Xem Xi-Nê ngày xưa

Ngày đăng: 21/09/2016 10:11:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (13)

Bà nội của tôi lúc trẻ có đi buôn nên khi về già vẫn dẽo dai, đi bộ khỏe. Chị em tôi là cháu nội đầu tiên nên được bà thương, hay dẫn đi chơi, và đi xem “hát hình” là tiết mục được chúng tôi ưa thích. Lúc ấy ba tôi là lính, được cấp nhà trong khu gia binh ngay phía sau chợ Vĩnh Long ngày nay (sau dãy phố ngó ra cầu tàu có nhà thêu Ngũ Châu). Buổi chiều, khi trời đã mát, bà dẫn các cháu đi đến rạp Lê Thanh xem hình quảng cáo phim phía trước và trong sảnh rạp. Những bức hình quảng cáo tô màu sặc sở, với chúng tôi, sao mà đẹp lạ. Chị tôi lớn, biết đọc nên đến quầy vé xin cái “dò ram” (program) để đọc cho bà cháu cùng nghe và bàn luận. Chúng tôi còn thích đi xem “hát hình” vì thế nào cũng được ăn quà: Khi thì cây kẹo bông gòn, que mứt tầm ruột, xâu mía ghim, kẹt lắm là củ khoai hay vài củ ấu.

Tôi bắt đầu biết đi xem xi-nê một mình là tại rạp Lê Thanh (Vĩnh Long) với phim Như Lai Thần Chưởng. Bộ truyện Như Lai Thần Chưởng vốn khá nổi tiếng và tôi đã xem qua nên khi thấy quảng cáo chiếu phim là tôi lập tức mua vé vào xem. Bắt đầu buổi chiếu là phim thời sự. Phim thời sự vừa dứt là đám khán giả nhi đồng chúng tôi vổ tay rào rào. Phim chính được chiếu. Hai bên đánh nhau, thi triển công phu, mười thành công lực được tung ra, tiếng nổ vang rền, đá, cát, bụi bay tung tóe… Thời ấy kỹ xảo điện ảnh còn rất kém, chưởng phong là những đường được kẻ thêm trên phim, thỉnh thoảng có những đoạn đánh nhau quyết liệt thì đoạn ấy được tô màu lục, lam, xám, vàng, đỏ… tùy tình huống, vì lúc ấy chưa có phim màu! Tôi say sưa xem, nhưng ngặt nỗi người ngồi ghế trước cao quá, nhìn không thấy hết màn hình, thế là tôi ngồi chồm hổm để xem. Trên màn ảnh, hai bên đánh nhau quyết liệt, chưởng phong cuồn cuộn, tôi sợ quá nép sát vào lưng ghế và … lọt đứng xuống đất do mặt ghế bật ngửa ra sau. Chuyện nhỏ! Tôi trèo lên xem tiếp. Mấy lần như thế.

Rạp Văn Cầm nằm trên đường Trần Hưng Đạo,Sài Gòn  gần ngã tư Nguyễn Biểu, cũng gần nhà cô Tư của tôi. Cô có nhiều con, các em trạc tuổi tôi. Vì nhà chật, gác gỗ, mái tole, ban ngày rất nóng, phần trệt dùng để  kinh doanh, thế là anh em chúng tôi bồng bế, dắt díu nhau đi chơi. Tiền sảnh rạp Văn Cầm là địa điểm tập trung  chúng tôi ưa thích. Khi đã quen mặt mấy chú soát vé, mấy cô bán vé, chúng tôi lân la vào đường hẻm bên hông rạp xem mấy chú họa sĩ vẽ hình quảng cáo cho phim. Phải công nhận mấy chú vẽ nhanh và hay thật. Theo tôi, phải phong cho mấy chú vẽ hình quảng cáo phim, mấy chú bán bong bóng có vẽ hình cho trẻ em là họa sĩ nhân dân. Họ là những người mang mỹ thuật đến với quần chúng nhân dân lao động, kể cả đám trẻ em chúng tôi.

Rạp  Thăng Long nằm trên đường Cống Quỳnh (xéo một tí là trường Hưng Đạo của thầy Nguyễn Văn Phú) là nơi tôi học được … từ vựng (vocabulary) tiếng Anh khá nhiều. Thời tôi đi học hiếm có chuyện học thêm, học bớt! Đệ nhị lục cá nguyệt năm lớp 11 (Bộ Giáo Dục vừa đổi tên: lớp đệ nhị thành lớp 11) tôi mới ghi tên học một course Toán-Lý-Hóa tại trường Hưng Đạo (nay là trường cấp II Chu văn An), rất gần rạp Thăng Long. Rạp thường chiếu các phim cowboy Ý, phim kiếm hiệp Hồng Kông là những phim tôi cực thích và được chiếu thường trực,  tuy có mất hay một tí nếu vào không đúng xuất,  nhưng rất tiện cho những người “phải tranh thủ” như tôi. Thời ấy phim chiếu có phụ đề tiếng Anh, Hoa, Việt nên người xem được thưởng thức âm thanh nguyên gốc, không bị cảnh diễn viên hát nhạc Tàu người xem được nghe… ngâm thơ lục bát! Thế là tôi chú ý học các từ tiếng Anh được đối chiếu với các từ tiếng Việt  cùng xuất hiện trên phụ đề. Mà học bằng cách này dễ nhớ thật! Chỉ xem qua một vài lần là nhớ. Tình cờ năm này trường xếp cho lớp tôi được học tiếng Anh với cô Đào Kim Phụng (lớp 11B6 [niên khóa 1971] chúng tôi có một kỷ niệm nhớ đời với cô), trẻ, rất chịu khó dạy cho học sinh nói tiếng Anh, nhờ đó tiếng Anh của tôi mới tiến bộ.

Rạp Rex sang trọng đúng với tên gọi. Lối đi trong rạp trải thảm đỏ, nhân viên phục vụ (soát vé, trật tự) mặc đồng phục có cầu vai, áo có nút đồng, đầu đội képi,  cung cách lịch sự. Ai xem trên lầu thì sử dụng thang cuốn (escalator) để lên. (Theo chỗ tôi biết đó là tòa nhà đầu tiên ở SG được trang bị thang cuốn). Với cung cách phục vụ lịch sự ấy khách vào xem cũng trở nên lịch sự, tự giác xếp hàng chờ dù phim chiếu ở rạp rất hay, ai cũng muốn vào xem ngay. Theo các tạp chí điện ảnh và phim trường, phim sau khi chiếu bên Pháp khoảng một tháng thì đến Việt Nam (rạp Rex), và phải hơn tuần sau mới về đến Cần Thơ. Tôi có nhiều kỷ niệm khi xem hát ở đây. Lần xem phim Un Peu de Soleil dans L’Eau Froide (Sunlight on Cold Water) tôi đi với cô bạn gái (thật ra còn có thêm bạn của cô bạn) và tôi đã kịp… nắm tay cô bạn gái, trước khi cô bay sang trời Tây mấy tháng sau đó.

Sau giải phóng, rạp Rex có phần xuống cấp nhưng vẫn là một trong những rạp đẹp, sang nhất thành phố. Do đã quen xem phim Pháp, Mỹ… nên phim của các nước  XHCN ít được khán giả đánh giá cao. Một buổi sáng có tí việc tôi phải ra khu chợ Sài Gòn. Làm xong việc, còn thừa thời gian thế là tôi thả sang rạp Rex. Hôm ấy rạp chiếu phim The Reeds (Cây Sậy) của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Phim nói về số phận của một phụ nữ sống vùng phía đông nước Đức trong và sau Thế chiến thứ II. Phim hay, rất ý nghĩa. Đẹp và ý nghĩa ngay từ khung hình đầu tiên: Cảnh một cái ao trong mùa hè, có sàn nước ở một góc ao. Cỏ trên bờ úa vàng, những cây sậy mọc ven bờ rung rinh theo gió… Có khoảng 50 người cùng mua vé vào xem với tôi, sau khoảng 15 – 20 phút chiếu khá nhiều khán giả bỏ ra về. Khi hết phim, đèn bật sáng, tôi và 5 – 6 người khác đứng dậy. Rất nhiều người đang … triền miên trong giấc điệp.

Phim Teheran – 43 được đánh giá rất cao, được xem là một thành tựu của điện ảnh Liên Xô. Khán giả thành phố nườm nượp mua vé vào xem. Tôi cũng mua vé vào xem vì… phim có sự tham gia của thần tượng của tôi: diễn viên Pháp cực kỳ đẹp trai Alain Delon, dù chỉ là vai phụ, xuất hiện vài phút thì bị bắn chết! Cốt truyện phim xoay quanh cuộc họp của lãnh tụ 3 nước Anh, Mỹ và Liên Xô. Phe Phát xít cho điệp viên Gestapo sang Teheran tìm cách ám sát 3 nhà lãnh tụ, phá cuộc họp. Nhân viên OSS tổ chức tình báo của Mỹ (tiền thân CIA) biết được âm mưu nhưng dở nên

không tìm ra manh mối, Alain Delon trong vai thanh tra Phòng II Pháp phăng dần, sắp tìm ra manh mối nên bị khử. Điệp viên KGB giỏi nên hạ được điệp viên của Gestapo, chận đứng âm mưu. (Tôi thắc mắc thủ tướng Anh Churchill là một trong ba người dự cuộc họp sao không có Scotland Yard của Anh bảo vệ, mà có sự xuất hiện của Phòng II Pháp? Điều này cũng không quan trọng, điều quan trọng là được thấy mặt thần tượng của tôi sau một thời gian dài… không được xem phim Pháp.) Khi Alain Delon trúng kế, rượt theo điệp viên Gestapo chạy xuống bờ sông thì bị phục kích bắn vào ngực té ngửa. Lúc Alain Delon trúng đạn giật nẩy người lên, trong rạp có nhiều (phải cả trăm) tiếng rú thất thanh “Á” đầy đau đớn như thể họ cũng bị trúng đạn, mấy giây sau trong rạp vang lên tiếng “Ồ” ngạc nhiên, nhỏ và trầm hơn, nhưng của đông người hơn. Một khoảng im lặng  của những người xem phim,  rồi nhiều người đồng loạt không nhìn lên màn ảnh nữa mà quay sang nhìn nhau. Người “Ồ” quay sang nhìn mặt một người “Á” ngồi gần mình nhất để thấy một nụ cười bẻn lẻn. Tôi nằm trong số những người “Ồ”. Một cảnh tượng khó quên.

Tôi có người bạn thân nhà ở khu ngã ba Ông Tạ. Vì nhà xa nên thỉnh thoảng tôi mới đến chơi nhà bạn, cùng đi uống cà phê rồi vào rạp Đại Lợi xem nếu đang chiếu phim hay. Đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm văn Hai)  đoạn từ rạp Đại Lợi trở đi cho đến Trương Minh Ký (nay là Lê văn Sĩ) hai bên đường đặc rật những quán  “Lá Mơ, Cầy Tơ 7 Món”. Sau khi xem phim chúng tôi lại ghé vào đấy làm dĩa rựa mận và tô xáo măng, cưa đứt vài xị. Điều buồn cười là khu đất đối diện rạp Đại Lợi trước là nghĩa địa, sau này được giải tỏa làm khu dân cư. Và cũng không biết thế nào mà rất nhiều dân Korea đến khu này mua nhà, hay thuê nhà sống. Họ sống tập trung ở đây nhiều đến nỗi dân thành phố gọi khu này là khu Hàn quốc. Một khu phố Hàn ngay giữa khu “phố Lá mơ”, vốn là món khoái khẩu của họ. Quả là duyên tiền định!

rap-phim-o-saigonTái Bút:

Lá số tử vi của tôi cho biết, tôi không có “quý cách”, thường hay bị tai nạn, nên chắc chắn sẽ có bạn hỏi “bài học nhớ đời” của tôi là gì?

Năm lớp 11, trường xếp cô Đào Kim Phụng dạy tiếng Anh cho lớp tôi. Cô còn trẻ (tôi đoán mới ngoài 30), đẹp (trong khung cảnh giáo sư trường đa phần đã luống tuổi), trong lớp chỉ nói tiếng Anh, không chịu … “phụ đề Việt ngữ”, và chỉ chú trọng dạy nói, ít dạy theo quyển English for Today, quyển màu lục. Một số bạn cùng lớp “chịu không thấu” cách dạy nầy. Có bạn đề nghị lớp làm đơn xin đổi giáo sư. Tôi ham vui nên ký tên vào đơn. Kết quả? Là một bài học nhớ đời cho những ai ký tên trên đơn (gần như cả lớp trừ vài bạn hôm ấy nghỉ bệnh). Hiệu trưởng chính thức của trường là thầy Nguyễn Thanh Liêm, lúc tôi học thầy đã làm Giám đốc Nha Trung học, nhưng vẫn giữ chức hiệu trưởng trường, còn cô Đào Kim Phụng là vợ của thầy. Học sinh chúng tôi chỉ biết thầy Hiệu trưởng tạm quyền, nào biết cô Kim Phụng là “Bà Hiệu trưởng” của trường chúng tôi (và còn là “Bà Giám đốc” Nha Trung học)? Khi cô, trò “đã biết nhau”, mọi việc trở nên vui vẻ. Lớp chúng tôi, dù là ban Toán, nhưng nhiều bạn nhờ thế, nói tiếng Anh khá tốt.

Nói đến cụm từ “Bà Hiệu trưởng”, tôi, và nhiều bạn sinh viên sư phạm thời ấy lại nhớ đến một giai thoại gắn liền với cô Tỵ, hiệu trưởng trường Gia Long. (Em xin lỗi cô Trí và cô Khanh vì đã nói xấu trường của hai cô.) Đám giáo sinh chúng tôi vẫn truyền miệng nhau việc một đàn anh (hay đàn chị) đến trường Gia Long trình diện nhận công tác. Gặp cô Tỵ, người này đã nói, “Thưa Bà Hiệu trưởng…” Cô Tỵ cắt ngang: “Gọi tôi là cô!” Dù giai thoại rất phổ biến trong giới sinh viên sư phạm, nhưng nhiều thầy, cô chuyển trường về dạy Gia Long (do không biết), những sư huynh, sư tỷ của tôi khi đến trường Gia Long trình diện (chắc là do khớp) vẫn phạm phải điều “cấm kỵ” ấy, và kết quả họ nhận được là … như nhau.

Nguyễn Hoàng Long

<[email protected]>

Có 13 bình luận về Xem Xi-Nê ngày xưa

  1. Thắm Trần nói:

    Xin cám ơn tác giả đã cho đọc 1 bài viết thú vị về việc xem xi nê của anh hồi xửa, hồi xưa và không khỏi  bồi hồi  xúc cảm với những kỷ niệm ấu thơ ùa vềkhi được nhìn lại  tấm hình  rạp  chiếu bóng Lê Thanh đồ sộ của VL ngày trước  nay chỉ còn là bãi đất  trống nhỏ hẹp.

    Hoàng Thắm Trần

  2. My Nguyen nói:

    Anh Hoàng Long ơi! Vừa đọc phần đầu bài viết “Xem xi-nê ngày xưa”, MN đã đoán là bài của anh rồi. Đến đoạn ngồi chồm hổm để xem phim rồi lọt thỏm xuống dưới thì quả quyết không còn ai khác nữa. Vẫn giọng văn chân thành, mộc mạc…đã đưa đọc giả về một câu chuyện ngày xưa thật thú vị. Cảm ơn anh HL nhe!

    • Long viết bài nầy sau khi xem ảnh những rạp hát ở SG xưa. Thấy cảnh cũ, nhớ việc xưa. Nhờ viết bài nầy nên được bạn Thắm phản hồi cho biết ở VL, rạp Lê Thanh nay không còn. Bài viết hóa ra gơi nhớ. Cho Long hỏi, những bài viết lung tung chuyện trên đời của Long mà cũng có style à? Ghê thế!

  3. Thế hệ của tôi và các cựu học sinh ngày xưa chỉ có hai thú vui đáng kể, đó là đọc sách và xem chớp bóng. Cả hai thú vui này đều phải tốn tiền, với khoảng tiền túi hạn hẹp nên  phải để dành lâu mới mua được một cuốn sách hoặc đi xem một phim mà mình thích.

    Thuở nhỏ tôi thường xem phim trẻ em ở rạp Thanh Bình, lên Trung học hay xem phim ở rạp Lê Lợi hoặc Vĩnh Lợi ở vùng chợ Bến Thành nơi dành cho học sinh và sinh viên mê xem phim nhưng ít tiền, sang hơn nữa thì có rạp Đại Nam ở đường Trần Hưng Đạo, đối diện với trường tiểu học Tôn Thọ Tường.

    Thú vị nhất là hai rạp Eden và Majestic, chiếu phim hay, chọn lọc mà chỗ ngồi lịch sự, ghế da rộng rãi, êm ái, máy lạnh mát rượi và dĩ nhiên là đắt tiền nên rất ít khi được đi xem phim ở hai rạp này.

    Rạp Rex sau này mới được thành lập, rộng lớn và tân tiến nhưng không có cái không khí sang trọng, lịch lãm như hai rạp Eden và Majestic.

    • Thưa Cô,

      Khi em lên Sài Gòn, rạp Majestic không còn hoạt động, còn muốn đến rạp Eden phải đi ngang qua “Passage” Eden em ngại lắm, nhất là khi đi có …bạn gái. Vào đó xem dễ nhiễm bệnh … viêm túi! Em viết bài này sau khi vào link các rạp hát ở SG xưa do Cô cung cấp. Thấy cảnh cũ, nhớ việc xưa. Chào Cô.

  4. Hoành Châu nói:

    Bài  viết cực  hay  vì mang  tính chân thực  thời  tuổi  nhỏ  ( tôi  cũng  một  lần  bị  xụp  ghế  ngồi  ,,,là   tởn  ),  ai  qua  nỗi  Hoàng  Long ,,  chuyên gia dự  thính  định  kỳ  và thường  kỳ tại  các  rạp  chiếu  phim  ?,,Alain   Delon  ~  diễn viên phim  màn ảnh  rộng  nổi  tiếng  rất  lâu  dài  ,,ai  chưa  biết  nhiều  về phim  trường   cũng  biết  được  người  nổi  tiếng  này  !!,,                    Chúc  Hoàng  Long  vui  , khỏe  để viết  bài  hay  cho  Trang  nhà  nhé ,                       Hoành Châu  (Gia đình  C  )

  5. Anh Hoàng Long, năm đổi tên lớp anh học lớp 11 , vậy là anh học trên Hương một lớp. Anh được đi nhiều và xem nhiều nên cũng biết nhiều. Hương hồi đó ít được xem nên lại nhớ kỹ phim , hồi đó Hương thích phim ” Tình Thù Rực Nắng” ( Meutre aux soleil ) nội dung đơn giản nhưng diễn viên và cảnh quay đẹp. Trí nhớ của anh tuyệt vời quá !

  6. Cô Tỵ dạy chúng tôi môn Pháp Văn tại Gia Long ngày xưa. Vì là GS Pháp Văn nên cô Tỵ đã phân biệt hai chữ “cô” và “bà” giống như người Pháp vẫn dùng.” Cô ” ở đây không phải để chỉ cô giáo mà được dùng trong việc xưng hô cho những phụ nữ chưa lập gia đình dù người phụ nữ đó có lớn tuổi như thế nào đi nữa. “Bà” để dùng cho những phụ nữ đã có gia đình.

    Cô Tỵ độc thân, không có gia đình nên cô muốn mọi người gọi cô bằng cô cho đúng cách. Quý vị nào không biết, xưng hô không sai, bị cô sửa lưng thì cũng không lấy gì làm lạ.

     

  7. Thu Cúc nói:

    Cám ơn anh Hoàng Long đã cho người đọc những chuyện xưa thật thú vị về quê hương , kỷ niệm tuổi thơ , tuổi học trò ….Gu của tôi là thích những gì thuộc thời xưa cũ dù cũng chưa đến tuổi già lắm . Anh viết văn như kể chuyện , nhiều chi tiết thật . Lời văn mộc mạc mà rất hấp dẫn .Người đọc đôi lúc phải bật cười thành tiếng .Nhiều người đọc và ngỡ như có mình trong đó : Sao mà giống …

    Hồi đó tôi còn nhỏ xíu . Tôi thường đi xem phim với má tôi ở hai rạp Vũ Đông và Lê Thanh.Má tôi rất mê cải lương , thích cải lương kiếm hiệp ( tuồng chưởng) nên thường xem phim võ hiệp , có các diễn viên Lý Tiểu Long , Địch Long , Khương Đại Vệ đóng

    Tôi cũng thường đi coi phim với chị ( chị tôi đi xem phim với bạn trai dẫn tôi theo để làm “kỳ đà cản mũi” Bạn trai của chị không nắm tay chi đươc nên buồn 5 phút!)

    Anh đã kịp ” nắm tay ” cô bạn gái là hạnh phúc lắm rồi .Cái thuở xa xưa đó mà nắm tay là sung sướng lắm nhỉ ? Chuyện bây giờ mới kể đó hả anh Hoàng Long  ?

    • Phải thú thật với chị tôi thuộc loại “việc người thì sáng, việc mình (làm, người khác nhìn) phát chán”. Thật sự tôi… nhát lắm. (Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/Chỉ biết yêu thôi, chả hiểu gì). Sở dĩ tôi có cái may mắn đó là do … đạo diễn phim đưa đẩy. Khung hình từ cảnh mặt hồ mùa thu nắng nhẹ, đột nhiên bị kéo xuống đáy hồ sâu, tối mờ, tạo cảm giác làn nước ở đó lạnh cóng. Cái lạnh trên màn ảnh được truyền xuống và hai chúng tôi cảm thấy lạnh nên cầm tay nhau. (Thật ra tôi có đưa tay sang phần ghế của Oanh chút xíu.) Sung sướng thế nào? Lúc về tôi chạy xe một tay vì tay trái tôi không để cho đụng vào vật nào cả vì sợ… mất mùi. Cũng may Oanh ngồi bên trái nên tôi mới làm thế được. Nói ra điều nầy chị có tin không?

  8. VOTHILAI nói:

    Em hay bận việc nhà nên ít mở máy,thường xem bài các anh chị trể  vì thế những điều em muốn nói các chị đã nói hết rồi.Bài anh Hoàng Long viết rất hay, nhìn lại rạp hát Lê Thanh thấy có ấn tượng ngay,nhớ có vài lần vào ra nơi ấy.Đoạn tái bút của anh dí dỏm,nhưng rất thưc đọc thấy vui vui . Chúng em đợi xem nhiều chuyện mới của anh.

Trả lời Thu Cúc Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác