Một lần được làm người là 1 lần khó(*)

Ngày đăng: 4/08/2014 07:09:25 Sáng/ ý kiến phản hồi (16)

Nền văn hoá phương Đông dưới ảnh hưởng của Phật giáo có hai niềm tin lớn. Đó là tin ở luân hồi và quả báo. Luân hồi là sao? Có nghĩa là ta không phải sống duy nhất ơ kiếp nầy. Sau khi chết ta sẽ đầu thai sang kiếp khác. ( Phật giáo nhấn mạnh không có một ‘linh hồn’ đi đầu thai nha.) Kiếp sau đó có thể ta vẫn làm người, tuy nhiên cũng có thể ta đi vào một trong năm con đường còn lại. Có sáu con đường gọi là lục đạo: súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ, a tu la, người, trời. Đi vào con đường nào là do mình tự chọn, tức là bằng những việc mình làm ở kiếp nầy hay kiếp trước nữa sẽ tạo ra nghiệp lực dắt dẫn mình đầu thai vào con đường đó. Việc làm tốt lành sẽ tạo ra nghiệp thiện và quả báo là được đầu thai làm người, trời. Làm việc ác xấu sẽ tạo ra nghiệp ác và đầu thai vào súc sinh, ngạ quỷ. Việc ác là việc nào?  Có rất nhiều việc ác nhưng có 4 việc ác lớn là: dâm, sát, đạo, vọng. Người nào phạm vào 4 việc nầy mà không biết chân thành ăn năn sám hối, không biết thường xuyên nhất tâm niệm Phật thì kiếp sau chớ mong làm người. Chỉ có con đường súc sinh, ngạ quỉ. Xem vậy mới biết hiện nay ta được làm người là do kiếp trước và nhiều kiếp trước nữa đã dầy công, kiên trì làm biết bao việc thiện. Nếu nói một cách ví von đầy hình tượng theo kiểu Vi Tiểu Bảo của Kim Dung thì nếu là nhà tu, ta cũng đã gõ lủng 18 cái mõ, kiếp nầy mới được làm người!

Làm người thật khó được nhưng cũng đáng bỏ công. Bỡi vì, cũng theo đạo Phật trong 6 loại chúng sanh kể trên chỉ duy nhất loài người là có khả năng thành Phật. Các loại khác đành chịu, kể cả trời ( các đấng phạm thiên ). Kiếp người quý như vậy mà nhiều người không biết, đến nỗi đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời phải kêu lên : ”  Nhiều người sống như không biết rồi sẽ chết và rồi nhiều người chết như chưa từng sống. ” Tôi trộm nghĩ, ngoài hàm ý con người có thể làm được nhiều điều cao xa huyền diệu, chắc Ngài cũng không chê trách những người cố sống một đời làm các việc thiện việc lành, không cần làm Phật.

Bỡi một lần làm người là một lần khó như thế nên trước đây, bên Trung quốc thời nhà Đường có một trường phái các học giả chủ trương hưởng lạc mà đời sau quy cho là duy lạc phái. Họ chủ trương thế giới sum la vạn tượng nầy mênh mông cái đẹp mà đời người ngắn ngủi lại khó có nên ta phải chân tình đón lấy, hưởng thụ và tụng ca. Điển hình cho típ người nầy là anh chàng Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm, sẵn sàng hy sinh thân mình chết cho cái đẹp. Cái đẹp theo họ không chỉ là mỹ nhân, cái đẹp phơi bày khắp nơi, mọi lúc. Một đóa hoa hàm tiếu đẹp theo hàm tiếu, mãn khai đẹp theo mãn khai, đến khi tàn khô cũng có cái đẹp của tàn khô!

Dĩ nhiên, theo các ngài duy lạc, đỉnh điểm tinh hoa của cái đẹp trong trời đất nằm ở nữ nhân. Nữ nhân nào cũng đẹp. Không biết nâng niu, thưởng thức và ngợi ca cái đẹp nầy, coi như hoài phí một kiếp người. Đối với các Ngài, phụ phàng một mỹ nhân là tội lỗi.

Than ôi! Được làm người đã khó mà xem ra làm người theo kiểu nào lại càng khó hơn.

Tháng 8/2014
Quách Đào

My nhan

(*) Chuyện vãn với Ngài Một Lúa và chư đồng đạo.

Có 16 bình luận về Một lần được làm người là 1 lần khó(*)

  1. Anh Quách Đào một bài viết ngắn cứa nhiều kiến thức , nhiều tình tiết và nhiều ý nghĩa. Sáu con đường ( lục đạo), nếu được chọn tôi cũng xin trở lại làm kiếp con người có cực khổ đến đâu cũng được vì ở đó có bạn và người thân, còn làm tiên làm thần mà chi chỉ có một mình. Không biết lý do sao chọn hai nhân vật nổi tiếng đào hoa Đoàn Dự và Vi Tiểu Bảo để  đưa vào bài viết , trong tph- vl.com cũng có một nhân vật nổi tiếng đào hoa không thua 2 nhân vật nầy không biết anh Quách Đào có biết tới không.

    Chúc anh và phu nhân của anh luôn mạnh khỏe.

    • Quách Đào nói:

      Chào Võ Châu Phương!

      Xin cám ơn đã đọc bài viết. Mình vốn đọc sách không nhiều, mà phần nhiều trong cái không nhiều đó là truyện kiếm hiệp, nên có nói vòng vo một hồi cũng phải đem kiếm hiệp chen vào ( bị hết chữ ). Còn câu hỏi của VCP ( ông Hoàng Hưng còn làm bộ ai vậy ta nữa chớ! ) tui biết là nói ai rồi. Nói tui phải hôn? Thật ra tại vì tui có tánh thương người mà không biết vì sao trong quá trình ” vận động và phát triển “, nó bị lệch về một bên đó. Tui đâu có muốn. Mà trong giang hồ, tui chỉ là em nhỏ thôi nhe, mấy anh lớn phải kể tên trước là ông Hoàng Hưng, ông Một Lúa. Còn ông Hồng Băng thì khỏi phải nói, bây giờ ổng hạ cánh an toàn rồi nên có thời giờ tu thiền chớ trước đây ổng là một tay sát thủ săn tim người máu… nóng đó nha. Hê…hê.

  2. hoàng Hưng nói:

    Ai dzậy?

  3. Một Lúa nói:

    Quách đại hiệp,

    Hiệp sĩ giang hồ còn một tay hưởng lạc nổi tiếng trong hắc bạch lưỡng đạo. Đó là anh chàng Lệnh Hồ Xung, một tay lãng tử ươn ươn, ăn nói thô tục, ghiền rượu, cờ bạc và mê gái. Tuy hắn ta xấu trai, ít tắm, thế mà sư muội Nhạc Linh San đẹp như đóa hoa cũng một thời mê hắn cho đến khi cô ta gặp gã công tử nhà giàu Lâm Bình Chi. Lệnh Hồ Xung còn lọt vào mắt xanh công chúa của Nhật Nguyệt thần giáo. Công chúa Doanh Doanh đẹp mê hồn ra lệnh cho các cao thủ hắc đạo ngấm ngầm bảo vệ cho y. Chưa hết, y còn làm cho ni cô xuất gia Nghi Lâm rung rinh lòng trần, suýt tí nửa thì bị mẹ ruột của Nghi Lâm xin tí huyết. Xú bà bà nầy nghĩ rằng y khó thoát chết dưới tay bà, nên thố lộ cha ruột của Nghi Lâm là Bất Giới hòa thượng. Thiện tai, thiện tai!

    Quách đại hiệp đưa ra nhân vật Đoàn Dự là muốn chê anh chàng Lê Hậu Lộc tự nhiên chết yểu. Than ôi! làm người kiểu nào để kiếp nầy hưởng chút chút, kiếp sau hưởng nhiều chút chút. (không dám hehe)

    Lúa

     

     

    • Quách Đào nói:

      Khà khà…! Rà trúng đài rồi. Đã từng đọc của ông Một Lúa không chừa một cái comment, cái nào cũng hay nhưng chưa có cái nào hay bằng cái phản hồi nầy. Một áng văn ngắn nhưng hào sảng, phóng khoáng, tỏ rõ một tay bác lãm tiểu thuyết võ hiệp. Ông Một Lúa ơi, trong đời Lệnh Hồ Xung có tứ đại mỹ nhân chết lên chết xuống với gả, ông mới hài danh tánh có 3. Vậy thì làm luôn một bài hoàn chỉnh về hắn, sẵn dịp kể ra luôn cô nàng thứ bốn. (Q Đ)

  4. MỸ LINH nói:

    Ôi tròi đất ới !tự nhiên mấy ông anh của mình hè nhau đấu chưởng Kim Dung, chắc phải mê chưởng lắm đây, thuộc lào lào, khiếp. tôi tâm đắc nhất câu: Đối với các ngài, phụ phàng một mỹ nhân là tội lỗi…theo tôi nghĩ MỸ NHÂN ở đây là phụ nữ nói chung chứ không hẳn là người đẹp, có phải không anh Quách Đào ? ?

    • Quách Đào nói:

      Chào Mỹ Linh,

      Đúng rồi Mỹ Linh ơi! Mỹ nhân là nữ nhân, nữ nhân nào cũng dẹp. Câu nói nầy của một danh nhân mà nguyên văn là: ” Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ chưa biết mình đẹp chỗ nào “. Mình hoàn toàn tin tưởng như thế nên khi sử dụng không có phân biệt nữ nhân và mỹ nhân. Phân biệt làm gì cơ chứ? Họ vốn là thần tiên cả mà. (Q Đ)

      • Nguyễn Hồng Ẩn nói:

        Từ thuở nào tôi “thấm nhuần” với ý niệm “phụ nữ là người đẹp”. Có lần tôi chào người quen biết (là nữ) trong vòng bà con, bằng hữu  bằng câu : Chào người đẹp! Tôi đã gặp sự giận dữ của đương sự. Đã xui xẻo gặp người không hiểu ý niệm trên và mặc cảm với sắc đẹp bên ngoài của mình! Từ đó tôi…tởn. 🙂

        • Quách Đào nói:

          Xin cám ơn anh Nguyễn Hông Ẩn, anh đã dẫn dùm một chứng minh sinh động, cụ thể và chính xác cho phương châm sống của anh em đồng đạo. Chúc anh vui khỏe. Kính,

          • Một Lúa nói:

            Chào anh Ẩn và Quách đại hiệp,

            Mấy đứa con tui hay chào mẹ nó: “chào người đẹp” (chắc để tặng)

            Tui bắt chước, những lần về thăm mẹ, tui cũng chào người đẹp (thiệt lòng). Bà cười móm xọm đáng yêu làm sao. (Má Lúa bị lãng lúc bà khoảng 90) Trước khi lãng vài năm, bà nói chuyện điện thoại thông thạo chuyện đời bá phát. Bà viết thơ kiểu chữ học trò xưa rất đẹp.

             

  5. hồng băng nói:

    Đào thân,

    Đọc mấy phản hồi của Đào trong bài này, thấy cũng giỏi ghê, lèo lái và móc giò cũng khá! À, mà lượm được tin ở đâu cái vụ máu nóng lạnh gì nữa đây? Tòan đồn đãi thôi Đào ơi, nhỏ lớn biết vụ này bao giờ đâu! Chuẩn bị đi SG thăm 2 cháu nội. Định gửi bài Mẹ cho trang nhà, viết được vài bài, mà tìm hoài không gặp, chắc lại mất nữa rồi. Đụng đâu bỏ đấy, cái tật nó theo đến già. Tiếp nữa đi. Tôi có 1 bài viết trước 75, quên hết, chỉ còn nhớ cái tựa, Khúc Ca Phúc Kiến. Chắc hôm nào viết lại. Hồi đó còn khù khờ, ghét Lâm Bình Chi lắm, bi giờ thì thấy thương. Hì hì. HB

    • Một Lúa nói:

      Chào Hồng Băng tiên sinh,

      Tại hạ tình cờ nghe lõm giang hồ đồn đại, tiên sinh sáng tác cầm phổ Khúc Ca Phúc Kiến, nhưng chẳng may khúc phổ thất lạc. Tại hạ không biết khúc phổ đó nói vụ gì. Nếu tiên sinh viết lại  chuyện về Phước Oai tiêu cục của tổ phụ họ Lâm. Và nếu có nhắc tới Tịch Tà kiếm pháp của Lâm Viễn Đồ được cắc cớ viết bằng laser trên vạt áo cà sa treo sờ sờ nơi thờ tổ đường dòng họ. Tiên sinh  phải nhớ muốn luyện được khẩu quyết kiếm pháp đó, việc đầu tiên phải “đoạn trường” làm cha thái giám đời Minh.

      Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi đã lén vợ để tập Tịch Tà kiếm pháp. Cả hai có võ công cái thế nhưng có việc hư bột hư đường hết trơn. Nhạc Bất Quần che dấu rất giỏi, nhưng cái khoản rụng râu láng vo của y không thể qua mắt bà Ninh Trung Tắc. Sau nầy bà tự vận chết, trong cáo phó không nói tại vì Nhạc Bất Quần chiển dới hay lộ mặt ngụy quân tử, hay vì cả hai việc đó.

      Tiểu một lúa cẩn bút.

      • Quách Đào nói:

        Kính chào Hồng Băng tiên sinh và Một Lúa đại hiệp,

        Tại hạ cũng nghe giang hồ chấn động vì vụ mất tích của kỳ thư Khúc ca Phúc Kiến. Ba mươi giang đạo vùng sông Chín Rồng, hơn mười sơn đảng vùng núi Bảy Đỉnh bỏ phế luyện tập võ công môn phái, mấy chục năm nay đổ xô truy tìm quyển kỳ thư nầy. Nghe nói Hồng tiên sinh viết ra kỳ thư từ hôm chợt nghe đĩa CD có bài ” Chị em lên núi hái trà ” do chính Nhạc Linh San hát. Trà là một loài hoa mà tiên sinh hằng sủng ái, nên với toàn bộ cao hứng, tiên sinh đã đem nhiều tuyệt chiêu phá Tịch tà kiếm pháp lồng vào khúc ca nầy. Ô hô! Mong rằng có người tìm được hoặc Hồng tiên sinh vui lòng viết lại, cho võ lâm hậu thế được nhờ.

        Tại hạ Đào, cẩn bút.

  6. Thanh Thủy nói:

    Anh Quách Đào,

    Thành thật xin lỗi anh vì ngay từ lần đầu tiên tôi đã đọc nhầm ” Một lần được làm người là 1 lần khóc”. Nay hiểu ra thì cũng đáng khóc thiệt!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác