Nói chuyện với Yên Dạ Thảo về món hoành thánh mì

Ngày đăng: 21/08/2016 11:20:04 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Mỗi lần vào trang nhà, việc đầu tiên của tôi là để mắt xem Bếp Ấm có gì mới lạ hay không. Mang tiếng là được các em phong cho làm ” Bếp Trưởng ” nên phải chăm sóc làm sao để căn bếp nhỏ của mình luôn luôn ấm áp và lúc nào mùi thơm của các món ăn cũng ngào ngạt, có thế thì mới thu hút được khách vãng lai ghé thăm Bếp Ấm.

Hôm nay cũng như thường lệ, ghé qua Bếp Ấm mà lòng thật vui khi thấy món ” Hoành thánh mì ” của Yên Dạ Thảo. Tiện đây cũng nên bàn thêm một chút về tên của món ăn này; Yên Dạ Thảo gọi là ” hoành thánh “, tôi gọi là ” hoành thắn ” ngoài ra tôi còn nghe có người gọi là ” mằn thắn ” và ở Đức, trong thực đơn của các tiệm Á Châu là ” won tan “, tên gọi không thống nhất nên không biết thế nào là đúng, có lẽ vì phiên âm từ tiếng Tàu mà ra. Riêng về phần tôi, tôi vẫn dùng chữ ” hoành thắn ” để chỉ cho món xúp mà mình yêu thích.

Làm sao không vui cho được khi gặp được món ăn mà mình ưa thích, có thể nói đó là một trong những món ” khoái khẩu ” của tôi. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại thích món này, những cọng mì dai dòn, những viên hoành thắn vàng ươm, cắn đôi ra là đã cảm nhận được tất cả mùi vị thơm ngon của thịt của tôm hài hoà với các gia vị, nhất là mùi thơm của dầu mè. Bát mì hoành thắn sẽ ngon ngọt, đậm đà nếu nước dùng ( nước lèo ) được nấu đúng tiêu chuẩn, chẳng hạn như Yên Dạ Thảo đã trình bày trong công thức của mình.
Nước dùng vì thế cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của bất kỳ món xúp nào. Mặc dù cũng nấu bằng xương với rau củ nhưng tuỳ theo sự nêm nếm gia vị cũng như những bí quyết riêng, cách nấu riêng của các bà nội trợ mà tôi có thể đoan chắc, không có nồi nước dùng ( nước lèo ) nào giống nồi nước dùng nào cả.
Vào mùa đông tôi thường nấu món mì hoành thắn cho gia đình vì không gì thú vị hơn là thưởng thức một bát xúp nóng trong khi nhiệt độ bên ngoài xuống dưới 0 độ. Những muỗng nước dùng ( nước lèo ) nóng, thơm ngon đã làm ấm cả người !

Món mì hoành thắn cũng gắn liền tôi với nhiều kỷ niệm, kỷ niệm ngày xưa ở Hà Nội vào ngày cuối tuần, được ba mẹ dẫn đi ăn tại xe mì hoành thắn nổi tiếng, gần với nơi mẹ làm việc. Vào Saigon cũng hay được ba mẹ cho ăn mì hoành thắn, đôi khi đổi món là tô há cảo tại một tiệm mì ở Ngã sáu, gần rạp hát chuyên chiếu phim Ấn Độ.
Mỗi lần được đi ăn với ba mẹ và các chị em là những kỷ niệm khó quên bởi vì phần lớn vào cuối tuần, mẹ thường nấu những món ngon đặc biệt cho cả đại gia đình tại nhà. Ba mẹ quan niệm, ăn uống ở nhà vẫn an toàn và sạch sẽ hơn. Tôi vẫn phân vân, tại sao ba mẹ lại đưa chúng tôi đi ăn mì hoành thắn ở tiệm, có lẽ tại mẹ không thể nấu món này ngon như ở tiệm…..đến nay tuy đã nấu được món này nhưng nước dùng ( nước lèo ) của tôi không thể nào có được cái hương vị đặc biệt của nước dùng trong các tiệm của người Tàu. Nếu quý vị hoặc anh chị em nào biết bí quyết này, xin chỉ dùm.

0 htmi 1

Hình 1/ Bánh tôm ăn kèm với hoành thắn mì ( bột gạo + bột mì ) được đổ trên chảo non-stick. Các món ăn của Yên Dạ Thảo là những món ăn ngon, làm nhanh và gọn, không bày vẽ cầu kỳ vì Yên Dạ Thảo thông cảm với những người cũng phải bận rộn đi làm như mình, không có nhiều thì giờ khi vào bếp. Đó là một ưu điểm, Yên Dạ Thảo nên tiếp tục duy trì.Riêng tôi đã trong tuổi hưu, thì giờ thừa thải, tôi hay bày vẽ, thêm bớt cho món ăn của mình. Với món hoành thắn mì, tôi thêm một miếng bánh mỏng làm bằng bột gạo và bột mì, ở giữa là một con tôm nhỏ ( con tép), sau đó đem chiên vàng. Ngoài ra, nếu siêng, tôi làm thịt xa xíu hoặc thịt khìa, làm nhiều một lúc rồi để vào tủ đá ( đông lạnh ), khi nào cần thì lấy ra dùng. Thịt này sau khi được hâm lại bằng microwave sẽ được thái thành những lát mỏng để lên trên tô mì hoành thắn cùng với miếng bánh tôm, như vậy là đủ bộ, không khác gì tô mì hoành thắn mà tôi đã được ăn trong tiệm thuở xa xưa.

0 htmi 2

Hình 2/ Bánh tôm trước khi chiên vàng.

0 htmi 3

Hình 3/ Bánh tôm sau khi đã chiên vàng trong chảo đầy dầu ( deep-fry ) Tại Đức, mỗi lần vào ăn ở tiệm Á Châu tôi đều kêu một chén nhỏ mì hoành thắn làm món khai vị mặc dù tôi biết trước là sẽ không vừa ý. Các tiệm ăn Á Châu tại Đức đều nấu ăn chiều theo khẩu vị của dân bản xứ nên các món ăn đều mất đi vị Á Châu rất nhiều. Cách đây hai năm, nhân sang Singapore, hai người bạn quen là dân Singapore chính cống đã đưa chúng tôi đi chơi và đi ăn uống ở mọi nơi, đặc biệt là tại các Food courts gọi là Hawker Centres, nơi ăn uống bình dân, giá phải chăng và có rất nhiều gian hàng nhỏ bán nhiều món ăn của nhiều nước khác nhau nên tha hồ mà chọn.Tôi vui lắm vì tôi nghĩ là thế nào tôi cũng được thưởng thức một tô mì hoành thắn thật ngon, có thể ngon hơn cả những tô mì mà tôi đã được ăn tại Hà Nội và Saigon. Singapore đã nổi tiếng là thiên đàng ăn uống về những món ăn do người Tàu chính cống nấu. Thế mà tôi đã không tìm được món ăn khoái khẩu của tôi, có lần tôi đã gọi món mì hoành thắn như trên bảng ghi thì quý vị có biết món ăn của tôi như thế nào không; một dĩa là mì và hoành thắn, một chén nhỏ nước tương được chế biến với gia vị và một chén lớn hơn chén ăn cơm một chút là chén nước dùng ( nước lèo ) trong veo. Tôi buồn năm phút, lấy mì và hoành thắn bỏ vào chén nước dùng ăn tạm để có cảm tưởng đang ăn chén mì hoành thắn bình thường. Chị bạn người Singapore nhìn tôi kinh ngạc, sau đó chị nói nhỏ với tôi, ở đây người ta không bao giờ ăn như vậy. Mì và hoành thắn được chấm vào nước xốt để ăn còn nước dùng chỉ để mà húp sau khi đã thanh toán xong dĩa mì hoành thắn. Dù thất vọng nhưng cũng thầm cám ơn là nhờ đó mà tôi ” khôn ra ” một chút, biết thêm một khía cạnh nhỏ về việc ăn uống ở Singapore. Ông bà mình quả đã không sai ” đi một ngày đàng, học một sàng khôn ” !!!

Bài viết và hình: Lê-Thân Hồng-Khanh ( 8/2016) 

 

Có 4 bình luận về Nói chuyện với Yên Dạ Thảo về món hoành thánh mì

  1. Thu Cúc nói:

    Kính gởi cô Hồng Khanh !

    Đọc bài viết của cô, em lại thấy thèm món mì hoành thắn nữa rồi !.Người có tâm hồn ăn uống mà ! Không ngờ cô còn nhớ rất chi tiết về món ăn này cũng như những món ăn quê nhà .Bài viết về món ăn mà cô viết rất tình cảm .Đúng vậy cô ạ ! Món mì hoành thắn của người Hoa nấu mới ngon .Nó có hương vị đặc biệt lắm .Em rất thích ăn cái bánh tôm chiên .Nó mỏng , giòn và thơm ngon làm sao !.Ở Sài Gòn , muốn ăn hoành thắn mì phải đến Q5 .  Người Hoa có bí quyết nấu nước dùng, .không biết họ để chất gì mà tô mì có mùi thơm rất hấp dẫn .

    Cô thật hạnh phúc có dịp đi nhiều nơi . Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn cô nhỉ?Đoc bài viết của cô , em cũng học được nhiều thứ .Cám ơn trang nhà Tống Phước Hiệp !

    • Thu Cúc là người có “tâm hồn ăn uống” như cô, ráng tìm , nghiên cứu và hỏi làm sao mà có bí quyết nấu nước lèo có mùi vị đặc biệt như tại các tiệm mì của người Tàu. Nếu kiếm được Bếp Ấm sẽ gắn huy chương cho em.

  2. Yên Dạ Thảo nói:

    Cô Hồng Khanh kính mến,

     

    Vì em sắp đi Vacation nên gần hai tuần nay em khá bận rộn để thu xếp việc nhà và việc làm trong sở cho đến hôm nay em mới có thời gian viết phản hồi cho bài biết của cô!

    Lần đầu tiên em mới nghe chữ “Hoành Thắn” đó cô ạ! Nơi em ở các nhà hàng gọi là “Wonton Soup”! Có người cho thêm mì sợi ăn chung với “hoành thắn”.

    Năm vừa rồi em về VN, cháu em mua cho một tô mì thánh ở để ăn tối! Ăn xong thì em bị cuốn họng vì có lẽ vì họ cho nhiều bột ngọt vào soup nên có vị ngọt như chè, có lẽ vì hợp khẩu vị nhiều người nên tiệm bán rất đông khách. 

    Bên Đức có món ăn nào đặc biệt và ngon không vậy cô? Nếu có cô cho đăng vài recipes thể các chị em CHS làm thử.

    YDT

     

    • Ý kiến rất hay, cô sẽ tìm xem món Đức nào thích hợp với khẩu vị của người VN mình và sẽ cho đăng trên Bếp Ấm. Chúc em đi nghỉ hè thật vui và thật thư dãn, thu được nhiều năng lực để về tiếp tục công việc hàng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác