Nguyễn Gương- Cây viết lạc quan của trang nhà (bạn bè quanh ta)

Ngày đăng: 2/10/2017 09:01:31 Chiều/ ý kiến phản hồi (22)

Tôi đến bệnh viện Chợ Rẫy thăm Nguyễn Gương, tay anh còn dính băng keo của kim tiêm. Anh vào viện đã hai hôm vì trước đó anh bị ói ra máu, tiêu ra máu. Vợ anh tức tốc đưa anh đi Chợ Rẫy và lần này theo anh thì  “hy vọng” phải  nằm lâu hơn mấy đợt trước. Chuyện anh bệnh ít ai biết, trước đây thấy khó chịu anh lên BV Chợ Rẫy khám bệnh, nằm một hai hôm rồi về, người cùng xóm cứ tưởng anh đi thăm bà con. Đối với trang nhà, anh cũng không cho ai biết, bài vở của anh trên trang nhà vẫn xuất hiện, nhất là những bình luận trên FB  vẫn đều đặn. Lần này bệnh nặng hơn, thực quản bị lũng nên xuất huyết ở họng, bệnh viện phải nội soi và tìm cách để “vá lại”, hiện tại anh không ăn cơm được, uống sữa lạnh để cuống họng không đau !!

Nguyễn Gương đến với trang nhà vào cuối năm 2015 với những phản hồi ngăn ngắn. Anh ở Cầu Mới , cùng quê với Nguyễn Hoàng Hưng 12B1 (NK71). Thỉnh thoảng Hoàng Hưng có gửi bài viết về Cầu Mới mà không có hình tôi gọi điện nhờ Gương chụp hình giúp để minh họa. Ở  Cầu Mới chỉ có mình Gương, anh lại nhiệt tình, không nhờ anh tôi biết nhờ ai.

Qua các bài viết về  xã Tân An Luông, về bạn bè , tôi biết được ngày xưa anh học trường Nguyễn Thông, năm mấy anh không nhớ, nhưng tôi có phương pháp để đoán  biết được anh học cuối cấp năm nào. Anh nhớ hồi năm 75, đã bỏ thi Tú tài một, năm chiến tranh, anh thi Tú tài 2 ngồi gần với cô Nguyễn Sang Giàu vì cả hai có tên cùng có chữ đầu là G. Sang Giàu là bạn của Nguyễn Thị Thắm, người tổ chức các cuộc họp mặt của khóa 75 ở Vĩnh Long.

Hồi còn nhỏ anh cũng có ước muốn làm nhà báo hay diễn viên kịch nghệ nhưng ước vọng không thành. Tuy nhiên, máu văn nghệ trong người lúc nào cũng vẫn chảy. Ở nhà anh thường vẽ tranh sơn dầu và có hoa tay anh đã vẽ nhiều hình ảnh để minh họa cho việc dạy học. Tranh thì tôi đã từ thấy qua, trong kỳ sinh nhật của My Nguyễn, anh đã tặng cô. Tôi không kịp xem rõ bức tranh, nhưng người được tặng rất trân trọng nên nó ở vị trí xứng đáng nhất trong nhà. Tôi hỏi anh những hình vẽ để dạy học, anh bảo là tạng cho mấy cô giáo hết rồi, bây giờ không biết hình ấy trôi dạt về đâu để sau này thu lại làm kỷ vật.

Những bài viết của anh tập trung vào hai mảng đề tài chính: Thời đi học trọ ở xóm Cầu Lầu, thời nhỏ ở Tân An Luông và những việc xảy ra ở Vĩnh Long  ngày xưa. Chuyện xảy ra ở xóm Cầu Lầu, phải nhìn nhận là anh có trí nhớ tốt.  Tôi sống ở  xóm Hòa Hảo, dưới dốc Cầu Lầu  từ năm 1967 đến 71 nhưng có những điều anh kể mà tôi không biết. Nào là chuyện bến xe Minh Đức (Cái Nhum) , nào là các quán nước gần bến xe, lộ trình của  những xe này như thế nào, anh tả rất kỷ. Như vậy, phải nói là anh có óc quan sát hơn tôi, nên  ghi nhận và nhớ được nhiều chi tiết.

Ghé nhà anh ở Cầu Mới hai lần, lần đầu đi với Thu Nguyệt, thầy trong nhà anh sách vở lúc nào cũng có sẳn trên bàn. Anh khoe với tôi là đang viết bài cho trang nhà, tôi có trao đổi sơ với anh về đề tài nhưng anh ngại thất lễ với bạn bè ở thành phố về nên vội vội vàng vàng dẫn tôi đi ăn cháo vịt. Quán cháo vịt gần nhà anh rất ngon, dường như ai xuống nhà anh, anh cũng đều áp tải ra đây, vì vậy hôm  đi Lấp Vò, trên xe Hoa Đăng, Ngọc Minh đều nhắc đến quán cháo vịt gần nhà Nguyễn Gương.

Đầu tháng tám, My Nguyễn cho tôi hay Gương bị bệnh nặng, anh than sợ không qua khỏi, chuyện này anh giấu lắm không cho ai hay. Tôi thì vô tình, thấy hàng ngày anh vẫn vào trang nhà phản hồi, thỉnh thoảng lại gởi bài  thì có đâu sức khỏe suy yếu đến như vậy. Thời gian này, quyển “Trang nhà đất Vĩnh” gần xong,  nếu như chưa kịp phát hành tôi cũng đến nhà in lấy trước một quyển đem cho anh vì trong quyển này có bài anh đóng góp. Tôi có biết một trường hợp tương tự đó là nhà thơ Nguyệt Lãng ở Bình Phước, Nguyệt Lãng được anh Ngô Nguyên Nghiễm đưa vào quyển “Những người đồng hành quanh tôi”, sách chưa kịp ra mắt thì Nguyệt Lãng đã ra đi. Lúc đó ai cũng chắc lưỡi, nếu Nguyệt Lãng thấy được sách thì vui  biết mấy. Tôi không muốn lịch sử sẽ lập lại với Nguyễn Gương, nên hôm phát hành sách ở Vĩnh Long, chúng tôi lập tức bao xe về Cầu Mới tặng sách cho anh vui. Hôm đó, anh mừng lắm, lật từng trang sách khen đẹp  rồi đứng dậy đi tìm chìa khóa. Chị Phi Rom bảo anh ngồi chơi, đừng đi lại chi cho mệt, anh bảo đi lấy tiền để trả tiền sách. Ai nấy đều cười. Chúng tôi nhìn nhau ứa lệ với ý nghĩ, anh Gương ơi , anh bệnh như vầy chúng tôi không chia sẻ được nhiều cho anh thì chút niềm vui nho nhỏ lẽ nào chúng tôi không làm được.  Trước khi xuống anh, trang nhà có dành cho anh một chút tiền, Hoành Hà nghe vậy cũng có gửi quà để anh an tâm trị bệnh.

Chuyện anh bệnh ít ai biết, trước đây thấy khó chịu anh lên BV Chợ Rẫy khám bệnh, nằm một hai hôm rồi về, người cùng xóm cứ tưởng anh đi thăm bà con. Đối với trang nhà, anh cũng không cho ai biết, bài vỡ vẫn có, nhất là những bình luận trên trang nhà  vẫn đều đặn. Lần này , bệnh nặng hơn thực quản bị lũng nên xuất huyết ở họng, bệnh viện phải nội soi và tìm cách để “vá lại”, hiện tại anh không ăn cơm được, uống sữa mà là sữa lạnh để cuống họng không đau !!

Chưa có người bạn nào mà tôi biết khi bệnh có tinh thần lạc quan như anh: không than vãn trên mạng, cho mọi người thấy rằng anh vẫn bình thường. Vô bệnh viện mới thấy sự làm việc của anh, một điện thoại, một kính lão, một cây viết. Hôm mới lên Chợ Rẫy, điện thoại không kết nối được wifi, anh phải nhờ Xuân Giang (con anh) ra tiệm cài cho anh 3G.  Theo anh, ở bệnh viện không nối kết với thế giới bên ngoài thì là một bất hạnh khủng khiếp. Anh nói với tôi, đang lúc sung mãn mà bệnh nặng đến, làm cho việc viết lách của anh bị chựng lại. Nếu như, lúc này anh không bị bệnh thì một ngày anh có thể viết được một bài. Những câu chuyện ngày xưa , giờ bắt đầu chạy dài trong trí nhớ, nhưng ngồi không nổi thì làm sao đây (?)

Nằm bệnh viện mà anh vẫn nhớ, mình đã viết xong phần hai  của hồi ức “Những tháng ngày qua”, mà phần III, chương 3 là Tháng ngày thơ mộng (câu chuyện Nhớ nụ hôn đầu) sẽ được gửi đăng tiếp.  Anh cho biết, phần tiếp theo đã viết xong trên bản thảo nhưng chưa đánh máy. Từ trước đến giờ anh viết bài trên giấy học trò, xong nhờ người bạn gái đánh trên máy vi tính. Vì vậy có lúc Nguyễn Gương gọi điện nhờ sửa chữ này, chữ kia do lỗi  người đánh máy không hiểu ý tác giả.

Ngồi trò chuyện với Nguyễn Gương, tôi thấy giường bệnh của anh mang số 35, tôi cười hỏi bộ anh chọn chỗ  tốt hay cuộc đời anh gắn liền với số con dê (?)  Anh cho biết, giường nằm của anh ở chỗ đắc địa, có view nhìn ra ngoài cây xanh, xa xa thấy mái ngói đỏ những dãy lầu khác, có nét thơ mộng biết đâu có thêm được ý cho việc làm thơ.

Lần này vào thăm, Phi Rom cũng đưa anh một phong thư của những người ở xa và Thu Cúc gửi  hỏi thăm anh. Cũng như lần trước, anh nói : “Tôi chưa làm được gì cho trang nhà mà anh em lo cho tôi nhiều quá!”. Điều anh nói cũng đúng, nhưng chuyện tình cảm, chuyện số mệnh mỗi người có  được cái Duyên riêng biệt, không thể so sánh, không thể hỏi tại sao. Có lẽ tên anh, hình anh xuất hiện trang nhà thường xuyên, cũng như chuyện trò thường nhật với mọi người mà bạn bè sinh ra lòng yêu mến. Một người bệnh xa lạ ở Bến Tre, một ngôi chùa nghèo ở Hòa Nghĩa, vậy mà khi biết được, CHS Tống Phước Hiệp ở nước ngoài  vẫn gửi  tiền về giúp thì huống chi bạn bè trong trang nhà mà mọi người lại ngó lơ.

bài và ảnh Lương Minh

Ngày 1/10/2017

H1                                     Nguyễn Gương và Lương Minh tại nhà ở Cầu Mới

h2                                                       Lúc còn phong độ

                    h3  Khi nằm bệnh viện Chợ Rẫy                       (Ảnh: Phi Rom)

 

Có 22 bình luận về Nguyễn Gương- Cây viết lạc quan của trang nhà (bạn bè quanh ta)

  1. NHA nói:

    Gởi Nguyễn Gương,

    Sự lạc quan cũng là liều thuốc tốt để hổ trợ cho việc trị bịnh.

    Nhờ bài viết của LM, anh Ấn mới rõ  bịnh tình của em, chúc em mau chóng bình phục.

    Thân mến,

    NHA

     

  2. Phan Lương nói:

    Đọc bài  của anh LM và thấy hình ảnh anh nằm trên giường bệnh thấy thương quá. Từ ngày anh vào trang nhà, không bài nào của anh mà em bỏ sót. Em rất cảm phục tài văn nghệ sĩ của anh(thật ra từ hồi nhỏ khi ở Cầu Mới là em đã biết tài họa sĩ, tài viết văn thơ của anh rồi. Em đã đọc rất nhiều tâp san của anh khi đó. Em mượn của chị Tư Cuối á ).
    Vì vậy không thể thiếu vắng bài của anh lâu đâu nha.  Anh hãy mau chóng khỏe mạnh anh Nguyễn Gương nhé

  3. Nguyễn Gương ơi…Cô rất thích đọc những chuyện ngắn thuở học trò của em..Mong em mau bình phục để tiếp tục viết nghe. Tuy  ở xa nhưng cô vẫn theo đổi tình trạng sức khỏe của em.

  4. Nguyễn Đức Tính nói:

    Vô cùng xúc động khi nghe những chuyện kể của anh Minh về anh Nguyễn Gương . Chân thành chúc anh Gương điều trị bệnh tốt, chóng hồi phục sức khỏe để trang nhà có thêm nhiều sáng tác hay của một cây bút tài hoa giàu nghị lực.

  5. Lyhuong nói:

    Chúc Anh Nguyễn Gương sớm hồi phục, để bạn bè được đọc những bài viết mới.Thân mến .

  6. Hoành Châu nói:

    Cầu chúc Nguyễn Gương  phục hồi bệnh tình mau chóng nhé !
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  7. THU CUC nói:

    Rất xúc động khi nghe anh Lương Minh kể về tinh thần lạc quan của anh Nguyễn Gương . Xin chia sẻ với hoàn cảnh của anh và chúc sức khỏe ,  mong anh mau chóng bình phục để còn kể chuyện xưa .

  8. My Nguyen nói:

    “Tháng ngày qua” và “Chuyện cũ” chưa đến hồi kết thúc. Anh Gương hãy chóng bình phục để viết tiếp đó nhe!

  9. VÕ THI LÀI nói:

    Anh Nguyễn Gương hãy cố gắng lên, chúc anh mau binh phục đễ được đọc nhiều bài hay của anh .

  10. Yên Dạ Thảo nói:

    Thứ Bảy vừa rôi YDT có hỏi thăm anh NHA về sức khỏe của anh Nguyễn Gương nhưng anh Ẩn không rõ tình trạng như thế nào! Sáng hôm qua em đọc bài viê’t của anh Minh mới biê’t rõ được bệnh thình của anh! YDT mong sức khỏe của  anh sớm hồi phục để tiếp tục vui trong sáng tác..

  11. Phong Tâm nói:

    Nguyễn Gương mến, chúc bạn thừa nghị lực vượt qua cơn bịnh, lạc quan cùng với bạn bè để sức khỏe mau chóng trở lại bình thường bạn nhé.

  12. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Rất mừng là anh Gương lạc quan trong cuộc sống chắc chắn là anh nhanh chóng khỏi bệnh, có lòng tin thì sẽ sống vui sống khỏe. Chúc anh mau lành bệnh.

     

  13. hồng băng nói:

    Hay tin trễ, cố lên N. Gương. Việc viết, có thể tạm dừng, bớt suy nghĩ và tập trung cho sưc khoẻ. Chúc mau bình phục. HB

  14. Chúc Nguyễn Gương sớm được xuất viện để trở về sống với gia đình tại tỉnh nhà.

  15. Anh Nguyễn Gương thân mến! Đã đọc mấy bài của anh đăng lên gần đây, định có dịp trao đổi cùng anh. Hôm nay đọc bài nầy của anh Lương Minh viết mới biết anh bị bệnh. Tổn thương ở thực quản thì rất khó lòng lắm, không biết do nguyên nhân gì, thông thường thực quản ở đoạn nối tiếp bao tử  bị tổn thương thường gặp ở hội chứng trào ngược ( gastroesophageal reflux disease). Hy vọng  anh sớm phục hồi.

  16. Nguyễn Gương nói:

    Bệnh xơ gan. Phát hiện khi bị vỡ tĩnhmach thực quản cách đây 6 năm.Mình phải nằm viện 7 lần khi bị mữa và tiêu máu.Thắt vết thưông 5 lần. Mỗi lần bị là mỗi lần sức khỏe xuống dốc nhiều.

  17. hoàng Hưng nói:

    Xin lỗi! “Thăm” Gương hơi trể. Mỗi ngày Tommy học xong chương trình bình thường, phải viết thêm bài “tường trình” một quyển sách. Anh Hưng cũng phải đọc , hiểu câu chuyện, để đọc lại bài của Tommy viết. Thời gian này, khuyên Tommy không TV, mình cũng phải làm gương, không TV. May, hôm nay thức sớm, đọc được tin này. Chúc Gương sớm bình phục.

  18. Nguyễn Gương nói:

    Mình đã xuất viện, tình hình sức khỏe khả quan. Xin gởi lời cảm ơn đến thầy cô và bạn hữu gần xa đã hỏi thăm động viên và chúc lành. Tình cảm tốt đẹp của quý vị sẽ động viên tôi vượt qua khó khăn.Xin đa tạ.

    • HOA ĐĂNG nói:

      Anh Gương, từ đầu đến cuối tôi không có một câu nào để chúc anh sớm bình phục, nhưng tôi vẫn theo dõi thường xuyên qua nhiều thông tin. hôm nay thấy anh viết mấy dòng thế là tốt rồi, mừng cho anh nhiều lắm.

    • Lưu Phương nói:

      Chị mừng Nguyễn Gương đã xuất viện.

      Hằng ngày chị vẫn dõi theo em, cầu mong em chóng khỏe và bình an

  19. Một Lúa nói:

     

    Kính chào anh Nguyễn Gương!

    Hôm nay chắc là anh đã xuất viện về nhà rồi. Chúc anh khoẻ và sớm trở lại cuộc sống thường nhật.

  20. Em gửi lời thăm hỏi đến anh Nguyễn Gương , mong anh lạc quan bước qua chặn đường sanh , lão , …. của con đường chiều anh nhe , anh à trong lòng mọi người anh vẫn sáng bừng trong từng lời văn , con chữ , cố lên anh !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác