Tản Đà đến Long Xuyên

Ngày đăng: 31/05/2015 08:22:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Ai trong chúng ta lại chẳng từng được thưởng thức những áng thơ tuyệt tác của Tản Đà. Ông được xem là nhà thơ Việt Nam lớn nhất thế kỷ 20. Năm Đinh Mão (1927), tờ An Nam Tạp Chí của thi sĩ Tản Đà bị thất bại, phải tạm đình bản.

Long Xuyen xua
Đây cũng là dịp tốt để nhà thơ thực hiện chuyến thăm miền Nam theo lời mời trước đó của nhiều bạn bè thân hữu.
Tản Đà đi đến đâu được trọng vọng đến đó: Phong lưu chẳng thiếu đâu đâu, nước non đưa đón khắp hầu gần xa. Trong chuyến Nam du lần này, đáng nhớ nhất có lẽ chính là chuyến thăm Long Xuyên mà sau này nhà thơ có ghi lại trong bài: “ Thú ăn chơi”: Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.

* * *
Chiếc xe thổ mộ bon bon lăn bánh trên con đường đất hai bên xanh mát những hàng sao. Đường bằng phẳng lại thêm ngựa khỏe và cổ xe còn mới nên xe chạy khá êm. Gió mát buổi sớm khiến khách trên xe thấy lòng thơ thới. Một đàn cò trắng bay dịu dàng trên nền trời không một gợn mây. Hồn quê nhịp theo tiếng vó ngựa lóc cóc.

 

Không kể ông già đánh xe, thảy có bốn người, ba phụ nữ và một người đàn ông. Tuổi gần 40 mươi, dáng hơi đẫy, ông ta có gương mặt hồng hào, đôi mắt sáng và mái tóc hơi điểm bạc. Đó chính là Tản Đà, nhà thơ nổi tiếng từ Bắc chí Nam.

Ngồi đối diện với thi sĩ là một thiếu nữ tuổi gần đôi mươi, nước da trắng trẻo, vóc người thanh tú, mặc bộ bà ba bằng lụa mềm mại.

– Sắp tới làng Kiến Hòa chưa cô? Tản Đà hỏi người bạn đồng hành.

– Dạ, sắp tới rồi thầy Hai. Thiếu nữ lễ phép đáp. Thầy Hai tới đó chắc có chuyện chi?

– Đúng vậy. Tản Đà mỉm cười. Tôi tới đấy thăm người bạn là ông Cai Tổng. Cô em chắc người vùng này?

– Thưa phải. khi nào xe tới nhà ông Cai Tổng, em sẽ nói thấy Hai biết.

Thiếu nữ như muốn nói gì thêm nhưng lại thôi, chỉ tủm tỉm cười để lộ hai má lúm đồng tiền trông duyên dáng đáo để, khiến trái tim đa tình của thi sĩ đập liên hồi.

* * *

– Cho xuống, bác Ba ơi!

Thiếu nữ nói lớn. Cỗ xe từ từ dừng lại trước cổng một ngôi nhà to ngói đỏ tường vàng tọa lạc trong một khu vườn rộng trồng nhiều cây ăn trái.

– Tới nhà ông Cai Tổng rồi thầy Hai.

Cô gái nói với Tản Đà. Cả hai cùng xuống xe. Cô ta tự nhiên mở cổng với vẻ rất quen thuộc.

– Tía ơi, có khách.

Cô nàng nói với người đàn ông mặc bộ py -gia – ma đang lúi húi bên mấy chậu hoa trước nhà. Đó là một người tuổi trạc năm mươi, có vóc dáng tao nhã và gương mặt hiền hậu dễ gần. Nghe tiếng thiếu nữ, ông ta ngẩng nhìn ra phía cổng. Tản Đà nhận ra ngay chính là ông Cai Tổng năm ngoái trong dịp ra Hà Nội đã ghé thăm nhà thơ và hết lời mời mọc vào chơi Long Xuyên khi có dịp.

– Hóa ra cô em là con gái ông Cai Tổng. Tản Đà ngạc nhiên. Sao khi nãy trên xe không cho tôi biết.

Cô gái không đáp, chỉ mỉm cười, ông Cai Tổng thấy khách quý thì rất đỗi sung sướng, vội bước tới tay bắt mặt mừng.

– Thật vinh hạnh cho tôi được thi sĩ Tản Đà viếng thăm.

– Ủa, té ra Thầy Hai là Tản Đà thi sĩ. Đến lượt thiếu nữ ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt. Sao khi nãy trên xe không cho em hay.

– Tiên sinh đi đường xa hẳn là mệt nhọc. Mời tiên sinh vào nhà để vợ chồng tôi được hầu chuyện.

Ông Cai Tổng ân cần nắm tay nhà thơ đoạn quay sang con gái:

– Con đi pha ấm trà ngon và gọi má ra yết kiến tiên sinh.

Phòng khách của ngôi nhà gợi cho Tản Đà một cảm giác thân quen. Thật ra nó không khác mấy so với những nhà khá giả khác: phía cuối là tủ thờ gia tiên, giữa nhà là bộ bàn ghế bằng gụ hoặc cẩm lai, bên phải là bộ ván ngựa bằng gỗ mun…nhưng điểm thú vị ở đây khiến nhà thơ cảm thấy gần gủi chính là kệ sách lớn nằm sát tường bên trái với hàng trăm cuốn sách, thảy được đóng bìa cứng cẩn thận. Sách chữ Tây có, chữ Hán có nhưng đa phần là chữ quốc ngữ mà hầu hết là về văn chương. Đặc biệt trong đó có nhiều sách do chính Tản Đà sáng tác hoặc dịch thuật như Khối tình, Thề non nước, Đại Học, Kinh thi… chứng tỏ chủ nhân là người có học, biết trọng thơ văn.

Chủ và khách ngồi được một chốc thì cô gon gái và bà mẹ cùng bước ra. Cô bưng bộ trà rất đẹp, có khi làm ở bên Tàu hay Nhật Bổn. Bà mẹ tuổi ngoài bốn mươi, dáng vẻ hiền lành với gương mặt thật phúc hậu. Bà cúi đầu chào quý khách, rót trà mời khách và giới thiệu con:

– Thưa tiên sinh, vợ chồng tôi có cả thảy bốn đứa, ba gái, một trai. Hai đứa lớn đi lấy chồng xa. Con Tư này học song Pri-me thì nghỉ, còn thằng út đang học trên tỉnh, sắp lấyThành chung.

– Ông bà thật may mắn có cô Tư xinh đẹp quá – Tản Đà cười, liếc nhìn thiếu nữ. Chắc khối cậu chết mê.

– Ôi chao, nó kén lắm, tiên sinh ơi. Bà mẹ lắc đầu. Con trai ông quan tỉnh hỏi, nó chưa chịu lấy. Chỉ cần nó gật đầu, người ta tới rước nó ngay. Vậy mà…

– Thôi, bà và con Tư chuẩn bị cơm nước mời tiên sinh. Ông Cai Tổng khoát tay. Để tôi hầu chuyện tiên sinh.

* * *

Bên ấm trà ngon, chủ khách say sưa đàm đạo với nhau về đủ mọi chuyện trên đời: Chuyện quốc sự, chuyện mưa nắng, chuyện văn thơ, đặc biệt là tình hình sáng tác của chính Tản Đà thi sĩ.

Chẳng mấy chốc đã sắp đến giờ ngọ. Bữa tiệc đãi khách bắt đầu được cô Tư và mẹ dọn ra.

– Ôi chao, tôi sắp được một bữa đại yến đây!

Tản Đà xuýt xoa nhìn những món ngon được đặt lên tấm ván ngựa. Gồm hai mâm. Một con gà quay vàng ươm, một chú vịt luộc tròn trịa. Cả hai nằm chung một mâm với chai rượu ngâm thuốc Bắc. Mâm kia để đầy khế chua, rau sống, gừng lát, chuối chát, ớt nguyên trái, thịt ba rọi luộc chín xắt ra từng miếng, bánh tráng, một chén nước mắm… Nhưng trung tâm của mâm này chính là một dĩa to đựng món mắm nổi tiếng của vùng Long Xuyên – Châu Đốc mà Tản Đà sẽ không bao giờ quên.

Thức ăn đã dọn xong, ông bà Cai Tổng mời nhà thờ cùng ngồi lên ván, bắt đầu bữa tiệc. Cô Tư không ăn chung, ngồi ghế chờ sai bảo.

– Đây là món gì? Tản Đà chỉ tay vào dĩa mắm, mùi thơm của mắm khiến nhà thơ ứa nước miếng.

– Thưa tiên sinh, đây là món mắm do chính con Tư nhà tôi làm – bà chủ mau mắn đáp.

Bà chủ vừa nói vừa lấy bánh tráng cuốn mắm, khế chua,…Xong cho vào một dĩa không.

– Bánh tráng cuốn này chấm với nước mắm ăn rất ngon. Mời tiên sinh dùng thử – Bà Cai Tổng hai tay cầm dĩa bánh tráng cuốn đưa cho Tản Đà. -Tiên sinh dậm thêm trái ớt hoặc tép tỏi lại càng đậm đà hơn.

Thi sĩ cứ y như lời, dùng ngay, không khách sáo. Ăn tới đâu, đã mồm tới đó. Càng ăn, càng đã. Chẳng mấy chốc mâm có mắm gần cạn. Nhà thơ tuyệt nhiên không động đũa tới món gà, vịt. Những thứ đó không còn lạ gì. Ông bà Cai Tổng thấy nhà thơ ăn uống ngon miệng lấy làm sướng dạ lắm.

– Xin hỏi cô Tư làm món mắm này như thế nào?

Cuối tiệc, Tản Đà quay sang hỏi cô con gái cưng của gia chủ.

– Dạ thưa, cũng đơn giản thôi. Cô Tư lễ phép đáp. Chỉ việc lấy cá lóc hoặc cá bông, lựa con to đánh vẩy, cạo vây, rửa sạch ngâm muối trong khạp chừng nữa tháng…

– Rồi sao nữa? Tản Đà lại hỏi. Giọng nói dễ thương cũng như sự duyên dáng của cô Tư khiến nhà thơ chăm chú lắng nghe.

– Dạ thưa, để mười lăm ngày cho thấm, vớt cá ra chặt bỏ đầu, lột da, lóc xương, lấy thịt thái nhỏ rồi ướp đường, bột ngọt…

– Rồi sao nữa? Tản Đà lại hỏi, mắt cứ nhìn cô Tư chằm chằm, không biết vì muốn tìm hiểu nghệ thuật làm mắm hay vì cô Tư dễ thương quá.

– Dạ thưa, sau đó lấy đu đu sắt nhuyễn từng sợi, vắt mủ phơi một ngày, cho đu đủ dẻo, xong cho mắm vào khạp, lấy gạo lức rang xay nhuyễn làm thính rãi đều, đậy khạp thật khít. Mắm cho vô khạp độ tuần lễ là ăn được.

– À, cả một nghệ thuật. Thế mới biết nghề ăn cũng lắm công phu. Cô Tư giỏi quá, đủ cả công dung ngôn hạnh.

Tản Đà tấm tắc khen làm cô Tư hai má ửng hồng, cười bẽn lẽn. Rồi ra chiều hả hê, nhà thơ lim dim hai mắt, ngâm nga mấy vần thơ:

“Còn trời, còn nước, còn non

Tiền trình vạn lý, anh còn chơi xa”

* * *
Tản Đà ở chơi Long Xuyên mấy ngày thì về Hà Nội, kết thúc chuyến Nam du.

Về đến nhà, lòng nhà thơ bừng lên nỗi nhớ miền Nam. Nhớ da diết. Từng khuôn mặt thân quen của bạn bè trong đấy lần lượt trở về trong tâm trí. Nhưng người nhà thơ nhớ nhất chính là cô con gái cưng của ông bà Cai Tổng ở làng Kiến Hòa. Nhớ hai má lúm đồng tiền mỗi khi cô cười, nhớ dáng đi mềm mại, nhớ hàm răng trắng đều, nhớ giọng nói ngọt ngào …

Nhớ nhiều lăm. Nhiều lúc nhà thơ muốn vào ngay Long Xuyên để được thấy lại khuôn mặt người con gái đáng yêu. Không ai cấm nhớ. Nhưng nhớ thì làm được gì. Giá chưa từng gặp còn hơn!

Biết vậy, nhưng nhà thơ vẫn cứ nhớ:

Bốn phương mây nước, người đôi ngã

Hai chữ tương tư, một gánh sầu.

Cứ thế, ôm mối tương tư, nhà thơ trở nên lẫn thẩn suốt cả tháng liền, người cứ rạc cả đi. Ai có hỏi dạo này sao có vẻ đăm chiêu, ít nói, Tản Đà tiên sinh chỉ cười gượng gạo:

– Nhớ mắm Long Xuyên.

Trần Thế Kỷ

Có 8 bình luận về Tản Đà đến Long Xuyên

  1. Phú Thạnh nói:

    Bài viết thật thú vị , gợi nhớ cá tính lãng mạn của thi sĩ Tản Đà thời xa xưa thật dễ thương. Xin được nói lời cám ơn bạn  Trần Thế Kỷ…

  2. Phong Tâm nói:

    Trần Thế Kỷ thân mến, đã nhận được rất nhiều sách tặng của Kỷ như sách: Hướng dẫn học đàn ghita, Biên khảo về Văn học, Khảo luận về thơ các nhà thơ kim cổ, Truyện ngắn sáng tác… Cũng đã đọc qua một số bài, đăng thường xuyên ở VNTB trên mạng. Nay bất ngờ gặp bài viết về thi sĩ Tản Đà trên trang nầy. Chúc mừng viết khoẻ và đến với trang tongphuochiepvinhlong.com.

  3. Neang Phi Rom nói:

    Bài viết thật hay, món mắm Long Xuyên từ lâu ngon nổi tiếng, tôi thì chỉ biết mua về ăn, nhờ đọc bài này mà tôi học được nghề làm mắm ở cô Tư…hihi

  4. Hoàng Hưng nói:

    Tui được như ông Tản, tui ở Long Xuyên luôn, hỏng dìa Bắc.

    • Neang Phi Rom nói:

      Đừng nói chi Hoàng Hưng, đọc bài này, tui đây là nữ mà còn mê gia đình này, mê cô Tư , vừa đẹp người, vừa đẹp nết, tề gia nội trợ…một phụ nữ công dung ngôn hạnh vẹn toàn…

  5. Bài viết thật hay, nhờ đó tôi được biết thêm một khía cạnh nữa của Tản Đà, một nhà thơ lớn mà tôi rất yêu thích và ngưỡng mộ những bài thơ viết theo hình thức cũng như ý tưởng rất mới vào thời của ông. Rất mong được đọc thêm nhiều bài viết của tác giả Trần Thế Kỷ trên trang nhà.

  6. vothilai nói:

    Trần Thế Kỷ than mến  ! Bài viết thật hay,đọc như là đọc tiểu thuyết rất tiếc là kết thúc sớm quá.Nhờ bạn mà mình biết thêm về thi sĩ Tản Đà,một nhà thơ lớn rất nhiều đọc giả ngưỡng mộ.Rất cam ơn bạn mong đọc nhiều bài mới nữa của bạn . Thân mến .

Trả lời Phú Thạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác