Tình Cũ Nghĩa Xưa (Phần 3)
Chú Năm trưởng đoàn nói đi xuống Vĩnh Châu lo sân diễn, nhưng mục đích kín đáo của chú ở một nơi khác.
Xóm chùa Bà là nơi quen thuộc mỗi khi đoàn ghé xứ Sóc Trăng, chú Năm dễ dàng tìm hẻm Chú Chên, đi vào vài chục mét, căn thứ sáu bên tay trái, trước sân có hai cây mít cặp kè. Chú ngạc nhiên khi đứng trước ngôi nhà có bề ngoài khang trang với mái ngói đỏ rực lợp thẳng hàng, vách ván đóng khít khao trơn láng được sơn và chạy viền thanh nhã, nền được xây cao bốn phía và lót gạch tàu ra tới hàng hiên, sân truớc có vuông rào và chiếc cổng gỗ khóa tạm bằng một vòng kẽm. Một thoáng phân vân nhưng đã tới đây thì phải vào cho biết, chú mạnh dạn dỡ chiếc vòng khóa và đẩy cổng vừa đủ rộng. Người chú chưa lọt vào sân thì có con chó đen lao tới hả họng táp gió đánh phập một tiếng làm chú lùi ra khỏi rào và vói tay khép cửa gài khoen như cũ. Con mực bị sợi dây xích và cái nịt da kéo cổ nó lại, hai hàm răng nhọn quắc của nó còn cách cửa rào chừng hơn mét. Nó trong thế đứng dựng trên hai chân sau, gồng gân cổ bạnh ra cho đừng nghẹt họng, hai chân trước chồm tới quào quào khoảng không gian quá giữa sân mà sủa to rổn rổn. Chú Năm rời khỏi cổng thì nó mới chịu ngưng, nhưng con mực vẫn kéo sợi xích chạy qua lại nhe răng gầm gừ, hai mắt nhìn ra tóe lửa.
Căn nhà đối diện có người đàn bà bước ra nhìn chú soi mói:
– Xin hỏi cậu muốn tìm ai?
Năm Thời đã dự tính dùng một cái tên và lý do giả:
– Tôi là Năm Phìn muốn tìm nhà anh Hai Ghi, người bạn của tôi giới thiệu anh Hai cần mua đậu phộng.
Bà kia hứ một cái dài nhằn:
– Nhà nó đó, nhưng giờ nầy không có ai ở nhà. Con chó dữ lắm, giống hệt mụ chủ. Cậu bước tránh qua bên nầy một chút, nó thấy cậu đứng trước nhà nó là sủa hoài điếc tai. Nghe cậu nói, chắc là người quen của cậu làm ăn với Hai Ghi vào ba-bốn năm trước. Thằng Hai thiệt tệ, vợ chết không bao lâu thì rước về nhà một con chằn tinh, không lo làm ăn. Cậu về đi, tụi nó không mua bán gì đâu.
– Thưa với chị là bạn tôi có bà con họ hàng cùng quê với chị Hai trước, lâu ngày không tới lui nên không biết tin của anh em.
– Cậu có nghe bạn cậu biết tin gì về thằng con của Hai Ghi không?
– Anh đó không nói gì hết, nhưng mấy năm trước có nghe ảnh nhắc tới thằng cháu tên Rõ hả chị?
– Có thằng con đó chớ mấy, thằng nhỏ đi bán tối ngày cho hai mẹ con mụ dì ghẻ ở không, tối về nó còn lo rang đậu rồi vô bịt tới khuya. Mà hể bữa nào thằng nhỏ bán thêm cho người ta hay bán chịu là bị mụ kiểm thiếu tiền rồi chửi như tát nước, tui ở bên đây còn biết mệt. Hồi má nó còn sống, dì Hai không bao giờ bắt con cái làm nặng nhọc như bửa củi hay gánh nước, mấy việc đó dì Hai mướn người ta. Hồi đứa con gái chưa lấy chồng, tui cũng chưa thấy dì Hai kêu nó giặt đồ cho dì hay cho ba nó. Từ ngày bà sau chấp chánh, thằng Rõ bắt đầu gánh nước, tuy là cặp thùng nhỏ mà tui cũng không cầm được nước mắt. Mụ kế mẫu đày đọa thằng nhỏ như tù tội hay kẻ thâm thù. Có lần nó bưng thau quần áo của ba nó ra gần giếng để giặt cho đỡ công gánh nước về nhà. Mụ ta giãy đong đỏng nói thằng con bêu rêu cho bà con chòm xóm nguyền rủa mụ. Thằng Hai Ghi không biết nói một câu phải trái, làm thinh cho mụ đó ăn hiếp con mình mỗi ngày như cơm bữa. Thằng Rõ chịu đựng không nổi, nó bỏ nhà biệt tích hơn một năm rồi.
– Thằng nhỏ bây giờ mấy tuổi, vóc dáng ra sao hả chị. Tôi là người đi mua bán khắp nơi, hy vọng có ngày gặp nó.
– Năm ngoái nó cao ngang bằng cái vạch chỗ cây cột chái nầy nè. Nó và một thằng ở xóm khác hay đến chơi với con gái út của tui. Thằng Rõ và con Út nhà tôi sanh cùng năm, con gái tui lớn hơn hai tháng, tụi nó năm nay được 15 rồi. Mặt mày thằng Rõ có nét giống Hai Ghi nhưng sáng láng coi được lắm, ăn nói lễ phép dễ thương. Tui đoán cậu là người tốt, tôi nói cái nầy không phải thì cậu bỏ qua cho. Nếu trời xui cho cậu gặp nó mà hai người hạp nhãn, thì cậu nói là dì ba Son má con Thắm khuyên nó nhận cậu là cha nuôi. Mần ơn đặng phước, tui tính vậy được không cậu Năm.
– Được lắm chị Ba à. Tôi nghe chị nói mà thương thằng nhỏ đứt ruột. Có nó ở đây là tôi với ba nó ra làng làm giấy nhận con nuôi liền.
– Đừng à cậu Năm, cậu mà dính chuyện dây dưa với con mụ đó, nó làm tiền mình tàn mạt luôn. Giờ nầy nó đi mua đề xổ cử 3 giờ cũng về gần tới rồi, cậu đi ra khỏi hẻm nầy ngay dùm tui. Nó về thấy cậu lạ mặt chàng ràng, nó nghi cậu là mật thám đi đìều tra vụ thằng con chồng mất tích, nó chửi xiên chửi xéo như ống ‘tà la’ cho cậu tức cành hông mà cả xóm cũng điếc tai. Mình là người đàng hoàng, không lẽ đi ăn thua với đứa mất dạy.
– Ủa, vậy Hai Ghi có báo cáo chánh quyền hay nhờ ai tìm kiếm thằng con. Từ hôm đó tới nay thằng nhỏ có về thăm ba nó không chị Ba.
– Tôi không biết nó có về thăm ba nó hay không. Chứ thằng Hai Ghi mê con quỷ cái đó, còn lòng dạ nào thương nhớ tới thằng con mà đi tìm hay báo cho cò bót. Lúc thằng nhỏ bỏ nhà đi mấy ngày mà tụi nó nín khe. Tới chừng bà chủ vựa gạo nghe phong phanh nên vô đây hỏi thăm, nó mới thú thiệt là thằng con đi đâu mất. Cũng bà chủ đó năm trước ra tiền sửa nhà cho Hai Ghi được khang trang như thế đó. Bà chủ vựa cám ơn Hai Ghi những năm ‘kinh tế suy sụp’, người làm bỏ đi hết, chỉ còn Hai Ghi ở lại khuân vác lúa gạo cho chành của vợ chồng họ. Lương bổng người ta không phát thiếu, người ta cám ơn chỗ đối xử tình nghĩa có nhau lúc hoạn nạn. Vậy mà… buồn lắm… Thôi cậu Năm đi về, tôi trở vô nhà lo cơm nước.
– Vậy mà làm sao hả chị Ba, chị không nói hết câu tôi chưa về nổi.
Dì Ba Son quay người lại và có vẻ hơi ngần ngừ, hình như dì đổi qua chuyện khác:
– Con vợ sau của Hai Ghi có công trạng gì trong những năm suy sụp đó mà cứ đeo theo kể ơn vòi vĩnh xin tiền bà chủ vựa, để đem nướng vào mấy sòng cờ bạc.
Lúc đó có cô bé đi ra vòng tay thưa má vô ăn cơm, dì Ba Son chỉ tay ra hàng rào:
– Út đến chào cậu Năm, bạn cậu có họ hàng với má thằng Rõ.
– Cậu có nói thằng Rõ về quê ngoại của nó không má?
– Cậu Năm từ quê lên kêu bán đậu phộng mà không biết tin thằng Rõ. Má nghi nó về với chị nó ở cửa biển Mỹ Thanh là chắc hơn, con đến kiếu cậu rồi mình vô ăn cơm.
Cô gái nhỏ bước gần hàng rào, khoanh tay cúi đầu:
– Con chào cậu Năm, cậu đi mạnh giỏi!
– Con gái Út của chị ngoan quá! Cám ơn chị Ba, hôm nay tôi không bán được hàng, nhưng nghe chuyện chị kể cũng đáng giá lắm.
Chú Năm Thời đi chưa ra khỏi con hẻm thì gặp ông chủ Dìn từ đầu hẻm xăm xăm bước vô với vẻ mặt lo lắng, bộ dạng bơ phờ vì suốt đêm qua ông quần kiếm cậu Kỉnh. Năm Thời nhìn ông chủ Dìn, chú nhớ mặt thằng Rõ giống y trang người nầy. Chú Năm Thời nhất định người đó phải là Hai Ghi. Chú vừa nghe chị Ba Son kể chuyện mà ớn lạnh gia đình nầy và không muốn giao thiệp Hai Ghi, chú Năm thoát nhanh ra khỏi con hẻm. May là bà vợ sau của Hai Ghi không có nhà, hồi nảy mà chú gặp bà chằn đó trước khi gặp chị Ba Son thì không chừng giờ nầy chú bị mụ níu lưng khốn khổ.
Năm Thời ngồi trên xe kéo với tâm trạng vui vẻ, chú không kềm một vài điệu huýt sáo. Sự quyết định nghỉ một ngày làm ăn được trả hậu bằng kết quả xác minh gia cảnh thằng Rõ. Chỉ trong một buổi mà chú có đường hướng giải quyết chuyện thằng nhỏ mà chú nghĩ là món quà lớn ‘trời cho’. Còn câu hỏi năm nay thằng Rõ ở đâu mà không về nhà thì không cần thiết. Việc đó Năm Thời sẽ khéo léo dò hỏi thằng Rõ sau nầy, để nó không nghi chú đã tìm tới nhà nó. Năm Thời phơi phới trên xe khách về lại Bạc Liêu, đoạn đường 50 km hôm đó sao mà nhanh quá.
Đêm qua ông chủ Dìn đã cho người đến nhà Hai Ghi tìm cậu Kỉnh dù ông biết rằng không có hy vọng. Cả đêm ông suy nghĩ nát nước và cho rằng đây là một vụ bắt cóc hơn là giả thiết cậu Kỉnh bỏ nhà ra đi như trường hợp thằng con Hai Ghi hồi năm ngoái. Vì vậy mà ông chủ Dìn chần chừ báo cho sở cảnh sát, ông chừa cơ hội để thương lượng với bọn bắt cóc. Hồi nảy ông đến nhà tìm Hai Ghi bởi ông biết tay nầy có giao du với mấy tay giang hồ. Trước sau chừng nửa giờ, Năm Thời và ông chủ Dìn đều không gặp Hai Ghi và cùng bị con chó dữ đuổi về. Ông chủ Dìn luôn trong tình trạng hối hả, ông đi như chạy trở ra đầu hẻm. Nháy mắt thì ông đã ngồi sau tay lái chiếc Trắc-xông chạy thẳng Bưu điện Sóc Trăng.
Trong bức điện tín gởi cậu Hai Thành ở Mỹ Tho, ông chủ Dìn báo ngắn gọn sự việc và kêu cậu Thành xin các sếp Tây cho phép về nhà ít nhất một tuần để giúp ông. Còn bức điện gởi hai cô con gái Tâm và Đức, ông dặn thêm một việc là nếu gặp Út Kỉnh thì phải giữ lại và báo liền cho ông. Và một lô đìện tín gởi cho nhiều họ hàng nội ngoại của cậu Kỉnh. Tất cả đều có nhắn thêm lời yêu cầu giữ kín sự việc dùm ông.
(Còn tiếp)
Một Lúa
Câu chuyện kể của anh một lúa hấp dẫn quá mong sớm dược đọc phần tiếp theo.
Bạn Bé Nguyễn, Xuân Hiệp
Vậy thời tui thương lượng với BBT cho mỗi tuần đăng 2 kỳ, bạn nhé!
Chừng nào thấy ngán như cơm nếp nhão thì trở lại chương trình cũ.
Chúc bạn vui vẻ, mạnh khỏe, tươi trẻ
Câu chuyện đang hồi “gắt’ quá, lại ngưng ,,chờ nữa ,,bài viết của tác giả Một Lúa hay thiệt
Hoành Châu (Gia đình C )
Hoành Châu,
“Gắt” của Hoành Châu có phải là đậm đặc không. Chứ đến bài 3 mà câu chuyện lỉnh lãng như cái đìa, chưa biết số phận nhân vật dìa đâu.
Câu chuyện đã bắt đầu gay cấn . Hồi hộp dữ đa !
Chy Năm này là người cũng có .y đồ gì nè. Nhưng y tốt hay xấu còn chưa biết à nha . Thật sự cũng rât đồng ý với hướng diễn biến của cốt truyện là cho cuộc đời cậu Kỉnh rẻ sang hướng khac cho cậu có một tương lai tôt đẹp hơn
Đúng rồi chị Phan Lương ơi, câu chuyện bắt đầu ngay cấn lắm đây , Cậu Kinh rồi sẽ ra sao đây khi ông Năm trưởng đoàn đã biết rõ lai lịch Cậu .Thật là hồi họp thôi thì cố gắng đợi kỳ sau xem nó ra sao .
Thân chào hai bạn Phan Lương và Lài Võ,
Vô tình mà cậu Kỉnh đóng vai thằng Rõ. Không biết cậu nhập vai nổi không và đến khi nào mới bại lộ thân phận.
Tám ấp 5 cũng xin lỗi độc giả việc phải dùng danh xưng ‘cậu’ và ‘thằng’cho các nhân vật và một số từ ngữ cổ trong thời một ngàn chín trăm hồi đó.
Cảm ơn mọi sự theo dõi và góp ý.
Tiếp theo sẽ là phần 4. Rất rời rạc như mỗi lá bài trong môn chơi bài binh xập xám 13 lá, nhiều khi những cây đầu mới được chia là cây đót 2-5-7-9 nút có màu khác nhau, dù chơi giải trí cũng thấy chán vô cùng. Cho đến khi cầm đủ 13 cây trên tay mà binh không ra đôi, không dính thùng, không liền sảnh, không kết cù lủ thì càng chán hơn. hihihi
Hôm nay đọc phần 3 để xem tiếp phần 4 đang hồi hấp dẫn. Định đến cuối mới phản hồi nhưng xem chừng câu chuyện còn dài… dài lắm?
Bạn My Nguyễn,
Hỗm rày tui cũng lóng nhóng chờ một gợi ý hoặc tốt hơn là hướng dẫn. hihi
Trời ơi tui hổng có thời gian,mới đọc qua cái tựa tui nghi bài của ông, đọc them mấy đoạn thì đã chắc mẩm rồi nhưng cũng ráng vuôt vuốt xuống kiểm tra. Khi thấy tên ông tui lại tức, tuimà có trở lại đọc cũng đâu biết được cái kết, ông có biết cái tức này của tui không? Thôi thì chừng nào viết xong hết rồi ông báo tui một tiếng để tui đọc cho nô ngon trớn!Vậy đi hé!
Mến chào Phương Mai,
Được bạn nhín chút thời gian là Lúa tôi quá cảm kích rồi.
Tui đâu phải cây bút chuyên nghiệp hay có căn cơ đào tạo. Viết ngắn quen tay rồi viết dài quen mắt. Và cũng không đặt bố cục hay kế hoạch gì ráo trọi. Thí dụ như từ Tam Bình đi chợ Vãng bằng ngã lộ 16 (bây giờ hình như 905 hay lẻ mấy?) thì tui biết đường hướng phóng chừng. Do đó nhiều khi tới Khu Trù Mật rồi quên chuyện gì ở Long Chuối. Hoặc là đạp cong đuôi qua khỏi Di Cư thì lại phải hoành dìa Ba Càng.
Trong truyện ngắn, thì một paragraph có thể diễn tả một sự kiện hay một thời gian dài. Truyện dài thì cả bài chưa xong một chi tiết. Tui cố gắng cho suông như ống hành hương mà chưa nổi (chưa làm được)
Chậm chạp lòng vòng có làm mòng mòng bè bạn thì xin thứ lỗi.