Chè 8 tháng
Quán chè An Giang ở Đông Triều nổi tiếng đến độ: nếu bạn nói giọng Nam thì người địa phương sẽ nhất định cho rằng: bạn là người của tiệm chè.
Hơn chục năm trước có một chàng trai rong chơi khắp đất nước, cuối cùng trụ lại Bắc Giang để mở tiệm chè ( chắc nghề gia truyền). Sau vài năm làm ăn coi bộ được, anh trở lại quê xưa và hốt theo cô em gái cùng chục hàng xóm và chi nhánh chè An Giang được đặt ở Đông Triều.
Đúng kiểu miền Nam: quán chè bự, nhiều bàn ghế, sạch sẽ, nhiều món để lựa: chè bưởi, chè trôi, chè thập cẩm, xôi kem, nếp cẩm….thơm phức mùi nước cốt dừa . ( ở ngoài này toàn xài dừa bào hoặc bột béo, khá hơn thì nước cốt dừa lon Trung Quốc nên không thơm bằng).
Quán mở cửa từ 8h sáng đến 10h đêm, với vị trí nằm trước cổng chợ Cột, ban ngày khách chị, khách mẹ mua về làm quà cho các cháu. Buổi tối thanh niên ra ngồi chém gió, hoặc nhờ vài cốc chè rồi tha hồ ve vãn…ầu ơ.
Giá cả hết sức bình dân: 10 ngàn/cốc, được 2 xe nhạc Đồng Tháp phục vụ hoàn toàn miễn phí.
Như những con chim di, cứ độ tháng 11 âm lịch thì tiệm chè biến mất, nguyên bộ sậu sẽ quay về miền Nam trú đông, đến đầu tháng 3 năm sau mới xuất hiện và hoạt động trở lại.
À thi ra quán tên Chè Bưởi An Giang, hoạt động 8 tháng trong năm, gần chợ Cột phải không Tú Yên
Dạ đúng như anh Lương Minh phán, quán nằm trước cổng chợ Cột, thị trấn Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cứ hoạt động 8 tháng thì sẽ nghĩ đông 4 tháng.
Nếu ở trong Nam hay ngoài Trung nổi tiếng với các món chè truyền thống thì ở Hà Nội lại hút khách bởi các quán chè Sài Gòn ( chè Sài Gòn nhưng hương vị Bắc), huống chi quán này nằm ở một huyện nhỏ mà đứng quán chính hiệu dân miền Nam: không phải độc hay lạ mà là hiếm
Đọc tựa bài không hiểu. Đọc hết mới hiểu. Làm ăn xa quá, có lời không?
Chị Hạnh ơi lời dữ lắm! Buổi tối khách đông quá chừng, với lại đây là huyện nhỏ ở Quảng Ninh nên tiền thuê mặt bằng cũng rẻ. Chị xem có món nào là lạ mình kết hợp ra đây mần chung đi!
Hỡi cô gái rặt giọng Nam
Ăn chè có nhớ bánh cam nhúng đường?
Vẽ hình, tạc tượng có duyên
Bước chân khắp nẻo lại chuyên…cốt dừa!
Anh Phong Tâm ơi em cám ơn mấy lời thơ của anh nha! Hy vọng sẽ được anh mần thơ tặng hoài hoài.
Chém gió nghĩa là gì vậy Tú Uyên
Anh Hoàng Hưng ơi! Chém gió là hành vi nói sai lệch sự thật, theo chiều hướng phóng đại, nhằm đề cao bản thân hoặc một đối tượng nào đó.
Ở miền Nam mình thì ý nghĩa bớt trầm trọng hơn, có thể hiểu là tán dóc.
Em rất cám ơn chị Đức Tính, Như Thùy, Ánh Tuyết, Nguyễn Tuyết đã quan tâm cũng như góp ý các bài viết của em. Mặc dù còn trẻ nghề- non dạ nhưng với sự động viên của các anh chị, em sẽ cố gắng xông pha mặc các đao phủ ngoài này mài dao hơi bị bén. Hix
Thật độc đáo khi có một quán chè hương vị miền Nam ở tận xứ Bắc xa xôi, cảm ơn Tú Yên đã cho biết nhiều thông tin thú vị theo những bước chân đến các miền đất khác nhau của đất nước.