Phong Tâm nghĩ về thơ Đường

Ngày đăng: 23/08/2014 04:55:46 Chiều/ ý kiến phản hồi (52)

Lê Liên và anh chị em thân mến, Phong Tâm vốn không quay lại tìm cảm hứng thơ Đường Luật(ĐL) từ năm 1975 tới gần đây, trong đó có nhiều vấn đề, một phần muốn thay đổi cách nghĩ bằng một thể loại khác. Qua cảm nhận riêng, thơ truyền thống của ta cũng nhiều âm điệu dễ cảm xúc, ngoài ra còn có thơ mới, thơ tự do, cả lối thơ hiện đại… nhìn chung rất đa dạng, dễ làm, dễ bày tỏ nỗi lòng mà ít bị gò bó trong khuôn vận, niêm luật, vậy mà chính bản thân tới giờ nầy cũng chưa vận dụng được lối thơ nào để có một vài bài thơ hay cho mình, huống gì làm được một bài Đường luật hoàn chỉnh, cho nên PT tôi rất ngán thể loại ĐL khó nuốt trôi nầy. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng giống mình, vì mỗi người có một khả năng riêng, thơ hay không tùy thuộc vào bất cứ thể loại nào mà do ở chính tài năng cùa người sáng tác. Không ai có thể hướng dẫn được cảm xúc người khác, vậy thì ai thích hợp với thể loại nào thì ta tôn trọng lắng nghe sẽ bắt gặp nhiều đếu thú vị.

Một bài trước vì “ngứa tay”, bài nầy cũng chỉ là một cách đối phó, vì thấy Lê Liên mời họa thơ Đường Luật đã mấy ngày qua  mà chưa có một bài hoạ nào theo đúng niêm luật, có lẽ các bài thơ trên do các bạn họa ý cho vui thôi, vì vậy tôi nghĩ nên có một bài họa đúng theo yêu cầu nầy nên cố gắng tham gia cho vui, dẫu rằng tôi tin mình làm loại thơ nầy còn rất non kém, mong được trao đổi trên tinh thần bạn thơ. Thân chúc Lê Liên vui, sáng tác khỏe.

Thân ái,

Phong Tâm

 IMG_2067

Họa vần bài: LÃO GIÀ ĐÊM TRUNG THU (Trương Văn Lũy)

 

TỰ TÌNH

Lặng ngắm trăng trêu cợt tuổi già,

Thời gian ám ảnh chẳng buông tha.

Mong gì Ta ngẩn ngơ như Cuội,

Có thể Cuội gần gũi với Ta?

Tập sống vô tình; hư cũng được,

Rèn quên ảo vọng; khỏe thôi mà!

Mỗi năm còn tiếng ru thơ ngủ,

Vẽ bức tranh Kiều, nhớ Tố Nga.

PHONGTÂM

(23.8.2014)

 

Có 52 bình luận về Phong Tâm nghĩ về thơ Đường

  1. Một Lúa nói:

    Đại huynh sư phụ ui,

    Đất lành có quán Bích Câu

    Cá viên gỏi cuốn, tiêu sầu nhâm nhi

    Nhớ xưa kỳ ngộ xuân thì

    Cầu Đông tố nữ, tình si phàm trần

    Sư phụ có thu hoạch gì không, hihi.

  2. NHA nói:

    Kính huynh Phong Tâm và anh-chị-em.

    Nhân dịp này Nguyễn Hồng Ẩn (viết tắt :NHA , hay bút danh tình cờ có từ tên thường gọi của tui anh Tư thành Anh Tú- xin nói thêm lần nữa để anh-chị-em dễ nhận diện ) cũng xin góp vài lời vụ này về phần mình.

    -Tổng quát, tui viết để tìm vui (chỉ từ khi hưu 2010), từ chính mình và từ bè bạn mới cũ, nên theo tiêu chuẩn “viết hay…. không bằng hay viết”, “vui là chính” nhưng cố gắng làm tốt nhất mà mình có thể làm được.

    -Thơ Đường, khó  “thấy ông Trời”! Đồng ý với những ý kiến của huynh Phong Tâm.

    Thấy Lê Liên phát động họa thơ Đường thích lắm, ráng làm một bài mà không dám đưa ra, chỉ ghi vào blog của mình rồi chỉnh tới chỉnh lui mà đọc cũng vẫn thấy “làm sao ấy”. Nay thấy có nhiều anh-chị-em  rồi huynh PT* gởi bài nên xin chép ra đây góp phần “chen lấn” . 🙂

    CỘI GIÀ VÀ THU*

    Dưới trăng rằm những mái đầu già

     Nghe dế nỉ non giọng thiết tha.


    Vần thơ mới viết trao cho bạn

    Khúc nhạc vừa ca gởi tặng ta.

    Bên này thơ ý còn tha thiết

    Phía ấy nhạc hồn vẫn mặn mà.


     Dù cuộc đời tang thương khổ lụy

    Trung Thu về bạn / ta ngâm nga.

     

     Anh Tú

    August 22, 2014

    *Nhớ tới bạn già Bữu Trân, Phú Thạnh (đã có lần chụp ảnh cội gìa rồi sau đó cũng có viết thơ thẩn), nên ghi tựa bài như thế.

    NHA

     

    • Phong Tâm nói:

      Tôi có ghi email của AT. Sẵn đây trả lời luôn phản hồi của bồ nhà bên trang Chợ Thơ, vì coi đây như diễn đàn của những người yêu thơ và làm thơ không chuyên – Chúng ta vui thôi mà, hổng sợ giận. Bài thơ CGVT – AT, hay, bật nổi tâm trạng, cái hay nữa là câu 3-4, 5-6 đối chặt chẽ, nhưng không biết cố ý hay vô tình mà mở đề ở câu 1 khởi bình, thừa đề câu 2 trắc là đúng, cảu 3 đáng lẽ trắc như câu 2 thì trở lại bình, nếu dựa vào thất ngôn bát cú (Đường thi), thì đây là sai luật theo cách hiểu của tôi, ngoài ra có cách làm khác hơn không, tôi chưa hiểu, phần nầy phải nhờ ai thông thạo thể loại nầy dẫn giải, chớ riêng tôi chỉ hiểu được tới đó thôi. AT bạn mình thọt lét riết chắc tôi chết!

      • Anh Tú nói:

        Ui-Dza!

        Tui cũng chẳng để ý vụ này! Khi viết cứ theo dòng suy nghĩ, nhớ PT*,BT  rồi mình. Cám ơn Huynh thiệt …là nhiều. Để sửa lại.

        Thấy không: Bắt giò mệt cho người đi bắt giò mà có lợi to lớn cho người được bắt giò (có thể cho cả những ai có đọc qua) biết mấy…vậy tại sao người được bắt giò lại “bực bội” nhỉ?

        Thọt lét để anh nhột, còn biết nhột là còn…hạnh phúc với đời sống này. Đồng ý? Với lại cái “kho tàng” trong anh phải để cho đàn em…khai thác chứ :).

        Cám ơn anh Phong Tâm lần nữa.

      • Anh Tú nói:

        Anh Phong Tâm  và quý bạn,

        Nghe lời anh Phong Tâm, tôi viết lại như sau, nhưng có nhiều chữ ta/bạn dùng cách cố ý, không rõ có khá hơn không?

        CỘI GIÀ VÀ THU

        Dưới trăng rằm những mái đầu già

         Nghe dế nỉ non giọng thiết tha.

        Khúc nhạc ta ca… thương tặng bạn

        Vần thơ bạn viết… mến cho ta.

         Bên này thơ ý còn tha thiết

        Phía ấy nhạc hồn vẫn mặn mà.

        Dù cuộc đời tang thương khổ lụy

        Trung Thu họp mặt cùng ngâm nga.

         

         Anh Tú

        August 22, 2014

        • Phong Tâm nói:

          AT ơi, Bài thơ tròn hết (nhất tam ngũ bất luận) xong, đối chỉnh, có điều thơ ĐL rất kỵ trùng chữ, cố ý một lần thôi, đề nghị ông cặp 5-6 thay đổi và nâng cao “tâm trạng, khẩu khí tác giả, hông thôi bị Đường Minh Hoàng rầy!

  3. Phan Luong nói:

    Huynh Phong Tâm mến !Phan Lương rất thú vị khi đc nghe huynh chia sẻ về thơ Đường Luật và đọc lại bài mình họa bên trang thơ của Lê Liên mới thấy mình còn nhiều chỗ sai.Xin chỉnh lại và nhờ huynh Phong Tâm cho nhận xét để xem PL có tiến bộ tí nào ko ?

    TRUNG THU ĐOÀN VIÊN

    Trung Thu nô nức trẻ lẫn già

    Thắm đượm tình thân vẫn thiết tha

    Bên ông trà thơm soi bóng nguyệt

    Kia đàn cháu chắt múa quanh bà

    Khuất bóng trăng tà cao vời vợi

    Rực rỡ đèn lồng trẻ hát ca

    Xúm xít quanh bà nghe chuyện kể

    Cuội ôm gốc đa lạc cung nga

     

     

     

  4. Hoành Châu nói:

    TRUNG THU MƠ  ƯỚC
    Tháng tám thu nay tuổi đã già ,
    Lặng ngắm trăng rầm sao thiết tha ,
    Trước ngõ sáng choang đèn trẻ đốt,
    Sau vườn tối mịt , đóm cùng ta
    Bao năm lặng lẽ đời im  vắng  ,
    Một phút lao xao cũng mặn mà!
    Ước mãi không phai mờ giọng hát,
    Trẻ muôn đời như chị Hằng Nga!
    HOÀNH CHÂU
    23~8~ 2014.

  5. Phong Tâm nói:

    Một Lúa cho huynh ngắt tạm vài lá khổ qua kết lên mâm làm màu nhe.

    Bích Câu gỏi cuốn xuân thì nhâm nhi.

    Thu hoạch được mấy rãnh đời sau đuôi mắt thôi bạn tui ơi!

     

    Phan Lương, Bài của bạn ý hay và rộng, làm thể tự do thì không có vấn đề gì để bàn thêm, nhưng nếu thơ Đường luật thì phải xem lại luật bằng trắc, đối chọi, niêm, vần tương ứng vói bài xướng họa. Chúc Phan Lương thành công.

     

    Nguyễn Hồng Ản bạn đồng môn Hắc Thuỷ mến thân, Anh thấy chưa? Tại anh mà tôi vướng vô đây,tôi đã chạy vắt giò không dám ngoái lại. Hôm rồi anh khượi làm tôi ngứa tay, có nhào vô mới biết, nó khó  ” thấy ông trời ” ! Thật ra, nếu tuân thủ đúng thi pháp, niêm luật chỉ cần thuộc thì làm được bài thơ không khó, các thể thơ khác cũng vậy. Tuy nhiên, làm thì dễ, hay thì khó. Thơ ĐL còn bị ràng buộc nhiều thứ nữa. Cám ơn bạn già đã đồng cảm mình!

  6. hồng băng nói:

    Anh Phong Tâm thân,

    Giống như anh, từ lâu lắm rồi, tôi không đụng đến ông Đường Minh Hòang này, dù cho đến bây giờ vẫn lào lào luật bắng trắc, học từ đệ ngũ. Tôi vừa lướt qua, thấy bài này độc ở vần MÀ. Có lẽ sử dụng đối ý thì dễ hay hơn, mà luật cũng cho phép, chứ chan chát thì MÀ chua lắm! Dụ như Sinh Ký thì đối Tử Quy. Quy là về, đối sao chuẩn với Ký là gửi., nhưng được phép. Cô bé Lê Liên này sắp làm khổ mình đây! Đợi vài ngày, khỏe lại, phục hồi công lực rồi sẽ tính. À, có tin vui. Nhờ tìm ra bệnh, té ra do thoái hóa đốt sống cổ, nó hành cả tháng và tìm được phương thuốc đơn giản mà tuyệt hay, tác dụng rất nhanh, trong vòng 15ph, chấm dứt các triệu chứng. Tôi đang tìm tính dược, khi rõ sẽ cho anh hay. Thân kính. HB

    • Phú Thạnh nói:

      Hồng Băng ơi! Hôm nay thật khỏe chưa? Không ngờ bạn bệnh lâu vậy,tui thì bận chuyện nhà túi bụi,ít ghé trang nhà. Còn vụ thơ Đường không phải dễ chơi. Mình cũng đang mong tin bài thuốc hay của bạn đây…Chúc bạn già thật khỏe như xưa và may mắn nữa nha…Thân, PT*.

  7. Phong Tâm nói:

    Bài TTMU của Hoành Châu tứ rất hay, ngôn ngữ bình dị cũng không kém mượt mà, rõ nghĩa. Tuy vậy , về thi pháp cần chăm chút luật thơ Đường, ở đây chỉ khái quát vài điểm để Hoành Châu lưu ý. Bài thơ  mở đề câu một, chữ thứ 2 (phá trắc) thì nhập đề câu hai, chữ thứ 2 phải là từ vần bằng, câu ba cũng vậy, câu bốn trở lại trắc như câu đầu ( câu 3,4 là cặp trạng , phải đối chỉnh / câu 5,6 là cặp luận, phải đối chỉnh). Nói chung câu đầu phá trắc thì câu 2,3 bằng /4,5 trắc /6,7 bằng (câu 7 chuyển kết), câu tám là câu kết, trở lại trắc y như câu đầu. Còn chữ cuối câu, nếu là vần bằng, thì câu 1,2 bằng/ 3trắc/ 4 bằng/ 5 trắc/6 bằng/ 7 trắc/8 bằng (y như câu 1) Câu 1 mở, câu 8 kết giống nhau. Do yêu cầu của HC, tôi chỉ nêu ra vài nét đại khái mà tôi hiểu theo trí nhớ như vậy, mong rằng HC và các bạn nào còn lờ mờ về thơ Đường luật, nếu thích thì nên nghiên cứu sách sẽ rõ hơn. Hoành Châu ơi, sơ lược như vậy tạm thôi nhé! PT muốn nắm chắc vẫn cần phải học thêm, HC à! Cám ơn bạn đã đặt niềm tin vào PT.

    • Yên Dạ Thảo nói:

      Chưa bao giờ YDT làm thơ Đường vì thấy niêm luật rất khó nên YDT không bỏ thời gian ra nghiêng cứu, lời hướng dẫn của anh có 1 đoạn YDT chưa thấu hiểu nghĩa “câu 3,4 là cặp trạng … câu 5,6 là cặp luận” ! Nhờ huynh giải thích thêm ý nghìa của ” cặp trạng và cặp luận” là gi!

      Khi hiểu rõ, YDT sẽ làm thử 1 bài Đường luật nhờ huynh xem có chuẩn không!  YDT cám ơn huynh.

       

      • Phong Tâm nói:

        Yên Dạ Thảo. Thời gian và trang nhỏ nầy không phép, có thể tạm vắn tắt như thế nấy:

        Thơ ĐL bao gồm: Đề – Thực (Trạng) – Luận – Kết.

        1/- Đề thì có phá đề (câu 1) là câu mở bài, hé màn cho thấy (nói cả ý nghĩa trong bài) và thừa đề  (câu 2) là câu nối với câu phá, định nói ở đầu bài. (dẫn nhập vào nội dung bài).

        2/- Thực còn gọi (Trạng)  (câu 3-4) là giải thích đầu bài cho rõ ràng, ý muốn mô tả: Cảnh, Tình, Thế sự…v,v… mình muốn vịn vào mà kể ra ( 2 câu nầy phải đối nhau từ hoăc ý) –  tức câu 3 và 4 trên, dưới đối nhau.

        3/- Luận (câu 5-6) là bàn bạc, khen chê, so sánh…cảnh, tình,thế sự…việc nầy với việc khác, người ấy với người nầy, cả về tâm trạng, khẩu khí muốn bày tỏ liên quan đến ý, nội dung bài  đang được thể hiện…( 2 câu nầy phải đối chỉnh như 2 câu 3-4) mạnh mẽ rõ ràng.

        4/- Kết (câu 7-8) câu 7 chuyển, câu 8 kết, là tóm ý nghĩa toàn bài mà thắt lại mạnh mẽ, rắn rỏi, bất ngờ,nêu bật ý tưởng khớp với nội dung bài.

        Với trí nhớ kém đi,tôi nhớ những gì đã học lúc tuổi nhỏ trình bày sơ lược ở đây, mong YDT nghiên cứu thêm, nếu thích thơ ĐL  thì mạnh dạn chen vào. Thân

         

         

        • Yên Dạ Thảo nói:

          YDT cám ơn anh Phong Tâm bỏ thời giải thích rõ các điều YDT thắc mắc từ trước đến nay! YDT nhờ huynh đọc bài họa từ bài Tự Tình,  có chỗ nào cần chỉnh sửa cho chuẩn thì nhờ huynh gợi ý dùm! Lần nữa YDT cám ơn huynh.

          Một Mùa Trăng

          Thêm một mùa trăng chất tuổi già
          Vòng xoay con tạo chẳng buông tha
          Ngu ngơ Ta vẫn chìm hơn Cuội
          Lẩn thẩn Cuội còn trội  hẳn Ta!
          Hạnh phúc dài lâu tìm khó được
          Buồn đau bất chợt vốn thường mà!
          Thơ còn hơi thở ru ta ngủ
          Đêm lặng thu tàn, tiễn Nguyệt Nga!

          YDT

           

           

          • Phong Tâm nói:

            Không còn chỗ để chỉnh và góp ý vào Yên Dạ Thảo ơi! Không ngờ bài đầu tiên làm theo thể thơ Đường luật (như YDT cho biểt) lại đạt được như vậy. Cám ơn YDT đã đọc bài của tôi và quan tâm đến thể loại thơ nầy, xin chúc mừng YDT đạt được chuẩn đầu tiên.

          • Phong Tâm nói:

            Hồi nãy viết phản hồi chủ quan tôi không đọc kỹ, YDT có meo cho tôi, tôi góp ý nên sửa lại Đêm lặng thu tàn dưới ánh Nga! Tạm như vậy.

            Cám ơn anh Nguyễn Hồng Ân góp ý rất chính xác.

          • Yên Dạ Thảo nói:

            Anh Ẩn ơi,

            Vậy là YDT phải bắt đền anh Phong Tâm ra chữ Nga ở câu cuối rất khó tìm chữ thanh trắc đi trước chữ Nga! Nhớ đến tên Nguyệt Nga, YDT mừng “hết lớn”  nên dùng liền! Tối nay, YDT nằm gát tay trên tráng mà tìm chữ cho thích hợp với ý của câu nầy

            Làm qua bài thơ Đường Luật nầy, YDT thấy khó vô cùng! Luật bằng trắc thì YDT tạm ổn nhưng chưa quen đối chữ và đối ý cho lắm! YDT cám ơn huynh nêu ra cái yếu điểm của bài thơ, đừng lo YDT giận phản hồi của huynh! YDT nghỉ đây cũng là một bài học để chủ ý thêm về sử dụng từ khi làm một bài thơ! Nhất là thơ Đường Luật

            Thân mến,

            YDT

             

             

  8. Phong Tâm nói:

    Hống Băng à, Hồi mới làm thơ, tôi gần như chăm chú vào xướng họa thơ… ” Đường phèn “, lúc đó nhanh lắm, nhận được là trả ngay, quen, nên vần luật, đối chọi chan chát chẳng mấy khó khăn, có điều thường đối chỉnh dễ rơi vào tình trạng dùng nhiều từ ngữ điển tích, sáo mòn, cứ giẫm dấu người đi trước, mình kém tài nên cứ lòng vòng. nhồi đi nắn lại, ngán ngược. Tôi vội tìm hướng  khác và thấy bắt nhịp nhanh và tươi mới hơn, vài bạn văn chương ngạc nhiên, thích thú thấy tôi “lột được xác”, cứ gặp là căn dặn tôi đừng bao giờ quay ngược lại. Bỏ lâu, làm lại mệt óc hơn xưa, có lẽ dự cho vui với ace chừng nầy thôi.

    Như vậy là bịnh thoái hóa đốt sống cổ HB kể hôm trước nay đã thoát rồi phải không? Xin gởi lời chúc mừng và rất vui. Thân PT

  9. Hoành Châu nói:

    Anh Phong Tâm kính quý, cảm ơn  sự nhận xét của anh , em sẽ chú ý hơn  về luật bằng trắc trong thơ Đường hơn , Đúng như nhận xét của anh ,  tuân thủ những quy luật khắc khe  khiến người sáng tác trở nên hơi bị gò bó , thế nên để có một bài thơ hay không phải dễ . Chúc anh khỏe để chỉ dạy cho em út . Không hiểu sao lúc này em thích được họa thơ quá . ( dù đang chập chững ).  Em Hoành Châu

  10. Hoành Châu nói:

    Anh Phong Tâm kính quý, sau khi tham khảo thêm về  cách họa thơ  Đường luật, cách  niêm vận , chú ý luật bằng trắc, cách đối , em tự chỉnh lại bài họa ” Trung thu mơ ước” (tương đối  thôi )
    Trung thu tháng tám tuổi vừa già ,
    Lặng ngấm trăng rầm sao thiết tha ,
    Trước ngõ sáng choang đèn trẻ đốt,
    Sau vườn tối mịt đóm cùng ta ,
    Bao năm lặng lẽ :buồn muôn thuở   ,
    Một phút lao xao  : tạm vui mà !
    Ước mãi không mờ phai giọng hát,
    Mơ  vui sống  trẻ ở cung  Nga !
    Hoành Châu 24/8/ 2014      (

  11. Lê Liên nói:

    Quý Huynh Tỷ thân mến!

    Lê Liên thật cảm động khi đọc ” suy nghĩ về thơ đường” của đại huynh Phong Tâm và những ý kiến phản hồi của quý huynh, tỷ cho bài viết này!

    Thơ Đường không khô khan, bằng chứng là nhiều Thi Huynh, Thi Tỷ có nhiều ý tưởng rất hay, bay bổng lắm! Có điều chúng mình chưa quen Họa, Đối cho đúng niêm luật thôi! Nhưng có sao đâu! Từ từ rồi sẽ quen , và thấy Thơ  Đường rất Thú Vị!

    Muội tin rằng Thơ Đường sẽ giúp cho đầu óc của chúng ta vận động nhiều hơn, sự lão hóa sẽ đến chậm.

    Nếu có thời giờ, muội mời cả nhà tìm trên mạng ” Luật thơ đường” đọc,  rất dễ  hiểu. Muội cũng tự tham khảo và tập Họa. Muội tin cả nhà sẽ thấy  sáng tác thơ cũng hấp dẫn! Đầy khám phá mới!

    Muội cũng trãi qua những tháng ngày lú lẩn, quên trước, quên sau… nên muội mới chọn cách cứu vãn tính hay quên…  bằng cách Họa Thơ Đường. Tất nhiên muội không tài nào khôi phục được như xưa, hiện tại muội cũng đọc tới đâu quên tới đó, cho nên cũng vất vả  khi viết lách! Muội chỉ nhớ loáng thoáng những chuyện xa xưa thôi ạ!

    Muội rất vui khi được đọc nhiều bài họa của quý huynh, tỷ! Dù chưa đúng niêm luật, nhưng đó là món quà rất quý đối với tiểu muội, bởi nó chất chứa bao ân tình của chúng ta dành cho nhau. Rất nhiệt thành, rất hồn nhiên… Tiểu muội yêu tất cả những bài thơ mượt mà, những bài thơ vụng dại của cả nhà mình!

    Tiểu muội có nhiều công việc quá! Nên tạm gác lại bài họa. Có lẽ, sau khi đi SG về tiểu muội mới họa bài thơ Trung Thu này. Mong quý thi huynh, thi tỷ thứ lỗi cho tiểu muội!

    Xin được chúc cả nhà ta có những tháng ngày thật an vui.

    Thân Ái,

    Lê Liên tiểu muội.

     

    • Phong Tâm nói:

      Lê Liên thân mến,

      Cám ơn Lê Liên dành nhiều tình cảm, chịu khó đoc bài phản hồi của tôi mà ông Lương Minh đưa qua thành bài  “Nghĩ Về Thơ Đường” và động viên, khuyến khích tôi cũng như nhiều anh chị em khác.

      Đúng, thơ Đường không khô khan, nhưng vì sự ràng buộc khắc nghiệt vào vần, luật, nên khó có bài thơ hay, bằng chứng  điển hình thơ Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương thôi, cho tới thế hệ nầy chưa thấy có bài vượt trội, vì sao? Vì nó khó quá! Muốn có được một bài thơ thanh thoát, tươi mướt, truyền cảm để lại lòng người dường như thật hiếm hoi, cho dù có ai đó có bài tương đối như bà HTQ ở thời đại nầy, chắc cũng không đuợc bao nhiêu người cổ vũ? Nói là vây, ở đây chúng ta làm thơ chỉ tìm thú vui …sống, kéo dài tuồi thọ qua xướng họa, giao lưu, thêm bạn, quan tâm lẫn nhau, chớ đâu phải chuyên nghề và mong trở thành thi sĩ, thôi thì  ai thích cứ làm, tới đâu hay tới đó, vui mà! Phải không Lê Liên? Xin chân thành cám ơn bạn đã góp ý cho bài trên. (PT)

  12. Phong Tâm nói:

    Hoành Châu sửa lại bài nầy nhìn chung đã thành công. Có 2 điểm cần chỉnh lại thôi.

    1/ Thay bớt 1 từ trẻ để tránh điệp từ trong thơ ĐL, có thể ở câu thứ 8 dễ thay hơn.

    2/Đổi từ vui trong câu thứ 6 bằng một từ có thanh trắc để không sai luật.

    Xong hai điểm trên coi như bài thơ đã hoàn chỉnh. ( Hồi nãy viết vừa xong bị ngắt điện, mất, phải viết lại). Chúc mừng HC thành công.

  13. nguyenthikieutrinh nói:

    Anh Phong Tâm kính mến,

    Đọc đi đọc lại bài viết của Anh Phong Tâm và ý kiến phản hồi của ACE, 7 đồng ý với Anh Phong Tâm và ACE! Thơ Đường không dễ làm và muốn hay càng khó hơn!

    7 vừa đọc xong BẾN, tập thơ của Anh PT tặng, 7 thấy dòng cảm xúc nơi tập thơ được ngấm đa chiều, lời thơ không bị gò bó, có câu thơ “lác đác” vài từ nhưng vẫn “trù phú”! 7 cám ơn Anh thật nhiều!

    Xin ké nơi này ít lời cùng Anh Hồng Băng! 7 mừng vì Anh Hồng Băng đã hết bệnh và mong Anh HB hướng dẫn bài thuốc cho ace trang nhà cùng biết để trang bị cho tủ thuốc gia đình. Hai cuốn sách Anh Hồng Băng tặng 7, 7 đã đọc xong một quyển, dễ cảm nhận. Cuốn còn lại hơi khó  dù vẫn có hướng dẫn để đọc hiểu nhưng theo 7 có nhiều từ ‘siêu hình” quá?! Vẫn cố gắng. 7 cảm ơn Anh Hồng Băng nhiều!

    Thân ái, 7.

     

    • hồng băng nói:

      7 Kiều Trinh thân,

      Đọc hiểu 1, còn 1 thì chưa. Vậy là siêu lắm rồi. Cứ tiếp tục, ngôn ngữ Phật học nhiêu khê lắm! Một chữ Pháp thôi cũng đủ lắc lư rồi huống gì 2 quyển ấy lại đề cập nhiều đến thiền bậc cao. Đừng nãn, có thể tìm đọc quyển Cốt Lõi Đạo Phật để học thêm  1 số từ thường gặp, để dễ đọc hơn. Về bài thuốc, đang kiểm chứng tự thân và 1 số người bị bệnh. Bước đầu có kết quả rất tốt. Đang đau nhức, tay không dám cử động, kể cả không tự mặc áo được, cho uống tại chỗ và ngồi lại 10phút, ra về. Cơn đau giảm gần như không còn cảm giác bệnh tật và qua ngày hôm sau, tự tay lái xe đi sg, vì anh ta là tài xế. Trước đó , Bệnh viện cho biết anh ta bị thoái hóa đốt sống c4,c5. Đang tiếp tục trên vài người nữa vào vài ngày tới vì đã hết thuốc, đang ngâm rượu, chờ đủ ngày đưa vào sử dụng. Chỉ 1 ly  bằng ngón tay, dễ uống vì mật ong ngọt. Về ổn định lâu dài thì chưa biết sao chứ hết tức thì các triệu chứng, góp phần trả lại chất lương cuộc sống. Chờ nha. Chúc tinh tấn. HB

  14. Lê Liên nói:

    Anh Hồng Băng ơi!

    Anh đau gì vậy anh ? Liên cầu mong anh ” thân tâm an lạc” anh nhé ! Cố Lên! Hãy suy nghĩ tích cực , để lướt qua bệnh tật anh nhé! Thân ái, em Lê Liên

     

     

  15. Hoành Châu nói:

    Anh Phong Tâm kính quý, em đã chỉnh sửa  bài thơ  họa của em  như   anh nhắc nhở tuân thủ  luật thơ , rõ ràng bài thơ đọc lại   nghe  hay hơn nhiều !. Cảm ơn anh ,nghe anh nói bỏ nghề HỌA THƠ Đường  tụi em   buồn lắm, tụi em đề nghị  anh chuyển qua vai trò mới : duyệt xét , đề nghị chỉnh sửa và xếp loại A hoặc B    (không có loại C và D  vì hai loại này không đạt chuẩn tối thiểu  dành cho  thơ HỌA ),Chúng em  chúc anh vui nhận vai trò mới . Em Hoành Châu

  16. Phong Tâm nói:

    7 Kiều TRinh mến,
    Nay hơi lâu mới có chuyện nói với 7KT.Độ nầy khỏe phải không? Rất cám ơn 7 thông cảm với PT và thắm thiết đọc tập thơ BẾN bày tỏ cảm xúc chân tình, rất tiếc không tặng được cho 7KT số tập thơ khác để đọc mấy ngủ luôn. Thân PT

    Hoành Chãu ơi! Hổng dám đâu, vấn đề HC đề nghị dành cho người khác đi, viết vài câu phản hồi mà PT ngất ngư, không đủ thì giờ nói gì đến lãnh “nhiệm vụ…” như HC đề xuất!? Mấy ngày nay lỡ vướng vào đây PT gần đứt hơi rồi, còn nhiều việc phải làm không kịp, bỏ lại, quỹ thời gian PT không còn nhiều Hoành Châu ơi, xin thông cảm cho thân già của anh.Thân mến, PT.

  17. Phan Luong nói:

    Hi hi …

    Ssu khi đọc kỹ lời của huynh PT diễn giải cho chị YDTcú pháp và cách hành thơ Đường PL lại có nhả hứng làm tiếp để nhờ huynh PT xem dùm có tiến bộ ko ?

    TRUNG THU HOÀI VỌNG

    Lại đến Trung Thu thêm tuổi già

    Buồn ,vui xen lẫn ở trong ta

    Vui vì trẻ rước đèn hoa giấy

    Buồn thiểu ,buồn thiu giọt lệ nhòa

    Ngó lên chú Cuội còn vương vấn

    Nhìn xuống diêm đày ta sợ ta

    Thôi thì hoài vọng mùa trăng cũ

    Ấp ủ vào tim bóng Hằng Nga

  18. Hoành Châu nói:

    Anh Phong Tâm kính quý,,đây là bài DUYÊN THƠ của Yên Dạ Thảo
    Hiên thơ ghé lại để xem thơ
    Gợi kỹ niệm xưa tuổi mộng mơ
    Đồng cảnh đồng quê đồng cảm xúc,
    Quê hương nỗi nhớ ~ một duyên thơ !
    Còn đây là bài họa của em sau khi học tập chút ít về luật thơ Đường: niêm vận , đối,,,
    VUI  HỌA THƠ
    Yêu thơ mới thích họa nhiều thơ ,
    Từ tối sang khuya  đến sớm mơ,
    Nhà  giáo, nhà nông, nhà  kiến trúc..
    Đồng vui cảnh ngộ  ~ họa cho thơ !
    Hoành Châu ( 25/8/2014 )
    Kính nhờ anh Phong Tâm , Yên Dạ Thảo đặc biệt chiếu cố bài thơ nầy và những ai yêu thơ cũng có thể bình xét bài họa nầy ,xin cảm ơn nhiều .Hoành Châu

  19. Yên Dạ Thảo nói:

    Anh Phong Tâm và anh Ẩn cho YDT xí làm lại nha! Nhờ huynh đọc bài thơ, YDT vừa tìm ra được chữ để thế chữ Nguyệt Nga.

    Một Mùa Trăng

    Thêm một mùa trăng chất tuổi già
    Vòng xoay con tạo chẳng buông tha
    Ngu ngơ Ta vẫn chìm hơn Cuội
    Lẩn thẩn Cuội còn trội  hẳn Ta!
    Hạnh phúc dài lâu tìm khó được
    Buồn đau bất chợt vốn thường mà!
    Thơ còn hơi thở ru ta ngủ
    Đêm lắng thu tàn dưới bóng nga!

    YDT

     

     

  20. Phong Tâm nói:

    @ Phan Lương . Bài thơ nhìn chung về ý rất đạt, nhưng nếu là thơ ĐL thì chưa, Hai cặp đối 3-4, 5-6 chưa đối chỉnh, lại phạm sai vần ở từ cuối câu với bài xướng, thay vì phải là : già, tha, ta, mà, nga, thì PL lại hạ vần: già, ta, nhòa, ta, nga/ Nghiên cứu lại nhé, PL.

     

    @ Hoành Châu. Bài họa thơ Tứ  Tuyệt hay ở chỗ nói lên được tâm trạng của nhiều tầng lóp say mê thơ, lời thơ bình dị tha thiết và chắc tay.

     

    @ Yên Dạ Thảo Bài thơ sửa lại hoàn chỉnh, hay hơn, xin chúc mừng.

     

    Chúng ta thử tham khảo bài ĐÁNH ĐU của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, để học hỏi cách đối xứng cùa Bà, nghe các bạn.

     

    ĐÁNH! ĐU

    Tám cột khen ai khéo khéo trồng,

    Người thì lên đánh kẻ ngồi trông.

    Trai đu gối hạc khom khom cật,

    Gái uốn lưng ong ngửa ngủa lòng,

    Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,

    Hai hàng chân ngọc duỗi song song.

    Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?

    Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!

    Hồ Xuân Hương

    Bài thơ nầy là một trong những bài thơ của bà đối rất chuẩn đó các bạn.

     

  21. Lê Liên nói:

    Chào Yên Dạ Thảo !

    Lê Liên xin thứ lỗi, vì chưa biết xưng hô thế nào cho đúng! Yên Dạ Thảo gỡ rối dùm Lê Liên nha?

    Lê Liên hiểu ý tưởng bài thơ của Yên Dạ Thảo, rất hay, nó làm mọi người chạnh lòng!

    Cũng giống như các huynh, tỷ , bài thơ đầu tiên Liên họa  cứ như là bài luận văn tả cảnh, được xếp đúng thanh ” Bằng Trắc” thôi, .. bây giờ LL đọc lại thấy vui lắm lận vì sự vụng dại của mình!

    Càng làm thơ Đường Luật, người ta càng thấy âm điệu , tiết tấu của bài thơ càng bay bổng tự nhiên, ý tứ sâu sắc, rất logic … hay lắm !

    Lê Liên nghĩ Yên Dạ Thảo và các huynh tỷ nhà mình chỉ lúng túng vài bài đầu thôi! sau đó thì Lê Liên chạy theo không kịp! Thế mới thích!

    Như ý anh Phạm Đức Manh đó : “Chúc cuộc vui của các anh chị say mê thể thơ Đường tiếp tục chảy mát rượi như ánh trăng vàng mơ ước!”

    Chúc Yên Dạ Thảo bút lực dồi dào!

    Thân ái,

    Lê Liên

    • Yên Dạ Thảo nói:

      Mình cũng không biết sẽ gọi Lê Liên là chị hay không?Vậy hãy gọi tên cho không khách sáo. Sau nầy có thời gian YDT sẽ nghiêng cứu về thơ Đường và làm thử .
      YDT nghe nói ở VN mình có bán sách liệt ra những từ và ý đối nhau trong luật thơ Đường! Nếu Lê Liên vầ các ACE có biết sách nầy thì cho YDT tên sách để nhờ tìm mua.

  22. Hoành Châu nói:

    Hoành Châu xin họa bài ĐÁNH ĐU của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương :
    XÍCH ĐU SỞ THÚ
    Lá kiểng cây hoa ai giỏi trồng ,
    Xích đu tạo cảnh ngẩn người trông ,
    Gìa đưa chầm chậm : tâm thơ thới ,
    Trẻ vút nhanh nhanh  : mãn nguyện lòng ,
    Cúi xuống nhìn hoa lay giậu biếc,
    Ngẩng lên thấy nhạn  lướt khe song ,
    Chắc ai cũng sợ mưa giông tới ?
    Rũ bỏ cuộc vui nhường cõi không !
                Hoành Châu (26/8/2014 )

  23. hồng băng nói:

    Cùng các thi hữu.

    Đường thi vốn đọng ý, đọng đến như cô đặc nên khó làm. Chợt nhớ Quách Đào hôm nào nói về Tịnh Độ, về Tự Lực và Tha Lực. Tôi họa bài thơ này với cách tổng hợp Luật thơ Đường, 4 câu đầu theo Trắc khởi cách, 4 câu sau theo Bằng khởi cách và tận dụng  nhất, tam , ngũ bất luận. Nhị, tứ ,lục, phân minh. Lâu quá, viết vội chắc ý còn sơ. Cảm phiền nha

    TRUNG THU TỰ GẪM

    Nâng chén trà thơm thưởng tuổi già

    Khói huyền suy gẫm Tự và Tha

    Cây đa khóm trúc nương chiều gió

    Góc cũ người xưa đọng cõi ta.

    Một vầng trăng tỏa đơm đầy sắc

    Dăm ánh sao treo điểm xuyết mà

    Lác đác giăng trời chân huyễn gộp

    Sôngcòn lưu bóng đuối Hằng Nga.

    Mùa Trung Thu Giáp Ngọ

    HỒNG BĂNG

     

    • Anh Tú nói:

      Hồng Băng ơi,

      “…chắc ý còn sơ…” ?

      Với thơ của bạn “sơ …thì hay, sâu…không hay” (thật ra câu đó là : hiểu thì hay, không hiểu không hay) khi nhắc lại ý của một người “quen” khi đọc thơ Hồng Băng, chỉ là đùa thôi nhe. 🙂

      Hồng Băng phải xuất chiêu để …chào mừng Lê Liên đến vùng đất ảo này chứ,  bạn của tôi!

      Thân,

      Anh Tú

      • hồng băng nói:

        Chào Anh Tú,

        Chắc bài TTTG được Chị nhà khen phải không? Lẽ ra còn phải cười nữa chứ! Ai đời có người thấy trăng đáy sông tưởng trăng thật và còn hơn thế nữa ,lại cho rằng Chị Hằng chết đuối dưới sông. Chúc vui khỏe. HB

        • Anh Tú nói:

          Đúng! Được khen. Không cười nhưng mừng vì thiển nghĩ HB không nhảy xuống sông tìm chị Hằng Nga.

          Thêm một bài tui khoái.

  24. Phong Tâm nói:

    Hồng Băng ẩn luyện mấy ngày đã đắc đạo. Bài thơ buông ra ý tưởng, ngôn từ, tạo nên âm vực mê hoặc với thanh âm trầm bỗng thanh thoát. Nhắm mắt nghe dẫn nhập đề đã thấy hồn phiêu lạc, phiêu dao…cảm nhận ngay thể Đường thi có đẳng cấp. Tôi biết thơ Đường luật, nhưng chưa một lần nghiên cứu sâu, vấn đề nầy có lẽ phải chờ Lê Liên hay cao nhân nào đó lý giải rõ ràng hơn. Chỉ băn khoăn chưa tường tận cái “cố ý” của Hồng Băng, lý do chia hai 4 khởi trắc và 4 khởi bằng trong một bài thơ Đường Luật? Điều mà tôi chưa từng đọc thấy, tôi đành chịu dốt để học thôi Hồng Băng oi! Giải thích cho rõ hơn đi.

    • hồng băng nói:

      Ông PTâm ơi, hình như không phải Hồng Vân. Hình như là Nhật Lệ, tôi có gặp chị này trong ngày sinh nhật hay ra mắt tập thơ..ở SG. Chị đa tài, hát hay. Tôi ưa quên quá rồi! HB

    • hồng băng nói:

      Anh Phong Tâm thân,

      Sáng này, được người bạn rủ đi ăn giỗ ở xứ của anh. Dự định chuyến về sẽ ghé anh chơi, nhưng trời vần vũ nên không tiện, mặc áo mưa về luôn. Ghé chợ Bang Tra uống café. Ở đây yên bình quá! Nhìn những cây bần ra hoa ven kênh nhỏ, nhớ tiếng bần rụng, nhớ anh KGiang, nhớ Mây Tần.. Hẹn anh khi khác vậy. Thân kính. HB

  25. Nguyễn Thanh Hồng nói:

    CUỘI!

    Rong ruổi đường mây mấy chốc già

    Vô thường quên mất quỉ nào tha!

    Thu sầu gợi cảm xa xưa ấy

    Trăng khuyết mờ soi thấp thoáng ta

    Thế thái nhơn tình ai khéo biết ?

    Dã tràng xe cát luống công mà!

    Tình thơ lai láng hồn thu chết!

    Chợt tỉnh thì ra nhớ Nguyệt Nga.

    Hồng Trần

  26. Phong Tâm nói:

    Chào bạn Nguyễn Thanh Hồng ( Hồng Trần ),

    Hân hạnh được tiếp bạn với bài CUỘI “họa vần” rất Đường thi, mong bạn cho bỉết chút thông tin về bạn để nhận ra bạn cũ mới và có cách làm quen. Mấy hôm nay tôi bận, thỉnh thoảng mới vào xem, cũng không kịp nán lại, do đó đọc được bài thơ và có vài lời cùng bạn chậm trễ. Ngày mai tôi lại có công việc phải đi vắng suốt tuần, hy vọng bạn tiếp tục tham gia bài viết cho vui. Thân mến, PT.

    • Hồng Trần nói:

      Tịnh Thi

      Đạo Pháp muốn thông học phải già

      Tắt Tu thù thắng Tự nhờ Tha

      Tây Phương cứ ngỡ tâm xa cách

      Cực Lạc dè đâu trong tánh ta

      Cửu Phẩm Liên Hoa phần sẵn có

      Di Đà Lục Tự Niệm luôn mà

      Tình thơ giục giã vô thường đợi!

      Thôi chớ ỡm ờ chuyện Cuội Nga.

       Hồng Trần

  27. hồng băng nói:

    Bạn Hồng Trần thân mến,

    Đọc bài Cuội của bạn, tôi ngờ ngợ/ Thu sầu gợi cảm xưa ấy/ và, nay đọc Tịnh Thi, cái ngờ ngợ đó không còn nữa. Tính uyên bác trong nội dung, kỹ thuật Đường thi nhuần nhuyễn..tôi đóan bạn rất tâm đắc pháp môn Niệm Phật, Tịnh Độ tông.

    Ông bạn già của tôi, anh Phong Tâm, qua phản hồi trước, ngỏ ý muốn biết đôi điều về bạn, để tiện giao tiếp, nhưng nếu thấy có điều bất tiện, bạn có thể cho qua luôn. Anh em văn nghệ vốn vậy, trải lòng ra để kết bạn. Nhưng bạn Hồng Trần ơi, bạn có tin rằng, nếu muốn, tôi sẽ biết về bạn, dù bạn không là người lưu dấu trong giới văn nghệ. Tôi nói thật đấy, bạn có tin không?

    Vui một chút với bạn, chúc bạn luôn tinh tấn trên đường tu tập. Thân. HB

    • Nguyễn Thanh Hồng nói:

      Xin cảm ơn quý vị! Chân thành tặng quý vị bài thơ:

      Hư Thực !

      Trung  Thu hoài vọng chẳng riêng già
      Cổ tích bi tình sử thiết tha!
      Nhướng mắt dõi chừng in bóng Nguyệt?
      Nheo mày dáng Cuội phải chăng ta?
      Cây Đa hồi ấy còn đâu nữa!
      Đất Đá bây giờ cũng vậy mà
      Thơ thẩn du hành bao thế kỷ?!
      Chị Hằng chinh phục Mỹ kình Nga.

      Hồng Trần

      • Hồng Trần nói:

        Đại Diện

        Trung Thu nhờ Cuội nhắn cùng già

        Sấm Pháp vang rền Tự Lợi Tha

        Đã biết chân Trời chim cánh mỏi ?

        Sao còn vọng Nguyệt bỏ quên ta !

        Bao năm trải kiếp Hồng Trần khắp ?

        Một phút huyễn đời bất cập mà !

        Phong cách trượng phu lìa chấp trước

        Tâm vô quái ngại được cùng Nga …?

        Hồng Trần

  28. Hồng Trần nói:

    Kỳ Ngộ

    Tịnh – Giáo – Mật – Thiền … chớ nghĩ già!

    Pháp môn vô lượng bởi do tha

    Ghét thương hai lẽ nguồn chưa tỏ

    Được mất một lời gốc cũng ta

    Tri kỉ đâu tìm duyên vẫn gặp

    Tri âm chẳng kiếm hội đây mà

    Đường Thơ bút pháp cây cầu nối

    Cỡi gió đùa mây mượn cánh Nga.

    Hồng Trần

    Ngán Đường Thơ!

    Lỡ bước đam mê mỏi gối già!

    Ngán Thơ  Đường Luật trối xin tha!

    Ý lời niêm đối ôi ràng buộc!

    Luật vận vế câu cột trói ta!

    Đã thế sao còn vương vấn mãi?

    Thì ra cũng bởi thích thôi mà!

    Thú chơi tao nhã xa gần bạn

    Nặn óc moi tim ghép chữ Nga!!!

    Hồng Trần

    KT

    Xướng khởi Trung Thu một lão già

    Họa đâu chẳng thấy bảo rằng tha?

    Đường xưa phai dấu hồn quên lãng!

    Thơ cũ đậm tình Cuội nhớ ta?!

    Phong Nguyệt muôn đời luôn gắn bó

    Tâm Thân vạn kiếp đổi thay mà!

    Hồng Danh diệu dụng khai Chơn Đạo

    Băng thoát trần mê giã biệt Nga.

    Hồng Trần

  29. Hoành Châu nói:

    Xin chào Nguyễn Thanh Hồng ~Hồng Trần , chao ôi  bài họa HƯ  THỰC hay tuyệt, Hoành Châu biết dây là  người của một thời đã từng xướng họa Đường thơ  với anh Phong Tâm ,Hồng Băng đây  ! Hôm nay được đọc  vài bài hoa hay quá , xin cảm ơn tác giả .Hoành Châu mơ ước  được  đọc thêm  những bài thơ khác  của  Hồng Trần nữa nhé , Rất mến . Hoành Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác