Thờ Chồng (5)

Ngày đăng: 20/04/2016 11:38:45 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Thời điểm Như Ngọc làm nghề thu mua cam quýt, bà con nông thôn còn thói quen bán đếm chục, lường bằng giỏ càn-xé hoặc bán xá nguyên vườn. Dù bằng cách nào, Như Ngọc cũng tìm cách định giá  công bằng và tính toán kỹ cho phần của mình và chừa phần lợi tối đa cho phía chủ vườn. Không như những người dùng giỏ lớn để mua, lúc bán ra bằng giỏ nhỏ hơn. Hoặc không lợi dụng hàng dội chợ thì ít  mà xích ra nhiều. Hay thấy người  vườn nhỏ thế cô, rồi ép giá dân quê chất phác. Tuy ra nghề lái cam quýt chưa tròn năm, người đàn bà đẹp và thật thà đã tạo được sự tin tưởng và gây chút tiếng tốt tại địa phương và những vùng lân cận. Những giỏ cam quýt kẻ sơn thương hiệu NN bắt đầu nhận được sự chú ý về chất lượng từ những vựa lớn ở Sài Gòn. Vì chuyện làm ăn mỗi ngày càng nới rộng, cô bắt đầu đi sớm về khuya, hoặc theo ghe tải đến những thị trường như Sóc Trăng Bạc Liêu, Rạch Giá cho hành trình 3-4 bữa phải vắng nhà. Bà Mười ở nhà ôm cháu với tâm trạng nửa vui nửa buồn và một chút lo âu cho đứa con dâu thân gái dậm trường trong thói đời cám dỗ.

Anh em thằng Siêng vào lúc đó cũng được ông nội gởi ở đậu ăn nhờ bà con có nhà bè sửa máy tàu tại bến chợ Trà Ôn để học nghề cơ khí đã gần năm. Một lần về thăm nhà ở Vàm Vồng, hai anh em mừng trong bụng khi có dịp chở một số giỏ càn-xé đem giao thím Hai Hậu. Hai đứa theo òn ỉ và hứa hẹn đủ điều, bà Mười có vẻ miễn cưỡng cho mượn quyển nhật ký của chú Hậu. Bà Mười đưa quyển sổ được bao bìa cẩn thận:
– Bà không biết hai cháu muốn biết chuyện gì, đứa nào lẹ mắt xem sơ có thích không, bà cho mượn 3 ngày. Còn không thích thì trả liền tại đây.

Hai đứa cháu ở nán lại chờ nước ròng để chèo xuôi ra hướng Chợ Vàm và tranh thủ đọc ngấu nghiến những dòng chữ của người chú thần tượng, mà nguyên nhân cái chết có dính líu với lần ăn nhậu do chúng chủ động một phần.
Vừa mở dây cột xuồng bung ra khỏi bến,  thằng Siêng nói với em  của nó:

– Tao rà rà đọc phớt phớt khúc đầu, chỗ chú Hậu làm gia sư dạy hai cô học trò. Một cô thương chú mình mà ồn ào quậy tưng, một cô chưa biết tình cảm ra sao, nhưng luôn giúp đỡ gở thế cho chú. Mầy đọc dài dài chỗ đó xem lúc nào chú gặp thím.

– Chuyện tình cảm của chú thím Hậu, tối nay em đọc cho anh nghe. Hồi trên nhà bà Mười, em đọc nhằm cái đoạn cũng hơi đặc biệt ở gần cuối. Anh thay tay chèo để em tìm chỗ đó.

Ngày 3 tháng 5 năm 1978   

Trưa hôm nay buồn quá, ngồi trốn nắng dưới gốc cây xoài quỳ dựa bờ mương. Anh Cả và anh Út đi ăn cưới từ sáng sớm. Hai anh gọi nôm na là đám “thú phạt” , gia đình ở đâu đó trong vịnh Giàn Xay. Mình hỏi thú phạt là gì, anh Út cười dòn: là chú rể chưa cưới mà tặng cô dâu cái bầu, đàng gái bắt buộc anh ta phải làm một đám tuyên bố đơn sơ nhưng cũng phải đàng hoàng theo kiểu đám cưới “đập nhẹp”. Mình định hỏi đập nhẹp có phải là không đúng hình thức, méo mó như cái hộp thiếc đựng đinh, thì anh Cả kéo mình  tới đống lá dừa nước đốn hôm qua. Anh Cả chỉ cách xé đôi sóng tàu lá, xếp trải phơi vài nắng trên sân, vật liệu để kết lại làm vách nhà trong chương trình sau khi lợp mái. 


Nắng đã xế qua, hai anh vẫn chưa về. Mình không còn việc gì để làm. Hai anh đã gát kèo và lên đòn tay cột ghịt chắc chắn, chỉ còn cây đòn dông mà có lẽ hôm qua tối quá không làm kịp. Mình ngồi trên đầu kèo và kéo cây tre gai đều đặn thẳng băng mà anh Cả chọn thật kỹ và để riêng ra làm cây đòn dông.

Mình đang lựa thế tựa cây tre vào cây kèo để bẩy lên. Thì có tiếng gọi từ con đường mòn trước sân nhà:

– Chú em ơi, dừng tay cho hỏi một chút. Tự nãy giờ tôi đứng ngoài nầy nhìn chú. Chú định làm gì đó.

– Cháu định gát cây đòn dông để đóng rui mè, sẵn sàng cho ngày mai tụi cháu lợp nhà.

– Tôi là Năm Y, nhà trong kia một đỗi. Nhà nầy chú em tự làm hay có thầy thợ nào giúp.

– Dạ có người người anh rành việc, cháu làm theo sự chỉ dẫn của ảnh. 

– Chú ở chợ mới về phải không, hồi nào đến giờ chú có biết cất nhà không?

– Dạ cháu ở Cần Thơ, cháu lên xuống mấy tháng nay dọn vườn tược. Cháu chưa từng biết cất nhà.

– Hèn gì! Chú đặt cây đòn dông gát dựa xuôi theo cây đòn tay cuối cùng, rồi cột sơ cho đừng rớt.  Chú ngồi đó nghe dùm lão nói việc nầy: Ông bà mình xưa nay cất nhà thường có 4 hàng kèo chia nhà ra 3 gian, thêm vào hay không cần 2 chái nhỏ mái đổ xuôi xuống hai bên tả hữu cho nhà rộng ra. Nhà lá nông thôn như chú em chỉ cần hàng cột cái ngay giữa, nên không có bộ xuyên trính tạo thế kiềng khuôn hình chữ đinh như các nhà cột gỗ lim kê tán của phú hộ. Nhưng bất cứ nhà bằng cây gỗ gì, số kèo phải là số chẵn, và bắt buộc chỗ kèo gá vào đầu cột ngay chỗ con sẻ luồn giữ 2 cây kèo vào đầu cột phải theo vọng ví. 

– Bác Năm tạm ngưng một lát, cho cháu hỏi cái nầy. Nhà cháu có 4 hàng kèo là đúng hả bác, còn vọng ví là gì vậy bác.

– Chú nhìn tôi làm nè, tôi đang đứng trong nhà chú và nhìn ra sân. Ví dụ thân người tôi như cây cột nhà, tay phải tôi đưa tới như cây kèo trước, tay trái tôi ngoéo ra sau như cây kèo sau. Chú xem bộ kèo của nhà chú có giống như vậy không?

– Dạ bốn bộ kèo nầy cặp vào đầu cột  y như bác nói. Cháu biết vọng ví là gì rồi bác Năm ơi. 

– Vọng ví là chiều xoay ngược với chiều kim đồng hồ. Chiều theo kim đồng hồ là vọng phá.  Mai mốt cháu có làm ruộng sẽ thấy cày trâu hay dùng trâu bò đạp bã lúa bó cũng đi theo vọng ví.

– Ví phá lợi hại như thế nào vậy bác. 

– Mình làm theo cổ tục ông bà đâu có hao tốn gì thêm, chứ tôi cũng không hiểu lợi hại. Tôi không mê tín cũng không chống cổ tục, nhưng có kiêng thì có lành vậy thôi. Chú em nhận ra việc làm của các anh chú không, tám cây kèo ngọn gỗ đều quay lên. Bộ đòn tay thì gốc theo gốc, ngọn cấn về hướng đông thuận lẽ thiên nhiên.

– Xin hỏi bác Năm, cây đòn dông nầy còn có lý lẽ gì không bác, các anh của cháu đi ăn cưới chưa về mà cũng không dặn dò cháu làm việc nầy. 

– Chú em có để ý lúc gát đòn tay, có 2 người đứng dưới đất nâng cây đòn tay cho hai người thợ trên 2 cây kèo bìa có dàn cột vách chỏi cứng. Cứ hình thức đó mà gát từng cây đòn tay lên cao dần  theo mực thước phân chia sẵn. Cây đòn dông là  cây cao nhất nằm trên những đầu kèo. Trước khi lên đòn dông phải có mâm hoa quả đèn nhang giữa nhà, chủ nhà khấn nguyện hồn thiêng đất nước ông bà và ra mắt thổ địa.  Cây gỗ chọn làm đòn dông phải dọn trơn láng sạch sẽ, đặt để nơi cao ráo sạch sẽ cho đến khi gát lên nóc, và chỉ được cột ghịt xuống  đầu kèo ngay chỗ tay 4 con sẻ và không được đóng đinh trên đòn dông. Bề gốc bề ngọn cũng theo hướng như dàn đòn tay. Tốt nhất là chú đừng đụng tới cây đòn dông, để đó chờ hai anh của chú.    

Ngày 5 tháng 5 năm 1978 

Sáng còn tờ mờ, anh Cả kêu mình đốt lửa để trui đầu những bó dây lạt dừa dùng cột lá lợp mái hôm nay, sẵn sàng trước khi những người phụ việc đến giúp. 

– Ê khoan đọc Năng ơi, tao thấy đoạn mầy đọc vừa rồi cũng bình thường. Mầy tìm ra gì đặc biệt, nói anh nghe thử.

– Chuyện ông Năm Y nói với chú Hậu giống hệt em thấy bữa dựng nhà ra riêng cho cô dượng Bé Ba. Hôm đó ông bà Bảy đứng trên ghế đẩu vói đưa cây đòn dông lên cho hai người thợ. Thấy em nhìn nhìn thắc mắc, ông Bảy nói đó là cổ tục ông bà, hình thức ước nguyện con cái  theo huông cha mẹ hay cô bác đỡ đầu mà ăn đời ở kiếp suôn sẻ.

– Ý em nói là nhà chú Hai Hậu gát đòn dông không theo tập tục ông bà, báo điềm không lành cho chú. Vì vậy thím mình phải chịu cảnh goá bụa.

– Thì tình nghi số phận như vậy thôi. Chú mình vắn số như ông Mười. thím mình ở goá như bà Mười.

– Chưa chắc à nghen, tao thấy lóng rày có nhiều tay tò vè thím mình dữ lắm nghen mậy. Mầy biết chú Năm Bi  ở Chợ Vàm, hồi nào tới giờ có ngó tới mình đâu. Hôm trước ổng kéo tao vô quán cà phê, cứ hỏi miết về bà Mười và thím Hai. Tao trả lời xóc họng mà thằng  chả cũng cười hề hề.

(Còn tiếp)

 Một Lúa

0 camH

 

Có 4 bình luận về Thờ Chồng (5)

  1. Phan Lương nói:

    Hồi xưa cất nhà gát cây đòn dông quan trọng quá hé.Nó nắm cả vận mệnh của gia chủ luôn hả?

    Ba ,mẹ em mới hơn 20 tuổi cất nhà ,gát cây đòn dông sao đó mà ba chết ở tuổi 27 ,mẹ chết ở tuổi 33

    Dù là những năm chiến tranh khốc liệt năm mậu thân 68 ,đạn pháo đã cướp đi sinh mạng của họ. Vậy mà mỗi khi nhắc chuyện xưa bà nội ( lúc còn sống ) vẫn hay nói ” tụi nó chết trẻ là tại cất nhà gát cây đòn dông  không đúng , thầy coi ko tới ”

    Chuyện nghe kể dị đó !

  2. Một Lúa nói:

    Bạn Phan Lương,

    Mình đang ngâm cứu uy lực những con số, lý do khiến người ta bỏ ra 10-20 tỉ (tương đương 500 ngàn đến 1 triệu đô) để chuyển nhượng một SIM có số bát quí. hihihi

  3. My Nguyen nói:

    Thấy Như Ngọc làm ăn khấm khá cũng mừng nhưng lại có nhiều người dòm ngó cũng lo như bà Mười nghĩ, “thân gái dặm trường”…

  4. Một Lúa nói:

    @My Nguyen

    Hoa đẹp để người ngắm…(dân ấp Năm thường nói là dòm)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác