Chuyện ở quán cà phê Cô Đơn
Năm Cua Đinh nghe tiếng giảm máy của một chiếc xe Honda khi nó đến khúc quẹo ‘cùi chỏ’ và tiếp tục giữ ga nhỏ. Hắn đứng lên và nhìn ra con lộ xi-măng phía trước quán cà phê Cô Đơn và lập tức đưa cao hai tay quơ quơ vẫy vẫy, miệng la lớn:
– Tao ở đây nè, Sáu Bờ-rô!
Chiếc Honda chở 2 quẹo vào lối trải sỏi xà bần giữa bãi đậu xe của quán. Con nước lớn đêm rồi bò lên ngấm đất mặt sân nó đen sì và những trũng nước nhỏ lấp loáng. Sự xuất hiện đột ngột của người và xe làm vài con thòi lòi hốt hoảng nhảy dồn về một phía. Sáu Bờ-rô loay hoay tìm chỗ sân khô cứng để dựng xe. Hai Chích bước vô quán lúc đó chỉ có 3 người khách ngồi riêng 2 bàn, hắn cười tươi rói:
– Chào buổi sáng mọi người! Năm mình có gì vui đầu ngày đầu giờ mà cao hứng đi uống cà phe sớm quá vậy?
– Sớm hơn mọi bữa chừng một tiếng chớ mấy. Nếu giả dụ có chuyện buồn thì hai thằng bây có ở lại không.
– Chuyện gì của bạn thì tụi mình cũng phải ngồi lại chia sẻ. Mà chuyện buồn gì vậy Năm?
– Chuyện làng nước ở nơi xa lắc, chứ không phải chuyện của Năm tao.
– Ủa, Năm mình quan tâm chuyện xã hội hồi nào vậy ta.
Sáu Bờ-rô vừa vô tới. Ngón tay hắn chỉ ra sân, mặt hướng về bàn cà phê nói oang oang:
– Sáng nay Năm Cua-đinh mình quan tâm xã hội. Hèn gì con nước hăm bốn hồi khuya nhảy lên khỏi bờ để xem ấp Năm có việc gì xảy ra.
– Lóng rà Năm tao phụ giúp bà xã nấu ruơu và lo cà đàn heo cúi, bị đám bò chó quần muốn tắt thở. Mấy tháng nay không đụng tới máy, chớ đâu như tụi bây thảnh thơi lên mạng suốt ngày như tụi bây. Tao không biết hay không có ý kiến thời sự thì tụi bây nói là vô tâm vô cảm. Có chút ý cò, ý kiến thì tụi bây ngạo là thòi lòi trơ mắt hóng hớt.
– Ê Năm mình, Sáu Bờ-rô tao chỉ nói chuyện lạ về con nước kém mà nhảy khỏi bờ. Còn vụ thòi lòi lên sân là do trời ui ui ẩm ẩm khiến chúng nhảy lên chỗ đất ướt ăn muỗi mòng bù mắc, côn trùng là việc bình thường ở vùng quê mình. Có ai ngạo Năm mình hóng hớt gì đâu.
– Năm và Sáu nhứt trí vụ thòi lòi lên sân chưa. Đề tài gì mà khiến Năm mình ưu phiền bỏ nhiệm sở để ra đây sáng nay?
– Hồi khuya bà xã tao kêu tao thức thiệt sớm rồi thỏ thẻ. Sáng nay cho tao nghỉ đến 10-11 giờ. Tao làm gì làm đến giờ đó về cho heo ăn trưa rồi xuống ngồi canh kháp rượu cho bả đi công chuyện.
Sáu Bờ-rô nhanh miệng cắt ngang:
– Chúc mừng Năm mình được ‘xả chế’, từ nay trở đi cứ tung tăng trên mạng như xưa!
– Tung tăng cái con khỉ, bả nói gả xong đợt heo nầy rồi nghỉ luôn vụ nuôi heo và nấu rượu, tao chỉ còn lo chăn mấy con bò giống. Nhắm bề giữ nổi thì xuống Bến Tre mua cặp dê.
Tao làm thinh xuống lò vô kháp và lên lửa xong rồi giao cho bả, lên nhà trên mở cái giàn ‘đét-tóp’ lên mạng xem tin tức thời sự. Năm tao không biết mình bỏ đọc chữ lâu quá thành ngu hay chữ Việt đã vô đợt cải biên, cải tiến hay nói chung là có sửa đổi gì không? Mà nhiều câu nói tao nghiệm hoài cũng không hiểu nổi.
– Anh em bọn mình nói với Năm hoài, bỏ cái giàn còm-pu-tờ cổ lổ sỉ đó đi, mua cái iPad xài cho tiện. Bữa nào Sáu chở Năm lên Vĩnh Long lượm về một cái. Sáng nay Năm thắc mắc vụ gì, Hai Chích sẵn sàng gở rối tơ lòng cho Năm.
– Bà xã tao nói lần chót rồi, bả nói mua cho tao iPad thì ai làm việc nhà cho bả. Thôi bỏ qua vụ đó đi Sáu Bờ-rô ơi! Sáng sớm tao coi tin cũ thấy có ông Cục phòng hộ đê điều họp hành ban bệ gì ở ngoài Hà Nội. Ổng tuyên bố với báo chí ngon lành làm sao mà cả phòng họp cười ồ. Câu nói hơi khó hiểu chứ có gí vui mà cười trong lúc tai nạn nước lũ làm chết bao nhiêu người vô tội, làng xóm nhà cửa hoa màu bị nước cuốn trôi.
– Có phải Năm nghe ông đó nói câu “Vỡ đê có kế hoạch”, đúng không?
– Đúng rồi! Hai Chích nhớ dai à nghen. Vây câu nói đó là cái ‘nghĩa địa’ gì làm thiên hạ cười rần.
– Ý nghĩa chớ không phải nghĩa địa nghen Năm mình. Mọi người không hẹn và chợt quên tình huống nghiêm trang đau buồn mà cùng cười rần thì hẳn là họ hiểu cùng một dạng méo mó nào đó. Hai Chích tao cũng khó nín cười với cùng một lúc nảy ra hai ý tưởng một tròn một méo của riêng tao: Cái méo thứ nhất bắt nguồn xa lắm. Khoảng những năm 1930 có nhiêu thanh niên bản xứ đi lính cho Pháp. Chuyện kể một anh lính binh nhì ‘đơ dèm cùi bắp’ tạm gọi là anh Th quê quán ở Phú Thọ theo đơn vị đóng quân ở Hà Nội. Ngày nọ, anh Th được Bộ chỉ huy Đại đội kêu lên văn phòng nhận một bức tê-lê-ram mà tiếng ta gọi là điện tín.
– Ê! Khoan khoan Hai Chích. Điện tín là cái vật gì mà tao chưa từng nghe nói.
– Điện tín là một loại điện thư được chuyển thành tín hiệu đơn giản để truyền dẫn trên dây đồng pha thép kéo trên những đầu cây cột trụ kết nối các trạm có khoảng cách trong tầm tín hiệu. Trạm là những cơ sở bưu điện địa phương hay đóng bên cạnh những ga hay trạm dừng tàu lửa v…v. Trạm được xây trên toàn quốc như mạng nhện. Nó có trước những thời vô tuyến điện và in-tờ-nét sau nầy. Thời vàng son cuối cùng của ngành điện tín nước mình là thời người vượt biển tới đảo là gởi ngay điện tín về nhà, vừa nhanh mà không bao giờ thất lạc như một ít thơ cò. Sau đó thì điện thoại bàn và điện thoại di động xoá sổ ngành điện tín. Anh Năm mình ô-kê vụ điện tín chưa, để Hai tui kể tiếp vụ anh lính năm xưa.
– Rất ô-kê Hai mình!
– Xây dựng bảo trì đường dây truyền dẫn tê-lê-gram rất tốn kém, cũng như cần nhiều nhân viên làm công việc chuyển tiếp những điện thư công hay tư giữa các trạm. Vì vậy mà giá cước Tê-lê-gram hay còn gọi là “Gõ dây thép” rất đắt. Cũng vì đắt đỏ mà người ta hạn chế số chữ trong bức điện tín trong mục đích tiết kiệm. Hôm đó anh lính tên Th nhận bức Tê-lê-gram từ quê Phú Thọ của anh gởi ra Hà Nội. Ngón tay của anh ta dò theo những dòng chữ Pháp in trên tờ pơ-luya cỡ nửa tờ giấy tập. Mắt anh dừng lại hai chữ in hoa VO DE viết thật to bằng bút mực trong khung chừa trống gần cuối mẫu giấy in. Bàng hoàng một khắc, anh Th ôm đầu rưng rức “Tôi cho làng tôi bao năm sống yên bình, bây giờ bị vỡ đê không biết thiệt hại ra sao. Vợ con và cha mẹ tôi cũng không biết thế nào. Chứ sào su hào thì kể như mất sạch. Tiếng than của anh Th được nhơn lên 4 lần khi tới tay đồng đội, một số người cùng quê chạy lên hỏi thăm anh Th tin tức làng quê của họ. Cuối cùng thì viên Đại đội trưởng ký phép đặc biệt 5 ngày cho anh Th và hai người khác. Quân luơng tạm ứng nửa tháng lương phát cho mỗi người và xuất quỹ Quan hôn Tương tế cứu trợ thiên tai.
Đúng 5 hôm, 3 ông nầy bước vô cổng đơn vị. Người vác kẻ mang lồng bội, nào là gà vịt, ngỗng, nếp đầy quả, ruợu đầy bầu như tuồng đi ăn giỗ phú hộ mới về chứ không phải là người vừa đi cứu nạn nhân lũ lụt. Mọi người xúm lại và cười nghiêng ngã khi biết tin vợ anh Th vừa hạ sanh một bé trai thứ nhì kháu khỉnh đã được một tuần. Thì ra nội dung của điện tín hôm trước là ‘Vợ đẻ’ chứ không phải ‘Vỡ đê’. Đêm đó trong buổi tiệc nhỏ, anh Th cảm ơn mọi người và anh hoàn lại số tiền quyên góp đã sứt mẻ một ít. Chỉ huy trưởng và mọi người đồng ý chuyển số tiền dùng cứu trợ tặng lại cho con trai sơ sanh của anh Th. Đêm đó mọi người vui vẻ và cười thoải mái khi hiểu ý nghĩa của VO DE. Có lẽ tiếng lóng vỡ đê = vợ đẻ bắt nguồn từ truyền thuyết nầy.
Sáu Bờ-rô chen vô:
– Năm ngoái tụi bây còn nhớ vụ án i-meo không dấu của bà con bên vợ thằng Tí. Ai đó báo cáo thằng em té xe bị ‘Bể mắt cá chân’ ở Vĩnh Long mà thân nhân bên Sydney hốt hoảng la trời khi dịch là ‘Bể mất cả chân’. Cũng như tao thấy lâu lâu trên facebook xuất hiện câu ‘Em đang ở trường’ không bỏ dấu. Chữ Việt không dấu khi bị bỏ dấu hên xui như câu chuyện dài nhằn của Hai Chích thì ăn nhập gì tới câu nói ‘bạch văn’ nổi tiếng của ông nào đó.
Năm Cua-Đinh coi bộ cũng không hài lòng, nhưng y chưa phản ứng thì Hai Chích tiếp tục:
– ‘Vỡ đê có kế hoạch’, câu nói được hiểu méo mó thành ‘Vợ đẻ có kế hoạch’ trong ý tưởng bình dân tếu lâm, hay hiểu theo ý nghĩa nào khác chọc cho mọi người trong phòng họp tạm quên khung cảnh nghiêm trang mà cùng cười ồ là có nguyên do kích thích. Ban Năm và Sáu có ý kiến về câu nói nầy.
– Sáu tao cảm thấy hơi kỳ kỳ. Phải sửa lại là: ‘Sau sự cố vỡ đê, chúng tôi có kế hoạch cứu trợ nạn nhân và sửa chữa các khoảng đê yếu’, thì hay biết mấy.
– Đúng 5/5 luôn Sáu Bờ-rô! ‘Vỡ đê có kế hoạch’ trong công tác phòng chống nghiêm chỉnh của người trách nhiệm thì không đáng cười, hay không đáng để nể nang khả năng tiên đoán. Nếu ai nói sự việc vỡ đê mà người trách nhiệm không bất ngờ. Khiến cho người ta đặt ngược câu hỏi: Giỏi vậy, tại sao không dùng khả năng ‘thấy được’ hay ‘có thể đoán được’ mà tận lực gia cố điểm yếu trước khi xảy ra ‘sự cố’ chết người.
Nạn nhân hay thân nhân bị thương vong, mất trắng sạch của trong mọi nổ lực cứu chữa, thì chắc cũng vui lòng chấp nhận.
Một Lúa
Đọc bài viết có nhắc tới ấp 5 là em biết ngay là của anh Một Lúa , bài viết rất hay giong diệu dí dỏm làm người xem dễ cảm xúc và gợi trong chúng ta nhiều suy nghĩ .
Cảm ơn bạn Lài Võ,
Rất vui khi đọc cmt của bạn!
Tui thì mới đọc 3 chữ Năm Cua Đinh thì biết ngay là bạn của Một Lúa chứ ai ? Lâu lắm rồi tui chưa xuất hiện trên trang nhà, nhưng đọc thì thường. Vì gặp ” độ” hoài ông Một Lúa ui !
Hâm mộ anh Cả!
Nghỉ hưu anh hưởng cả đời
Sáng trà chiều rượu, tối thời ngắm trăng
Riêng tui còn tánh lăng nhăng
Câu thơ dân giả, băn khoăn việc người!
Năm Cua Đinh , Sáu Bờ Rô , và Hai Chích là 3 người bạn nối khố của Tám Lớ ( tức Một Lúa )
Mấy anh bạn này mà họp lại thì có nhiều chuyện phải kể lém. Cái chuyện bức điện tín Vo De mà hơi bị cười bể bụng rùi
” Vợ Đẻ”mà nói Vỡ đê…..hi hi
Bạn trẻ Phan Lương,
Họ là quần chúng nông thôn mà!
Lâu nay,, cô biết Một Lúa bận chăm sóc mảnh vườn , không có thì giờ viết…Hôm nay, rất vui khi đọc được bài của em nơi đây…Mùa đông sắp đến, Một Lúa rảnh nhe, sẽ gửi bài dài dài cho mọi người đọc ?
Kính chào cô Trầm Hương Ptt,
Vâng, nông dân ấp Năm sẽ cố gắng
Cảm ơn cô nhé!
Thời sự nóng hổi. chứng tỏ Một Lúa thường xuyên theo dõi thời sự trong nước, bình luận thật hài hước, có dẫn chứng cụ thể. Nhớ lại vụ cái Ao Tiên cũng nhờ Một Lúa mà được nổi tiếng, nhiều bạn thắc mắc, hôm rồi Vân Hà còn lặn lội từ phương xa về Hậu Lộc để chiêm ngưỡng ao tiên qua tin đồn của Lúa Đệ….Đúng là Một Lúa cái gì cũng ……hài hước, bái phục.
Chị Hoa Đăng ui!
Tức cảnh sinh tình vậy thôi. Viết xong mắt bị quán gà mà máy không đổi font chữ lớn được, gặp chuyện khác phải làm nên gởi luôn không thể rà soát. Bi giờ xem lại thấy bài vở trật đíc-tê tùm lum. Xin bà con tha tình, chỉ giữ ý dùm cho, đa tạ.