói nghen ba. Như vậy khoá chữ sẽ là T-T-K-D.
– Ờ ba nhớ rồi, mẹ nói y như con. Mẹ cũng dùng tên 4 đứa con nhưng đảo 2 chữ chót để bọn trộm đạo có đoán được tới đó cũng bị sai.
Cánh cửa phía trong mở rộng. Bốn con mắt nhìn sâu vào hai ngăn lòng tủ không có gì ngoài quyển sổ nhỏ thường để ghi nhật ký và một xấp thơ được cột lại bằng một sợi dây vải nhỏ. Hai Thành kéo chiếc ngăn dùng đựng hồ sơ thì cũng trống không. Anh cầm xấp thơ đặt trên bàn:
– Ba ngồi xuống xem đi, con nhắc thêm chiếc ghế.
– Lúc nầy mắt ba yếu lắm, đọc chữ chừng chục dòng thì mệt mỏi buồn ngủ. Ba hơi đuối vì đêm hôm rồi thức trắng. Con xem xong nhớ cất giấy tờ vô tủ khoá cẩn thận. Sáng mai con nói cho ba biết những gì con đọc qua. Ba mua chiếc tủ nầy để đựng số vàng mà ông bà ngoại chia gia tài cho mẹ con, lúc đó có mặt hai cậu của con sau tiệc mừng thọ thất tuần. Ông bà ngoại nói số vàng xếp trong chiếc rương bọc kẽm là 10 kí, khoảng hai trăm sáu chục lượng. Ba không nghe mẹ bàn về số vàng như là trả cho ngoại hay đã làm việc gì khác, con muốn hỏi ngoại thì phải cân nhắc lựa lời cẩn thận. Nếu con nghĩ mẹ không trả lại ngoại thì đừng hỏi. Cũng không thể mất trộm lớn như vầy tại nhà mình hay nghi cho thằng Kỉnh hoặc bất cứ ai. Việc nầy phải thật cẩn thận trước khi muốn đi cớ bót vì ảnh hưởng danh dự nhiều người. Sáng mai uống cà phê với ba nghen con.
Cầm xấp thơ từ trong tủ sắt của mẹ, Hai Thành cảm thấy hơi lạ vì sợi dây buộc còn nguyên gút chết mà bụng dây lỏng le thì không giống tánh ý buộc gói sắc sảo kỹ lưỡng của mẹ. Nhìn xấp thơ nằm ngay ngắn trên bàn, anh nảy ra ý tưởng dùng những tờ giấy tập gấp như cở nhét vào bao, rồi chen vào xấp thơ cho đến khi sợi dây cột vừa độ căng khít. Hai Thành ước tính bó thơ bị lỏng đi tương đương độ dầy của 10 tờ giấy tập gấp làm đôi.
Hai Thành xin lỗi vong linh mẹ anh, vì sự tìm tòi việc thằng Kỉnh mất tích mà phải xem những riêng tư của bà. Trong bốn lá thư, một chiếc ghi tên anh, hai chiếc gởi cho hai cô con gái đều không dán, mẹ dặn con cái sống lương thiện tử tế, đại ý là những lời mà mẹ giáo huấn anh và các em từ nhỏ. Xem kỹ cách hành văn, Hai Thành cảm thấy ý mẹ muốn nhắc nhở các con, chứ không có vẻ gì là lời cuối trối trăng. Còn một lá thư được dán kín là gởi cho ba anh. Như vậy có thể thằng Kỉnh đã lấy ra thơ của mẹ gởi cho nó. Liệu có phải những lá thư của mẹ, sự ra đi của Út Kỉnh và cái tủ trống không nầy có dính líu chặt chẻ với nhau.
Mở quyển nhật ký mà mẹ bắt đầu 11 năm trước, đúng khoảng thời gian anh lên Sài Gòn học đệ nhị cấp. Đêm thật tỉnh mịch, Hai Thành sống lại với gia đình qua những dòng nhật ký ngắn gọn của mẹ. Từng lời từng trang nhật ký của mẹ có lúc khiến anh rưng rưng. Quyển nhật ký như bao quyển nhật ký bình thường khác. Ghi lại các sự việc lớn nhỏ và cảm nghĩ buồn vui trước những đoạn đời khó khăn và hạnh phúc mà anh thấy quý giá vô cùng. Nếu có người ra điều kiện anh chọn 10 kg vàng và quyển nhật ký, anh sẽ tặng thêm cho ai đó để được kỷ vật của mẹ.
Dòng tư tưởng đồng cảm của Hai Thành bị sựng lại khi anh bắt đầu xem một chương mà mẹ anh vô tình hay cố ý ngăn cách bằng việc chừa tờ giấy trắng. Anh xem lại khoảng thời gian đó trước ngày mẹ mất đúng 3 tháng. Trong chương cuối cùng, mẹ anh ít nói về gia đình và bản thân bà mà hình như đang theo đuổi một sự việc gì bên ngoài và thường nhắc hai chữ mệt mỏi. Trí não làm việc hết công suất của Hai Thành dừng ngay dòng chữ thương cảm rất rõ ràng là “tội cho cháu Tư Cang, đứa con trai duy nhất của anh chị Hai”.
(Còn tiếp)
Một Lúa
Hình có tính minh hoạ. Nguồn: Internet
Truyện tình cũ nghĩa xưa mà anh Một Lúa kể càng về sau càng lôi cuốn người đọc chờ đọc tiếp phần cuối câu chuyện.
Bạn Nguyễn Thị Bé,
Tui có người bạn trẻ, hắn nói như vầy:
-Tui khoái phim kiếm hiệp nào nhào vô là oánh ầm ầm, chớ nghe “đối thọi” lòng vòng hoài chán chết! hihi
Hồi họp chờ mở được chiếc tủ sắt, lại hồi họp chờ anh hai Thành khám phá những điều bí mật qua những bức thư và quyển nhật ký… Rồi lại chờ tiếp anh Một Lúa he!
Chào My Nguyễn,
Quyển nhật ký chỉ hé lộ một vấn đề chứ không giúp nhiều. Người có thể biết nhiều thì đi mất tiêu. Nhức đầu thiệt!
Đã bắt đầu có một chút li kì như trinh thám rồi đấy, Lúa đệ đang dẫn người đọc đi vào sự nôn nóng đợi chờ nhiều hơn để được đọc tiếp đây.
Chị Hoa Đăng,
Dà! Hình như cậu chuyện bắt đầu chuyển biến!
Anh Một Lúa ơi ,cứ tưởng như chuyện sắp kết ,thì ngay đó lại mở ra một chi tiết khác ,cho một câu chuyện mới thật là hấp dẫn ,lôi cuốn .Bài rất hay Anh ạ .Thân kính.
Cảm ơn bạn Lý Hương. Mời theo dõi tiếp nhé!