Mùa Xuân Xứ Lạnh
Khi nhắc đến Canada dường như ai cũng biết nơi đây là xứ tuyết lạnh! Mùa đông kéo dài từ tháng mười một đến tháng ba, đôi khi đến cuối tháng tư . Cái lạnh thấu xương trong những ngày đông khắc nghiệt, thường khoảng tháng giêng đến tháng ba tại thành phốToronto (nơi gia đình tôi cư ngụ) nhiều lúc nhiệt độ xuống thấp đến âm15 độ C nếu cộng thêm gió thổi (windchill) là âm 25 độ C đến âm 28 độ C.
Tội nghiệp cho những người di dân chưa có khả năng mua xe, dùng xe bus làm phương tiện di chuyển. Mỗi hừng sáng đi làm hay chiều tối về, đứng co ro đợi xe trong chiếc áo mùa đông kồng kềnh, tay mang đôi găng dầy và dấu kín trong túi áo cho đở lạnh. Nếu không may mắn thì gặp ngày bị bão tuyết kéo dài từ sáng đến tối!
Nhớ lại cách đây sáu năm, vào đầu tháng hai tôi cùng các cô bạn đồng nghiệp đi Cali năm ngày! Bên Canada thì mùa đông năm ấy tuyết nhiều và lạnh vô cùng, chúng tôi đều mặc áo mùa đông và mang giầy boots. Khi đến phi trường LA thì cảm thấy nóng vô cùng, trên đường đi đến khách sạn, xe chạy ngang qua những dãy nhà sân trước có bãi cỏ và hàng cây lá xanh biếc, hoa màu nở rộ, chúng tôi trầm trồ và có chung một ý nghĩ “Ước gì Canada mình mùa đông ấm áp như Cali!”
Không như Cali hay các miền ấm ở Mỹ, mùa đông Canada dài hơn các mùa khác nên tôi tưng tiu từng sợi nắng rớt xuống lòng phố và khu vườn nho nhỏ của nhà mình . Cuối tháng tư là các cây trụi lá suốt mùa đông bắt đầu đâm chòi trên những cành khô . Đến đầu tháng năm thì các loại hoa như Lilies, Tulips, Daffodil và nhiều loại hoa xuân vươn mình khoe sắc .
Lúc chúng tôi mới mua nhà, vợ chồng chủ nhà trước là gốc người Ý, sau vườn ông bà trồng một giàn nho xanh và nho đen là loại nho dùng để làm rượu! Những năm đầu tiên, giàn nho say trái, thật thơm nhưng vì không biết làm rượu nên chúng tôi chỉ hái ăn lại rai, còn lại thì để rụng cho đến hết mùa! Vài năm sau, chị Hai tôi chỉ làm rượu nho theo cách Việt nam là 1kg nho trộn chung với 300gr đường sau khi rửa sạch và để ráo! Tôi nhớ lại trước đây tôi có xem qua film Ý của những ngày rất xưa, trong một đoạn film có chiếu cảnh làm rượu nho, trông rất đơn giản! Họ cho nho vào một chậu thật lớn, người trong gia đình hay trong làng bước vào chậu dùng chân dẫm lên nho để ra nước trước khi cho vào các thùng rượu cất, để lâu năm. Không khí trông rất vui vì tiếng nhạc và tiếng cười vang rần trong lúc “dancing” trên những chùm nho.
Lần đầu tiên tôi và cô em làm thử cách của chị Hai, rửa sơ qua từng chùm nho cho hết bụi, sau đó dùng đồ “mash potatoes” tức là dụng cụ nghiền khoai tây bằng tay, chị em tôi thay phiên nhau nghiền mấy chục ký nho trộn với đường trước khi sang vào những lọ thủy tinh cho lên men . Đến sáu tháng sau thì sang qua những chai rượu và đợi đến Giáng Sinh làm quà cho gia đình và bạn bè . Chúng tôi làm rượu được khoảng năm lần thì chúng tôi dẹp bỏ giàn nho. Bây giờ nghỉ lại cũng thấy tiếc nhưng vẫn còn một bình để đến nay, cũng hơn 20 năm rồi!
Nhớ lại trong thời gian nầy, vườn sau nhà có ba cây đào say quả và ngọt! Gia đình tôi lúc ấy chỉ có bốn người không thể nào ăn hết đào chín mọng trên cây, nên mỗi sáng tôi và cô em hái mang vào sở làm cho các cô bạn đồng nghiệp! Vui nhất là thấy sự ngạc nhiên và nụ cười tươi của họ khi thấy trái đào chín còn trên nhánh lá xanh để trên bàn.
Thời gian trôi qua, ba cây đào thay phiên chết dần! Vườn không cây trái nên ông xã tôi mua ba cây cherries về trồng . Sau vài năm các cây cherries bén rể và ra rất nhiều trái, thường cuối tháng sáu là mùa thu hoạch . Bây giờ chỉ còn lại hai cây sau hai hơn hai mươi lăm năm trong nắng mưa và tuyết lạnh! Tuy trái không to như xưa nhưng vẫn ngot, có những năm trúng mùa chiều nào cơm nước xong là tôi ra vườn bắt thang, leo cây hái những trái chín đến xập tối mới vô nhà. Mỗi mùa trước đây chúng tôi hái được cũng gần 40 kg. Sau hai lần bước qua mùa cherries thì bắp thịt nơi bờ vai của tôi bị rách khá nặng, tôi phải đi bác sĩ điều trị khá lâu mới khỏi.
Vì ăn không ăn hết cherries nên ngày nào tôi cũng hái đầy bao những trái vừa hơi chín mang vào sở cùng và chén muối ớt để mời bạn chung phòng cùng ăn. Cô bạn người Miến Điện rất thích món cherries chấm muối ớt, có một lần trong bửa ăn cơm trưa cô hỏi tôi cho cô xin “Recipe muối ớt”! Sư ngây ngô dễ thương của cô làm các người bạn Philippine cười rần! Hai năm nay tôi học được cách làm mức cherries và sấy khô, thành phẩm cũng ngon vì ngoài đường cát thì tôi không bỏ hóa chất nào cả!
Tháng tư năm nầy, cây cherry sau vườn bắt đầu nức nụ, bước vào tháng năm thì bông trắng nở đầy cành, thật đẹp! Sau vài tuần cánh hoa rụng đầy sân cỏ, treo lủng lẳng trên cây những trái cherry xanh non như trái trứng cá bên Việt Nam mình! Có lẽ năm nầy sẽ bị thất mùa vì từ tháng tư đến nay mưa nhiều, rất nhiều trái bị úng và rụng! Nhìn cây xanh lá thưa trái hơn các năm trước làm tôi nhớ đến mùa thu hoạch các năm cũ .
Bây giờ ngồi xem lại các tấm hình tôi chụp trong mùa cherries năm trước trong lòng có chút vui vui! Tôi nhớ lại chuyến về quê thăm gia đình năm 2015, nhà thơ Phong Tâm làm hai lồng trứng cá gởi tặng cô em Khúc Giang và tôi, mỗi người một cái. Yên Dạ Thảo và Khúc Giang cám ơn chân tình của nhà thơ Phong Tâm, một món quà từ quê hương với tất cả tâm tư của một người anh! Hôm nay thứ bảy, trong vườn đầy nắng sau nhiều tuần mưa tầm tã và lạnh! Nhìn những giọt nắng long lanh vương cành và trải dài trên thảm cỏ lòng tôi rất vui và có chút ấm cúng sau một mùa đông dài .
Yên Dạ Thảo
03/06/2017
Canada xứ lạnh, tình nồng, bởi thế sau khi mùa đông nghiệt ngã đã qua, cây cối lại đơm hoa, kết trái, đem lại niềm vui cho mọi người. Nhìn rổ cherry của Yên Dạ Thảo mới biết người có tay trồng cây. Tiếc không phải là hàng xóm nên không được thưởng thức cây nhà lá vườn của Yên Dạ Thảo.
Vùng cô ở có trồng được cherry không ? Cô nói đến “hàng xóm” gợi em nhớ đến vợ chồng người Phi Luật Tân ở kế bên nhà em , ông bà trồng hai cây cherry nhưng liên tiếp mấy mùa bỏ cho rụng vì ăn không hết và không có lồng hái, em thấy gần cuối mùa trái chín đỏ mà vẫn còn trên cây nên em qua gỏ cửa cho em hái để làm mức khi xong sẽ chia cho ông bà một nữa, hai vợ chồng ông bà rất mừng nên năm nay cũng cho phép em hái nếu không bị thất mùa . Hái cực và làm mức cũng rất cực vì phải lấy bỏ hột cho từng trái nhưng vì ham vui nên em đành chịu cực.
Bạn Yên Dạ Thảo mến,
Mình nhớ có viết trong một bài trước đây: “… nhà có vườn mà không có cây lồng mới là chuyện lạ.” Vườn nhà bạn ở CANADA mà có cây lồng tre Việt Nam để hái trái là chuyện lạ hơn. Giờ đã có cây lồng chú Phong Tâm tặng phải hái cherry được thật nhiều để làm mứt dành tặng bạn quê nhà. Alright?
Như anh Hoàng Long nói “Ở Canada mà có lồng tre VN để hái trái là chuyện lạ!” Thật sự là vậy anh Long ạ! Vì mấy người chung xóm thấy YDT cầm lồng hái cherry họ rất ngạc nhiên và hỏi mua ở đâu . Năm nay mưa nhiều quá nên YDT nghỉ rằng cây sẽ không đậu trái đầy cành như các năm vừa qua.
Mảnh vườn nhà cô nhỏ xíu không trồng được cây ăn trái, chỉ vài cụm hoa. Hôm nào cho cô hưởng ké cây trái nhà em nghe.
Cô ơi, hy vọng khoảng tháng bảy ít mưa thì em mời thầy và cô đến nhà em dùng cơm trưa ngoài vườn.
Nhà có vườn trồng cây ăn trái như vậy là nhất rồi ., Ydt hén Thương mến !
Hoành Châu ( Gia đình C )
Canada lạnh nên vào mùa xuân và mùa hè thì ai cũng “enjoy” làm vườn và phơi nắng chị ạ! Ngày thường thì tụi em đi làm, chỉ có hai ngày cuối tuần là tranh thủ để vui thú điền viên.
Hái sơ ri Canada sau vườn nhà bạn,
Ai bảo chỉ có con người mới biết vào ra?
Cây lồng tre nứa quê hiền cũng du lịch!
Hồn Việt Nam là duyên cớ mọi phương xa?
YDT cám ơn 4 câu thơ của anh Phong Tâm nhé! Em hy vọng các ngày tới thời tiết tốt để lo^`ng tre có dịp phơi nắng sau nhiều tháng trốn lạnh trong nhà!
Cám ơn chị Yên Dạ Thảo đã cho tôi được đi du lịch Canada miễn phí .Rất thích .!
YDT cám ơn chị Thu Cúc viếng Canada hàm thụ! Em có đọc qua bài viết của chị và anh. Một chuyện tình đẹp!
Yên Dạ Thảo thân mến,! bạn Thu Cúc nói rất đúng ,Thảo đã cho chúng tôi một chuyến du lịch miễn phí . Bài viết thật thú vị , cái lồng tre hái trái từ Việt Nam mang qua CANADA lên máy bay có khó khăn gì không ? Cái thao Cherries đỏ thắm giống những trái trứng cá chín bên Việt Nam mình quá hé Dạ Thảo Con người cũng như cây trái sống lâu dài rồi cũng thích nghi với hoàn cảnh,thời tiết khắc nghiệt. Rổi ranh viết nhiều chuyện về CaDaNa cho các bạn bên nầy biết với nhé Thân mến !.
Viết văn không phải là sở trường của em chị Lài a! Nghe chị nói thì từ đây em sẽ cố gắng viết văn thường một chút, hy vọng “Có công mài sắt có ngày nên kim“! Em cám ơn chị Lài đọc qua bài viết “Mùa Xuân Xứ Lạnh”.