BÁNH DẦY ĐẬU

Ngày đăng: 9/02/2017 11:12:24 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Quà vặt ở Việt Nam, Bắc Nam hay Trung đều có rất nhiều, đếm không xuể. Là đàn bà, con gái, ai cũng thích ăn quà, nào là quà mặn, quà ngọt mà chỉ cần nghĩ tới đã thấy dịch vị tràn đầy. Có thể vì thích ăn quà nên các bà, các cô đã có óc sáng tạo để làm biết bao nhiêu là món ngon, đáp ứng cho nhu cầu ăn quà, ăn hàng của mình. Chỉ cần ra chợ là có thể thấy đủ mọi thứ quà vặt, quý vị có thể ăn ngay tại chỗ hoặc mua đem về nhà. Tiếc thay thú ăn quà vặt của phái yếu lại bị quý vị nam nhi gán cho tiếng không đẹp, tệ hơn nữa lại bị coi như một tật xấu mà các vị nữ nhi cần phải tránh.

Hình ảnh một bà nội trợ cắp giỏ đi chợ rồi xề xuống các hàng để ăn quà là hình ảnh thông thường được quý vị nam nhi đưa ra qua thơ ca dân gian để chế giễu:
…………………….
Chưa ra đến chợ đã lo ăn quà,
Hàng bánh, hàng bún xếp ra,
Củ từ, khoai nướng, thịt gà, cháo kê,
Ăn rồi cắp nón ra về,
Thấy hàng chả chó lại bê nón vào,
Nói dối mua về cho chồng,
Đi ra giữa đồng, ngã nón ra ăn.
Ăn rồi đau quẳn, đau quăn,
Đi bói ông thầy, bói ra quẻ này,
Không chả thời nem,
Ông thầy nói dối đã quen,
Chứ tôi có chả, có nem bao giờ……..

Cũng là phụ nữ Việt Nam nên tôi cũng không tránh được thói tật ăn vặt và một trong những món ăn vặt mà tôi ưa thích nhất là món “bánh dầy đậu”.
Nói đến bánh dầy, người miền Bắc ai cũng biết, bánh làm bằng nếp và chia ra làm hai loại, bánh dầy ăn với giò lụa hoặc chả quế, chả chiên và môt loại nữa là bánh dầy đậu, nhân mặn hoặc nhân ngọt.

0 dau 1Hình 1 : Bánh dầy đậu & bánh dầy giò

Bánh dầy để ăn với giò, chả chỉ là hai chiếc bánh làm bằng bột nếp, tròn và dẹp, đặt úp vào nhau, trong khi bánh dầy đậu có hình dạng cũng giống như viên chè trôi nước. Bánh hình tròn vo hoặc hình tròn nhưng được nhấn cho dẹp dẹp một chút, bên ngoài là vỏ bọc bằng bột nếp, bên trong là nhân đậu xanh mặn, hoặc ngọt, phía ngoài cũng được lăn trên đậu xanh đãi vỏ, hấp chín và đem xay nhuyễn, có màu vàng tơ nên trông rất đẹp mắt và càng quyến rũ thêm khẩu vị của mọi người.

Trước năm 1975 chỉ ở những thành phố lớn, nơi có nhiều người Bắc mới có món bánh dầy đậu, người miền Nam, nhất là ở các tỉnh chắc chẳng mấy ai biết được món ăn vặt đặc biệt này. Ngày nay sự hiện diện của người miền Bắc khá đông tại miền Nam nên không biết món bánh dầy đậu có trở thành phổ thông như những món bánh khác của miền Nam hay không.
Ngày xưa bột nếp không có sẵn nên muốn làm bánh dầy người ta phải nấu nếp thành xôi và xôi sẽ được giã thật nhuyễn trong cối, tốn rất nhiều công sức nhưng chắc chắn là hương vị sẽ thơm và ngon hơn những chiếc bánh dầy ngày nay được chế biến từ bột nếp có sẵn. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của hai vợ chồng anh Tư, bán bánh dầy, đứng giã xôi trong một cái cối đá thật to với một chiếc chày gỗ dài ở Thanh Hoá nên dù mới lên năm, lên sáu, tôi cũng đã hiểu được sự cực nhọc của những người làm ra những chiếc bánh mà tôi ưa thích.

Từ khi ở ngoại quốc, trong nhiều năm tôi chưa được thử lại những chiếc bánh mà mình mơ ước. Năm 1997 về Việt Nam lần đầu tiên, mẹ tôi và tôi ghé Nam Định để thăm gia đình cô Định, một người bà con. Muốn đến nhà cô, chúng tôi phải đi xuyên qua chợ và bỗng nhiên không hiểu tại sao tôi lại nhớ đến món bánh dầy đậu và nói với mẹ tôi. Mặc dù đang đứng ở giữa chợ nhưng biết tìm đâu để mua……!!!
Trong câu chuyện với cô Định, mẹ tôi vui miệng kể chuyện bánh dầy đậu, món ăn mà tôi đang thèm. Vậy mà chỉ ít phút sau hai cái bánh dầy đậu đã được bày trên chiếc dĩa con trước mặt, đặc biệt dành cho tôi làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa cảm động. Tôi đâu có ngờ là cô đã sai con của cô đi tìm mua bánh dầy đậu, vì chợ sắp tan nên đi lùng khắp nơi chỉ mua được hai chiếc bánh cuối cùng…..Hai chiếc bánh tuy nhỏ nhưng chất đầy tình tự quê hương cũng như tình người làm tôi còn nhớ mãi đến ngày hôm nay.

Trở về Đức, tôi tìm cách để học làm món bánh dầy đậu, một phần theo cách làm các viên xôi nước, phần nữa được thêm cách chỉ dẫn của bạn bè quen biết nên sau bao nhiêu lần thử đi, thử lại, tôi đã có một công thức tương đối hoàn hảo ( theo khẩu vị của mình) để làm món bánh dầy đậu vừa ý.
Theo tôi, bánh ngon khi vỏ bột mềm nhưng không bở, nhân phải thơm và đậm đà nên tôi cho một ít hành phi thái nhuyễn cùng với tiêu, chút muối, chút đường cùng một chút dầu hành phi. Đậu xanh để lăn bánh phải đồ (hấp) chín và ráo, đem xay nhuyễn và cũng trộn thêm chút muối chút đường.

              CÔNG THỨC BÁNH DẦY ĐẬU 

(12 cái bánh)

I/ VẬT LIỆU

0 dau 2Hình 2 

– 250g bột nếp
– 2 muỗng cà phê bột gạo
– 250g đậu xanh không vỏ,
– 200ml nước
– 4 muỗng canh dầu ăn, 2 muỗng để chiên hành, 2 muỗng để trộn vào bột
-1/4 củ hành tây loại trung hoặc vài củ hành nhỏ như hành ở VN thì càng ngon hơn.
– đường, muối, tiêu

II/ CÁCH LÀM
0 dau 3Hình 3

– Đậu xanh đem ngâm trong nước vài ba tiếng đồng hồ, tốt nhất ngâm qua đêm, sau đó đem xả nước cho sạch, hấp chín và giã hoặc cho vào máy xay nhuyễn.

Chia làm đôi, một nửa làm nhân, một nửa giữ làm áo của bánh.
0 dau 5Hình 4

– Hành thái nhuyễn và đem chiên vàng với 2 muỗng canh dầu, cho tất cả dầu hành vào đậu xanh làm nhân cùng với một chút muối, chút đường, tiêu cho vừa ăn, trộn đều và chia thành 12 viên nhân nhỏ

– Đậu làm áo bánh cũng cho chút muối, chút đường vào và trộn đều
– Bột nếp và bột gạo bỏ vào thố cùng với một chút muối và 2 muỗng canh dầu trộn đều, đổ 200ml nước nấu đang sôi vào bột và nhồi đều. Chia thành 12 phần để bắt đầu bắt bánh.

– Dùng một miếng giấy wrap ( giấy ni lông), để miếng bột vào và ấn cho dẹp, cho nhân vào và túm miếng ni lông để gói cho bánh tròn ( dùng giấy ni lông thì bánh dễ gói vì không dính tay ), có thể để bánh tròn hoặc nhấn bánh để bánh có hình hơi dẹp một chút.
0 dau 6Hình 5

– Bắc nồi nước lạnh lên bếp, khi nước sôi thì thả bánh vào nấu cho đến khi bánh nổi lên, hạ bớt lửa, để thêm từ 3-5 phút thì vớt ra bằng một cái vá có lỗ, khi thấy nước từ vá đã chảy hết, bỏ bánh ngay vào đậu làm áo.

Có hai cách:
– Hoặc để đậu trong một cái chén, để bánh vào chén đậu và lắc qua, lắc lại để đậu bám vào bánh, cách này chỉ có thể làm từng cái bánh một.
– Hoặc lấy một cái dĩa lớn, trải một lớp đậu dầy ở phía dưới, vớt bánh và bỏ ngay trên dĩa, bánh phải cách nhau để khỏi dính vào nhau, sau đó sẽ rải thêm lớp đậu ở phía trên cho đều là được. Cách này có thể làm nhiều bánh một lúc.

III/ THÀNH QUẢ

0 dau 7Hình 6


IV/  CHÚ Ý
– Khi vo bánh nên dùng miếng giấy ni lông để dễ vo và không bị dính tay, bánh phải vo cho kín để khi luộc không bị bể.
– Không nên luộc nhiều bánh một lúc, hạ lửa khi nước sôi nhiều để bánh không bị bể.
– Bánh vớt ra khỏi nồi bằng một cái vá có lỗ, để vài giây cho nước chảy bớt, cho bánh còn nóng và ướt ngay vào áo đậu, như vậy đậu mới bám vào bánh và bánh mới ngon, đẹp. Nếu để bánh nguội và khô rồi mới bỏ vào áo đậu thì đậu sẽ không bám vào bánh, mất ngon và không đẹp mắt.
– Muốn làm bánh dầy đậu nhân ngọt thì nhân sẽ trộn với nhiều đường, ngọt đủ với khẩu vị của người làm.
Chúc quý vị thành công và ngon miệng !
Bài và hình: LÊ-THÂN HỒNG-KHANH

Có 1 bình luận về BÁNH DẦY ĐẬU

  1. Một đọc giả Bếp Ấm ở Canada đã áp dụng công thức bánh dầy đậu và đã góp ý kiến rất hay, xin ghi sau đây để các bạn đọc bổ túc khi làm món bánh này :

    Thay vì dùng 200 ml nước sôi đổ vào bột thì dùng 100 ml nước lạnh trộn với bột trước, sau đó đổ 100 ml nước sôi vào trộn đều, nếu thấy còn dính tay thì cho thêm ít bột nếp vào nhồi cho đến khi bột không còn dính tay là được.

    Với cách này chúng ta có thể bắt bánh rất dễ dàng mà không cần phải dùng giấy ny lông ( giấy wrap) đỡ tốn công.

    Xin cám ơn bạn độc giả đã góp ý kiến để món ăn của Bếp Ấm được hoàn hảo hơn. Bếp Ấm rất vui để đón nhận và đây là điều mà Bếp Ấm rất mong chờ nơi các fan của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác