Dân Xóm Nhỏ (2)

Ngày đăng: 27/05/2016 07:45:54 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Sáu Bờ-rô đặt lên bàn chai đế mới chiết ra từ kho, hắn cười hề hề:

– Ê Tám Lớ, mầy có nghe người ta nói : Đến đây không hát thì hò, không phải con cò mà cứ lo mổ con cua. Bửa nay bạn mình im re, thái độ bất hợp tác làng xóm nghen bạn.
– Tụi bây đá bao sân hết rồi, tao đâu còn cửa chen vô. Tao đang đợi thằng nào bị đốn què giò để được thay chân.
– Ê, nói chi ác vậy bạn mình. Nghe nói mầy cũng biết mần thơ. Sau không ý kiến về bài thơ “Chân cầu Danh Tấm” của Hai Chích.
– Mấy tay thất tình như Hai Chích nhà mình thì mần thơ tuyệt vời không cản nổi. Còn như tao đã mất nguồn cảm hứng kể từ dạo ấy, thì đâu còn thơ thẩn được cái gì.
– Té ra Hai Chích muốn mần thơ hay, trước hết là phải mang ít nhiều tâm sự.
Thằng Tí cầm chai rượu, vừa mở nút ‘ngó bần’ vừa nói:
– Hai Chích gặp đúng hoàn cảnh lay động chân tình, nguồn cảm hứng mới phát huy năng lực tối đa. Nhờ vậy mà tụi mình được nghe những câu thơ bên chân cầu Danh Tấm như hồi nảy. Tao nhớ hồi xưa còn ở xóm Chùa. Sau giờ học, tụi tao hay tụ tập trước nhà trọ của những ông thầy dạy trung học. Có ông nói rằng người da đen ở Mỹ có giọng hát cao vút tuyệt vời là do họ mang nỗi buồn thân phận, giọng ca thê lương cô đọng từ thời ông cha bị bọn buôn người bắt cóc khỏi làng bản quê hương. Khi người da đen được giải phóng nô lệ năm 1865 ở Mỹ, họ bắt đầu kết hợp thể điệu quê hương Phi châu pha trộn với nhạc Âu châu, ra đời loại nhạc Jazz thời đầu thế kỷ 20. Với âm lượng vút cao theo tiếng kèn trumpet rền rỉ rồi đột ngột ngắt ngang và tiếp theo là những nốt trầm kể lể xót xa.
– Tao chưa biết mà nghe mầy kể cũng thấy buồn cho bức tranh nô lệ khi xưa. Ê Tí, tổng thống Obama cũng là con cháu những người nô lệ đầu tiên đến Mỹ, hả mậy. Tao theo dõi công cuộc ổng đến thăm nước mình hỗm nay, thiệt là đáng nể.

– Barack Obama là con của du học sinh đến Mỹ từ Kenya. Obama Sr. cưới bà Ann Dunham, người Mỹ da trắng, lúc họ học chung đại học Hawaii và hạ sanh Barack Obama tại Honolulu cùng trong  năm 1961. Năm 1964 cuộc hôn nhân cặp đôi Kenya-Mỹ tan vỡ, họ ly dị. Năm 1965, bà Dunham kết hôn với một du sinh người Indonesia cũng theo học tại đại học đó. Không lâu thì bà dẫn đứa con nhỏ theo chồng về Jakarta. Ông Obama có cuộc sống thời thơ ấu tại Jakarta đến 10 tuổi thì trở về Hawaii sống với ông bà ngoại. Cũng trong năm ông mới trở lại Hawaii, ba ruột của ông từ Kenya qua thăm, đó là lần gặp rất hiếm hoi trong liên hệ cha con của họ. Năm 1982, Obama Sr. cha, bị tai nạn và qua đời trên lục địa châu Phi. Nghe nói, ông Barack Obama có quãng đời niên thiếu rất khó khăn và mặc cảm màu da vào cái thời mà quan niệm sắc tộc của xã hội Mỹ cũng chưa thoáng rộng lắm. Với sự cố gắng và vốn liếng thông minh, chàng thanh niên da màu Obama người không có bối cảnh lẫy lừng của gia đình, hoặc nhờ vả bất cứ một đở đầu hay lót đường. Anh ta đi từng bước nhỏ thành công trong học vấn và dấn thân tham gia các sinh hoạt xã hội và chính trị địa phương từ những nấc thấp nhất. Barack Obama tốt nghiệp nhiều đại học khác nhau, cuối cùng  anh tốt nghiêp ngành luật tại Harvard năm 1991. Obama trở lại Chicago hành nghề luật sư đến năm 1992, ông cưới Michelle một nữ luật sư trẻ tốt nghiệp trường luật của đại học Harvard, người mà ông có nhiệm vụ cố vấn trong thời gian cô nầy tập sự. Sáu năm sau ngày cưới, Michelle hạ sanh cô con gái Malia rồi cô Sasha vài năm sau cô chị. Không đợi tới lúc đắc cử tổng thống Mỹ năm 2008, thế giới đã biết tên ông qua cuốn tự truyện: Dreams from My Father, A Story of Race and Inheritance (tạm nôm na: Những mơ ước của ba tôi, Câu chuyện chủng tộc và thừa kế)  xuất bản năm 1995 và lần lượt dịch hơn 20 thứ tiếng. Thành công tự truyện viết cho cha mình, dù Obama thăm quê hương Kenya chỉ một vài lần sau khi ba ông qua đời.

– Ê Tí, mầy sơ lược về ông Obama như vậy cũng tạm đủ rồi. Tao khoái nhất là trong đêm ông tổng thống nầy nói chuyện với giới trẻ ở Sài Gòn, có ai nói “Ngài rất đẹp trai”, ổng trả lời tức thì “Thôi chấm dứt chỗ nầy được rồi”. Cả phòng cười ồ, có lẽ một ít người cũng có ý nghĩ tiếu lâm điền theo câu nói cho đủ nghĩa là: Bạn mà tấn công tiếp, chắc tui không đỡ nổi. Ha ha.

– Tám Lớ ơi, tao thấy quan chức và lãnh đạo Mỹ họ tự tin và thoải mái trong giao tiếp. Họ không hề lo lắng “lỡ mồm long móng”, hay sợ leo lề trật nhịp mà cẩn ngôn thủ khẩu như cái miệng bình tích.

– Đất nước họ chơi hàng hiến pháp, quyền hành và trách nhiệm qui định rõ ràng. Vì vậy tổng thống có bông đùa một chút hay mặt ngầu thì cũng không suy giảm hay tăng thêm quyền lực.

– Tao không biết tiếng Anh ngoài chữ ô-kê. Nhưng tao cảm nhận giọng nói ông Obama rất trầm ấm. Nghe như có chút gì chân tình, thiết tha, và xúc cảm làm sao ấy. Ê Lớ, Ông Obama biết mần thơ ngâm vịnh không Tám Lớ.

– Nếu có, tao tin cũng không độc như thịt chuột giống Hai Chích nhà mình. Giọng ngỗng đực của tao ngâm 4 câu thơ do Hai mình “xuất khẩu” dưới chân cầu Danh Tấm, nghe dùm tui bà con ơi:

Áo nàng đẹp như màu trứng Mỹ
Nửa hồn anh, em dấu kỷ nơi đâu
Sông sâu thiếu nước cũng rầu
Chân cầu Danh Tấm ốc hào chết khô 

– Tụi bây biết tại sao ốc hào đeo cột cầu bị chết khô hay không?

– Thì Hai Chích nói rồi, sông sâu thiếu nước mới rầu. Lâu nay mấy con hào đeo bám nọc cầu bê tông. Bây giờ mực nước hạ thấp hơn bình thường. Ốc hào lộ lưng mà vỏ đóng vôi cứng ngắc, tụi nó không chết khô mới lạ.

– Tại sao mực nước xuống thấp dưới mức bình thường. Hai Chích trả lời dùm đi, ngồi nhai chuối chát hoài vậy bạn mình.

– Mấy cha trên thượng nguồn ngăn đập làm thuỷ điện, mình ở hạ nguồn lãnh đủ.

– Ngăn đập rồi cũng phải xả, số nước đó cũng chảy xuống mình y chang khối lượng. Đúng không Hai Chích?

– Đúng thì ít, sai bét nhiều hơn. Tao thí dụ cho Năm mầy nghe chơi. Vợ mầy bỏ đói mầy 9 ngày liên tiếp, ngày thứ 10 phát cho mầy 20 chén cơm nói là phần ăn của 10 ngày đó. Dù ăn nổi mà không bể bao tử thì liệu sống nổi không. Nói “pha học” với Năm mình, Cữu Long là dòng sông có chiều dài 4350 km, như chiếc máng xối hứng nước từ những mái nhà cao nguyên ba-dan màu mỡ. Sông có nguồn bắt đầu từ những lạch nước nhỏ tận trên bình nguyên Tây Tạng chảy xuống Vân Nam và đi ngang qua các nước Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam-Pu-Chia trước khi luồn ngang Việt Nam bằng 2 nhánh Tiền và Hậu Giang. Dòng Cữu Long có một chiều chảy tự nhiên từ nguồn đổ xuống. Nhưng mỗi ngày có ít nhất 2 con nước lớn ròng trên các phụ lưu của nó, nhờ vào thuỷ triều cao thấp ngoài biển. Khi mực nước biển dâng cao mấp mé chỗ cửa sông ra biển, khối nước nguồn bị nghẽn ngỏ ra mà dồn lại và dâng cao, tuôn chảy và mang phù sa bụi đỏ vào các phụ lưu châu thổ Cữu Long. Còn tình trạng nhiễm mặn bao xa và bao đậm tại các vùng cửa sông là do áp lực dòng chảy Cữu Long quá yếu vì mùa khô hoặc vì các nguyên nhân khác, áp lực dòng chảy suy yếu nhằm lúc mực nước biển dâng cao. Hoặc khi mực nước biển thấp xuống mà lưu lượng dòng chảy sông Cữu vẫn yếu nhách, thì các phụ lưu không thiếu nước khô máu, đó mới là chuyện lạ.

– Tao không hiểu tại sao dòng chảy mà cũng hết xíu-quách, nhưng anh em mình vô một ly để cảm nhận bài thơ buồn đời “Bên chân cầu Danh Tấm” của Hai Chích.

(Còn tiếp)

Một Lúa

US President Barack Obama, speaking of receiving injections, frowns while addressing the American Nurses Association House of Delegates June 16, 2010 at a hotel in Washington, DC. AFP PHOTO/Mandel NGAN (Photo credit should read MANDEL NGAN/AFP/Getty Images)
US President Barack Obama, speaking of receiving injections, frowns while addressing the American Nurses Association House of Delegates June 16, 2010 at a hotel in Washington, DC. AFP PHOTO/Mandel NGAN (Photo credit should read MANDEL NGAN/AFP/Getty Images)

H10 ob 2H2

Có 2 bình luận về Dân Xóm Nhỏ (2)

  1. HOA ĐĂNG nói:

    Lúa ơi, bàn nhậu ở xóm nhỏ nầy có quá nhiều người thông thái bàn luận đủ thứ chuyện trong nước ngoài nước, chuyện nhân vật nổi tiếng, chuyện thủy văn, chuyện thơ văn, chuyện thời sự nóng hổi, bởi vậy người ta thường nói đàn ông vô bàn nhậu nhiều chuyện không ai bằng, xin nhắc lại là người ta họ nói chứ hỏng phải tui nghen. Còn nói về ông bạn Tám Lớ không thể viết đươc câu thơ nào vì không thất tình như ông bạn Hai Chích thì tui đành viết vài câu thơ tình thất dùm cho ông bạn Tám Lớ đây nhờ Lúa chuyển dùm nghen:
    Yêu nhau chi để thêm buồn
    Mỗi người mỗi ngả, tình vương vấn tình
    Rời nhau nỗi khổ làm thinh
    Thấm vào xương tủy, bóng hình mãi xa……….
    Tại thấy mấy bạn nhậu khui cái vụ không có tâm sự nên làm thơ không được tui mới ngẫu hứng viết thế thôi, hỏng đụng chạm ai à nghen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác