Chuyện đặt tên ai
Đọc câu hỏi của Huệ 12A1 bảy một: “Không biết tự bao giờ trên trang TPH-VL tên mình phải gắn liền với họ vậy , thí dụ như Nguyễn Tuyết chẳng hạn.” Rồi đọc câu trả lời của Lương Minh: “Cái tên Huệ trong một gia đình hay trong lớp 12A 1 thì được nếu trong lớp ấy hay trong nhà không có ai tên Huệ nữa. Lớp đệ thất của tôi ở CHợ lách có hai chị tên Hạnh, cùng họ Nguyễn, tức trong lớp có 2 chị tên Nguyễn Thị Hạnh, buộc lòng giám thị phải thêm chữ A cho chị to con, Hạnh B cho chị nhỏ con để không trùng nhau. Trang nhà không phải của một lớp mà là có rất nhiều CHS của một trường, nhiều niên khóa tham gia nên để thêm Đặng Huệ , có lúc còn thêm 12A1 (NK71) là để khỏi trùng tên với một Đặng Thị Huệ là vợ Chúa Trịnh Sâm (thời nhà Lê). Trả lời như vậy có hợp lý chưa ? (LM)”
Riêng tôi thì chỉ thấy đơn giản, ở trang tongphuochiep-vinhlong.com thường gọi tên “kép,” kép là tên có hai chữ trở lên, chứ không phải kép như chữ kép nhựt ngày xưa chị hai Liểu thường nói. Chẳng hạn như gọi Phi Rom, chị Lưu Phương, anh Phong Tâm. . . Còn Châu Phương thì lại gọi đủ Võ Châu Phương. Còn Lương Minh có thêm biệt danh là SOS, có phải sợ nhầm với ông Lương Minh cũng sanh năm 1952, nhưng ông này làm lớn lắm.
Tên do cha mẹ đặt, như hồi xưa tôi nghe Hồng Lợi nói, nếu có con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Hồng Dã Thảo, con trai đặt là Nguyễn Hồng Dã Hạc. Hồng Lợi có đứa con gái đầu lòng, năm rồi tôi hỏi Hồng Lợi, tại sao mầy đặt tên con gái mầy là loài cỏ dại, cỏ hoang. Hồng Lợi trả lời, tại hồi đó tao không biết.
Tôi có người bạn tên Viên, vợ bạn tên Hồng Nga, bạn đặt tên đứa con là Nguyễn Hồng Ngiên Chấn Phiên, bạn ghép chữ Nga và Viên thành chữ “ngiên,” vậy mà ông hộ tịch cũng chấp nhận. Không biết ông Kim Dung nghĩ gì về tên này. Mới đây xuất hiện thêm ông tân Kim Dung trên trang tongphuochiep, không biết ý ông tân Kim Dung thì sao.
Tên do mình tự đặt, như mấy nhà văn, nhà thơ. Có nhiều nhà văn có tên có tuổi, như ông Sơn Nam, vì biết tên, tuổi của ông. Có nhiều nhà văn có tên không tuổi, mà hỏng phải có một tên, có rất nhiều tên, nhưng không có tuổi, tại vì không biết tuổi của nhà văn. Có những nhà văn, thơ không có tên, tại vì nhà văn, thơ này không chọn cho mình bút, văn, thơ danh, chỉ lấy tên hồi còn đi và dạy học, như nhà văn kiêm nhà thơ Phương Mai. Có vài nhà thơ chọn cho mình “thơ danh” đọc nghe “cải lương chi bảo” hơn là “văn thơ chi bảo.” Còn ông Một Lúa, ngày xưa ông chọn tên Hai Lúa, bây giờ ông lên Một lúa, rồi chừng nào ông tiến lên Nửa Lúa?
Hồi tôi còn trẻ, tôi lại chấp nhứt cái tên. Hồi đó tôi làm dưới quyền “xài xể” của ông Trần Như Huỳnh, khi viết văn ông chọn bút hiệu là Chu Tấn. Một hôm có một người nói với tôi, rảnh không, đi dọn nhà phụ ông Huỳnh, tôi trả lời, phụ dọn nhà cho nhà văn Chu Tấn thì phụ dọn, phụ dọn nhà cho ông Huỳnh thì không. Chỗ tôi làm có ông Dương Văn Bét, người ta gọi ông là Đại Đức Thích Tâm Hạnh, ông Vũ Thạch Nghi thì người ta gọi là “Ông Cha,” tôi chỉ gọi là ông Bét và ông Nghi.
Có lần tôi đến một nơi thờ Phật, thường thì nơi thờ Phật gọi là chùa, nhưng chỗ thờ Phật tôi đến đó không gọi là chùa, mà gọi là Tổ Đình. Tôi cũng không phải tốt lành gì mà đi chùa, đi Tổ Đình, vì anh cựu học sinh TPH Trần Ngọc mỗi sáng chúa nhật thường đến Tổ Đình đó, tôi đến để gặp anh. Anh Trần Ngọc là một pho sách sống, nghe anh nói về đồng bằng sông Cửu Long còn đã hơn đọc sách của ông Sơn Nam nữa. Hương rừng Cà Mau đối với tôi xa lơ xa lắc. Vậy mà cũng có một lần tôi đến Cà Mau, ngồi uống cà phê cạnh một dòng sông. Tôi nhìn dòng sông, nhìn cô bán cà phê, rồi nhìn cô bán cà phê, nhìn lại dòng sông. . . Cô bán cà phê tỏ vẽ thắc mắc. Tôi giải thích với cô:
– Tôi không đủ chữ nghĩa để diển tả hết, nhưng cô nhìn nét tương phản kìa. Bên cạnh một dòng sông đục ngừ, có một người con gái thanh tú, trắng ngần. . .
– Thôi đừng nịnh quá ông ơi.
– Nịnh! là khi nào chỉ có một, hai mà phóng đại lên thành chín, mười, như tôi đã nói với cô, tôi không đủ chữ nghĩa nên chín, mười mà tôi chỉ nói được có một, hai thì đâu gọi là nịnh. . .
Khi tôi nghe cô bán cà phê nói tên dòng sông tôi đang nhìn là sông Trẹm, tôi cảm thấy vui lạ, vì hồi lớp nhì tôi đọc quyển Bên dòng sông Trẹm. Thành ra tôi hiểu niềm vui của anh Nha khi đọc sách của Sơn Nam.
Cũng có thêm tên do sư đặt, một hôm tôi đang đứng nói chuyện với anh Trần Ngọc, thầy Thích G N đến, thầy hỏi tôi có pháp danh chưa, tôi thưa với thầy chưa, tại vì tôi chưa bao giờ thành tâm đến chùa, làm gì có pháp danh. Thầy Thích G N liền đặt cho tôi một pháp danh. Tôi thích lắm, pháp danh thầy đặt cho tôi nghe “cải lương” lắm. Sau này tôi dự một khóa thiền, có một chị có pháp danh tới ba chữ nghe cải lương còn hơn cải lương, có một chị có pháp danh ba chữ nghe kiếm hiệp còn hơn kiếm hiệp.
Cũng có tên do thầy giáo đặt, hồi tôi mới đi học lớp năm trường làng, trong lớp có trò Nguyễn Văn Cu, sau đó thầy tự ý sửa là Nguyễn Văn Cuôi. Có một trò gái tên là Trần thị Thẹp, sau đó thầy sửa là Trần Thị Bẹt. Lúc đó tôi chẳng biết gì, sau này nhớ đến tên của trò Trần Thị Bẹt, tôi thắc mắc, không hiểu tại sao tên người ta là danh từ, thầy lại đổi thành động từ.
Gọi Huệ là Đặng Huệ nghe êm đềm lắm, gọi Huệ chỉ đơn thuần là Huệ, nghe cô đơn quá. Còn nếu gọi Huệ là Thị Huệ, thì lại nhớ đến oan tình của Thị Kính. Vậy mà mấy năm trước ở Việt Nam có một sư lại chịu đựng một oan tình, và cũng không giải thích khi bị người đời dèm pha. Khi cơ duyên đến thì người ta mới rõ. Sư còn rất trẻ và đã tốt nghiệp đại học, nhưng không ra làm quan lại chọn con đường tu hành. Có hai cô cậu còn đang học đại học lại hạ sanh ra một em bé, không thể nuôi nổi em bé. Một buổi tối hai cô cậu mang em bé đến chùa, chọc cho em bé khóc lên, đặt em bé ngay cửa chùa, rồi tìm chổ nấp. Chờ đến khi thấy nhà sư ra ẳm em bé lên, hai cô cậu yên tâm trở về Sài Gòn tiếp tục học hành. Sau khi đổ đạt hai cô cậu tìm lại chùa nhận lại em bé. Sư không trách móc chỉ yêu cầu hai cô cậu về tổ chức hôn lễ và thỉnh thoảng dẩn em bé đến thăm sư.
Nguyễn Hoàng Hưng
Tuồng Quan Âm thị Kính (ảnh minh họa)
Chào Hoàng Hưng,
Chỗ xóm tui đang ở, cô bác có thói quen gom tên vợ chồng kêu một lượt. Họ nói như vậy chắc ăn không nhầm lẫn.
Như tên tui khó mà trùng, nhưng họ vẫn kêu Lúa-Lụa khi nói với nhau mà không có mặt mình.
Đọc bài của ông bạn già, khoái quá ! Lý luận thật chặt chẽ, thêm phần bình lựng của bạn già Một Lúa cũng rất vui. Thôi bình lựng như vậy là đủ, giờ thì tui thấy hay và đẹp nhất là ảnh minh họa, kể cả sư bồng con cũng đẹp
NT cám ơn anh Hoàng Hưng nhiều nhiều thôi khuya rồi , đi ngủ đây. hi hi. Mai NT được nghỉ lễ President Day tuyệt quá !
Hôm trước PM tui có đọc một bài của Phạm Hồng Phước, chỉ cái tựa thôi mà sáng hôm đó uống ly cà phê quên bỏ đường vẫn thấy ngọt lịm. Hôm nay đọc bài của anh H.Hưng lại thấp thoáng thấy tên mình(không biết có phải mình không vì ông HH bổng dưng cho PM đó 2cái nhà bự chãng) Kệ! dù phải hay không thì mình cũng cứ làm bộ ngộ nhận để tủm tỉm cười hoài, ai biểu PM tui là phụ nữ chi, dù biết tỏng là người ta nịnh mà cứ cố thiệt thà tin như thật! Anh HH nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé!
À ! thì lại thêm một ly cà phê không bỏ đường.
Viết tới đây tui mới chợt nhớ, vậy thì với các ông anh bà chị bị bệnh tiểu đường, chúng ta nên dùng phương pháp của HHg là tuyệt.
Bình lựng của ông LM quá đúng. Uống cà phê đen không bỏ đường, thì làm gì tiểu đường. Chứ thử uống bia xem ! mà nầy, ở Tam Bình thì được, chứ ở Thành phố thì không có ai tiểu đường đâu nhé !
Ông Lương Minh ơi, nghe bác sĩ nói, đường Splenda không phải là đường hóa học, đó là đường tinh chế lại từ đường thật, những người bị bệnh tiểu đường có thể dùng được.
Xin “ca ngợi” thêm một chút về nhà văn Chu Tấn, ông “xếp” là nhà văn thì chắc là có khác với những ông xếp thường, một hôm tôi đến gặp xếp Chu Tấn, xếp nói, mấy ngày nay cậu lặn mất tiêu, hôm nay trở lại để mượn tiền còn xin nghỉ thêm. Tôi thưa với xếp, tại có người bạn gái từ Sài Gòn xuống thăm. Chắc thời tuổi trẻ của xếp cũng “tung hoành” lắm, nên xếp cũng thông cảm, bạn gái tới thì quên hết mọi việc, trời đất còn bỏ bơ vơ mà, nghỉ vài ngày nhằm nhò gì. Xếp nói, đến gặp cô Ánh mượn hai ngàn thôi nhé, hôm trước cậu nào ăn cắp sổ nợ của cô Ánh, tự giác trả nợ đi nhé. Nhớ mỗi tháng cậu trả nợ ít nhất là năm trăm nhé. Tôi định mượn một ngàn, xếp ra giá tới hai ngàn. Tôi đến chị Ánh mượn tiền, chị Ánh trách, em đi mất tiêu, không điện thoại cho chị biết làm sao chị biết đường báo cáo. Thời tuổi trẻ ngông cuồng mà, nghỉ mà còn gọi điện thoại cho biết, tức là xin phép rồi, mình muốn nghỉ thì nghỉ, “khoái” hơn.