Mùa Thu và hoa cúc

Ngày đăng: 17/01/2017 05:39:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Thầy Nguyễn văn Chương quê ở Mũi Né , Phan Thiết; lúc trẻ thầy học tại trường Trung học Phan Bội Châu. Thầy Chương về dạy môn Anh Văn tại trường Trung học Tống Phước Hiệp từ năm 1970, thời kỳ vàng son của trường. Sau 1975 thầy cũng như nhiều giáo sư khác phải trải qua những thăng trầm,lao đao, lận đận ….. Đến năm 1990 thầy rời Vĩnh Long về Sài Gòn và làm việc trong ngành du lịch.  Hiện nay thầy đang ở tuổi thất thập và thường viết văn, làm thơ để giải trí, để suy gẫm và giải toả qua thú vui tao nhã này. Gặp lại được thầy Nguyễn văn Chương, thầy dạy tiếng Anh sau hơn 42 năm là ” duyên lành ” đối với tôi. Đọc những bài viết của thầy, tôi cảm nhận tâm hồn văn chương của thầy còn trẻ lắm và vui lây với những suy nghĩ của thầy.
Thu Cúc xin giới thiệu với các anh chị em cùng quý vị đọc giả bài viết “Mùa Thu và Hoa Cúc” của thầy Nguyễn văn Chương (.Thu Cúc)

MÙA THU VÀ HOA CÚC

h1Giữa lòng ta mọc một loài hoa nên phải luân hồi muôn vạn kiếp (Ngô Nguyên Nghiễm)

  1. Bốn Mùa Xuân Hạ Thu Đông

h2hình2                                         xuân hạ thu đông

Vạn hữu muôn loài trên trái Đất này đều chịu chung một qui luật – vòng chuyển động của trái Đất quanh mặt Trời. Sự vận chuyển của trái Đất thật là kỳ diệu: một chuyển động kép – Rotation + Revolution. Trái Đất xoay quanh trục của nó (Rotation) giáp môt vòng cho ta ngày và đêm, đồng thời nó di chuyển tiến theo quỹ đạo quanh mặt trời (Revolution), giáp một vòng 360 ngày, cho ta một năm 12 tháng (Solar Year) với 4 mùa: Xuân Hạ Thu Đông. Mọi vật trên trái Đất này sinh ra là do sự phối ngẫu, giao hòa giữa Âm và Dương, giữa Đất và Trời. Cho nên con người và cỏ cây muôn loài đều chịu ảnh hưởng của vòng xoay Vũ trụ, trong một khoảng không gian và thời gian nào đó nhất định. Mặc dù không phải thuần là những nhà thiên văn địa lý; nhưng ông cha ta qua chiêm nghiệm thực tiễn cũng đã rút ra một câu nói mang tính khái quát cao, coi như một qui luật: Trời che; Đất chở. Thật thế, nếu không có tầng ozone che chở thì muôn vật trên trái Đất này hẳn phải bị tiêu diệt bởi những tia vũ trụ hay bởi những thiên thạch từ ngoại tầng không gian bay vào và rơi xuống mặt trái Đất. Đôi lúc không để ý khi ta ngồi trên chiếc ghế trong căn phòng ở nhà, nhìn bốn bức tường trước mặt, ta tưởng đâu ta ngồi yên trên ghế ở một vị trí nhất định trong không gian; nhưng ta nào ngờ trái Đất đang chở ta đi theo con đường (quỹ đạo) xung quanh mặt Trời với một tốc độ chóng mặt 28km/s. Cũng chỉ vì sự xoay (Rotation) và chuyển động (Revolution) của quả Địa cầu quanh mặt Trời mà chúng ta có ngày, đêm, tháng, năm và bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông. Con người và cỏ cây trên trái Đất đều phải chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi thời tiết của từng mùa – tứ mùa bát tiết – Xuân xanh, Hạ đỏ, Thu vàng, Đông trắng tuyết; và tùy theo nhân sinh quan, vũ trụ quan của mình mà mỗi người thích một mùa. Nhưng có điều hình như đúng cho mọi trường hợp là ai thích mùa nào thì tâm hồn người ấy gắn chặt vơi “tâm hồn” của mùa mà người ấy thích. Ở đây chúng ta chọn mùa Thu để cùng tâm sự.

  1. Mùa Thu

h3hình 3

Thường chúng ta có nhận xét rằng-đây là điều khó giải thích- mùa Thu là mùa của các văn nhân thi sĩ. Điều này chẳng những đúng ở nước ta mà còn đúng cho những nước khác ở Á Đông như Trung hoa, Nhật bản, Triều tiên…Nhưng lý do tại sao mùa Thu lại là mùa được nhiều người thích? Theo tôi đây là những người có đức tính khiêm nhu, có tâm hồn phiêu lãng, có đời sống nội tâm sâu lắng. Nói chung, họ là những người có tính khí nhu hòa, dung hợp được những bản sắc cùa những mùa Xuân Hạ Thu Đông. Trong ý nghĩa đó, ta cũng có thể nói mùa Thu là mùa của sự dung hòa những tính cực đoan: mượt xanh mềm mại, ẻo lả của Xuân; oi bức khó chịu của Hạ; lạnh lẽo buốt giá thấu xương của Đông. Như vậy, ta cũng có thể nói mùa Thu là sự gặp gỡ, giao hòa của những mùa khác, để làm nên chính mình:

Trận gió thu phong rụng lá vàng 

Lá rơi hàng xóm, lá bay sang 

Vàng bay mấy lá năm già nữa 

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng”

Tản Đà (Thu Phong) 

Những phân tích và tổng hợp trên chỉ mang tính ước lệ, hầu như chỉ đúng phần nào ở vùng Bắc bộ nước ta; trong khi đó ở Trung và Nam bộ, mùa và thời tiết trong năm biểu hiện không rõ nét lắm. Thời xa xưa, người Trung Hoa nhìn mùa Thu là mùa lúa chín, mùa của lá vàng; và từ đó họ tạo ra chữ Thu, gồm có chữ Hòa và chữ Hỏa = chữ Thu (ngụ ý lửa nóng làm cho lúa chín vàng, lá cây cũng ngả màu, rụng rơi lả chả xuống đất, còn lại trơ cành). Mùa Thu là mùa lá rơi; nên người Mỹ diễn tả mùa Thu bằng chữ Fall -the Fall; trong khi đó người Anh vẫn dùng chữ Autumn -the Autumn- để chỉ mùa Thu. Nếu dưới chữ Thu mà ta viết thêm chữ Tâm thì ta có chữ Sầu:

Sầu thu nặng lệ thu đầy 

Vi lau san sát, hơi mây lạnh lùng 

Ngổn ngang trăm mối bên lòng 

Ai đem thu cảnh họa cùng thu tâm” 

Tương Phố (Giọt Lệ Thu)

  1. Hoa Cúc

h4hình 4

 

Một chút ít cổ tích. Ở Việt Nam hoa Cúc biểu trưng cho ước muốn sống lâu, dồi dào sức khỏe và lòng hiếu thảo. Chuyện xưa kể rằng nhà kia có hai mẹ con sống với nhau trong cảnh nghèo khổ nhưng rất yêu thương nhau. Một hôm người mẹ bị bệnh nặng; người con chạy chữa bằng mọi cách nhưng không được. Trước hoàn cảnh nguy khốn đó, Phật hóa thân thành một cụ già và khuyên người con vào rừng tìm hái cho được một loài hoa có số cánh hoa nhiều bằng số năm mà người con muốn cho mẹ mình sống lâu ở trên đời. Người con nghe theo lời Phật day vào rừng cố tìm cho được loài hoa ấy. Người con chỉ tìm được loài hoa có 5 cánh. Người con buồn rầu và dùng tay xé nhỏ bông hoa hơn nhiều số 5 cánh. Nhờ tấm lòng hiếu thảo ấy của đứa con mà Phật độ cho bà mẹ khỏi bệnh và sống lâu trăm tuổi. Ngoài ra hoa Cúc còn có một đặc điểm đáng trân quí đó là lá của nó không bao giờ lìa cành dù cho là khô héo lâu đến bao nhiêu đi nữa, hoa của nó không bao giờ rụng xuống đất (diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa). Do đó mà hoa Cúc được cho là biểu tượng của lòng kiên trinh và khí tiết của người chính nhân quân tử. Trong phong thủy, người ta xem hoa Cúc là biểu tượng của sự sống lâu, tăng thêm nhiều phúc lộc và sự an lạc. Vì lẽ đó mà người ta thường đặt những chậu Cúc hoa vàng trước sân nhà mỗi độ Xuân về Tết đến. Cúc có nhiều loại, màu sắc rất đẹp, mỗi loại có ý nghĩa riêng:

– Cúc Đại Đóa: hoa Cúc màu vàng, bông to, biểu trưng cho tinh thần tự tin và lạc quan trong nghịch cảnh.

– Hoa Cúc trắng: chỉ sự ngây thơ và trong trắng .

– Hoa Cúc tím: chỉ sự lưu luyến không chia tay nhau .

– Hoa Cúc vàng: lòng kính yêu và sự hân hoan .

– Cúc vạn thọ: chỉ sự đau buồn và nỗi thất vọng .

  1. Mùa Thu và Hoa Cúc 

h5Trồng hoa Cúc là thú vui tao nhã của các cụ ngày xưa. Nói đến hoa Cúc là người ta nghĩ đến mùa Thu. Hoa Cúc và mùa Thu có một mối giao tình kỳ lạ. Thu mang một vẻ tiêu sơ u hoài khiến cho tâm tư con người chùng lắng. Cúc đua nở, khoe sắc trong vườn dưới trời Thu dễ mang lại cho con người một cảm giác lâng lâng:

“Giữa nụ cúc vàng thu bước ra 

Bừng tươi lưng giậu, sáng sân nhà 

Thanh thanh vạt áo đan hương sớm, 

Biêng biếc vành khăn cuộn nắng tà 

Thi khách trầm tư mơ dáng ngọc 

Người thơ ngơ ngẩn nhớ môi hoa !” 

Vàng Anh (Huyền Thoại)

Không biết hoa Cúc có duyên nợ thế nào với Thu mà Cúc lại kiên trì đợi Thu đến rồi hoa mới chịu nở, như Nguyễn Trãi đã miêu tả trong bài thơ Cúc:

“Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm 

Có mấy bầu sương nhụy mới đâm.

Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn,

Cho hay thu muộn tiết càng thơm” 

 

Người ta nhận thấy chất Thu thấm vào tâm hồn người nào thì sau này nó sẽ đi ra bằng nhiều ngã nơi người ấy: ngã hội họa thì người ấy trở thành họa sĩ, ngã âm nhạc thì người ấy trở thành nhạc sĩ, ngã văn chương chữ nghĩa thì người ấy trở thành văn nhân thi sĩ. Mỗi mùa có một đặc tính riêng. Cho nên cổ nhân cũng tùy mùa mà thưởng thức một thú vui riêng:

Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi .” 

Thôi Hiệu (Dạo Chơi Bốn Mùa) 

 

Trong bài thơ hoa Cúc, Nguyễn Trãi đã cho ta thấy rằng Cúc có duyên nợ với mùa Thu; dù cho có gì đi nữa, khi nghe hơi Thu luồn trong gió, Cúc mới chịu đâm nhụy nở hoa. Nhưng ông không biết có bao nhiêu loại và bao nhiêu sắc màu:

“Có một mùa hoa trổ nụ vàng, 

Khi trời trở lạnh gió mùa sang. 

E ấp ôm tình hương thu lạnh, 

Trao cả tình anh đón cúc vàng. 

Tuấn Đăng (Tình Hoa ) 

 

Tại sao hoa Cúc lại hợp với mùa Thu như thế? Nếu qua một cuộc khảo nghiệm khoa học về đặc tính sinh hóa của cây hoa Cúc thì câu trả lời chắc không khó lắm. Câu trả lời của tôi dựa trên tính trung /dung /hòa (syntonization) và tính tương thích (afinity). Như ta đã biết mùa Thu mang tính dung hòa những tính cực đoan của những mùa khác: quá mượt mà yểu điệu của Xuân, nóng bức ngột ngạt của Hạ, lạnh lẽo buốt giá của Đông; riêng chỉ có Thu là trung dung: dịu mát với những cơn gió heo may, nhưng đám mây bàng bạc ở chân trời. Điều này thích hợp với đặc tính đáng trân quí: đức tính nhu hòa và kiên trung của bậc chính nhân quân tử. Đó là đức tính của loài hoa Cúc: “Diệp bất chi ly Hoa vô lạc địa” (Lá không bao giờ lìa khỏi cành, Hoa không bao giờ chịu rơi xuống đất).

Nguyễn Khuyến, một nhà thơ mùa Thu, đã cảm nhận sâu sắc mối tình giữa mùa Thu và hoa Cúc trong một bài thơ nổi tiếng:

“Giữ tiết dường như yên phận khó 

Dành hương cốt để đợi Thu sang 

Thương thầm vườn cổ nên như vậy , 

Đứng giữa hơi may mới biết nhau ” 

Nguyễn Khuyến (Vịnh Hoa Cúc)

 

  1. Mùa Thu và Văn Nhân Thi Sĩ 

h6       Trong số những nhà thơ nói về mùa thu, tôi thích nhất là thi hào Nguyễn Du, tuy chỉ có một câu mà ta thấy hình ảnh mùa thu vào một thời gian ánh sáng và bóng tối giao hòa: 

“Người lên ngựa kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. 

 

Thi sĩ của tình yêu lãng mạn ru hồn người một thuở, Đinh Hùng, cũng không quên sắc hương của Cúc:

Ý chiều ngây ngất màu hoàng cúc, 

Sao mắt Thu buồn dáng Hạ xa ? 

Ta nhớ mà thương người sử nữ , 

Áo mùa thu đọng sắc kiều hoa ” 

Đinh Hùng (Liên Tưởng / Đường Vào Tình Sử)

Hoặc là hoa Cúc giữa nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ :

“Cảm ơn em,  em từ miền gió cát 

Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng” 

Mùa thu quyện vào hồn người để rồi ra đi bằng đường văn chương chữ nghĩa; nên Việt Nam có nhiều nhà văn nhà thơ của mùa thu:

Tôi đi lại mãi chốn này, 

Sầu yêu nối nhịp với ngày tôi sang. 

Dưới chân mỏi lối thu vàng 

Tình ca lăm lắm tôi càng muốn yêu ” 

Hồ Dzếnh (Mùa Thu Năm Ngoái) 

Nhưng nói đến Thu mà bỏ quên Lưu Trọng Lư là một thiếu sót lớn. Mùa thu là mùa của hoa Cúc mà cũng là mùa của lá vàng lìa cành, rơi lả chả trên những lối đi trong rừng thu:

Em không nghe rừng thu 

Lá thu kêu xao xạc 

Con nai vàng ngơ ngác 

Đạp trên lá vàng khô ?” 

 

Tác giả của tập thơ Điêu Tàn, Chế Lan Viên cũng có cái nhìn về Thu u hoài và tiêu sơ hơn. Thu mang một nỗi buồn ngao ngán:

Chao ôi! thu đã đến rồi sao ! 

Thu trước vừa qua mới đó nào ! 

Mới độ nào đây hoa rạn vỡ 

Nắng hồng choàng ấp dẫy bàng cao” 

 

Những đám mây xám, bàng bạc ở một góc trời cũng dễ làm cho người ta buồn nhớ xa xăm những ngày đi học, những kỷ niệm tuổi thơ:

Mây xám xây thành em biết chưa, 

Gọi về nhung nhớ mấy thu xưa.

Tình quê xanh thắm hồ như mộng 

Đêm ấy ngàn trăng dải bóng dừa” 

Hà Uyên Thy (Bóng Hình Kỷ Niệm ) 

 

Không là đêm trăng thu sáng tỏ thì cảnh thu cũng thường phủ lên mình chiếc áo màu vàng ước lệ, tiêu sơ:

“Trận gió thu phong rụng lá vàng 

Lá rơi hàng xóm, lá bay sang, 

Vàng bay mấy lá năm già nữa, 

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng ! 

Trận gió thu phong rụng lá hồng 

Lá bay tường bắc, lá sang đông, 

Hồng bay mấy lá năm hồ hết, 

Thờ thẩn kìa ai vẫn đứng không !” 

Tản Đà (Thu Phong) 

 

Cảnh thu miền Bắc cũng có khi trời trong xanh cao ngất như Nguyễn Khuyến đã phác họa trong bài thơ Thu Vịnh :

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao 

Cành trúc lơ thơ gió hắt hiu 

Nước biếc trông như tầng khói phủ, 

Song thưa để mặc bóng trăng vào.”

Nhưng không phải trời thu ở đâu cũng mang cái vẻ tiêu sơ u trầm như nhau. Mùa Thu ở Pháp, ở Anh, ở Canada đều có một khí sắc khác nhau, nhất là khác xa Việt Nam. John Donne (1572-1631) có 2 câu thẩm định về vẻ đẹp mùa Thu quê mình bằng đối chiếu “nhan sắc mùa thu” của một thiếu phụ (Autumnal face)

No Spring nor Summer beauty had such grace 

As I have seen in one Autumnal face ” 

(Xuân hạ mùa nào cũng đẹp xinh 

Riêng thu mới có nét duyên tình ) 

 

Một nhà thơ người Pháp: Paul Verlaine (1844-1896) đã viết Chanson D’ Automne:

Les sanglots longs 

Des violons

  De l’Automne 

Blessent mon coeur 

D’une langueur 

  Monotone 

Tout suffocant 

Et blême, quand 

  Sonne l’heure 

Je me souviens 

Des jours anciens 

  Et je pleure 

Et je m’en vais 

Au vent mauvais 

  Qui m’emporte

De-ça, de-la 

Pareil à la 

  Feuille morte .

 

Thu Ca.

Vĩ cầm nức nở tiếng thu ca

Chạm phải lòng ta dạ xót xa

Ngột ngạt u trầm giờ thu đến

Lệ rơi vương vấn những ngày qua

Lang thang theo gió sao buồn quá,

Phiêu bạt hồn ta mấy lá vàng ! 

Hà Uyên Thy (chuyển ngữ ) 

 

Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này để nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Mấy cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung buổi sáng nở trắng như những linh hồn còn trẻ. Nắng ở đây cũng là nắng ngày xưa và linh hồn tôi cũng vẫn là linh hồn tôi thuở trước. Đường này hiu hắt tôi đem lòng về để gặp lại mùa thu thương nhớ cũ. Chân ai xa vắng đằng kia hay cũng chỉ là cơn gió thoảng mong manh, gió nào vương vấn hồn tôi hay cũng chỉ là dư âm của một mùa thu thương nhớ cũ. Đinh Hùng (Thu Cảm)

Kỳ ảo nhất là ngắm hoa cúc vàng vào đêm trăng sáng. Dưới ánh trăng trong xanh mượt mà, hắt ánh vàng, hoa cúc trở nên liêu trai mộng mị. Bóng tối viền quanh cánh hoa hắt lên một màu tối xẫm, nhìn xa dưới trăng, chừng như toàn là sắc tím u nhã. Dưới ánh trăng đêm huyền ảo, những cánh hoa cúc vàng bát ngát nhìn như có một tâm hồn lay động thâu đêm.

Nói về sức sống bền bỉ của hoa thì không có loài hoa nào thọ bằng hoa cúc. Có Thu là có mặt Cúc. Cúc vui đùa cùng bè bạn cho đến hết thu, qua Đông và cũng góp mặt ba ngày Xuân cùng với Tết. Mùa Thu và hoa Cúc xưa nay vẫn là nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ như thi sĩ, văn sĩ,  họa sĩ, nhạc sĩ: Tương Phố với Giọt Lệ Thu, Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu,  nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với Lá Đổ Muôn Chiều, Thu Quyến Rũ, nhạc sĩ Đăng Thế Phong với Giọt Mưa Thu, Đêm Thu…Hầu như không nhiều thì ít người nghệ sĩ nào cũng có vài tác phẩm để đời. Có một điều chừng như đặc biệt là những người có duyên nợ với mùa Thu thì không thể hững hờ với hoa Cúc và coi hoa Cúc như cái hồn cốt, cái thần thái của mùa Thu. Các cụ ngày xưa thường cảm thấy không gì hứng thú bằng dưới bầu trời mây xám bàng bạc bay, khí thu mát mẻ, cùng một vài người bạn tri kỷ thưởng thức từng ngụm hoàng hoa tửu, nhìn từng đóa hoa Cúc ngả mình theo gió heo may như chào đón khách đang chăm ngắm, thưởng ngoạn mình. Chẳng vậy mà một nhà văn nọ đã phải thú nhận nỗi đam mê của mình đối với hoa Cúc:

Mùa xuân này tôi về lại vườn xưa. Lòng ba bận bâng khuâng đi tìm hoa cúc. Nắng buổi sáng mênh mông giăng kín những lối đi rất nhiều sương mù. Ngơ ngác bên triền sông, một tiếng chim kêu cô lẻ, rừng rực trong cơn mê, mắt chợt bắt gặp một trời hoa Cúc. Ơ! ai như em ngày xưa vận áo vàng để cho tôi một đời lụy ngã sắc hoa.” Nguyễn Xuân Hoàng (Hồn Mai) 

Và tôi, mỗi độ thu về lòng tôi cũng lại nao nao nhớ về những kỷ niệm, những ngày đầu đi học.

Lời Kết . 

Ngày xưa Bá Nha không thể xuất hồn phóng tạo nên những giai điệu say đắm mê hồn nếu không có người nghe đồng điệu là Tử Kỳ. Cùng lẽ ấy, hoa Cúc, nếu không có trời Thu thì sắc Cúc không thắm, hương Cúc không nồng, không ngát để nương theo từng cơn gió thoảng. Hoa Cúc là biểu tượng của đức tính người quân tử “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa“. Mùa Thu và hoa Cúc gắn bó, hòa quyện với nhau, tạo sinh một tình yêu bất tử: Càng đi sâu vào tình yêu, con người càng gần với sự bất tử. Deeper in love, closer to Immortality (Dostoevsski) .

Sài Gòn, những ngày cuối thu Bính Thân 2016.

Nguyễn Văn Chương

hình : nguồn Net

 

Có 2 bình luận về Mùa Thu và hoa cúc

  1. Xin đón chào đồng nghiệp Nguyễn văn Chương, sự đóng góp của thày Chương cho trang nhà là một niềm vui cũng như niềm hãnh diện cho tất cả các cộng sự viên và các anh chị em cựu học sinh TPH, nhất là của các học sinh đã có học với thầy tại trường trung học TPH từ 1970 trở đi.

    Bài viết ” Mùa Thu và Hoa Cúc ” là một bài biên khảo rất công phu, không khô khan mà lại mượt mà, êm dịu đầy ý thơ với trích dẫn những đoạn thơ hay của các thi sỹ và các nhà văn nổi tiếng.

    Cám ơn GS Nguyễn Văn Chương đã đem đến cho bạn đọc trang nhà những giây phút thoải mái vì được thưởng thức một bài viết hay.

    Lê-Thân Hồng-Khanh

  2. Phong Tâm nói:

    Độc đáo hơn, khi đọc bài biên khảo của anh Nguyễn Văn Chương như được đi trên cánh đồng quê hương lồng lộng thở khí trong lành… với những bài trích dẫn thơ, văn nổi tiếng mà gần gũi, thân thiện, không làm cho người đọc nghẹt thở như đọc những bài… (ngàn năm lặp đi lặp lại cũ mòn)… “cố giải thích” văn cảnh bí hiểm, ngồn ngộn, sặc mùi, quánh đặc… không còn có chỗ để thở! Cám ơn anh cho tôi một luồng gió mới trước thềm xuân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác