Những Khoảnh khắc đổi đời (Kỳ 3)

Ngày đăng: 31/07/2013 06:18:32 Sáng/ ý kiến phản hồi (7)

Người viết không có chuyên môn về luật học để hoàn tất trơn tru như ý hoặc “thay đổi càn khôn” trong phần 3 của tập truyện ngắn Những khoảnh khắc đổi đời. Tuy hoàn toàn hư cấu, nhưng nhìn lại bố cục phác thảo của câu chuyện, Một Lúa không khỏi bùi ngùi thương cảm cho ông Tư Thịnh. Vì mình không có cách nào để lấy lại công đạo “Những gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar”. Ngay cả Luật sư Đào Hữu Dưỡng, luật sư của bên nguyên cáo Lê Văn Thịnh (Tư Thịnh) kiện bà chủ Tổng đại lý phân phối vé số kiến thiết Tỉnh, kinh doanh dưới thương hiệu Sáu Số, cũng đành thúc thủ. Ông đã mượn câu nói lịch sử xưa cũ đó để kết thúc bài diễn văn cảm động trước buổi nghị án quyết định cuộc tranh tụng quyết liệt “Tấm vé số độc đắc của ai” tại phiên Tòa Sơ thẩm Tỉnh  ngày 21 tháng 6 năm 1965, giữa hai luật sư danh tiếng đến từ Sài Gòn, trong đó có một vị đang là luật sư cố vấn cho một cơ quan trung ương cao ngất.

                                                         Ảnh Minh họa trên internet

 

  Sơ lược phần đầu câu chuyện. Trong khi ông Lê Văn Thịnh vừa lên xe cảnh sát về phòng Tư pháp, thằng Vượng mếu máo sãi bước từ căn phố có tấm bảng hiệu Sáu Số, nhảy lên xe lôi máy chỗ bến rước khách trước cửa Huệ Hòa, gấp rút về cho má nó hay tin. Xe vừa ngang ngôi trường mà nó bỏ học ngày hôm nay, nó chợt nhớ có thằng bạn thân là con một luật sư nổi tiếng mà nó thường đến nhà chơi và phụ giúp công việc lặt vặt  trong căn biệt thự đó. Xe vừa qua phòng làm căn cước cũng nằm trên đường Tống Phước Hiệp một khoảng ngắn, nó kêu xe ngừng lại. Bác xe lôi tưởng thằng học trò không có tiền, nhưng thấy nó móc tiền ra cầm trên tay mà mắt đầm đìa ngấn lệ, bác ta ngạc nhiên hỏi:

        – Cháu có chuyện gì vậy?

        – Ba cháu mới bị cảnh sát bắt, họ nói ba cháu đem vé số giả đổi nên họ bắt rồi. Cháu chợt nhớ có quen ông luật sư gần đây nên ghé hỏi thăm ổng.

        – Thôi cháu khỏi trả tiền, mới chạy có chút xíu mà tiền bạc gì, ông luật sư ở đâu, lên xe chú chạy tới đó.

        – Tới rồi chú ơi, nhà ổng ở đường Lý Thường Kiệt trong kia kìa, cháu xẹt ngang con đường nhỏ nầy là gặp nhà ổng liền.

        –  Ráng năn nỉ ông luật sư nghe cháu.


Thằng Vượng đứng chờ không lâu thì chị thơ ký nghe chuông ra mở cổng:

        – Ủa cậu Vượng, còn cậu Ba Đức đâu, giờ nầy 2 cậu tan học chưa mà cậu không có tập vở gì hết vậy. 

        – Bữa nay em nghĩ, nhà em có chuyện, em muốn gặp ông luật sư được không chị.

        – Sao mà không được, cậu hên lắm, sáng mai thì ông chủ trở lên Sài Gòn lo vụ kiện mới trong tuần tới.

  

        Luật sư Đào Hữu Dưỡng là hội viên của luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ những năm đầu 1960. Ông là một trong những luật sư chống lại một vài điều khoản trong bộ Luật Gia đình do bà NĐN. là người bảo trợ bộ luật đó (luật áp dụng về hôn nhân, về quyền hạn và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, các điều khoản về con nuôi, về quyền thừa kế, nhất là các điều khoản hạn chế ly dị, cấm ngoại tình, cấm phá thai, và v…v…). Kết quả là vị luật sư nầy bị Luật sư đoàn ra thông cáo cấm cửa hoạt động ở Sài Gòn, mà chỉ được phép hoạt động từ bắc Mỹ Thuận trở xuống. Sau cuộc đảo chánh 1963, thì luật sư đoàn phục hồi danh vị cho ông. Nhưng ông chưa muốn rời bỏ Vĩnh Long vì vợ con ông thích chỗ nầy, nên hiện tại ông có hai văn phòng ở hai nơi xa lắc. 

        Luật sư Dưỡng trực tiếp ghi lời tường thuật sự kiện của thằng Vượng, đó là một điều ít thấy của ông. Sau khi hỏi tới lui thật kỷ, ông ta nói sẽ đình chuyến đi về Sài Gòn sáng mai, từ đây đến cuối tuần ông lo vụ ba thằng Vượng. Ông còn hứa không tính thù lao gia đình thằng Vượng một cắc. Ông còn kêu tài xế lái chiếc Peugoet 404 màu trắng sữa của ông, đưa thằng Vượng về Long Thanh tối hôm đó.

Sáng thứ Năm, Luật sư Dưỡng đi thẳng qua Văn phòng Công tố làm các thủ tục để xem tờ vé số của ông Tư Thịnh còn đang là vật chứng ở ban Tư pháp. Sau khi được xem xét vật chứng và lời khai hai bên từ phía cảnh sát.  Luật sư Dưỡng tức tốc làm hai tờ trình, một tờ gởi phía cảnh sát Tư pháp, một tờ gởi cho Văn phòng Công tố. Đai ý tờ phúc trình như thế nầy: 

“Chúng tôi, luật sư Đào Hữu Dưỡng, sau khi xem tờ vé số của bên nguyên cáo Sáu Số đưa ra làm bằng chứng trong đơn kiện ông Lê Văn Thịnh ngày thứ Tư 10-3-1965. 
Chúng tôi nhận xét: Vật chứng là một tờ vé số phát hành thật nhưng được sửa một con số ở hàng thứ năm từ bên trái đếm qua, cho khớp với kết quả lô trúng độc đắc xổ ngày thứ Ba 9-3-1965. Mắt người thường cũng có thể nhận ra ngay dấu cạo gôm mòn giấy và dùng mực màu viết chồng lên bằng số mới rất thô sơ và không trùng màu mực nguyên thủy. 
Câu hỏi chúng tôi đặt ra là:  Người chuyên nghiệp nhiều năm kinh nghiệm như viên trưởng quầy của Tổng đại lý Sáu Số, không thể dể dàng sơ sót để quyết định làm ra biên nhận hẹn ông Lê Văn Thịnh từ 9 giờ 45 phút sáng đến 2 giờ chiều  ngày 10-3-1965, trở lại lãnh số tiền 950.000 đồng trúng giải, sau khi trừ 5% huê hồng như thỏa thuận. 
Chúng tôi lưu ý quý giới chức: Trong buổi chiều 10-3-1965, ông Lê Văn Thịnh công nhận vật chứng đó là của ông, trước mặt viên cảnh sát là có hai lý do:

1- Thị lực của ông Lê Văn Thịnh chỉ có 75%.

2- Trong lúc nhất thời và mất bình tỉnh, ông Lê Văn Thịnh không thể nhìn ra sự khác biệt vì không có mẫu đúng để so sánh. 

Đính kèm là một giấy photo copy chứng nhận y khoa của ông Lê Văn Thịnh, và một photo copy biên nhận có con dấu và các chữ ký của Tổng đại lý Sáu Số.

Chúng tôi trân trọng yêu cầu quý vị thẩm quyền cứu xét không truy tố và phóng thích thân chủ chúng tôi là ông Lê Văn  Thịnh”

 

        Trong lúc Luật sư  Đào Hữu Dưỡng bận bịu lo cho vụ án ở Sài Gòn thì nhận được điện thoại từ cô thư ký ở Vĩnh Long, báo cáo là ông Lê Văn Thịnh đươc miễn tố. Chưa xong vụ án ở Sài Gòn, thì một ngày nọ Luật sư Dưỡng về Vĩnh Long và cho mời cha con ông Tư Thịnh đến văn  phòng. Ông đề nghị với ông Tư Thịnh kiện bà chủ Sáu Số can tội chiếm đoạt tài sản.

        – Gia đình chúng tôi đội ơn ông không hết, nhờ ông đem được tôi ra mà vợ tôi khỏe lại mấy hôm nay, đó là tài sản vô giá của chúng tôi. Xin lỗi ông, tôi chịu thua cho yên chuyện.

        – Tôi quý ông và thương cháu Vượng nên đề nghị như thế vì biết phần thắng của mình rất cao, chớ không nhắm vào tiền của ông, như tôi đã hứa với cháu Vượng.

        Lối xóm và bà con trong quê của ông Tư Thịnh hay chuyện ông trúng số độc đắc mà suýt ở tù nên thường xuyên rần rần kéo đến. Bây giờ nghe thằng Vượng nói việc ông luật sư lãnh việc đứng ra kiện dùm không nhận thù lao nên họ phùng mang trợn mắt cự ông Thịnh chưa chi đã đầu hàng.

        – Tiền của chú bị người ta gạt lấy trắng trợn, mình kiện lấy lại, để dễ dàng cho họ ăn sao. Một triệu bạc chớ ít ỏi gì đâu mà bỏ chú Tư. Kỳ nầy mình trúng ăn hụt huề, sợ gì mà chịu thua non họ.

        – Dù không trả tiền luật sư nhưng thua kiện không ở tù thì cũng phải mất tiền tòa, vé số đã bị người ta cướp đi mà còn thêm mang tật. Tao bây giờ nợ ngập đầu, tiền đâu mà đi lui đi tới hầu tòa, ai lo việc ruộng vườn nhà cửa. Ông nội thằng Vượng hồi còn sống cứ nói hoài “Đặng kiện như sọ trâu khô, thất kiện như mồ ma chết”. Vả lại tao nợ Luật sư Dưỡng quá nhiều, đừng phiền ông ta nữa.

        – Lấy tấm vé số về thì mặc sức cho chú trả ơn.

        – Tới bữa nay thì họ chia tam chia tứ hết rồi, còn đâu mà lấy.  

       Nhưng bà con trong quê Ngã Cạy và lối xóm nầy chờ lúc ông Tư Thịnh ra đồng, họ đang to nhỏ với thằng Vượng chuyện gì hình như quan trọng lắm.

(Cốt truyện, tên nhân vật, địa danh hoàn toàn là sản phẩm tưởng tượng)

Một Lúa

 

Có 7 bình luận về Những Khoảnh khắc đổi đời (Kỳ 3)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Sáng nay, lên máy thấy bài viết của ông bạn già, dù hôm qua hơi mệt, nhưng cũng ráng đọc cho hết, chuyện hấp dẫn lắm. Ông bạn già của tui hay thiệt, chi tiết về tên đường, tên người ở Vĩnh Long y như thật .

  2. Nguyễntuyết nói:

    Anh Một Lúa ơi , câu chuyện đang hồi gay cấn ,  và có Luật sư nhúng tay vào  , NT cầu nguyện và hy vọng là câu chuyện có hậu  ở tập tiếp theo , để không hổ danh  ông  ông luật sư  có đạo đức  ,sẳn sàng giúp đở mà không cần bàn đến thù lao…Ở đây mà tìm 1 luật sư có đạo đức sẳn sàng giúp người miển phí  khó lắm anh ơi , chắc phải đốt đuốc đi tìm… giống như mò kim đáy biển vậy đó  ! nhưng hy vọng ông  Thịnh đừng bẻ chiả khi muốn đòi công lý …mà cứ sợ và cứ lo , không tin vào cán cân công lý là cũng đôi khi có thật đó mà  !

  3. Một Lúa nói:

    Chào Nguyễn Tuyết và Văn Lần,

    Hồi hôm (chỗ tui), có người anh bà con từng là ký giả một nhật báo ở Sài Gòn trước 75, gọi điện thoại.

    -Ê thằng nhỏ, mầy viết chiện giả hay là chiện thiệt vậy nhỏ.

    Tui cười khì khì không trả lời, ngồi ngẫm nghĩ câu hỏi của anh. Hình như đây cũng là một trong những an ủi mà trong gần 2 năm viết chiện ngắn, tui thu hoạch được.

    Chân thành cám ơn các bạn đọc, anh M, anh Lần và Nguyễn Tuyết.

    Một Lúa

  4. Lưu Phương nói:

    Một Lúa thân,  Chuyện không thật mà Một Lúa viết y như thật. Chúc mừng thành công nầy của em. Trong truyện của em chị bắt gặp nhiều địa danh mà lâu lắm rồi chị không được nghe ai nhắc đến. LP

    • Một Lúa rưỡi nói:

      Chào chị Lưu Phương,

      Cám ơn lời bình luận của chị. Em rất cần học hỏi những bậc đi trước và những tân tiến của những người trẻ gần đây. Rất cám ơn những email của chị.

      Một Lúa

  5.          Anh Một Lúa, đã xem truyện chưỡng của Kim Dung, cốt chuyện ông nghĩ ra, nhân vật thật có, giả có, ông viết dựa vào bối cảnh lịch sử và địa danh thì có thật , chuyện nào của ông cũng được đọc giả đọc một cách say mê .   Truyện ngắn của anh cũng rất là hấp dẫn, dùng địa danh quen thuộc, nội dung cốt chuyện, bối cảnh ở tỉnh nhà làm cho bạn đọc cảm thấy gần gủi như kể một câu chuyện có thật . 

    • Một Lúa nói:

      Chào Võ Châu Phương,

      Trong một số bài viết của ML cũng có vài bài dựa trên sự thật. Đôi khi mình cũng tiểu thuyết hóa sự kiện hoặc thực tế hóa tiểu thuyết. Khó khăn nhất của mình là không thể nhốt không gian trong một khoảng thời gian nhất định. Lý do là sự hạn chế trong yếu tố trãi nghiệm đời và sự hiểu biết về chuyên môn cần thiết. Chỉ biết cố gắng.

      Rất cám ơn sự quan tâm của Võ Châu Phương.

      Một Lúa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác