Một cái nhìn khác về thơ Phạm Đức Mạnh

Ngày đăng: 4/09/2014 08:22:24 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

 “Nếu mai không còn mẹ” của Nhà báo – Nhà thơ Phạm Đức Mạnh, do Nhà Xuất bản Trẻ cấp Giấy phép xuất bản, đã ra mắt bạn đọc cuối tháng 7/2014. Đây là tập thơ thứ 3 của anh sau “Đừng theo trăng em nhé”, “Đong đầy kỷ niệm” – do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cấp Giấy phép, năn 2013.

        Bạn đọc tongphuochiep-vinhlong.com đã từng đọc thơ, các bài viết giới thiệu về các tập thơ của anh đăng trên: Báo Lao Động, Báo Thanh Niên, Thời báo Tài chính Việt Nam, Báo Pháp Luật Việt Nam, vandanviet.Net, Thi Đàn Việt Nam… chắc chắn không quên những bài thơ giàu cảm xúc, sử dụng ngôn từ “lạ, đắt”, viết rất đa dạng… về quê hương, cha mẹ, về vợ, chồng; sự suy ngẫm về cuộc sống, về đời, tình yêu đôi lứa… đã tạo nên phong cách, dấu ấn, tên tuổi riêng – Phạm Đức Mạnh.

       Anh chị đã đọc  “Nếu mai không còn mẹ” qua bài giới thiệu của Nhà thơ Phan Trung Thành (Hội Nhà văn Việt Nam); Cảm xúc về tập thơ qua ngòi bút của nhà phê bình Hoành Châu (Gia đình C)

      Để thêm góc nhìn về tập thơ mới của tác giả, trang nhà trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) vừa đăng trên Tuần Báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh- tháng 8/2014. (SOS).

THUONG DOAN -BEN HOA BUP VANG

 Nhà thơ P.N Thường Đoan bên hoa vàng

Cứ tưởng xuyên suốt tập thơ “Nếu mai không còn mẹ” của Phạm Đức Mạnh vừa mới phát hành trong tháng 7-2014 là một tập thơ hoàn toàn nói về mẹ như cái tên gọi. Nhưng không, tập thơ dày 112 trang này còn chuyên chở tâm tình khác của tác giả.

Tôi nhẩm đếm, có 7 bài thơ dành nhắc về mẹ trong tổng số 68 bài được in trong tập và bài thơ “Nếu mai không còn mẹ” nằm ở trang 22 được lấy làm tựa cho tập thơ, cái tựa bài thơ này vừa là một câu hỏi, vừa là một cách than thở khiến ai cũng phải xúc động và giật mình tự hỏi: – “Đã có bao giờ mình nghĩ đến điều này lần này chưa”?

Niềm cảm xúc, tình thương của mỗi người dành cho mẹ đều khác nhau, nhưng mẫu số chung vẫn là ca ngợi sự hy sinh cao cả, lòng bao dung độ lượng của mẹ đối với con. Với Phạm Đức Mạnh cũng vậy, anh không thể ra ngoài mẫu số đó. Mẹ của anh vẫn là mẫu người đàn bà biết hy sinh cho con, mùa đông lạnh không chùn bước, mẹ như cánh cò, mẹ như dòng sông, mẹ với bầu vú cạn khô, mẹ một đời tất tả vì con, mẹ là mái che mưa nắng, mẹ là cơn gió mùa thu mát mẻ, là chiếc chăn ấm ngày mưa bão, là chiếc dù che lúc oi nồng, là tiếng sáo diểu ru con ngủ.

Và đặc biệt, ở bài thơ“Mẹ là khách”, Phạm Đức Mạnh còn khẳng định, mẹ của anh là một vị khách.

Nhưng vì sao trong mắt của Phạm Đức Mạnh mẹ chỉ là một người khách, mà không là dòng ngân hà? Hay sông Hằng? Hoặc là ngọn thác hùng vĩ, một đại dương bao la? Nếu một người con chỉ coi mẹ như là một người khách thì thật sự là bất nhân và đại bất hiếu.

Nhưng khi đọc xong bài thơ “Mẹ là khách” (tr.64) tôi mới hiểu và có lẽ, đây là ý thơ hay nhất viết về mẹ trong tất cả những bài thơ viết về mẹ lâu nay mà tôi đã được đọc.

Ngày mai nhà  mình đón khách

Bửa cơm sẽ khác ngày thường

Không có sơn hào hải vị

Nhưng tình đầy thắm đậm màu thương

 

Khách là -Mẹ

Của chúng ta xa vắng

Ở bên kia thế giới vô thường

Mẹ nhớ người thân về theo nhang khói

(…) Mẹ đã là khách của trần gian

Mỗi năm một lần ghé nhìn con cháu

Đường âm dương đi mãi đến vô cùng

(…) Mẹ mãi là khách của trần gian

Mỗi năm mẹ chỉ một lần được nhớ

Gặp cháu con nơi thờ tự rồi đi…

 

Bài thơ thứ hai của tác giả gây cho tôi sự trăn trở mang tên “Về hưu”. Bài thơ này là bài thơ cuối cùng của tập thơ, nằm ở trang 106. Một bài thơ đầy tâm trạng của một công chức sắp nhận quyết định nghỉ hưu, một bài thơ tự sự chua chát buồn bã. Về hưu, nên buồn hay nên vui? Phận người công chức xoay theo 60 năm vật đổi sao dời, những đắng ngọt ngược xuôi trải qua không biết bao nhiêu mà đếm. Về hưu, dù không muốn nhưng phải chấp nhận vì đó là sự thật. Để rối tự an ủi mình, về hưu có nghĩa là quỹ tự do được độc quyền sử dụng, chẳng còn bị ai quấy nhiễu phiền hà, chẳng bị một uy lực nào ngăn cản. Nhưng phía sau cái độc quyền được sử dụng quỹ tự do đó là cảnh tuổi già về tạm trú nơi ga trung chuyển đìu hiu, lật ký ức tuổi thơ để nhớ một con đường, nhớ một tình yêu còn âm ỉ thi thoảng ngún lửa. Về hưu, đồng nghĩa với việc chờ lá vàng về cội trong một chiều tàn thu, những tự hào như dấu chấm mắc vào hoang vắng. Về hưu, trắng xóa suy tư, ngắm cây hy vọng oằn mình trong thử thách phong ba.

Những bài thơ còn lại trong tập thơ “Nếu mai không còn mẹ”, nhà báo – nhà thơ Phạm Đức Mạnh dành cho tình yêu thời cũ, về vợ, về bạn, về nhiều thứ buồn mà trên con đường đi của 60 năm năm dài anh đã gặp, đó một đêm giao thừa, một ngày bão tan, một chiều bên dòng sông trắng. Hay tự sự về phận đời mà anh đã nhìn thấy, là một phận ngươi mồ côi, một giọng hát của “người ca sĩ” không nổi tiếng, một buổi cà phê, một đôi nhân tình trẻ…

Nếu bốc tách rạch ròi, Phạm Đức Mạnh có những câu thơ làm người đọc xúc động, có bài thơ dí dỏm, rất thật, diễn tả đời thường của “chàng thơ”, như bài thơ có tên “Vợ”.

Vợ rằng

Đưa em đi chơi

Buông câu ngớ ngẩn

Em ơi bận rồi.

 

Ngao du ra quán ngó trời

Buôn dưa lê

Cũng

Rất mùi thương gia

 

Cõng thơ

Thất thễu về nhà

Hạt thương

Bén lửa quá đà

Thành than…

 

         Nhà thơ – P.N Thường Đoan

(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

——————————-

* (Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM – Số 316, ngày 28/8/2014)

MANH - (Quang Ninh) Nhà thơ Phạm Đức Mạnh(chụp trong chuyến đi Quảng Ninh)

 

Có 2 bình luận về Một cái nhìn khác về thơ Phạm Đức Mạnh

  1. Phan Lương nói:

    Nhà thơ P. N Thường Đoan ơi ! Rất cảm ơn chị đã nói thay mọi người , điều họ muốn nói với nhà thơ Phạm Đức Mạnh .

    Đọc bài thơ “Về hưu” PL cũng thật nhiều cảm xúc giống như chị .”Về hưu có nghĩa là quỹ tự do đc độc quyền sử dụng, chẳng còn bị ai quấy nhiểu phiền hà.Chẳng bị một quy luật nào ngăn cản .Nhưng cái phía sau độc quyền sử dụng quỹ tự do đó là cảnh tuổi già về tạm trú nơi ga trung chuyển điều hiu, lật kí ức tuổi thơ để nhớ về một con đường ,nhớ về một tình yêu còn âm ỉ thỉnh thoảng ngún lửa …”Một cái cảm xúc rất là sâu lắng khi ta đọc thơ của Phạm Đức Mạnh

  2. Hoành Châu nói:

    Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan thân mến, cảm ơn  bàì  nhận định  chân thật sâu sắc về thơ ca  Phạm Đức Mạnh , đọc  xong bài viết  Hoành Châu rất tâm đắc  những tố chất đặc biệt  trong thơ đã tạo nên phong cách , dấu ấn , tên tuội  riêng của Phạm Đức Mạnh . Phải nhìn nhận thơ Phạm Đức Mạnh  có nhiều ý la , sáng tạo , đôi khi rất duy lý mà cũng có lúc dí dỏm đời thường  thật ngộ nghĩnh . Có thể nói toàn bộ  các tập thơ của  nhà báo Phạm Đức Mạnh  là sự tổng các nét đời và đạo   đẹp thâm thúy của một con người rất Việt Nam , Hoành Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác