Nhớ những ngày dạy học ở quê nhà

Ngày đăng: 20/11/2014 12:10:54 Sáng/ ý kiến phản hồi (12)

Hai ngày nay, được “hưởng sái” của Ngày Nhà Giáo Việt Nam từ bên nhà. Chị Đức Tính và các anh chị em thân thương gởi lời chúc mừng và động viên tinh thần của cô giáo phương xa.  Trong một đoạn văn, Huỳnh Kim Ngọc, cô hiệu trưởng tài hoa của trường Quốc Tế Mầm Non ở thành phố Vĩnh Long gọi Phương Nga là “Người Việt chân đất” hay còn gọi là Nga chân không (không có dính dáng gì đến tu viện Chân Không đâu ), có viết trả lời lại cho em.  Nay xin phép đăng trên trang nhà để gọi là một chút gì “ôn cố tri tân” vừa là những câu chuyện vui trong đời làm giáo viên của mình, không có ý gì khác, mong anh chị em hiểu cho (Phương Nga)
Em biết không, đúng là chị “xém” đi chân không rồi đó.  Lúc chị còn dạy ở Lộc Hoà, một hôm đang lúc đi tới, đi lui giảng bài, bị trật chân.  Em biết hông, trường lúc đó nghèo lắm, vách lá, nền đất, chỗ lồi chỗ lõm, nhè đôi guốc mình đang mang mòn tới độ, có thể đem đi cạo râu được, và chuyện gì phải xảy ra, đã xảy ra…Đôi guốc đứt một cái bựt.  Quê quá, chị phải ráng lê đến gần cửa, kêu nhỏ bạn dạy văn, chạy đi mượn dùm một đôi dép.
Lại thêm một chuyện, một hôm chị mặc cái áo sơ mi ka tê bông. Kiểu lúc đó có xếp “ply” ở sau lưng.  Áo cũng thuộc hàng đồ cỗ, ủi miết cái ply đâm mòn.  Trong lúc chị viết bài trên bảng, vói tới vói lui, xui quá, cái áo rách nghe cái rẹt.  May mà lúc đó học trò bận chép bài, không để ý tới cô giáo đang gặp nạn.  Chị hoảng quá, xoay lưng vào hướng bảng, từ từ lết về hướng cửa, lại cầu cứu với nhỏ dạy văn. Nó phải chạy đi mượn kim chỉ, vá tạm cái áo cho chị.
Bây giờ nhớ lại, vừa buồn vừa vui.  Buồn vì thời bao cấp, giáo viên nghèo bị bắt làm đủ thứ, soạn giáo án, chấm bài, làm sổ điểm, còn phải dắt học trò đi lao động.  Thế mà lương phạn nào có bao nhiêu!  Chị nhớ quanh năm suốt tháng, có hai bộ nhất y nhất hưởn để mặc đi dạy; dép guốc hình như độc nhất một đôi. Đời giáo cực khổ nhưng vui vì tình bạn bè, đồng nghiệp thương nhau lắm lắm.  Con nhỏ dạy văn – Kim Cúc, cứu nguy chị cả hai lần.  Hai người bạn chí cốt, Kim Hoa, Phong Vân, khi chị bị thằng cha hiệu phó trù dập, cả hai đứa, đứng ngoài cửa sổ len lén nhìn vô, xót xa cho chị khi thấy chị khóc…
Bây giờ, dạy học bên nầy, không đến độ bữa đói bữa no như xưa, quần áo, giày dép, khá hơn chút đỉnh, nhưng tình đồng nghiệp rất xa cách. Có lẽ không có cảnh cục muối cắn làm hai, mà chỉ có cục đường nên lủm hết…

Bài và ảnh Phương Nga

photoH1

0 0 a 5h2

Có 12 bình luận về Nhớ những ngày dạy học ở quê nhà

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nghe PN kể mà anh thấy thương những người dạy học thời bao cấp quá trời ( trong đó có anh cả ). Nhưng thôi ! Không nhắc nữa, mà nói chuyện lúc anh cả mới ra trường, dạy ở Rạch Giá năm 1973, mới ra trường lãnh lương 18.100 đ ( ? ), 1 năm sau lãnh được 23.011 đ ( ? ). PN biết không, thời độc thân mà, mỗi tuần bọn anh đi du lịch 1 chuyến gần gần. Kỷ niệm đáng nhớ và vui nhất là lần đi tham quan Hòn Che, 5 thằng thầy giáo trẻ buổi tối ngủ ở trước cổng chùa, vậy mà cũng có bác Ngao viếng, cưỡm sạch 5 cái túi đồ ( chỉ có quần áo ), may là cái bóp đựng tiền bỏ trong túi quần mặc đi ngủ. Sáng ra, đi về sớm, mua vải may quần áo mới ( thay cho 2 bộ bị mất ), vì hồi nẳm làm gì có nhiều đồ may sẵn như bi giờ ! Sáng hôm đó, nhìn mặt 5 thầy giáo trẻ xuống tàu về Rạch Giá, không biết mấy người khách ngồi chung tàu nghĩ gì ?

  2. nguyenthikieutrinh nói:

    Phương Nga em ơi,

    Em có biết Phong Vân giờ ở đâu không? Cho 7 xin thông tin với!

    Ngày đó đi dạy áo quần, dép…vá, mạng,khâu víu là bình thường! 7 đi dép nhựt kéo lê ra cửa để ngồi xuống…nhét quay vô là vô tư! Và học trò ngày ấy thương kính thầy cô vì nhiều nét vô tư rất ư dễ thương cảm như vậy! Lòng thương kính ấy vẫn tồn tại đến bây giờ, âu cũng nhờ từ vá, mạng, khâu víu…!

    Chuyện vui buồn nghề dạy học thời đó ai cũng như ai nên dễ dàng thương…nhau, vá áo cho nhau! hehehe… Giờ thì độ phân hóa có biên độ dài ngút ngàn!

    Thân ái. 7.

     

  3. Loan Anh nói:

    Thương chào chị Phương Nga!

    Đọc bài viết của chị, LA thấy mắt mình cay cay, thương cho ai những năm tháng ấy được ” may mắn là còn đứng trên bục giảng! », có lẽ vì một lòng yêu nghề mãnh liệt , nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội,  mà chị đã vượt qua tất cả những nổi gian truân, trên những chặng đường mà mình đã đi qua, chính những năm tháng đó đã chắp cánh cho chị bay xa hơn, nay dù ở một vùng trời xa xôi chị ngày càng vững trải hơn trong hành trình cuộc sống của mình với cái nghề cao quý nhất.

    Chúc chị luôn dồi dào sức khỏe để còn tiếp tục ươm mầm những hạt giống trí thức, cho đời mãi xanh tươi, xin gửi đến chị những bông hoa đỏ thắm nhất  trong ngày 20/11 vì « sứ mệnh  vinh quang » và vì « đàn con thân yêu của chúng ta ! »

    Thương mến, Loan Anh

     

  4. Nguyen Thi Hanh nói:

    Chia sẻ với em Phương Nga. Chúc em luôn vui khỏe, dù có Ngày Nhà giáo hay không?

  5. Phong Tâm nói:

    Thân tặng PHƯƠNG NGA nhân  ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 và những nhà sư phạm hết lòng vì thế hệ mầm non thương yêu.

    Guốc mòn gót nứt tôn nhân cách

    Thầy đói trò nghèo trọng tính văn

    PT

  6. Bạch Lộ nói:

    Các anh chị, nhớ hồi mới ra trường em được phân công về dạy ở Càng Long, mà mỗi khi đến trường em phải xuống tận Trà Vinh đi đò Sóc Ruộng vào hoặc tới Cầu Xây, Phương Thạnh lội tắc đường đồng đi trên những bộp dừa nước khi qua khe rạch … mới đến được mái nhà tập thể phênh tre liu xiu cạnh ngôi trường tre lá có 2 phòng học, bên cạnh hố bom viền quanh miệng hồ là những khóm dừa nước , giữa hồ điểm thêm mấy chòm bông súng ruộng …có thêm cái để mà cải hoạt đời sống ở đây. Thỉnh thoảng, các em học sinh có” món ngon vật lạ” hoặc có dịp lễ, giỗ các đồng nghiệp (cấp 1,2 ) và phụ huynh địa phương mời đến “rửa ruột” một bữa…                                                                                                                                       Nhớ lại hồi ấy khó khăn đủ điều nhưng rất ấm tình thôn dã… Nay nhân ngày nhà giáo VN, BL kính chúc  quý Thầy Cô, các ACE ngành giáo dục dồi dào sức khỏe và thành công trong sự nghiệp trồng người của nhiều thế hệ!

  7. Hoành Châu nói:

    Phương Nga thương mến ,không biết bao nhiêu  chuyện đi dạy học  ngày xưa mà kể cho xiết ,,,,chỉ biết nó còn ăn len qua giấc ngủ,, để các Thầy cô giáo cao niên  còn phải dạy học  ôm miết phấn trắng bảng đen  ngay trên giường ngủ của mình ! ,,,, Bao nhiêu năm ta sống   thật  thà  bằng  nghề dạy học , nghề tay  trái  của ta vẫn là nghề dạy học ! Dạy , dạy nữa và dạy mãi ! Không thể chối bỏ nghề này  nên đành phải ôm đó và thương nó mặn nồng luôn   suốt kiếp !! Nhân ngày kỷ niệm nầy ,  ta  nhớ nhớ thật nhiều những ngày đi dạy  thiếu thốn  .  khốn khổ  trong tình thương bao la, đùm bọc   nhường cơm xẻ áo  của các mạnh thường quân  ,    sự bảo bọc chân tình  của các đồng nghiệp nghèo khổ như tôi  và đặc biệt phải kể đến   mối  quan tâm  và giúp  đỡ  đặc biệt về chuyên môn cũng như đời sống  của Thầy Hiệu Trưởng  Dương Tấn Đệ  ,,,,đã làm nước mắt ta chực trào rồi , Phương Nga biết không  ? Đối với ta đó là một nghề cao cả thánh thiện thật sự ! Xin chân thành cảm ơn  tất cả những người Thầy học cũ đã  ban cho tôi  trí tuê , kiến thức làm người đúng nghĩa và an ủi cổ vũ  cần thiết   khi tôi quá  thất vọng  vì biển đời khốn khó  , !!

  8. PhươngNga nói:

    Mến thương về các bạn từng một thời là giáo viên hay vẫn còn…cũng như các bạn từng một thời cấp sách: chị Kiều Trinh, chị Mỹ An Hưng,  anh Cả, bạn Hoành Châu, các em Bạch Lộ, Loan Anh…riêng anh Hắc Thuỷ Bang Chủ, em rất cảm xúc với 2 câu thơ, anh tặng.

  9. hoàng Hưng nói:

    Phương Nga vẫn còn tràn đầy hạnh phúc.  Thời điểm đó, còn nhiều người được ở trong “trại,” mặc áo bằng bao cát. . .   Một anh chàng được ân huệ, đi công tác bưng những thùng  đường mía.  Đường chảy ra dính hai bàn tay,  “mút” hai ngón (giống như Đặng Huệ “ăn” nước cốt dừa hay chị 7 ăn cà rem Hữu Danh) còn tám ngón, chừa lại cho bốn thằng bạn đang ở trong “trại”

    • NHA nói:

      Nếu kể chuyện “vui buồn” của giáo chức thời điểm đó một các trung thực  thì đau lắm lắm; tốt hơn là ém vào lòng.

  10. HOA ĐĂNG nói:

    Ôi thôi chuyện dài muôn thuở, nói biết bao giờ mới dứt để làm kỹ niệm đau thương

    Trường học thì:….Bốn bề gió lộng lạnh cắt da

    Nước nổi lêu bêu khắp mọi nhà

    cCô giáo thì…<bo bo> ngày hai bữa

    Cá rau phải kiếm khắp đồng xa

    Hôi họp bước ra xuồng với nước

    Đêm về leo lét ngọn đèn tà tà tà…

     

  11. Phi Rom nói:

    Phương Nga ơi! ở xứ mình PN đã là cô giáo dạy học, qua đất người vẫn đeo đuổi nghề của mình, thật can đảm biết chừng nào, chị thật lòng phục em đó, hãy cố lên…chúc ngày Nhà Giáo,  cô giáo VN dạy ở phương trời xa có nhiều niềm vui trong nghề dạy học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác